Bi kịch mang tên "bà hỏa"

Chủ Nhật, 05/07/2020, 07:57
Hàng ngàn nạn nhân của “bà hỏa” phải sống từng ngày với nỗi đau thương tật và nỗi buồn số phận. Sau tai nạn, đa phần cuộc sống của họ đều bị đảo lộn hoặc thay đổi hoàn toàn.


Định mệnh nghiệt ngã

Đã hai năm rồi, nỗi đau mất con trong lòng ông Đào Văn G. (65 tuổi, xã Trung Ngãi (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) vẫn còn luẩn quẩn trong suy nghĩ, nếp sống, trong những đêm dài khó ngủ. Chị Đào Thị Bé T. là một trong 6 nân nhân của vụ cháy xe bồn chở xăng xảy ra vào khoảng 5h sáng ngày 22-11-2018 trên Quốc lộ 13, hướng từ Chơn Thành về Thị xã Bình Long (Bình Phước).

Ngày đó, T. vừa tròn 37 tuổi. Cuộc sống ở thôn quê khó khăn, một nách phải nuôi con gái nên chị đã quyết định ly hương tìm kế sinh nhai. Chị T. tới Bình Phước thuê trọ còn chưa nóng chỗ thì tai họa ập xuống đầu. Sự mất mát để lại cho gia đình là quá lớn, đứa con gái của chị vừa tròn 10 tuổi qua một đêm thức giấc đã trở thành trẻ mồ côi.

Nạn nhân bị bỏng khí gas.

Ở cái tuổi đã biết nhận thức được thế nào là bi kịch, là đau đớn khi mất mẹ, cô bé gào khóc gọi mẹ đến khản cổ, rồi cứ thẫn thờ, lạc lõng giữa cuộc đời. Ông G. tâm sự, vì sự ra đi của con gái quá đột ngột nên những người trong gia đình của ông phải mất một thời gian dài mới chấp nhận sự thật.

Thương nhất là bé gái con chị T., mặt nó lúc nào cũng buồn ngơ ngác. Thi thoảng nó ra gốc dừa ngồi bần thần ngắm rạch nước đục ngầu có bầy vịt đang đùa giỡn, chỗ này ngày mẹ còn sống cũng thường bế nó ra chơi. “Người ta thường động viên an ủi tôi rằng đó là tai nạn và không ai mong muốn cả. Vì số phận của con gái tôi chỉ đến đó, phải chấp nhận mà sống cho cuộc đời của mình. Giờ trách ai, hận ai thì con gái cũng chẳng thể trở về”, ông G. ngậm ngùi.

Cũng là nạn nhân trong vụ hỏa hoạn kinh hoàng đó, nhưng chị Lê Thị H. (41 tuổi, Bù Đăng, Bình Phước) còn may mắn hơn nhiều người khác khi vẫn còn cơ hội sống. Dù thời gian đã trôi xa, nhưng ký ức về buổi sáng mờ sương ấy vẫn ám ảnh và không thể nào phai mờ trong trí nhớ của chị H.

Trước khi ngọn ngửa bùng cháy, chị H. giật mình khi nghe tiếng va đập rất lớn của các thanh sắt. Chị H. chỉ kịp kéo cậu con trai dậy, rồi hai mẹ con lao ra ngoài. Lúc này, ngọn lửa đã bùng lên đỏ rực xung quanh, mùi xăng, mùi khét nồng nặc. Con trai chị H. hoảng sợ khóc thét lên, hai chân quýnh quáng ngã nhào xuống đất.

Lấy hết sức bình sinh, chị H. kéo được cậu con trai ra khỏi vùng lửa. Chân chị H. đạp vào góc của tấm tôn rách toác một đường dài khoảng 5cm, một bên cánh tay bị lửa táp phỏng rộp, sém cả vào mạn sườn. May mắn là cậu con trai chỉ bị xây xát nhẹ phần mềm. Chị H. và con trai được đưa tới bệnh viện điều trị kịp thời. Chưa kịp hoàn hồn thì chị H. nghe tin có 6 người tử vong trong vụ hỏa hoạn, thương tâm nhất là ba mẹ con chị Nguyễn Thị Cẩm T., người hàng xóm thân thiết, gần gũi với gia đình chị H.

Quá hoảng loạn và sốc, chị H. phải nằm viện điều trị tâm lý thêm một tuần. Ra viện, chị ôm con về nhà cha mẹ đẻ ở Bù Đăng và không dám quay lại khu phòng trọ một thời là tổ ấm nương náu của những người lao động tha hương.

Tất cả hiện vật, kỷ niệm đã hóa thành tro tàn, chỉ còn lại sự ám ảnh và nỗi đau mất mát người thân quen. Từ ngày thoát chết khỏi “giặc lửa”, chị H. dựng căn nhà nhỏ bên nương sắn, sống bằng nghề làm thuê làm mướn.

Ông Thời cặm cụi làm việc trong căn phòng trọ. 

Vết thương ở chân dù đã được khâu vá nhưng vẫn để lại sẹo rất lớn. Do ảnh hưởng đến dây thần kinh tọa nên chị H. phải đeo tất chân cả ngày lẫn đêm, hễ bỏ ra là nhói buốt. Bàn tay bị bỏng thì nhăn nhúm, loang lổ, mỗi khi trái gió trở trời gây rát như ai đó xát muối vào. Vuốt nhẹ bàn tay, chị H. tâm tình: “Dù cuộc sống của tôi gần như là mất tất cả, tôi phải làm lại từ đầu bằng đôi chân tàn tật và cánh tay không lành lặn. Nhưng tôi luôn thấy mình may mắn. Bị thế này so với những người khác thì đã là gì”.

Vượt qua nỗi đau

Thành phố sau cơn mưa chiều xối xả, tầm tã, khi con đường Tân Kỳ Tân Quý (Q. Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh) vẫn còn loang loáng dòng nước chưa rút, ông Nguyễn Văn Thời (52 tuổi) đã tất tả đẩy xe ốc ra vỉa hè chuẩn bị cho một đêm mệt nhoài xào nấu, chạy bàn.

Ông Thời vốn là một ngư phủ dạn dày gió sương, dọc dài biển cả. Bao nhiêu năm sống trong đại dương, vượt qua biết bao trận cuồng phong, những tưởng đời ông chẳng có gì phải sợ. Nhưng rồi chính ông đã bị ngọn lửa dữ tợn làm cho “thân tàn ma dại”, suýt nữa đã thành đống tro khét cháy.

Trong một chuyến ra khơi vào trung tuần tháng 3-2017 tại ngư trường Tây Nam, chiếc tàu công suất 450CV đang thong thả nghỉ ngơi chuẩn bị cho đợt kéo lưới vào đêm thì bất ngờ xảy ra một vụ nổ cực lớn tại vị trí đặt 2 bình gas trên tàu. Sức ép từ vụ nổ hất văng con người ra xa, khí gas choàng khắp khoang tàu gây phỏng rộp trên mặt, tay chân các thuyền viên.

Theo phản xạ, ông Thời vơ vội chiếc chăn trùm lên mặt. Tuy nhiên, sức nóng của gas cùng với ngọn lửa cháy lan rộng trong khoang tàu đã nhanh chóng táp vào người ông Thời. Nhờ tàu đánh cá gần đó, nhũng người gặp nạn được đưa vào bờ. Ông Thời nằm viện điều trị hơn 2 tháng, bị bỏng tới 60%, toàn bộ vùng bụng của ông bị bỏng tróc hết da, xương hai cánh tay bị rút da co lại.

Sức ép của lửa còn làm cho một con mắt của ông Thời nổ tung, hỏng vĩnh viễn. Từ một người đàn ông sức khỏe phi thường, vạm vỡ, ông Thời trở thành người tàn tật, không thể làm được bất cứ việc gì nặng nhọc. Cánh tay của ông bây giờ không cầm được vật nặng quá 2kg, đôi chân ông không thể chạy mà chỉ có thể đi khập khiễng.

Quá trình điều trị cho ông, gia đình phải bán 2 công đất vườn đang trồng cam ở Bến Tre. Không còn đất, không có tiền và không đủ sức khỏe, vợ chồng ông Thời bàn nhau lên TP. Hồ Chí Minh kiếm sống. Ban đầu, ông Thời định xin vào làm tại xưởng gia công mỹ nghệ dành cho người khuyết tật. Khi đi phỏng vấn, người ta nhìn thấy một con mắt lòi tròng của ông thì có chút hoang mang nên đã từ chối khéo.

Ông tính đi bán vé số, mà chân tập tễnh, đi nhiều là tối về sưng, mưng mủ, chảy máu. Cuối cùng, ông bà quyết định mở quán ốc vỉa hè. Hai cô con gái hỗ trợ tiền mua xe đẩy và một chút vốn cho cha mẹ khởi nghiệp. Quán ốc di động của ông Thời trời nắng thì bán ở vỉa hè đường Tân Kỳ Tân Quý, trời mưa lại chui vào túp lều gần nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Ông yếu đuối nên chỉ đứng một chỗ xào nấu, bà tay chân lành lặn đảm nhận việc chạy bàn.

Bàn tay nhăn nhúm, loang lổ của chị H.

Lúc đầu ế lắm, vì ở khu vực có vài quán khác cạnh tranh. Dân tình một lần đến ăn ốc, cám cảnh ông què chột, lại biết quá khứ của ông nên thương. Ông thì vui vẻ ca vài câu vọng cổ dài dằng dặc, đậm sự thuần khiết, chân tình. Cứ thế, quán ốc ngày một đông, cuộc sống của ông bà ổn định.

Dạo này mùa mưa về làm giảm hẳn một nửa thu nhập của ông bà. Những vết thương cũ tái phát, ông Thời phải đi bệnh viện liên tục. Vết phỏng ở bụng do mổ xẻ nhiều lần giờ rất mong manh, vận động một chút là đau, thậm chí ông còn không dám ăn no. Vì ăn no da bụng căng lên, vết thương nứt ra rất nguy hiểm. 

Nói về biến cố cuộc đời, ông Thời chợt giật mình thảng thốt, có một chút nuối tiếc, bất lực. Ông lý luận: “Kẻ đi biển không lụy vì nước mà bại vì lửa, thật trớ trêu. Thời gian có thể làm nhòe đi những biến cố, thăng trầm con người gặp phải. Với tôi, cho dù lâu hơn nữa thì cái buổi sáng nghiệt ngã trên biển 3 năm về trước lúc nào cũng như một cơn ác mộng trong đầu”.

Ông Thời cho biết, trong vụ hỏa hoạn đó, một bạn tàu của ông đã chết sau một năm điều trị vết thương. Một bạn khác bị cắt cụt chân, hiện làm nghề sửa xe ở An Giang. 5 trong số 7 thủy thủ trên tàu đã phải từ giã nghề biển, 2 người còn lại may mắn bị thương nhẹ vẫn bám trụ được với tàu. Thỉnh thoảng họ ghé nhà thăm, cho con cá, con mực, động viên nhau sống lạc quan, vui vẻ.

Trong hàng ngàn nạn nhân của “bà hỏa”, là chừng ấy cuộc đời với những góc khuất khác nhau. Nghĩ như ông Thời, thì đó là định mệnh giáng xuống đầu mà không ai có thể đoán định được. Còn chị H., dù là bi kịch vẫn luôn thấy mình may mắn. Thay vì dằn vặt và đau khổ về những gì đã xảy ra, họ đang từng ngày cố gắng thoát khỏi ám ảnh của quá khứ. Từ sâu trong ánh mắt của họ, chúng tôi tìm thấy đâu đó những ước mơ, mong mỏi về một cuộc sống bình thường.

Ngọc Hoa
.
.
.