Bí ẩn thanh bảo kiếm có khả năng trừ tà chữa bách bệnh

Thứ Tư, 04/09/2013, 11:09

Nhiều đời nay, dòng họ Hà ở xứ Thanh vẫn còn lưu giữ một thanh kiếm báu có sức mạnh vô hình có thể trừ tà, chữa bệnh, xua đuổi thú dữ. Thanh bảo kiếm được chủ nhân bảo vệ, tôn thờ như một báu vật vô giá bất khả xâm phạm. Nhìn bề ngoài, thanh bảo kiếm không có gì đặc biệt, nhưng khi được "tắm" bằng một loại nước gia truyền ngâm ủ dưới đất, kiếm bỗng dưng biết cựa quậy.

Theo như lý giải của chủ nhân thì hồn kiếm lúc đó sống dậy mang theo sức mạnh vô biên. Trải qua nhiều đời nay, bí ẩn về thanh kiếm báu của gia đình họ Hà với biết bao câu chuyện huyền bí, nửa hư nửa thực vẫn là điều bí ẩn chưa có lời giải.

Kỳ 1: Đi tìm nguồn gốc thanh bảo kiếm

Thanh kiếm "thần bí"

Từ xưa đến nay, mỗi khi nhắc đến "kiếm thần" hay "gươm thần" chúng ta thường liên tưởng ngay đến thanh gươm mà thần Rùa Kim Quy ban cho Lê Lợi mượn để chống lại ách cai trị của giặc Minh. Theo truyền thuyết thanh gươm thần tung hoành khắp các trận địa làm cho giặc Minh bạt vía kinh hoàng. Sau khi đánh tan giặc Minh thì gươm được trả về "chủ cũ" và biệt tăm biệt tích theo thời gian. Ngày nay, không còn mấy ai chú ý đến thanh gươm đó nữa, tất cả chỉ còn lại trong truyền thuyết. Và thật kỳ lạ ở một vùng rừng núi thuộc xã Ban Công (Bá Thước, Thanh Hóa) lưu truyền một thanh kiếm có lẽ là "độc nhất vô nhị", thanh kiếm này không phải là kiếm thần hay kiếm thánh nhưng nó ẩn chứa sức mạnh tiềm tàng, có khả năng trừ tà, giúp người dân khỏi ốm đau bệnh tật. Thanh kiếm được lưu truyền qua nhiều đời và người có may mắn được sở hữu thanh kiếm đó trong tay là một Mo Mường thuộc dòng dõi địa chủ phong kiến xưa.

Đến nay thanh kiếm được truyền từ đời cha ông nối tiếp đời cháu con, vẫn được bảo vệ, gìn giữ cẩn thận và bất khả xâm phạm. Theo bật mí của một người cháu trong dòng họ Hà thì người có khả năng sử dụng kiếm phải là người cao tay, có một sức mạnh phi thường. Trong số rất nhiều người, kể cả những người có thâm niên sử dụng kiếm hay thờ kiếm thì không phải ai cũng biết bí mật về thanh kiếm thần bí này.

Để tìm hiểu thực hư về sức mạnh của thanh bảo kiếm, chúng tôi đã không biết bao nhiêu lần từ Hà Nội ngược Thanh Hóa, rồi ăn dầm ở dề nơi đây, những mong một lần được mục sở thị thanh kiếm đặc biệt. Nhưng mọi công sức của chúng tôi chỉ là con số 0 tròn trịa vì "báu vật" này một năm chỉ được gia chủ lấy ra một lần, và được tắm bằng một thứ nước đặc biệt mà theo tiết lộ của người cháu trong dòng họ Hà, thì thứ nước này được lấy bên dòng suối Nủa, trong một hang động trên núi cao.

Lật ngược dòng thời gian của thế kỷ trước, những năm cuối thể kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, thanh kiếm này được ví như "thượng phương bảo kiểm" của triều đình một thời tung hoành ngang dọc. Chủ nhân của thanh kiếm là một Mo Mường trong dòng họ Hà, không biết đã sử dụng những phép thuật và quyền năng bí mật gì mà khi mang kiếm đi đến đâu, bản làng chói lọi đến đó, mọi tai ương bệnh tật, thú dữ đều bị xua đuổi.

Chuyện thanh kiếm còn truyền lại liên quan đến lịch sử ngôi làng mang tên Chiềng Lau. Đây là ngôi làng cổ của người Thái sau khi di cư từ Tây Bắc sang. Thời bấy giờ liên tiếp có các cuộc giao tranh giữa các dòng dõi địa chủ để chiếm ruộng, chiếm đất. Nhưng khi nhìn thấy thanh kiếm này thì tất cả đều quy phục và răm rắp nghe theo. Cũng nhờ có thanh kiếm báu này mà dòng họ Hà đi đến đâu cũng được dân chúng nghênh đón rầm rộ, bao nhiêu đất đai, vườn tược vì thế đều rơi vào tay họ.

Ông Hà Văn Cối và thanh kiếm báu gia truyền của dòng họ.

Có được thanh kiếm báu, dòng họ Hà lên làm địa chủ, cai quản cả một vùng lãnh thổ rộng lớn với tiếng tăm lừng lẫy vang rộng khắp bốn phương. Cũng do đó mà cũng không ít người muốn tìm cách hãm hại để tranh ngôi vị và đoạt lấy thanh bảo kiếm.

Nhưng vì sao thanh kiếm lại có được quyền uy như vậy, nguồn gốc của nó từ đâu thì không ai biết, những thế hệ biết về thanh kiếm thì đều đã từ trần, ngày nay những tầng lớp già cỗi nhất của dòng họ Hà cũng không ai còn nhớ, nhưng họ vẫn hết sức bảo vệ, tôn thờ và dăn dạy các thế hệ sau phải bảo vệ kiếm như bảo vệ dòng dõi mình, mất kiếm là mất cả dòng tộc.

Giáp mặt "kiếm thần"

Trong những ngày ăn dầm ở dề trên "mảnh đất của vua này", tôi vô tình bắt gặp Sơn, bạn học cùng thời đại học và thật may mắn Sơn chính là chắt trong dòng họ Hà, dòng họ hiện đang giữ thanh kiếm báu này.

Kiếm được ông Cối và cả dòng họ tôn thờ bảo vệ, bất khả xâm phạm.

Khi tôi có ý muốn hỏi thông tin về thanh kiếm, Sơn một mực từ chối với lý do anh thuộc dòng dõi địa chủ xưa kia. Thanh kiếm đó là của dòng họ, của gia tiên truyền lại không muốn cho người ngoài biết. Sau khi ngồi hàn huyên tỉ tê hết một chum rượu cần to cùng với mấy người chú của Sơn, mong mỏi và thiết tha chỉ muốn một lần được nhìn thanh kiếm đó, vì rất nể bạn bè nên Sơn đồng ý dẫn chúng tôi đến gặp người cất giữ thanh kiếm, và Sơn luôn mồm dặn trước, thành bại hay không là ở tôi, còn Sơn chỉ có trách nhiệm dẫn tôi đi gặp chủ nhân của thanh kiếm báu đó.

Trước khi đi, Sơn liên tục dặn tôi chỉ được nhìn không được phép sờ vào kiếm, còn bí mật như thế nào thì chỉ có người sử dụng kiếm mới biết.

Người đang nắm giữ thanh kiếm đặc biệt này là ông Hà Văn Cối, 57 tuổi. Nhà ông Cối nằm ngay sát quốc lộ 15C, ngôi nhà sàn mái cọ toát lên một sự thoáng đãng, mát mẻ trong những ngày hè oi ả. Ông Cối là bác ruột của Sơn, và là anh trai của bố Sơn nhưng cũng là truyền nhân đời thứ 9 đang cất giữ thanh kiếm báu này.

Cận cảnh thanh kiếm thần bí ẩn chứa sức mạnh tiềm tàng.

Dù đã đi nhiều địa danh, đến nhiều nơi, nhưng ở mảnh đất heo hút thuộc xã Ban Công, Bá Thước ,Thanh Hóa này, người dân họ luôn chào đón những vị khách phương xa bằng những chum rượu cần to đùng được ngâm ủ ngay tại nhà để đãi khách, mỗi lần có khách là gia chủ lại chuẩn bị 2 gáo múc rượu bằng quả dừa và chuẩn bị vài xô nước đặt sẵn ngay cạnh chum rượu, mỗi lần khách phải uống một hơi hết một quả thì lúc đấy câu chuyện mới thực sự bắt đầu và cũng từ đó mà khoảng cách giữa khách và gia chủ dường như không còn. Những xô nước liên tục được đổ đầy, tôi với Sơn bụng đã căng ra nhưng chốc chốc theo vòng đến lượt vẫn cố phải uống. Khi cảm thấy không thể uống được nữa, tôi bắt đầu lái sang chuyện được nhìn thanh kiếm, thì bất ngờ ánh mắt ông Cối sắc lẹm như dao nhìn chăm chăm vào tôi và Sơn, rồi im lặng một hồi lâu, tỏ vẻ không bằng lòng.

Sự cầu thị và cầu khẩn chỉ muốn một lần được nhìn thanh kiếm đó, cộng với thấy tôi và Sơn là chỗ tình anh em, bạn bè thân thiết, nên cuối cùng ông Cối cũng chấp thuận. Trong lòng tôi lóe lên một niềm vui sướng tột cùng.

Ông Cối bước vào trong mặc lại quần áo chỉnh tề, lấy một chai rượu trắng, một đĩa trầu cau đặt lên bàn thờ, tôi thấy ông lẩm bẩm một hồi như cách mà những ông thầy cúng đang làm lễ.

Thật bất ngờ và lạ lẫm, thanh kiếm báu không được chôn cất dưới đất hay cất giấu trong tủ mà lại được đặt trịnh trọng, trang nghiêm trên mái nhà, có một bàn thờ riêng để thờ "thần kiếm". Theo ông Cối thì đây là bàn thờ riêng dành cho thần kiếm khác với bàn thờ gia tiên.

Bắc thang để lấy kiếm, ông Cối dùng hai bàn tay nâng kiếm một cách trịnh trọng rồi đặt nhẹ nhàng trước manh chiếu mỏng dưới sàn: "Đây là báu vật gia truyền có từ cách đây trên mấy trăm năm. Ngày thường chúng tôi không dám đụng đến chỉ trừ những dịp lễ tết mới được đem xuống khỏi bàn thờ lau chùi bằng nước lấy từ đầu nguồn con suối Nủa phía trên núi cao. Đó là một nơi kín đáo, muốn lấy được nước bắt buộc phải biết câu thần chú". Ông Cối nói đầy bí ẩn.

Sẵn tính tò mò, tôi chạm tay vào thanh kiếm thì như có cảm giác một luồng điện chạy ngang người, rồi dồn vào trọng tâm là dọc sống lưng, bất chợt thấy kiêm rung nhẹ nhẹ. Ông Cối nhắm mắt lẩm bẩm bằng những câu tiếng Thái như cách người ta đọc bùa chú thì bất ngờ thanh kiếm đứng im.

Theo quan sát của chúng tôi, thanh kiếm dài 1,2m, nặng khoảng 3kg, chỗ rộng nhất hơn 3cm, phần cán kiếm làm bằng sừng của một loại động vật đen bóng, bao kiếm làm bằng một loại da chống cháy. Gần chuôi kiếm có khắc chữ nho. Theo ông Cối thì thanh kiếm này chém sắt như chém bùn, có thể chẻ đôi lá mạ theo chiều dọc, chiều ngang khi mạ mọc tự nhiên

Đỗ Văn Việt
.
.
.