Bệnh viện chăm sóc chim ưng "độc nhất vô nhị" trên thế giới

Thứ Năm, 27/10/2016, 08:53
Hình ảnh chim ưng rất phổ biến ở Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (United Arab Emirates - UAE). Đến đất nước này, bạn có thể nhìn thấy hình ảnh chim ưng hiện diện ở khắp mọi nơi, trên bức tường, những shot quảng cáo trên truyền hình, thậm chí trên tiền giấy… Ở UAE còn có cả một bệnh viện dành riêng cho chim ưng được thành lập vào năm 1999 mang tên Abu Dhabi Falcon.


Bệnh viện có một không hai trên thế giới

Khoảng 10 phút chạy xe từ đường cao tốc chính nối giữa Dubai và Abu Dhabi, qua con đường bụi bặm sẽ đến Bệnh viện Abu Dhabi Falcon. Những người đàn ông Emirati trong trang phục kandora trắng truyền thống đón tiếp khách hàng tại khu vực tiếp tân. Phần lớn bác sĩ, nhân viên bệnh viện Abu Dhabi Falcon là nam giới nhưng người phụ trách bệnh viện lại là nữ bác sĩ - Giám đốc bệnh viện, Tiến sĩ Margit Gabriele Muller.

"Tôi nghĩ, mình là người đầu tiên bảo vệ luận án tiến sỹ liên quan đến chim ưng", bà  Muller vừa nói vừa cười rất tươi. Năm 2001, các quan chức bệnh viện Abu Dhabi Falcon mời bà Muller đến Abu Dhabi làm việc và sự khởi đầu không hề dễ dàng. "Mọi việc ban đầu rất khó khăn với một bác sĩ nữ như tôi. Nhiều người đã hoài nghi về khả năng của tôi. Sau một thời gian, tôi đã có được sự tin tưởng của đồng nghiệp và khách hàng", bà Muller nói tiếp.

Một chú chim ưng đang được chăm sóc tại Bệnh viện Abu Dhabi Falcon.

Bà Muller dẫn phóng viên vào một căn phòng, nơi có khoảng một chục con chim ưng đang chờ điều trị. Một con nằm bất động trên sàn, chiếc mặt nạ oxy che lấp cái đầu nhỏ bé. Chú chim ưng này bị gây mê để các bác sĩ chuẩn bị "làm móng chân và mỏ". Thủ thuật này được thực hiện hai hoặc ba lần mỗi năm, tùy thuộc vào tốc độ phát triển của móng chân và mỏ chim.

Một con chim khác có gắn chip GPS vào ngực. Thiết bị này giúp chủ sở hữu có thể theo dõi sự di chuyển của chúng. Chim ưng có thể có giá lên đến hàng trăm ngàn USD và chủ sở hữu được khuyên nên gắn chip GPS cho chim để theo dõi hoạt động của chúng một cách sát sao.

Bảo vệ một loại chim có giá trị về truyền thống lịch sử của UAE

Chim ưng là loài chim được coi như biểu tượng của UAE, nó có vị trí đặc biệt trong văn hóa Emirati. "Trước đây, ở châu Âu, nuôi chim ưng được coi như một sở thích của các vị vua và  tầng lớp quý tộc. Ở Abu Dhabi và Trung Đông, nuôi chim ưng là một điều cần thiết để người Bedouin tồn tại trên sa mạc. Abu Dhabi nằm trên tuyến đường di cư chủ yếu của chim ưng.

Vào mùa thu, người Bedouin bắt các loài chim và sử dụng chúng để tìm thức ăn cho mùa đông. Chúng sẽ được thả trở lại tự nhiên vào mùa xuân. Chim ưng cũng đồng nghĩa với sự sống còn. Đó là lý do tại sao nuôi chim ưng không chỉ là một thú vui, mà nó còn có ý nghĩa nhiều hơn thế nữa", bà Muller giải thích.

Bà Muller cho biết thêm, ngay cả Sheikh Zayed bin Sultan Al Nahyan, người sáng lập UAE cũng nuôi chim ưng, thậm chí ông còn viết một bài thơ về loài chim này. Chim ưng được coi như một đứa trẻ trong gia đình người Bedouin. Chúng sống chung với con người trong phòng khách, ngủ trong phòng ngủ, thậm chí có  một vị trí trong xe hơi gia đình.

Bác sĩ đang "làm móng chân" cho chim ưng.

Bà Muller nói rằng, áp lực rất nhiều nhưng bà yêu thích công việc này. "Mục tiêu của bệnh viện là để bảo vệ một loại chim có giá trị về truyền thống lịch sử của UAE. UAE là một đất nước rất trẻ. Những gia đình người Bedouin đã chuyển từ lối sống trên sa mạc về cuộc sống công nghệ cao thời hiện đại trong khoảng thời gian ngắn. Điều này có nghĩa là, rất cần thiết để bảo tồn di sản, truyền thống của họ.

Nếu không có gốc, mà nuôi chim ưng là một trong những thành tố tạo nên cái gốc đó thì người Bedouin sẽ không có sự kết nối với quá khứ và họ sẽ đánh mất bản sắc riêng của mình", bà Muller nói.

Trong những năm qua, bà Muller và các cộng sự đã phát hiện ra hai loại dịch bệnh mới của chim ưng. Họ cũng đã xây dựng một trung tâm nghiên cứu về chim ưng cũng như các chương trình giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho trẻ em về chim ưng và bảo tồn loại động vật này. Ngoài ra, còn có một chương trình thả chim ưng về với thiên nhiên sau khi được chăm sóc tại bệnh viện.

Tường Phạm (tổng hợp)
.
.
.