Bê bối túi nâng ngực PIP: Quýt làm cam chịu

Thứ Năm, 09/02/2017, 07:14
Vụ bê bối túi nâng ngực bằng silicon tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận và giới chuyên môn sau phán quyết của Tòa án thành phố Toulon, miền Nam nước Pháp.


Bởi theo phán quyết của tòa, TUV Rheinland (tổ chức quốc tế chứng nhận độc lập kiểm soát về kỹ thuật và an toàn tại Đức) phải bồi thường 60 triệu euro cho 20.000 phụ nữ từng được cấy ghép ngực bằng silicon bị lỗi mà tổ chức này đã cấp phép sản xuất trước đó.

Mặc dù Công ty Poly Implant Prothese (PIP) của Pháp sản xuất những miếng cấy ghép ngực bằng silicon, nhưng TUV Rheinland phải bồi thường tạm thời 3.000 euro cho mỗi nguyên đơn từng sử dụng sản phẩm này. TUV Rheinland là cơ quan chứng nhận sản phẩm của PIP, nên họ bị Tòa án thành phố Toulon đưa ra phán quyết hồi hạ tuần tháng 1.

Nhiều phụ nữ quyết định loại bỏ túi độn ngực PIP.

Ngay sau phán quyết của tòa, đại diện pháp lý của TUV Rheinland, luật sư Cecile Derycke tuyên bố, tổ chức này sẽ kháng cáo. "Tòa vẫn chưa xem xét những lập luận trong hồ sơ của PIP rằng, TUV Rheinland đã làm tròn sứ mệnh của cơ quan chứng nhận độc lập", luật sư Cecile Derycke tuyên bố.

Trong khi đó, luật sư Laurent Gaudon và luật sư Olivier Aumaitre, đại diện quyền lợi cho 20.000 phụ nữ từng được cấy ghép ngực bằng silicon bị lỗi, đã ngợi ca quyết định của Tòa án thành phố Toulon và coi đây là hình phạt thích đáng đối với "sai sót đáng trách của TUV Rheinland".

Đồng thời cho biết, khoản tiền bồi thường cuối cùng sẽ được quyết định sau quá trình đánh giá, nhưng trước mắt TUV Rheinland phải có trách nhiệm bồi thường 3.000 euro/người. Bởi theo kết quả điều tra, các sản phẩm của PIP không đạt chuẩn, trong đó sản phẩm gel silicon công nghiệp (dạng lỏng) rẻ hơn 7 lần so với gel silicone y tế.

Các công tố viên cho rằng, TUV Rheinland phải chịu liên đới trong việc PIP tráo vật liệu đặc biệt bằng loại silicone công nghiệp rẻ tiền khi sản xuất miếng cấy ngực.

Đây không phải lần đầu tiên Tòa án thành phố Toulon đưa ra phán quyết đối với TUV Rheinland. Bởi trong năm 2013, Tòa án thành phố Toulon từng yêu cầu TUV Rheinland phải bồi thường 53 triệu euro cho 6 nhà phân phối nước ngoài, và 1.600 người sử dụng sản phẩm của PIP.

Nhưng tòa phúc thẩm sau đó (năm 2015 ở tòa Aix-en-Provence) đã bác bỏ quyết định của Tòa án thành phố Toulon, khi cho rằng TUV Rheinland đã làm tròn bổn phận của cơ quan thẩm định và không phải chịu trách nhiệm khi không phát hiện ra những sai sót mà PIP che giấu. Theo thống kê, khoảng 300.000 phụ nữ tại 65 quốc gia, hầu hết ở Mỹ Latinh, được cho đã cấy ghép ngực bằng silicon bị lỗi và vụ bê bối của PIP từng gây chấn động dư luận.

Silicon của PIP gây hại cho người sử dụng.

Về phần mình, người đứng đầu PIP Jean-Claude Mas đã bị kết án 4 năm tù giam, cùng khoản phạt 75.000 euro và không được phép hoạt động trong lĩnh vực y tế hoặc kinh doanh. Tuy khung hình phạt kể trên được giữ nguyên tại tòa phúc thẩm, nhưng ông Jean-Claude Mas tiếp tục phủ nhận mọi cáo buộc và tiếp tục đệ đơn kháng cáo lên tòa án tối cao.

Hơn 5 năm trước (25-1-2012), ông Jean-Claude Mas bị cảnh sát bắt tại nhà riêng sau khi PIP phải đóng cửa hồi tháng 3-2010 vì bị phát hiện sử dụng silicon không đạt tiêu chuẩn y tế. Vì không có khả năng thanh toán các khoản tiền bảo lãnh tại ngoại nên ông Jean-Claude Mas bị giam tại nhà tù Baumette ở thành phố Marseille, Pháp.

Sau khi bị bắt do sản xuất túi nâng ngực không đảm bảo an toàn, có thể gây ung thư, ông Jean-Claude Mas đã được một thẩm phán Pháp yêu cầu (30-10-2012) trả tự do. Nhưng sau đó, luật sư của ông Jean-Claude Mas là ông Yves Haddad cho biết, thân chủ vẫn bị "quản thúc theo yêu cầu của tòa án". Bởi trước đó, ông Jean-Claude Mas bị tòa buộc tội gây thương tích không cố ý.

Được biết, PIP đã xuất khẩu 80% tổng số silicon của công ty này trước khi bê bối bị phanh phui. Và trước khi vụ bê bối bị phát giác, PIP là công ty sản xuất túi ngực đứng thứ ba thế giới.

Vụ bê bối xung quanh miếng nâng ngực của PIP lần đầu tiên bị phanh phui vào năm 2010, khi giới bác sĩ ghi nhận số ca bị "thủng" túi bơm ngực đột ngột gia tăng. Silicon nâng ngực của PIP có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nếu miếng nâng bị vỡ và phun ra ngoài.

Năm 2012, một báo cáo ở Anh cho biết, khi dùng silicon của PIP để nâng ngực thì tỉ lệ miếng silicon bị vỡ cao gấp đôi so với các loại silicon khác. Gần 5 năm trước (tháng 6-2012), giới chức y tế Pháp từng cho biết, khoảng 8.000 phụ nữ phải phẫu thuật để gỡ bỏ túi độn ngực silicon kém chất lượng do PIP sản xuất.

Trước đó, Chính phủ Pháp đã khuyến cáo tất cả phụ nữ nước này nên tháo bỏ túi độn ngực trước khi nó vỡ và chất silicon công nghiệp thẩm thấu vào cơ thể gây ung thư. Giới chức y tế Pháp từng yêu cầu 30.000 phụ nữ đã cấy silicon vào ngực phải nhanh chóng phẫu thuật tháo bỏ sau khi xuất hiện nhiều trường hợp mắc ung thư vì độn ngực.

Thiện Lân
.
.
.