"Bệnh" phong trào

Thứ Tư, 12/06/2019, 21:34
Học sinh nghỉ hè thì các phụ huynh nháo nhào đi tìm lớp dạy trẻ các kỹ năng. Trại hè thì nhiều vô kể. Trại hè thể thao thì bơi lội, bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ… Trại hè nghệ thuật thì dạy cho các con kỹ năng "đàn ca sáo nhị". Đông nhất là học piano.


Đôi khi có sự nhầm lẫn của phụ huynh. Cháu thích đá bóng thì lại cho đi học piano. Đứa thích học guitar thì lại cho học bóng rổ. Có cháu ngồi bổ ngón trên đàn piano như bổ củi. Chỉ mong cho nhanh hết giờ để thoát về đá bóng.

Về bóng rổ thì nhiều phụ huynh tin rằng đây là môn phát triển chiều cao tốt nhất cho trẻ nhỏ nên khá nô nức mang con đến ghi tên học tập. Ở các lớp bóng rổ, các cháu lại khá còi so với tuổi thật. Thậm chí có cháu 9 tuổi thì vóc người chỉ như 6 tuổi. Thưa các bậc phụ huynh yêu quý, ai cao sẽ được chọn vào đội bóng rổ chứ không phải vào đội bóng rổ thì sẽ cao.

Một số gia đình thấy con mình giỏi giang học hành chưa đủ, dứt khoát phải học piano. Thành ra đứa trẻ bị tập piano như nhồi vịt từ nhỏ tới lớn bất chấp nó có thích hay không. Khá nhiều cháu đã trưởng thành, chơi hàng trăm bản nhạc nổi tiếng lưu loát nhưng lại không thể biết bản nhạc này sử dụng hòa thanh thế nào, thậm chí không biết tên cả hợp âm.

Vậy mà trong gia đình dứt khoát phải có 1 cây piano. Họ thấy nó có gì đó sang chảnh. Một người bán đàn kể rằng, anh bán được hàng chục cây đàn piano cho một doanh nhân bất động sản. Sau tò mò hỏi vì sao một doanh nhân như anh lại đặt mua nhiều đàn piano? Doanh nhân đáp rằng, phải có cây đàn đặt sẵn trong phòng thì mới dễ bán căn hộ chứ. Đây cũng là một dạng bệnh hình thức. Bản chất cũng là một dạng phong trào.

Gần đây thì phong trào hot nhất là chạy Marathon. Không ai đuổi mà chạy. Ban đầu chỉ là chạy dai sức, sau khi cán mốc 42 km thì một số người nâng thành tích vượt quá cự li này hàng chục km. Tập chạy hay chạy theo giải mà thiếu cái ảnh selfie thì cũng mất vui. Có người bảo nếu không có cái điện thoại chụp ảnh thì phong trào Marathon sẽ thoái trào.

Minh họa Lê Tâm.

Ở ta có nhiều cuộc chạy vì một cái gì đó. "Cái gì đó" thì do bên truyền thông và tổ chức sự kiện nghĩ ra. Mỗi sự kiện này thường rất rôm rả quảng cáo trên truyền hình. Ngày thực hiện được chú ý từ khắp thành phố. Có khi tất cả các tỉnh thành hưởng ứng một cuộc chung. 

Trong sự kiện này bao giờ cũng có dàn thủ lĩnh ban ngành đoàn thể dẫn đầu. Tiếp theo là thanh niên, những người nổi tiếng, nghệ sĩ, hoa hậu… đoạn giữa là lực lượng vũ trang, cuối cùng là các các cụ câu lạc bộ Thái cực quyền…

Sau hiệu lệnh thì các cán bộ ban ngành đoàn thể sẽ chạy dẫn đầu như một thí dụ. Chạy một đoạn mấy chục mét thì họ sẽ tản ra để nhường đường chạy cho lớp sau. Một vài cán bộ sẽ đứng trả lời phóng viên truyền hình.

Tiếp sau là các hoa hậu, người nổi tiếng sẽ ngừng chạy để đứng trước ống kính máy quay, nói về sứ mệnh của họ đối với cuộc thi đầy ý nghĩa này. Chứng kiến những cuộc này chỉ thấy lực lượng vũ trang là thực sự chạy. Các nhánh khác chỉ chạy thí dụ.

Thể thao tất nhiên là tốt, nhưng là tốt với ai và mức độ bao nhiêu? Với mỗi cơ thể cũng cơ địa khác nhau thì nhu cầu tham gia và năng lực thực hiện cũng khác nhau. Chúng ta còn nhớ trường hợp Matt Campbell, 29 tuổi và một số runner quốc tế đã đột tử trên đường chạy. 

Một nghiên cứu năm 2009 tại một trung tâm nghiên cứu Trường Y Harvard về một nhóm 64 vận động viên chạy marathon (chạy 3 tháng, 4 ngày 1 tuần) đã phát hiện ra rằng chỉ có 11% giảm cân sau khi chạy. Một số vận động viên tăng cân và 78% giữ nguyên cân nặng.

Còn bạn. Bạn có thừa hơi làm mọi việc chỉ vì phong trào không?

Lê Tâm
.
.
.