Bên kia có một cụ già

Thứ Sáu, 01/05/2020, 09:45
Khi cu Hiếu chào đời, làng mới rục rịch lên phố. Hơn chục năm sau, bến Thượng Vạn xưa kia, nơi ba làng chài cùng gối đầu vào ngã ba sông, nối lên ngã tư đường hương thôn chừng nửa cây số nay đã thành thị tứ. Trung tâm hành chính xã, trường học, chợ búa, trạm y tế quần tụ ở đây.


Nhà dân, cửa hàng, xưởng thợ... liền kề chồng tầng ngất ngưởng, hương vị phồn vinh, sắc màu phố thị nhộn nhịp tràn ra hết mặt đường. Dấu vết nông thôn tồn đọng ngay phía sau hắt tới phần làng còn lại - chuồng trại gia súc, gia cầm, những mảnh vườn nhỏ xen lẫn ao chuôm, đồng ruộng. 

Hai chục hộ trong ngõ ven sông Vĩnh Giang đều lưu giữ một chiếc thuyền nhỏ, tiện ích chẳng việc gì đáng kể, bơi thuyền giờ như một thú vui nhàn tản, như nỗi hoài nhớ Thượng Vạn, một làng chài lấm láp, tài hoa mà gan góc nổi danh vùng Thiên Bản mấy trăm năm. 

Gia đình Hiếu cũng có một chiếc thuyền. Hôm nay thứ bảy, cậu quyết định bỏ trận bóng đá đã hẹn với lũ bạn cùng lớp để bơi sang bên kia sông. Phòng cậu bên này trên tầng áp mái, cửa sổ, ban công đều rộng, nên khúc sông phía trước, mấy căn hộ ven bờ đối diện, luôn trong tầm mắt. 

Nhà văn Đỗ Văn Nhâm.
Căn hộ sau cây bàng sớm nay đã sang ngày thứ ba không hề mở cửa, khác mấy căn bên cạnh, cửa mở sáng chiều, khi người ta đi, về mỗi ngày. Đêm, ánh sáng duy nhất thấy được ở tầng trệt. 

Cô giúp việc người làng bên đã xin nghỉ, chăm sóc ông bố chồng hay đau yếu, nhân thể nhận gia công may mặc. Gia đình ấy khá giả, li nông hoàn toàn, đang định bỏ quê lên thành phố, kế sinh nhai khác, lối sống khác, thành ra dù vốn chỗ bà con, hàng xóm cận kề, lòng người ta đã xa xôi dần ra. Hôm qua họ đánh ôtô đi từ sớm, nghe bảo dự khánh thành một ngôi chùa lớn ở Hà Nam. 

Sáng nay, trong mười phút được bố cho phép lướt facebook mỗi ngày trên cái tivi lớn ở phòng khách, cậu thấy ảnh gia đình họ, bố mẹ con cái, phấp phới xanh đỏ tím vàng bên những đài tháp, núi non. 

Ngôi nhà hai tầng xinh xắn chẳng còn ai, ngoài bà giáo, Hiếu quyết định sang sông. Gọi là sông, dù mặt nước Vĩnh Giang bây giờ chỉ chừng ba chục thước, bé hơn ngày xưa. Ngày xưa từng có những đoàn quân, vốn nông phu kiêm chài lưới luyện binh trên đất đồng chiêm, một buổi mai nắng tràn gió lộng, đổ ra Vĩnh Giang, xuôi sông Đào, tụ hội dưới cờ chống giặc.

Hiếu nghe ông nội kể thế. Ông nội lính chiến Miền Đông, đại đội trưởng đặc công nước. Ông nội dạy bố Hiếu bơi lội chèo thuyền, đến lượt bố dạy Hiếu. Ông nội mất rồi. Bố làm ngoài thành phố, được buổi nghỉ vẫn bơi thuyền thả lưới, đôi khi hai bố con, cá tôm hôm được hôm không, hôm nào mẹ Hiếu cũng tủm tỉm cười. 

Ba chục thước nước, ba mươi lần khoát tay chèo là tới, Hiếu neo thuyền vào rễ cây bàng, bước lên. Cậu vừa gõ cửa vừa gọi. Tiếng máy cày, tiếng máy cưa từ xưởng mộc bên kia lũy tre khiến cậu không nghe được bất cứ động tĩnh nào trong nhà. Cậu lại gõ lại gọi. Bà ơi, cháu đây, cháu là thằng Hiếu... 

Rốt cuộc, sau một cơn ho khan, cửa lạch cạch một lát rồi cũng mở. Đúng, bà giáo Lam ở nhà một mình. "Cháu...ngồi...đi".- Bà giáo vịn xe đẩy vừa thở vừa nói. Hiếu "vâng ạ" nhưng cậu lại bước đến đứng sau tựa ghế, ái ngại nhìn quanh. Phòng khách chừng hai chục thước vuông, bài trí gọn và đẹp. Chủ nhà mới thay bức tranh lớn trên tường, là tranh chép, một mùa thu vàng nước Nga. 

"Cháu ngồi đi", bà giáo lại mời, Hiếu vẫn đứng sau ghế, rụt rè đặt tay lên đôi vai già nua. Thường cậu vẫn xoa bóp, đấm lưng cho bà nội mỗi ngày. Năm đôi ba lần, khi theo bà, lúc theo mẹ sang thăm hỏi, chúc Tết, thỉnh thoảng gặp trên đường, Hiếu vẫn quen nhìn một bà Lam khác, đỏ đắn, phúc hậu, nhanh nhẹn chứ không phải một bà lão nhợt nhạt, nhỏ bé trong ghế như bây giờ. 

Lại một lần khó thở, bà giáo ôm ngực, cơn ho không thành, vón cục trong cổ họng. Bà không sao đâu, bà giáo xua tay, chỉ là bị gió một chút thôi. Hiếu bước đến tủ thuốc, bà nội và bà Lam, hai đồng nghiệp cao tuổi cùng một bệnh, nên cậu biết việc gì cần làm. 

"Bà ăn sáng chưa ạ",- Cậu hỏi khi bà giáo đã uống thuốc, ngồi xuống ghế. "Bà không thấy đói. Với lại, cháu ạ, đắng mồm đắng miệng lắm, bà không muốn ăn".  "Vậy... không được".- Hiếu nói không mấy tự tin. Cậu chợt nhận ra, câu này cậu học từ bố, dù không chủ í. "Vậy... không nên, em ạ". "Vậy... không được em ạ". "Vậy... nên, em ạ". Đấy, bố thường nói như thế, khi bàn bạc việc gì đó với mẹ. 

Bà giáo lại vuốt ngực, lần này cơn ho đã nhẹ, mấy tiếng khô khan. Hiếu nhớ trong cặp sách cậu có 15 ngàn tiết kiệm từ tiền ăn sáng dồn lại trong tháng này. "Những khi bố mẹ phải đi làm sớm, để cậu cả tự lo bữa sáng dần đi, anh ạ",- mẹ bảo bố thế, vậy là Hiếu bớt lại mỗi bận vài ngàn. 

Chẳng hạn bánh mì không- pa- tê, bánh mì không sữa, bún cua thay vì bún chả, xôi trắng thay vì xôi đỗ. Năm đôi ba lần cả nhà "đi ăn tiệm cho biết" như bố nói, xong bữa, bà cùng bố con Hiếu ra xe trước, mẹ trả tiền. Thế đấy, nói chung, cậu nào đã biết tiêu tiền. Mười lăm ngàn mua được món ăn nào ngon miệng một cụ già không được khỏe, đang kêu đắng miệng lúc này? 

"Bà ơi, khẩu vị... là cháu muốn hỏi bà hay ăn món nào bữa sáng, để cháu đi mua. Cháu có tiền. Nhà cháu cũng còn nhiều thứ, bà ạ. Miến, bánh canh, mì tôm, cả thịt với trứng gà nữa, trứng gà tươi thì lành, bà nhỉ, mẹ cháu bảo thế. Bà chờ cháu một lát".- Hiếu nói một mạch, đầy hứng khởi. 

"Không cần đâu, cháu!".- Bà lão vịn ghế đứng dậy, ấp tay Hiếu vào lòng tay mình. "Cháu ngoan quá. Cháu bà giáo con cô giáo có khác. - Bà giáo Lam lại thở dài, lấy hơi vài bận như gắng gượng, lại cả đắn do nghĩ ngợi nữa mới nói tiếp - Ừ, cháu giúp bà vậy. 

Không phải sang chợ, không phải về nhà cháu. Tủ lạnh cũng nhiều thứ lắm, cháu nấu gì bà ăn nấy. Bếp ga hơi nặng tay, khó bật lắm đấy". Bà giáo giống bà nội, hay người già đều như thế không biết, nghĩ ngợi việc gì cũng lâu. Bếp ga còn mới, chả khó bật tí nào, tại tay bà giáo đã yếu. 

Cậu cũng hay vào bếp, dù sai với hỏng nhiều hơn. Bà nội bảo, Hiếu để bà làm cho. Mẹ nói với bà, mẹ để cháu học làm cho thành nết người. Hôm nay không có ai sửa sai, phải cẩn thận hơn đây, Hiếu tự nhủ. Lách cách, xì xèo một lúc cũng xong bữa sáng. 

Chiếc khay nhỏ có hai cái đĩa bé tẹo, một đựng nước mắm, một chứa muối tiêu thêm lát chanh mỏng cạnh tô miến bốc khói được đặt lên bàn. "Cháu mời bà ạ.- Cậu học trò lớp Sáu lúng túng diễn đạt, mặt đỏ bừng.- Bà nếm thử đi ạ. Cháu nấu có lẽ... rất nhạt. Là cháu nghe mẹ cháu bảo nên ăn nhạt. Với lại nấu nhạt dễ chữa, bà nhỉ". Bà giáo Lam nhấm chút nước canh, móm mém cười: "Vừa miệng, cháu ạ. Ngon lắm!". 

Lúc Hiếu mở cửa bước ra mới hay trời đang mưa, mưa bụi thôi nhưng kèm với gió nên se lạnh. Cây bàng dưới bến đã vào mùa rụng lá, lất phất bay xuống lòng thuyền. Lại ba mươi lần khoát tay chèo vượt ba chục thước nước trở về. Hiếu neo thuyền, dựng cao cổ áo, đẩy tay sâu hơn vào túi quần. 

Cái gì thế này. À, mảnh giấy báo gói xôi sáng, chẳng hiểu sao nằm co ro trong túi. Cậu vừa leo cầu thang vừa mở. Hóa ra một câu chuyện thiếu nhi Hiếu đã đọc, dù chỉ còn một trang, cậu vẫn nhớ hết. Nhớ nhất đoạn này, Thỏ Vàng đùa Thỏ Trắng: Tớ đi chết đây. Câu ấy y hệt một câu của bố. 

Bố Hiếu trước đi bộ đội biên phòng, rừng xanh núi đỏ, bà bảo thế, mắc bệnh sốt rét tưởng không qua khỏi. Ra viện, sốt rét lui binh, nhường lại chứng ù tai, cả năm không khỏi, thế là xuất ngũ. 

Bố yêu mẹ từ năm cuối phổ thông trung học. Một hôm bố dông thuyền xuống bến Tranh, đón mẹ ra sông. Giữa trưa nắng to, bố hỏi mẹ, cậu làm vợ tớ nhé. Mẹ vâng, bố nghe chẳng rõ, tưởng mẹ bảo không. Bố nhìn mẹ như muốn ăn tươi nuốt sống, là sau này Hiếu nghe mẹ kể thế. Tớ đi chết đây! Nói dứt câu, bố phóng xuống nước, ngược dòng ba cây số đường sông bơi tuốt về Thượng Vạn. Bố lên bến, mẹ cũng cặp bờ, vừa neo thuyền vừa khóc. Bố bấy giờ mới quay lại. 

Nửa tháng sau, đám rước dâu dựng lá dừa, cài họa tiết thành 25 chiếc thuyền rồng. Bây giờ đường nhựa rộng rãi thông xuống bến Tranh, không còn khách đò dọc nữa. Chiều tối hôm qua mẹ đưa bà nội đi thăm thông gia, nhân thể mừng đám cưới dưới đó, chốc sẽ ngược đường dọc bờ sông, về Thượng Vạn. Bố trực cơ quan, đi từ sáng sớm. 

Phố thị ngoài kia đang giờ nhộn nhịp. Ngõ nhà Hiếu chỉ lùi vào dăm bảy chục thước, nghe đã vắng hẳn. Cậu lau nhà, mở cửa thông gió, bật sẵn bình nước nóng. Xong xuôi, cậu lên gác. Bên kia sông mưa đã tạnh, ngoài xưởng mộc gần lũy tre, mấy hộ cạnh cây bàng vẫn vắng lặng. Cửa sổ phòng bà giáo Lam đã mở, sau kính, tấm rèm màu mận chín trổ một ô vuông ấm áp soi bóng xuống dòng Vĩnh Giang lấp loáng nắng.

Nhà văn Đỗ Văn Nhâm
.
.
.