Bệnh trầm cảm ở quốc gia hạnh phúc nhất thế giới

Thứ Sáu, 03/01/2020, 21:35
Nhiều chuyên gia lại cho rằng, hình ảnh Phần Lan được coi là một quốc gia hạnh phúc đang lấn lướt, khiến người ta ít để ý tới những thách thức trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần - đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi.


Năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp Phần Lan được xếp hạng là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Theo báo cáo do Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững Liên hiệp quốc công bố tháng 3-2019, các yếu tố đánh giá bao gồm tổng sản phẩm trong nước (GDP), hỗ trợ xã hội từ gia đình và bạn bè, lối sống lành mạnh, các quyền tự do lựa chọn trong cuộc sống của người dân, mức độ hào phóng, mức độ tham nhũng và cảm xúc hiện tại, bao gồm cả vui và buồn. 

Nhưng nhiều chuyên gia lại cho rằng, hình ảnh Phần Lan được coi là một quốc gia hạnh phúc đang lấn lướt, khiến người ta ít để ý tới những thách thức trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần - đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi. Một số người tin rằng điều đó thậm chí có thể khiến người Phần Lan ít có ý thức về căn bệnh và khó nhận ra các triệu chứng trầm cảm để từ đó tìm cách điều trị.

30% số ca tử vong ở những người trẻ tuổi là do tự tử

Phơi mình dưới ánh nắng mặt trời bên ngoài hàng hiên của quán cà phê trang trí theo phong cách đồ nội thất Bắc Âu, Tuukka Saarni là hình ảnh điển hình của một chàng trai trên áp phích quảng cáo về Phần Lan, quốc gia Bắc Âu với dân số 5,5 triệu người, là một đất nước giàu có với tỷ lệ thất nghiệp thấp. 

Với hệ thống phúc lợi lớn tốt, Phần Lan là nơi có nhiều thanh, thiếu niên như Tuukka lớn lên trong hạnh phúc và không hề có triệu chứng trầm cảm. Nhưng tỷ lệ tự tử ở nước này hiện vẫn cao hơn mức trung bình của châu Âu. Một phần ba số ca tử vong ở những người trong độ tuổi từ 15 đến 24 tuổi là do tự tử.

Theo bản phúc trình “Dưới bóng hạnh phúc” (In the Shadow of Happiness) phát hành năm 2018 do Hội đồng Bộ trưởng các nước Bắc Âu và Viện Nghiên cứu Hạnh phúc ở Copenhagen thực hiện, khoảng 16% phụ nữ Phần Lan từ 18 đến 23 tuổi và 11% nam giới trẻ thừa nhận mình đang phải "vật lộn" hay "chịu đựng" trong cuộc sống. 

Công trình nghiên cứu chuyên sâu mới nhất trên phạm vi toàn quốc về trầm cảm ở Phần Lan được thực hiện từ hồi năm 2011, nhưng tổ chức phi lợi nhuận Mieli (Sức khoẻ Tâm thần Phần Lan - Mental Health Finland) ước tính rằng khoảng 20% trong số những người dưới 30 tuổi đã từng trải qua các triệu chứng trầm cảm hồi năm 2018.

Với hệ thống phúc lợi lớn và tỷ lệ bất bình đẳng thấp, Phần Lan là nơi có nhiều thanh, thiếu niên như Tuukka lớn lên trong hạnh phúc và không hề có triệu chứng trầm cảm.

Một bản phúc trình của Trung tâm Bắc Âu về Phúc lợi và các vấn đề xã hội thực hiện năm 2017 nhấn mạnh mối liên hệ chặt chẽ giữa việc lạm dụng chất gây nghiện và tình trạng sức khỏe kém, trong đó ghi nhận rằng người Phần Lan uống rượu nhiều hơn các nước láng giềng Bắc Âu. 

Việc sử dụng ma túy ở nhóm tuổi từ 25-34 cũng gia tăng. Và trong khi tỷ lệ thất nghiệp toàn quốc thấp, thì tỷ lệ những người trẻ tuổi thất nghiệp lại cao lên một cách đáng kể. Cuối năm 2018, có đến 12,5% trong số những người từ 15-19 tuổi thất nghiệp, tỷ lệ cao nhất ở Bắc Âu và cao hơn mức trung bình của EU (11,5%). 

Dù cho Phần Lan luôn xếp hạng cao trên thế giới trong các cuộc điều tra về hạnh phúc, nhưng trên thực tế, tình trạng lạm dụng chất gây nghiện, trầm cảm và tự tử ở tuổi vị thành niên tại nước này cao hơn nhiều so với mức trung bình ở châu Âu. 

"Bạn gần như cảm thấy mình không có quyền trầm cảm khi sống ở một đất nước như Phần Lan, nơi có mức sống cao như thế này", Kirsi-Marja Moberg, một phụ nữ 34 tuổi, được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm khi còn là thiếu niên và cô đã phải vật lộn với căn bệnh trong suốt những năm ngoài 20 tuổi, nói. Theo các chuyên gia, việc coi Phần Lan là một quốc gia hạnh phúc nhất thế giới có thể gây tác động tiêu cực đến thanh, thiếu niên đang phải vật lộn với chứng trầm cảm.

"Ở Phần Lan... bạn cảm thấy như mọi thứ sẽ ổn cả, mặc dù thực tế không phải vậy", Jonne Juntura, bác sĩ tập sự 27 tuổi, từng bị trầm cảm sáu tháng trong thời gian học đại học, đồng ý với quan điểm trên. Anh chỉ ra rằng những vấn đề cá nhân và các khó khăn trong xã hội thường dẫn đến trầm cảm; và trầm cảm là căn bệnh có thể ảnh hưởng đến tất cả mọi người, bất kể tiêu chuẩn sống của họ là gì. 

"Mặc dù các số liệu thống kê cho thấy chúng tôi là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, nhưng điều đó không nói lên toàn bộ câu chuyện. Bởi trầm cảm là một căn bệnh và không phải lúc nào nó cũng liên quan đến hoàn cảnh sống. Thời điểm mà cá nhân tôi bị bệnh, mọi thứ trong cuộc sống của tôi đều ổn. Tôi thực sự yêu thích trường học. Tôi có những sở thích cá nhân thú vị. Tôi có một mối tình. Quả là chả có bất ổn gây sốc nào trong cuộc sống của tôi cả. Nhưng tôi vẫn cứ mắc bệnh đấy thôi", Jonne Juntura giải thích.

Việc coi Phần Lan là một quốc gia hạnh phúc nhất thế giới có thể gây tác động tiêu cực đến giới thanh, thiếu niên đang phải vật lộn với chứng trầm cảm.

Nhiều người Phần Lan trẻ tuổi đã từng trải qua trầm cảm

Hầu hết các chuyên gia sức khỏe tâm thần đều đồng ý rằng những điều cấm kị xung quanh trầm cảm và tâm trạng lo lắng đã bắt đầu bị dỡ bỏ ở Phần Lan, đặc biệt là kể từ khi nước này thúc đẩy chiến dịch chống tự tử trên toàn quốc. Điều này đã góp phần khiến nhiều người chủ động tìm cách chữa trị căn bệnh, tuy nhiên điều đó lại khiến cho việc so sánh tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm qua các năm và giữa các nhóm lứa tuổi trở nên khó khăn hơn. 

Song nhiều người Phần Lan trẻ tuổi đã từng trải qua trầm cảm, trong đó có Kirsi-Marja Moberg, đều tin rằng vẫn còn tồn tại thái độ kỳ thị đối với những người "được xác định là mắc chứng trầm cảm". "Điều này phụ thuộc vào nhóm xã hội mà bạn thuộc về, thậm chí cho dù bạn đang sống ở Phần Lan, nơi mọi người có thể tự do nói về mọi thứ... thì điều cấm kỵ này chắc chắn vẫn tồn tại", cô nói.

Trong một nền văn hóa mà tính riêng tư rất được coi trọng thì việc công khai thể hiện cảm xúc là điều hiếm hoi, thậm chí việc trò chuyện về chủ đề này cũng được giới hạn ở mức tối thiểu, cho nên thừa nhận và thảo luận công khai về trầm cảm vẫn là điều thách thức đối với một số người Phần Lan mắc chứng bệnh này. Hiện đang điều trị cho các bệnh nhân bị trầm cảm, bác sĩ Jonne Juntura cho biết những chàng trai trẻ ở Phần Lan thấy rất khó nói thành lời về căn bệnh của mình. 

Trong vấn đề chữa bệnh trầm cảm, chính quyền thành phố là cơ quan chịu trách nhiệm về các dịch vụ sức khỏe tâm thần, và đây là mảng bị đánh thuế nặng. Mà như vậy có nghĩa là những người có vấn đề về tâm thần về mặt lý thuyết là không nên tìm cách tìm kiếm sự trợ giúp, nếu không họ sẽ phải rút hầu bao tốn kém kha khá để chi trả.

Hình ảnh Phần Lan được coi là một quốc gia hạnh phúc đang lấn lướt, khiến người ta ít để ý tới những thách thức trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần.

Việc tiếp cận được các biện pháp điều trị sức khỏe tâm thần, đặc biệt là ở khu vực nông thôn đang ngày càng trở thành vấn đề nghiêm trọng ở Phần Lan, nơi bệnh nhân thường phải chờ đợi hằng tuần hay thậm chí hằng tháng mới lấy được lịch hẹn khám. 

Emmi Kuosmanen, chuyên tư vấn cho thanh, thiếu niên tại một trường trung học ở Helsinki, cho biết: "Tôi nghĩ rằng nhu cầu thì tăng... nhưng ngành y tế lại chưa theo kịp”.  Một công cụ đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây là nền tảng trực tuyến Cổng Hỗ trợ sức khỏe tâm thần (Mental Health Hub), được thành lập bởi Giáo sư Grigori Joffe và Bác sĩ Matti Holi thuộc Bệnh viện Trung tâm Đại học Tổng hợp Helsinki. 

Hiện được sử dụng bởi tất cả các khu vực y tế, nền tảng này cung cấp thông tin về nơi cần điều trị, các công cụ hỗ trợ tự điều trị và thậm chí bao gồm các buổi trị liệu trực tuyến qua video cho những người bị trầm cảm từ nhẹ đến trung bình. Ngoài ra, còn có một đường dây nóng khẩn cấp toàn quốc của Cơ quan Y tế tâm thần Phần Lan điều hành.

Trong một thỉnh nguyện thư toàn quốc đã thu thập được hơn 50.000 chữ ký, đã kiến nghị tất cả những ai cần được giúp đỡ về vấn đề sức khoẻ tâm thần cần phải được chữa trị bằng hình thức trị liệu tâm lý ngắn trong vòng một tháng. Krista Kiuru, Bộ trưởng Bộ Hôn nhân Gia đình và Dịch vụ Xã hội Phần Lan khẳng định ủng hộ sáng kiến này. Chi phí cho sáng kiến này ước tính vào khoảng 35 triệu euro/năm, tuy nhiên các nhà vận động nói rằng nó sẽ giúp tiết kiệm gấp 10 lần nhờ việc nó giúp làm giảm bớt các khoản trợ cấp đau ốm hoặc thất nghiệp.

Việc tiếp cận được các biện pháp điều trị sức khỏe tâm thần, đặc biệt là ở khu vực nông thôn đang ngày càng trở thành vấn đề nghiêm trọng.

Bác sĩ Jonne Juntura nói anh tin rằng cho dù Phần Lan đang có những thách thức trong việc xử lý vấn đề trầm cảm ở thanh thiếu niên, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần sẽ tiếp tục được cải thiện. Anh hy vọng rằng bên cạnh sự đầu tư thêm nữa vào việc can thiệp, chữa trị sớm, việc thảo luận trên toàn quốc ở một quy mô lớn hơn sẽ được thực hiện nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về bệnh trầm cảm. 

"Mọi người đang từ từ hiểu được là vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng đến mức nào, phải mất bao nhiêu công của để chữa trị từng trường hợp riêng lẻ và bao nhiêu nguồn lực khi nó trở thành vấn đề có quy mô xã hội. Vẫn còn rất nhiều việc phải làm... Song tôi thấy rất lạc quan", Jonne Juntura nói. 

Ngọc Trang (theo BBC)
.
.
.