Béo phì vấn nạn của Cảnh sát

Thứ Hai, 08/08/2016, 17:23
Ăn đêm, uống rượu, hút thuốc lá, cùng thói quen ngồi nhiều, ít vận động được coi là một trong những nguyên nhân khiến cảnh sát bị béo phì. Thậm chí có không ít quốc gia coi cảnh sát béo phì là một vấn đề nan giải.

"Tình trạng thừa cân sẽ làm giảm 1 năm tuổi thọ của con người, trong khi béo phì ở mức nghiêm trọng sẽ khiến vòng đời ngắn lại tới 10 năm", đây là kết quả nghiên cứu vừa được đăng trên tạp chí y học The Lancet. 

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nguy cơ con người tử vong trước tuổi 70 sẽ tăng tỷ lệ thuận với việc tăng kích thước vòng bụng (còn gọi là vòng hai). Cũng theo nghiên cứu, nguy cơ tử vong do béo phì ở nam giới cao gấp 3 lần ở nữ giới. Và theo thống kê của WHO, hơn 1,9 tỷ người trưởng thành trên thế giới bị thừa cân, trong đó có 600 triệu người bị béo phì. 

Có lẽ kết quả kể trên đã và đang khiến cho nhiều sở cảnh sát trên thế giới phải mở chiến dịch "giảm cân hay là chết", hoặc "giảm cân hay ra khỏi ngành". Thậm chí có không ít quốc gia coi cảnh sát béo phì là một vấn đề nan giải. Và ăn đêm, uống rượu, hút thuốc lá, cùng thói quen ngồi nhiều, ít vận động được coi là một trong những nguyên nhân khiến cảnh sát bị béo phì.

Từ sự cương quyết của nước Anh

Theo giới truyền thông, Anh có lẽ là quốc gia mạnh tay nhất trong chiến dịch giảm thiểu tình trạng cảnh sát béo phì bởi theo kết quả khảo sát mới nhất cho thấy, vì những cảnh sát bị trượt các đợt kiểm tra thể trạng 3 lần đều bị trừ 8% lương, tương đương gần 3.000 bảng Anh, kèm theo các hình thức kỷ luật khác nên số cảnh sát có vòng hai quá lớn đã giảm đáng kể. 

Cảnh sát bang Punjab, Pakistan.

Cảnh sát London còn phải chịu áp lực bị sa thải nếu bị liệt vào dạng béo phì, thừa cân. Trước đây, có hơn 50% nhân viên cảnh sát ở London thừa cân và béo phì. Nhưng theo quyết định được Giám đốc Sở Cảnh sát London Anh, ông Bernard Hogan-Howe ký, thủ đô sẽ sa thải tất cả những cảnh sát nào có trọng lượng cơ thể quá mức bình thường. Ông Bernard Hogan-Howe tuyên bố, từ tháng 7-

2015, hơn 13.000 nhân viên trong biên chế của Sở Cảnh sát London đều phải trải qua kỳ thi sát hạch hàng tháng, trong đó có chạy bộ với vận tốc 8,8km/giờ liên tục trong thời gian 3 phút 35 giây. Nếu ai về đích với biểu hiện mệt mỏi như thở hổn hển vì gắng sức, hay đứng không vững... sẽ bị đánh trượt, bị trừ lương. Bất cứ nhân viên nào tái phạm 3 lần liên tiếp đều bị loại khỏi lực lượng cảnh sát. 

"Thật vô lý, khi một nhân viên đại diện cho công lực vì quá béo nên không thể đuổi theo bọn tội phạm để truy bắt chúng, huống hồ là kịp thời có mặt đúng lúc khi đồng nghiệp hoặc người dân cần trợ giúp" - Sở Cảnh sát London kiên quyết nói không với những nhân viên có trọng lượng cơ thể quá khổ, ông Bernard Hogan-Howe nhấn mạnh.

Theo số liệu thống kê từ 38 đơn vị cảnh sát Anh cho thấy, trong số 29.285 người tham gia kiểm tra thể lực có 807 không đạt tiêu chuẩn, gồm 237 nam và 570 nữ.

Chiến lược tập thể hình và ăn kiêng

Hàng triệu USD ngân sách Nhà nước bị tổn thất mỗi năm chỉ vì vòng hai quá lớn của những cảnh sát béo phì đang buộc chính phủ Malaysia phải áp dụng các biện pháp mạnh. Bởi theo ước tính, khoảng 10% trong tổng số 122.000 sĩ quan cảnh sát ở Malaysia đang trong tình trạng béo phì. Không những không khuyến khích mà còn áp dụng mạnh tay đối với số cảnh sát béo phì, hơn nữa trước sức ép có thể mất cơ hội thăng tiến, gần 11.000 sĩ quan cảnh sát ở Malaysia đang tích cực tập luyện để giảm cân. 

Cảnh sát trưởng quốc gia Malaysia Khalid Abu Bakar cho biết, những sĩ quan cảnh sát béo phì đều phải trải qua bài kiểm tra thể trạng trước khi được thăng cấp nên một chương trình tập luyện mới đã được thiết kế dành riêng cho họ. Theo thống kê, hiện có nhiều sĩ quan cảnh sát béo phì ở Malaysia đã và đang tham gia chương trình tập thể hình và ăn kiêng tích cực để giảm cân và bớt mỡ thừa. 

Tổng thanh tra cảnh sát Malaysia Tan Sri Ismail Omar thừa nhận, lực lượng thực thi pháp luật của nước này gặp 2 vấn đề sức khỏe lớn là tiểu đường và tim mạch - những hệ quả của tình trạng thừa cân và béo phì.

11 năm trước (tháng 7-2005), Sở Cảnh sát Bangkok, Thái Lan từng buộc 85 cảnh sát giao thông có vòng hai hơn 100cm phải giảm cân. Bệnh viện cung cấp bữa tối cho họ và phát tài liệu hướng dẫn chi tiết số lượng, cũng như chủng loại thực phẩm nên ăn vào bữa sáng và bữa trưa. Nếu tập luyện và ăn kiêng không có kết quả, họ sẽ phải ngồi bàn giấy thay vì điều khiển giao thông trên đường. Cảnh sát Bangkok còn treo giải thưởng 5.000 baht cho người giảm cân nhiều nhất để động viên và khích lệ những cảnh sát béo phì tham gia luyện tập. 

"Thừa cân, béo phì làm ảnh hưởng đến công việc và tổn hại tới hình ảnh của cảnh sát giao thông. Hơn nữa, thừa cân, béo phì cũng không tốt cho sức khỏe của cảnh sát", Thiếu tướng Montri Jamroon, Phó Giám đốc công an Bangkok từng tuyên bố. 

Năm 2009, 57% trong số 4.000 cảnh sát ở Bangkok có lượng mỡ máu cao và bị béo phì nên Sở Cảnh sát Bangkok đã phối hợp với bệnh viện, phòng gym để nhân viên giảm béo. Còn theo kết quả kiểm tra sức khỏe thường niên (năm 2013) đối với hơn 200.000 cảnh sát Thái Lan cho thấy, nhiều nhân viên mắc bệnh béo phì, cholesterol cao, bệnh gan, huyết áp cao và tiểu đường.

Tới một số biện pháp khác

Thừa cân không những làm tổn hại tới hình ảnh của sĩ quan cảnh sát trong mắt người dân mà còn khiến họ phải đối mặt với nhiều bệnh tật liên quan tới béo phì nên nhiều quốc gia đã đề ra những biện pháp mạnh tay nhằm giúp họ tránh được các căn bệnh vì lười vận động. Nhiều Hiệp hội cảnh sát còn lên chương trình tập luyện và giảm cân qua các bài tập thể thao. 

Theo thống kê của FBI (công bố cuối năm 2014), có tới 80% sĩ quan cảnh sát ở Mỹ bị thừa cân và béo phì đang là vấn đề đáng quan ngại. Theo một số nhà nghiên cứu, khả năng nhân viên thực thi pháp luật chết vì bệnh liên quan tới tim mạch cao hơn 25 lần so với nguy cơ thiệt mạng trong khi thực thi công vụ. 

Chính phủ Nam Phi từng phải đối mặt với chỉ trích gay gắt có liên quan tới việc để cảnh sát béo phì nên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Fikile Mbalula đã yêu cầu cảnh sát phải giảm cân nếu không muốn bị mất việc. Nhiều cảnh sát đã được gửi đến các trung tâm huấn luyện đặc biệt để giảm cân.

Tháng 10-2012, Sở Cảnh sát tỉnh Punjab của Pakistan đã ra lệnh cho hàng chục nghìn sĩ quan phải giảm cân. Và có khoảng 175.000 cảnh sát nhận chỉ thị phải giảm vòng hai xuống mức tối đa là 100cm. Nếu không đạt được mục tiêu, họ có nguy cơ bị đuổi việc. 

Tháng 6-2012, khoảng 3.000 cảnh sát tại trụ sở cảnh sát quốc gia Philippines đã phải tham gia một chương trình cải thiện vóc dáng trong 8 tuần (bao gồm chạy, đi bộ, đạp xe, các khóa học về ăn kiêng và kiểm soát sự căng thẳng) sau khi có báo cáo cho thấy, họ bị thừa cân và béo phì. Bất cứ ai bị trượt 3 lần liên tiếp trong bài kiểm tra thể chất được tổ chức hai lần mỗi năm có thể bị thôi việc. 

Hơn 4 năm trước (tháng 5-2012), Sở Cảnh sát Jakarta, Indonesia từng phải tập thể dục để giảm cân trước tình trạng có quá nhiều cảnh sát thừa cân, béo phì. Khi đó có ít nhất 300 cảnh sát thừa cân, béo phì ở Jakarta phải tập thể dục ít nhất 2 lần/tuần. Một chương trình tương tự cũng được thực hiện ở thành phố Tangerang, ngoại ô Jakarta và các chuyên gia y tế còn tư vấn để giúp những cảnh sát thừa cân, béo phì xây dựng chế độ ăn uống và bảo vệ sức khỏe hợp lý. n

5 năm trước (tháng 7-2011), Bộ Nội vụ Nga từng thông báo, những cảnh sát béo sẽ không được tin dùng. Và quyết định kể trên được đưa ra khi Moskva muốn cắt giảm số cảnh sát béo phì, cải thiện hình ảnh đất nước trong mắt khách du lịch và nhà đầu tư. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã tuyên bố, sẽ cắt giảm 1/5 số nhân viên cảnh sát và tăng tính chuyên nghiệp của lực lượng này. 

"Với đôi mắt híp, cằm xệ, cổ đầy ngấn và bụng phệ, nhiều cảnh sát Saint Peterburg trông thật khó coi", trang Neva 24 đã bình luận như vậy và còn cho biết, có tới 12.000 trong số 40.000 cảnh sát của thành phố bị thừa cân, béo phì.

Phạm Huy Anh
.
.
.