Bi kịch của lòng tham

Thứ Hai, 14/03/2016, 09:17
Đến hôm nay, cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can vụ lừa đảo đa cấp gây rúng động xã hội với 60.000 người bị hại và số tiền giao dịch lên tới 1.900 tỷ đồng, cụm từ "Liên kết Việt" vẫn còn nóng trên mặt báo hay các diễn đàn mạng.


Hiện tại, cơ quan điều tra của 27 tỉnh, thành đã vào cuộc và chắc chắn khi hồ sơ vụ án khép lại, con số bị hại cũng như những khoản tiền họ bị mất sẽ còn lớn hơn nhiều.

Trên thực tế, kinh doanh đa cấp đã được đưa vào Luật Cạnh tranh 12 năm nay, nhưng khoảng 5-6 năm trở lại đây, nhiều vụ đa cấp trá hình đã xảy ra khiến hàng nghìn người dân lâm vào cảnh khốn đốn.

Ngoài Liên kết Việt, có thể kể ra đây một số vụ lừa đảo khác mà chỉ cần nêu số bị hại cũng như số tiền họ mất cho bọn lừa đảo, nhiều người không khỏi choáng váng: Đó là vụ đặt phòng khách sạn đa cấp ảo ở Công ty Holiday Việt Nam, Diamond Đông Nam Á: thiệt hại 79 tỷ đồng, 11.000 người tham gia; vụ đa cấp mua gian hàng ảo ở Tâm Mặt Trời: thiệt hại 122 tỷ đồng, 39.000 người; vụ mua gian hàng ảo ở Công ty MB24: 631 tỷ đồng, 17.000 người; vụ mua gian hàng ảo ở Công ty Xuyên Việt: 13,6 tỷ đồng, hơn 2.000 người tham gia…

Ma lực nào đã khiến nhiều người phát điên trong cơn sốt làm giàu như vậy? Xin thưa đó là khoản lợi nhuận khổng lồ mà những người cầm đầu trong đường dây đa cấp tuyên truyền không biết mệt mỏi khi giao giảng ở các tỉnh, thành. Họ nói rằng, với một khoản chi phí ban đầu để được tham gia hệ thống, nếu càng rủ rê, lôi kéo nhiều người thân tham gia, số tiền được hưởng sẽ rất lớn, lúc đầu chỉ là tiền triệu, mấy tháng sau chục triệu và 1-2 năm sau sẽ là tiền tỷ.

Minh họa của Lê Tâm.

Hơn một lần, gia đình tôi bị một số người ngon ngọt rủ rê tham gia vào một hệ thống đa cấp nào đó. Phải công nhận họ cực kỳ khôn khéo khi đưa ra chiếc bánh vẽ để nhiều người ảo tưởng về giấc mơ tỷ phú. Những người tỉnh táo sẽ dễ dàng lắc đầu vì biết tỏng đó là trò lừa đảo. Còn người nhẹ dạ, tin vào khả năng kỳ diệu của hình thức kinh doanh này thì sập bẫy là điều dễ hiểu.

Một dạng lừa đảo khác cũng như một thứ dịch bệnh lây lan từ thành phố tới các vùng quê yên ả, đó là hụi họ, tín dụng đen. Các phương tiện truyền thông đã nói quá nhiều về thủ đoạn lừa đảo này, rằng chẳng có một hình thức kinh doanh nào mang lại siêu lợi nhuận như thế, nhưng vì lòng tham, nhiều người vẫn dồn tiền cho các con nợ.

Dùng tiền nhà chưa đủ, họ còn vay mượn của người thân, bạn bè để rồi tự biến mình thành một đại lý gom tiền cho các con nợ và khi các đối tượng ôm một khoản tiền khá lớn bỏ trốn, các chủ nợ chỉ còn biết ôm mặt khóc. Nhiều gia đình tan cửa nát nhà, thậm chí có người tự tử vì tiếc của, vì không thể có tiền trả nợ…

Có một dạng lừa đảo gần đây được nhiều người đưa lên Facebook để cảnh tỉnh mọi người, đó là việc kẻ xấu tạo ra kịch bản nhặt được vàng hay điện thoại có giá trị rồi bán với giá rẻ. Không chỉ dùng lời đường mật thuyết phục người khác mua, chúng còn có khả năng thôi miên khiến các nạn nhân không thể kiểm soát được hành vi của mình để rồi rút hết tiền trao cho chúng.

Đến khi tỉnh lại thì mới biết bị lừa vì đó là vàng rởm, điện thoại rởm. Họ chỉ còn biết tự trách mình vì tham của rẻ mà trở thành nạn nhân của bọn lừa đảo.

Con người ai cũng ít nhiều có lòng tham và một trong những điều ảo tưởng nhất của một số người khi có niềm tin mãnh liệt rằng, không phải lao tâm khổ tứ gì mà vẫn giàu có trong một thời gian ngắn.

Kẻ lừa đảo thì mưu mô, xảo quyệt, không từ một thủ đoạn nào. Khi thực hiện những hành vi gian dối, chúng đã đánh trúng vào lòng tham của con người để chiếm đoạt tài sản trong một thời gian ngắn. Với nhiều người, để có số tài sản đó, họ đã phải tích cóp cả đời.

Đồng tiền chân chính kiếm được bao giờ cũng khó nhưng nó mang lại cho chúng ta sự thanh thản, niềm vui lao động và biết trân trọng những gì mình có. Còn nếu ai đó có khát vọng làm giàu từ những điều hoang tưởng thì sớm hay muộn, họ sẽ phải chuốc lấy bi kịch của đời mình.

Tuấn Nguyễn
.
.
.