Bi kịch của loài chim ngỡ chỉ có trong truyện cổ tích

Thứ Ba, 22/09/2020, 13:44
Loài khủng long tuyệt chủng từ 65 triệu năm trước vẫn để lại vô vàn xương hóa thạch cho đến ngày nay. Loài voi ma mút không còn tồn tại trên Trái Đất vẫn còn hàng trăm mẫu vật được vùi trong tuyết giá xứ Siberia để phục vụ nghiên cứu. Nhưng đối lập với số phận của khủng long hay voi ma mút, loài chim dodo mới biến mất cách đây mấy trăm năm lại không để lại bất cứ thứ gì từng thuộc về chúng cả.


Biến mất nhanh chóng

Cho đến nay, câu chuyện loài chim dodo tuyệt chủng vẫn luôn là bài học đắt giá cho con người để chúng ta thấy bản thân có thể tàn phá thiên nhiên nhanh chóng đến mức nào. Không lâu kể từ ngày được một nhóm thủy thủ Hà Lan phát hiện trên đảo Mauritius vào năm 1598, chim dodo trở thành đề tài được bàn tán khắp châu Âu. Ai cũng thấy bất ngờ trước một loài chim lớn, lại không biết bay, chạy khắp một hòn đảo không người. 

Hứng thú trước hình ảnh về dodo, nhà văn Lewis Carroll đã đưa loài chim này vào truyện “Alice ở xứ sở thần tiên”. Ông dùng hình mẫu chim dodo để phác họa một nhân vật cổ tích có tên Nhà thông thái Dodo, người đưa lời khuyên quý giá cho Alice để đi đến cao trào truyện. Nhưng điều đau xót nhất là khi thời điểm cuốn truyện của Carroll ra mắt vào năm 1865, chim dodo đã tuyệt chủng trước đó hơn 2 thế kỷ.

Chim dodo là loài đặc hữu của đảo Mauritius.

Là sinh vật đặc hữu của đảo Mauritius, chim dodo gần như không bị sinh vật ăn thịt nào đe dọa trong suốt hàng triệu năm. Đó là lý do khiến chúng tiến hóa dần thành một loài chim lớn với bàn chân to, còn đôi cánh thoái hóa theo thời gian. Giống đà điểu, chim dodo không hề biết bay, và đôi cánh của chúng cũng nhỏ tới mức ít ai để ý nếu chỉ nhìn lướt qua. 

Đó cũng là điểm yếu chí tử của chim dodo khi chúng được con người biết tới. Nhóm thủy thủ Hà Lan kia ấn tượng trước loài chim không biết bay chạy khắp đảo, nhưng điều đó không thể ngăn họ thoát khỏi cơn thèm thịt sau nhiều ngày lênh đênh trên biển. To lớn, chậm chạp, chim dodo không thể chạy thoát khỏi cuộc săn đuổi của những kẻ háu ăn. Chỉ có số ít chim dodo được đưa về châu Âu để trưng trong sở thú, phần lớn đều chui vào dạ dày những kẻ muốn tìm đến hương vị mới lạ.

Lần cuối cùng một cá thể chim dodo còn sống được công chúng ghi nhận là vào năm 1662. Điều đó cũng có nghĩa từ lúc phát hiện ra chim dodo cho đến khi chúng tuyệt chủng, con người chỉ mất 64 năm để xóa sổ hoàn toàn một sinh vật ấn tượng do tạo hóa làm nên. Điều đó cho thấy thiên nhiên dễ tổn thương như thế nào trước bàn tay con người. Điều oái oăm là nhân loại còn không nhận thức được ảnh hưởng xấu của mình đến chim dodo ở thời điểm đó.

Vào thế kỷ XVII, quan niệm về bảo tồn động vật được rất ít người quan tâm đến. Hậu quả là chúng ta không hề biết chim dodo bị tuyệt chủng cho đến thời điểm một bài báo đặt dấu hỏi: Tại sao chim dodo không còn xuất hiện nữa trong vài năm qua? Lúc đó tất cả các nhà nghiên cứu mới đổ xô đến đảo Mauritius tìm kiếm vết tích của chim dodo, nhưng dĩ nhiên chẳng còn cá thể nào tồn tại ở đó nữa.

Đâu là lý do khiến chim dodo tuyệt chủng nhanh như vậy? Bên cạnh việc chậm chạp và không biết bay, lý do chính khiến chúng dễ dàng rơi vào tay những thủy thủ Hà Lan háu ăn, diện tích của đảo Mauritius cũng là một nguyên nhân khác. Chỉ rộng vỏn vẹn 2000 km2 giữa đại dương, Mauritius giống như một vương quốc tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài suốt nhiều thế kỷ với một hệ sinh thái độc đáo, đa dạng.

Việc đó giúp chim dodo tiến hóa thành một loài đặc hữu, nhưng cũng khiến chúng không thể chạy thoát khi còn người đặt chân đến. Chúng chỉ có thể chạy loanh quanh trên đảo và kết cục là tiếp tục trở thành mồi ngon của con người. Những sinh vật ngoại lai con người mang đến Mauritius như mèo, chuột cũng khiến nơi đây bị tàn phá nặng nề hơn khi chúng xóa sổ loài bản địa trên hành trình đấu tranh sinh tồn.

Một bộ xương cũng không còn

Vào thời điểm nhận ra chim dodo đã tuyệt chủng, con người mới vội vã cố gắng tìm những phần còn sót lại của những cá thể từng được đưa đến châu Âu. Tuy nhiên, họ sớm phát hiện ra mọi cố gắng chỉ là vô ích. Ban đầu các bảo tàng và một vài trường đại học có giữ tiên bản xương chim dodo, nhưng các mẫu vật này nhanh chóng bị hỏng hoặc bị vứt đi. Lý do rất đơn giản: Mọi người chưa nhận ra tầm quan trọng của tiêu bản chim dodo khi đó.

Việc được thông báo tuyệt chủng một thời gian quá lâu sau khi biến mất là nguyên nhân khiến chim dodo không còn được tìm thấy, dù chỉ là một mẩu xương. Vài người có thể nói đó là số phận trớ trêu của một loài chim, nhưng thực tế tất cả đều do con người gây ra. Phải đến tận năm 1796, nhà sinh vật học Pháp Georges Cuvier mới lên tiếng cảnh báo chim dodo tuyệt chủng, dù thực tế chúng đã biến mất trước đó hơn một thế kỷ.

Trong các tài liệu được ghi lại ở Đại học Oxford, có những văn bản cho thấy một tiêu bản hoàn chỉnh của chim dodo từng được đặt tại đây. Tuy nhiên sau đó cái xác bị mục rữa bởi điều kiện bảo quản không tốt, nên chỉ có xương sọ và xương bàn chân được giữ lại. Một thời gian sau số xương trên cũng bị tiêu hủy do không còn nguyên vẹn nữa. Tình trạng tương tự cũng diễn ra trên khắp châu Âu.

Phần lớn tiêu bản xương dodo hiện nay làm từ nhựa tổng hợp.

Bảo tàng Quốc gia Anh từng có một phần xương bàn chân chim dodo, nhưng đã bị lấy cắp khoảng 100 năm trước. Tại Đan Mạch, Bảo tàng Copenhagen bị mất xương sọ chim dodo vào thời điểm tương tự. Xương ức loài chim này ở Prague cũng không còn nữa sau nhiều năm trưng bày. Điều đó cũng có nghĩa khoảng 2 thế kỷ sau khi tuyệt chủng, chim dodo "biến mất" một lần nữa khi không còn một phần nào của chúng còn sót lại.

Đến giữa thế kỷ XIX, tất cả những gì giới khoa học biết về chim dodo chỉ là những bức vẽ và câu chuyện về chúng được ghi lại thông qua sách báo. Mọi dữ liệu về ADN, xương, lông... của loài chim này đều biến mất rất lâu trước khi nhân loại kịp nhận thức được chúng ta đã vĩnh viễn mất đi một sinh vật quý giá. Tình hình chỉ bắt đầu khác khi lòng đất Mauritius được đào bới lên để tìm thấy một chút còn sót lại của chim dodo.

Bài học cho tương lai

Lo lắng về việc thông tin nắm giữ một bộ xương dodo hoàn chỉnh có thể làm nguy hại đến tính mạng của mình, mọi thông tin về loài chim này được giữ trong vòng bí mật suốt nhiều năm. Vào khoảng năm 1860, người Anh bắt đầu khai quật và phát hiện xương dodo trong tình trạng bán hóa thạch. Tuy nhiên cũng chỉ có đúng một bộ xương lắp ghép hoàn chỉnh, số còn lại nằm rải rác khắp đảo, hoặc ráp theo kiểu cá thể này ghép cùng cá thể khác.

Bộ xương hoàn chỉnh duy nhất của chim dodo hiện được lưu giữ ở Anh. Tất cả những tiêu bản khác đang trưng bày ở khắp nơi trên thế giới chỉ là mô hình giả được tạo nên từ nhựa tổng hợp, với màu sắc được đánh bóng để nhìn cho giống xương chim dodo cổ đại. Không có tiêu bản nào còn giữ được nguyên lông hay thịt của loài chim này cả, khi không một ai nghĩ việc đó là cần thiết.

Việc chim dodo từng biến mất tới mức không còn dù chỉ một bộ xương, cũng như công cuộc tìm kiếm phần sót lại khiến các nhà khoa học dần quan tâm hơn đến công tác bảo tồn. Những loài vật đặc hữu như chim dodo, bò biển Steller hay ngựa vằn Quagga được công nhận tuyệt chủng như một cách gióng lên tín hiệu cảnh báo về việc con người đe dọa tàn phá thiên nhiên. Nhờ vậy mà những loài như sếu Nhật Bản được cứu ngay trên bờ vực tuyệt diệt.

Vào khoảng thập niên 70-80, chính phủ Nhật Bản chỉ tìm thấy vỏn vẹn 22 cá thể sếu nằm rải rác trên khắp cả nước. Chúng có thể đã hoàn toàn biến mất giống như chim dodo nếu như các nhà khoa học không tập hợp lại, bảo vệ và gây giống. Hai thập niên kể từ ngày đó, 22 cá thể sếu Nhật đã nhân giống lên thành 200 con. Chúng tạm thời thoát khỏi cảnh tuyệt chủng bất cứ lúc nào nhưng vẫn cần được chăm sóc đặc biệt để thảm cảnh không tái diễn. 

Còn với loài chim dodo, câu chuyện về chúng càng khiến con người tiếc nuối hơn khi biết được sự thật. Một vài tài liệu cổ hiếm hoi được ghi lại cho thấy trên đảo Mauritius còn có một loài chim không biết bay khác, họ gọi tạm nó bằng cái tên chim dodo trắng. Giống như người anh em họ hàng xa kia, dodo trắng cũng đã hoàn toàn biến mất, và chúng còn tuyệt chủng trước cả khi con người nhận thức chúng có tồn tại.

Đào Hoàng
.
.
.