Bé trai 4 tuổi hiến giác mạc: Con sẽ vẫn nhìn thấy cuộc đời

Thứ Hai, 14/01/2019, 10:00
Sinh ra đã là một cậu bé tự kỷ, nhưng bé Mai - Reon có đôi mắt biết nói, luôn mỉm cười thân thiện với người xung quanh. Thế nhưng ngày sinh nhật lần thứ 4 lại chính là ngày bé gặp nạn, bé đã vĩnh viên ra đi. Vốn là cậu bé giàu nghị lực, ba mẹ em quyết định hiến giác mạc cho y học, đem lại ánh sáng cho người khác.


Ngày sinh nhật định mệnh

Bé Mai - Reon được bố mẹ sinh ra ở Nhật. Từ khi cất tiếng khóc chào đời bé đã chịu nhiều thiệt thòi, không được như chúng bạn. Bé Reon mắc chứng tự kỷ và không biết nói. Vì cuốn theo công việc, lo lắng con sẽ chịu cô đơn khi bố mẹ không thường xuyên bên cạnh, bé Reon được gửi về Phú Thọ ở với ông bà ngoại. Thế nhưng, đúng vào ngày sinh nhật tròn 4 tuổi, khi cả gia đình nội ngoại đang chuẩn bị sinh nhật thì tai nạn bất ngờ ập đến, Reon không may sẩy chân ngã từ tầng 2 xuống đất.

Bé Mai - Reon dù mắc chứng tự kỷ nhưng là đứa trẻ rất tình cảm.

Chị Lan Anh (bác ruột của bé) đau đớn kể lại: "Lúc đó mọi người vẫn đang hí húi chuẩn bị sinh nhật cho Reon, thì bất ngờ phát hiện bé rơi từ tầng 2 xuống. Lúc bị ngã bé vẫn tỉnh áo, khóc rất nhiều nhưng không thấy máu chảy ra ngoài. Lúc đưa bé lên bệnh viện, thấy có nhiều người lạ bé còn sợ hãi đòi ôm lấy cổ bác. Sau khi chụp chiếu, các bác sĩ kết luận cháu bị xuất huyết não có tiên lượng rất xấu, khó lòng qua khỏi. Hôm đó cả nhà đang chuẩn bị tổ chức sinh nhật cho con, còn chưa kịp cắt bánh, thổi nến".

Chị Chu Bích Phượng (35 tuổi, mẹ bé Mai - Reon) kể về bé mà không cầm được nước mắt. Chị Phượng vừa lau nước mắt vừa kể về chàng chiến binh của mình: "Reon là con đầu lòng của vợ chồng tôi. Chúng tôi quyết định đặt tên bé là Reon, nghĩa của tiếng Nhật là "chuông ngân vang", tức là niềm hy vọng của bố mẹ.

Năm 1 tuổi, thấy bé vận động kém nên chúng tôi đã cho đi khám thì biết cháu chậm phát triển". Đến năm 3 tuổi, bố mẹ lại tiếp tục cho Reon đi khám thì được bác sĩ chẩn đoán bị tự kỷ rối loạn phổ tự kỷ tăng động. Reon ít cười, ít hóng chuyện với mọi người nhưng khi bố mẹ sinh em bé thì Reon cười nhiều và thích chơi với em.

Bước sang tuổi thứ 4, Reon vẫn không biết nói nhưng đôi mắt của bé rất sáng khiến bạn bè và thầy cô quý mến. Ở trường bé thường chơi một mình, nhưng được hỏi đến Reon thường nở nụ cười hồn nhiên và rất đáng yêu.

"Mấy tháng gần đây vợ chồng tôi quá bận với lịch làm việc nên gửi bé về với ông bà ngoại chăm sóc để bé luôn có người thân ở bên, được giao tiếp hàng ngày. Khoảng thời gian ở cùng bà ngoại và các bác, bé đã có tiến triển rất khả quan. Ai ngờ!" - Chị Phượng kể.

Đúng ngày sinh nhật vợ chồng chị Phượng nhận được tin dữ từ Việt Nam. Anh Nguyễn Mạnh Minh Toàn (bố bé Reon) đang trong ca làm việc thì nhận được điện thoại báo là bé bị sốt xuất huyết, cần ba mẹ về truyền máu. Hai vợ chồng nhanh chóng sắp xếp công việc, nhưng cũng không quên vào siêu thị mua đồ hơi mà con thích đem về làm quà.

Về đến bệnh viện, ba mẹ vào xoa đầu con, thì mới biết con đã chết não… "Lúc đó tôi thấy mình như mất tất cả, thương con vô cùng. Tôi muốn đi theo con, để chăm sóc, lo cho con. Sau đó được mọi người động viên, trấn tĩnh lại tôi mới chấp nhận sự thật, con đã mất"- Chị Phượng nghẹn ngào.

Tạm biệt thiên thần của mẹ

Trong giây phút đau đớn đến tột cùng, vợ chồng chị Phượng vẫn muốn sự ra đi của con mình không vô nghĩa. Anh chị quyết định sẽ hiến tặng giác mạc của bé Mai - Reon cho những người không nhìn thấy ánh sáng.

Trên trang facebook cá nhân của mình anh Toàn đau đớn viết: "Cháu đã không còn khả năng duy trì sự sống. Hiện chỉ còn duy trì lay lắt bằng máy thở. Nguyện vọng của bố mẹ cháu là hiến giác mạc của cháu cho ai cần. Mong mọi người ai biết ai cần, hoặc bệnh viện nào cần thì cho em xin liên lạc. Em xin cảm ơn".

Phút giây hạnh phúc bên cha mẹ.

Khi tiếp nhận thông tin, ông Nguyễn Hữu Hoàng - Giám đốc Ngân hàng mắt, Bệnh viện mắt Trung ương đã ngay lập tức lên Phú Thọ. Ông Hoàng chia sẻ: "Bé Mai - Reon là trường hợp nhỏ tuổi nhất hiến giác mạc sau khi qua đời. Nghĩa cử cao đẹp của bố mẹ cháu đã giúp cho 2 người khiếm thị được nhìn thấy ánh sáng của cuộc đời".

Trước khi để bác sĩ thực hiện các thao tác lấy giác mạc của con trai mình, chị Phượng đã hôn lên trán con và nói lời từ biệt: "Chiến binh dũng cảm của mẹ. Con giỏi và kiên cường lắm. Giờ hãy tặng lại giác mạc để giúp những người khác tìm lại ánh sáng con nhé. Con không chỉ là thiên thần của mẹ và có thể với một ai đó khác con cũng là thiên thần vì đã mang đến ánh sáng cho họ. Mẹ rất hãnh diện vì con. Cảm ơn con vì đã chọn mẹ làm mẹ của con".

Chị Phượng tâm sự rằng, vì con còn quá nhỏ nên chỉ có thể hiến giác mạc cho y học chứ nếu có thể vợ chồng chị sẽ đồng ý hiến những bộ phận khác của con để cứu được nhiều người hơn. Chị bảo: "Con mất đi rồi đã là một sự đau đớn không gì tả nổi. Nhưng cứ nghĩ tới việc đôi mắt con vẫn có thể nhìn cuộc sống vợ chồng tôi được an ủi rất nhiều".

Chị Phượng nói lời cuối cùng trước khi con hiến giác mạc.

Vợ chồng chị Phượng mong rằng người được nhận đôi mắt của con sẽ là một người tốt, họ sẽ nhìn cuộc sống bằng ánh nhìn trong trẻo của con.

Ngay sau khi bé Mai - Reon hiến tặng giác mạc đã có 2 người đàn ông may mắn được nhận "đặc ân" này, một người 26 tuổi và một người 30 tuổi. Theo bác sĩ chia sẻ, chàng trai 26 tuổi, người nhận giác mạc của bé Mai - Reon có hoàn cảnh vô cùng đặc biệt, chị của anh này bị mắc bệnh trầm cảm, cô em gái lại bị câm điếc bẩm sinh.

Bản thân chàng trai này lại bị khiếm thị bẩm sinh nên tương lai trở nên vô vọng. Nay may mắn được nhận giác mạc, có cơ hội được nhìn thấy ánh sáng, chàng trai ấy sẽ là chỗ dựa cho cả một gia đình bất hạnh. Một người may mắn khác được nhận giác mạc của bé Mai - Reon là anh Lê Thanh Lương (tên nhân vật đã được thay đổi).

Tỉnh dậy sau cơn phẫu thuật anh Lương không giấu được sự xúc động. Anh bảo, ngay cả trong giấc mơ anh cũng không dám mơ mình sẽ có một ngày được nhìn thấy ánh sáng. "Điều đầu tiên khi được trở về nhà tôi muốn được ôm con vào lòng và nhìn ngắm thật kỹ khuôn mặt con. Tôi thực sự rất biết ơn người đã hiến tặng ánh sáng cho mình. Tôi mong có một ngày sẽ được đến nhà của họ để thắp nén hương tri ân. Nếu có thể tôi muốn coi gia đình họ là những người thân của mình" - anh Lương tâm sự.

Về phần bà ngoại bé Mai - Reon, dù rất đau đớn và ân hận về sự ra đi của cháu mình nhưng khi biết tin giác mạc của bé sẽ được hiến tặng những người không nhìn thấy ánh sáng bà cũng thấy được an ủi phần nào. Ngày sinh nhật nến và hoa đã chuẩn bị sẵn sàng nhưng không phải để Mai - Reon đón tuổi mới mà để tiễn bé về cõi vĩnh hằng. Sinh nhật là để những người thân chúc phúc và tặng quà, còn bé Mai - Reon lại tặng cho thế gian món quà ý nghĩa cuối cùng trước khi ra đi.

Hậu sự của bé Reon đã được lo xong nhưng chị Phượng vẫn muốn ở lại Việt Nam để thắp hương và làm cơm cúng cho con. Chị bảo, khi con còn sống, chị đã không dành được nhiều thời gian cho bé nên những ngày này, chị muốn tự tay nấu cơm cúng cho con để an ủi chính tâm mình.

Phong Anh
.
.
.