Bí ẩn về phong tục ''đám cưới ma'' kỳ quái và lạ lẫm ở Trung Quốc

Thứ Hai, 08/04/2013, 15:53

Bắc Kinh một ngày đẹp trời. Cái ngày mong đợi nhiều năm đã thành hiện thực, cuối cùng người ta đã tìm thấy hài cốt người tình của Wei Guohua sau 10 năm ngày ông qua đời. Một con gà trống được thả đi trước dẫn đầu, mấy đứa con của Wei Guohua mang hài cốt của người quá cố, họ lặng lẽ chôn cất tro xương của bà ngay trong ngôi mộ của Guohua ở Yulin, một thị trấn thuộc địa phận tỉnh Thiểm Tây, hôm 14/11/2012.

Bậc thầy phong thủy danh tiếng của Yulin đã tổ chức một nghi lễ hết sức trang trọng nhằm chính thức xác định rằng giờ Guohua và cô dâu đã trở thành vợ chồng. (Sở dĩ có sự hiện diện của con gà trống tại đó là bởi vì theo quan niệm dân gian địa phương, người ta tin rằng loài điểu cầm này có thể dẫn dắt linh hồn của người quá cố dọn đến sống tại ngôi nhà mới của họ.)

Sự kiện huyền bí này thực ra không phải là một tín ngưỡng mê tín dị đoan mà thực chất đám cưới giữa hai người quá cố ở Trung Quốc là một phong tục hết sức nhân văn có lịch sử hàng thế kỷ trên đất nước này, người ta gọi là "minghun" hay "Đám cưới hồn ma". Theo quan niệm dân gian, nếu người sống khi chết trong tình trạng cô độc thì họ cũng sẽ tiếp tục sống cô độc ở thế giới bên kia.

Và kỳ lạ hơn nữa khi có những niềm tin cho rằng người quá cố cô độc ấy sẽ quay trở lại dương gian và "bắt vía" một ai đó là thành viên trong gia đình của mình mang vào cõi âm nhằm bầu bạn với họ. Chính vì quan niệm này, mà xuyên suốt nhiều thế kỷ, gia đình những người quá cố đơn độc phải có trách nhiệm đảm chắc rằng hương hồn người quá cố sẽ hạnh phúc với cuộc hôn nhân mới của mình ở thế giới bên kia.

Rất nhiều thách thức

Có thể khẳng định rõ một điều rằng, việc tiến hành tổ chức cưới hỏi cho người quá cố quả là không mấy dễ dàng trong xã hội Trung Quốc hiện đại. Nhìn toàn cảnh, nó là một sự kiện bị cho là bất hợp pháp. Sở dĩ có sự cấm đoán ngặt nghèo này là bởi vì phong tục này đã chính thức bị cấm tổ chức sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lên cầm quyền vào năm 1949, tuy vậy, không nhà chức trách nào dám đảm chắc rằng phong tục cưới xin hết sức kỳ lạ này sẽ chấm dứt tại các đô thị lớn, khi mà nhiều nhà vẫn lén lút tổ chức cho người thân quá cố của mình, và càng không thể cấm đoán triệt để tại các vùng nông thôn, vùng sâu xa, hẻo lánh của đất nước rộng lớn này. Một điểm nữa là, các "đám cưới ma" thường ngốn rất nhiều chi phí tổ chức. Về cơ bản, loại hình cưới xin này cũng được tổ chức tương tự như đám cưới dành cho người sống ngoại trừ một việc là nó còn bao gồm cả một nghi thức mai táng khá long trọng.

Trong "đám cưới ma", người nhà cũng đãi đằng ăn uống hết sức thịnh soạn, họ hàng và bạn bè của người quá cố đều được nhã ý mời đến chung vui với "cô dâu, chú rể". Một số gia đình khá giả, còn mời cả ban nhạc đến góp vui trong "đám cưới". Sau "đám cưới ma", hai bên gia đình thông gia với "cô dâu, chú rể" sẽ trở nên gắn bó với nhau hơn, đặc biệt là trong các dịp lễ Tết, hội hè. Một số người tin rằng, mối quan hệ của cặp vợ chồng cõi âm này sẽ gắn bó chung thủy hơn là những đôi vợ chồng dương gian.

Mặt khác, với những đám cưới bình thường, gia đình chú rể phải trao cho gia đình cô dâu một số món quà hứa hôn. Khi đôi vợ chồng qua đời, món quà luôn đi kèm bằng hình thức tiền mặt. Nhìn chung, những đứa con của ông Wei Guohua đã chi khoảng 2.500 USD để mua các món quà hứa hôn cho gia đình nhà gái, nhưng với người sống, tiền bạc không quan trọng. Một món quà hứa hôn tiêu biểu cho các "đám cưới ma" thường dao động trong khoảng 4.500 USD đến 5.500 USD. Nhưng một vấn đề hết sức gay cấn ở đây là làm thế nào để tìm một xác chết có sẵn để tiến hành "đám cưới ma" phù hợp?

Táng tận lương tâm việc buôn xác người chết

Trong loại hình "đám cưới ma" hết sức bí ẩn này, nhu cầu về xác chết nữ đã tăng cao chóng mặt. Giáo sư Chen Huawen, một chuyên gia kỳ cựu về phong tục an táng của Trung Quốc, cho hay rằng lý do mà nhiều cử nhân đang làm việc tại các mỏ than tại những tỉnh thành là những địa danh đang còn lén lút tồn tại các "đám cưới ma". Khai thác than là một nghề cực kỳ nguy hiểm mà nếu sơ sẩy hoặc họa bất ngờ thường là người công nhân phải đánh đổi cả mạng sống của mình.

Thầy pháp đang làm lễ nhập hồn cho 2 hình nhân cô dâu, chú rể.

Theo Giáo sư Chen Huawen, gia đình các thợ mỏ thường nhận được khoản tiền bồi thường một lần vào khoảng 50.000 USD một khi có thợ mỏ qua đời trong một vụ tai nạn sập hầm lò, và bởi vì các thợ mỏ đều chết khá trẻ nên gia đình của họ thường có tâm lý muốn bỏ ra một số tiền với mục đích tìm "vợ" để cho linh hồn người thân của họ có bầu có bạn, bớt cô quạnh, buồn tủi khi sang thế giới bên kia.

Gia đình nhà trai sẽ cố gắng săn lùng bằng được một xác chết nữ giới hợp nhãn. Kết quả là một xác chết nữ giới mới qua đời sẽ có giá vào khoảng 30.000 USD, giá trị trên thị trường "chợ đen". Từ một nhu cầu vốn rất đỗi nhân văn, nhưng đã tạo cơ hội làm ăn cho một bọn người bất lương, làm nảy sinh một loại hình tội phạm hết sức tàn nhẫn: nạn cướp trộm mồ mả. Vào đầu tháng 3-2013, 4 tên đào mộ đã bị tuyên phạt mức án hơn 2 năm tù vì tội đã đánh cắp hơn 10 xác chết từ các ngôi mả ở tỉnh Thiểm Tây và bán thân xác người quá cố cho khách hàng có nhu cầu trên thị trường "chợ đen".

Ông Zhou Peng, một nhà báo làm việc cho tờ Tin tức buổi tối Tây An, người đã báo cáo về vụ việc động trời này, trên kênh tin tức NBC (Mỹ), ông Peng tiết lộ rằng bọn tội phạm tìm đủ mọi cách để qua mặt cảnh sát địa phương thậm chí chúng sẽ nhờ bác sĩ lành nghề để tiến hành phẫu thuật tạo hình ngay trên chính các xác chết vừa đào được, nhuộm tóc người chết để khiến cho xác chết có vẻ ngoài trẻ hơn tuổi thực khi chết, và một sự thật khác là dung mạo xác chết càng trẻ thì càng có cơ may kiếm được nhiều tiền hơn.

Hạnh phúc vĩnh cửu cho người quá cố

Trở lại câu chuyện của gia đình Wei Guohua, phải mất tới 10 năm, mấy đứa con của ông Wei Guohua mới lặn lội tìm được "ý trung nhân" lý tưởng cho cha của họ. Ngay từ năm 2003, cái năm mà ông Guohua qua đời, các con đã lên kế hoạch tìm "vợ" cho bố. Sinh năm 1920, ông Wei đã ở vậy nuôi các con khôn lớn sau khi bà vợ cả ly dị chồng vào năm 1960.

Một huyệt mộ bị đào xới, nghi là bị đánh cắp xác chết.

Thiếu vắng bàn tay đảm đang của người vợ, người đàn ông nghèo khổ đã làm lụng quần quật để đổi lấy miếng ăn cho 5 cha con, trong từng ấy năm nuôi con, ông chưa hề nghĩ đến việc mình sẽ bước thêm bước nữa vì luôn nghĩ rằng liệu dì ghẻ có thương các con riêng của chồng hay không, hay những đứa trẻ sẽ bị đối xử cay nghiệt, cứ nghĩ đến điều đó là ông Guohua không dám lấy thêm vợ mới. Khi những đứa trẻ khôn lớn, chúng nhìn thấy những gian khổ mà bố chúng đã trải qua suốt cả thời trai trẻ, tình yêu của người cha thật bao la, dạt dào hơn cả tình mẫu tử mà chúng chưa từng được hưởng trọn vẹn. Bởi thế, chúng luôn tâm niệm sẽ cưới vợ cho bố nhưng chưa kịp thực hiện được ý định thì ông Guohua đã qua đời.

Không lấy được người sống cho bố thì các con của Guohua sẽ cưới người chết cho người cha đã khuất núi của họ, có như thế cha họ sẽ bớt cô đơn ở thế giới bên kia. Các con của Guohua cũng tin rằng nếu bố của họ hạnh phúc ở cõi âm thì sẽ để mắt tới cuộc sống của các con ở cõi dương gian. Cô dâu của Guohua là Yue Caixia, người đàn bà này thậm chí đã chờ đợi quá lâu. Yue sinh năm 1968 và qua đời vào năm 1989 khi bà mới chỉ 21 tuổi. Trước đó, Yue từng suýt lấy được tấm chồng khi anh chị của bà đã rất cẩn thận trong việc dàn xếp cuộc hôn nhân đầu tiên cho cô em gái.

Lý giải về hôn sự bất thành, gia đình Yue nói rằng cuộc hôn nhân đầu đời không suôn sẻ vì có sự bất đồng về món quà hứa hôn. Sau cái chết của Yue Caixia, gia đình của Yue đã không thể chờ đợi lâu hơn nữa, họ lên kế hoạch cải táng hài cốt của Yue ở một vị trí khác, họ sợ em gái của họ sống buồn tủi một mình. Khi các con của Guohua đến nhà trình bày nguyện vọng tha thiết là tác hợp Yue với cha của họ, dĩ nhiên gia đình Yue đã gật đầu chấp thuận.

Vì xác Yue nằm quá lâu trong mộ nên khi làm "đám cưới", người ta đã cố gắng trang điểm lại mái tóc đã ngả màu thời gian của "cô dâu". Xác chết của Yue được trang điểm lộng lẫy, gia đình của bà đã cho "cô dâu" vận nhiều loại trang phục truyền thống của các cô dâu Trung Quốc, rồi đặt xác Yue vào trong một cỗ quan tài nhỏ. Trong nghi thức an táng khá cầu kỳ và huyền bí, người khiêng đòn đã mang găng tay để vận chuyển hài cốt của Yue một cách hết sức trang trọng như cách họ làm với người quá cố bình thường, xác Yue được mang đến ngôi mộ mới nơi an giấc ngàn thu của ông Wei Guohua. Người khiêng đòn đã đặt quan tài dưới bóng một tán cây rợp mát để tránh cho hài cốt người quá cố "đau xót" trước sức nóng thiêu đốt của ánh sáng mặt trời, và ở đây còn có một quan niệm rằng ánh nắng là dương khí có thể làm tiêu tán linh hồn của người quá cố.

Dù sự kiện mang tính chất trang trọng là thế nhưng vì là phong tục bị cấm đoán nên các gia đình tổ chức "đám cưới ma" đã không chụp lại bức ảnh nào về "cô dâu, chú rể". Dù có thế nào đi chăng nữa, gia đình của Wei vẫn đang hết sức mãn nguyện về sự xếp đặt này. Ông Zhao Ming, một trong những người cháu trai của cụ Guohua hạnh phúc, giải thích: "Đám cưới ma giữa 2 người quá cố là một cuộc hôn nhân trường tồn, vĩnh cửu. Họ sẽ sống hạnh phúc mãi mãi bên nhau. Không hề có chuyện ly dị như các đôi vợ chồng trên cõi dương gian"

Nguyễn Thanh Hải
.
.
.