Bi kịch trai thương người cũ

Thứ Sáu, 03/04/2020, 16:16
Từ quen biết đến tình bạn, từ tình bạn đến tình yêu, xa hơn là tình vợ chồng. Hạnh phúc, ấm êm thì chẳng sao, nhưng khi tình yêu đã chết, hoặc hôn nhân tan vỡ thì rất khó để quay trở lại tình bạn ban đầu. Không ít cặp khi mỗi người một ngả rồi mà vẫn không buông bỏ nổi, còn chất chồng thêm thù hận. Có cách nào để thoát khỏi Bi kịch mang tên... người cũ?


Người cũ là... người yêu cũ, người vợ cũ, người chồng cũ. Người cũ là của ngày đã qua, chứ không phải ngày hôm nay. Bi kịch mang tên người cũ mang nhiều "gương mặt", biểu hiện rất đa dạng, phong phú ở nhiều tình huống đau thương. Rất nhiều cặp yêu nhau, rồi chia tay, nhưng khi một người đi lấy chồng hoặc lấy vợ thì người kia ra phá đám. 

Có cô gái đến đám cưới của người yêu cũ bằng một cái áo tang, một vành khăn tang... khóc lóc. Có chàng trai người yêu cũ rủ bạn bè chặn đường đám rước dâu và hát ca khúc: "Sao em nỡ vội lấy chồng", lời qua tiếng lại giữa hai bên, rồi hành hung chú rể. Hoa cưới rập nát. Mặt mũi sứt xước. Thân thể bầm tím. Máu tươi đổ trong ngày hạnh phúc... Vì sao ra nông nỗi này?

Nhà văn Sương Nguyệt Minh, suongnguyetminh@gmail.com

Trong đạo Phật: Con người ta gặp nhau, đến với nhau, xa hơn là sống cùng nhau là do duyên. Cha mẹ sinh ra ta, sống cùng anh em cũng là cái duyên. Lớn lên đi học gặp bạn đồng môn, trưởng thành đi làm gặp bạn đồng nghiệp cũng là cái duyên. Hai người lạ hoắc, gặp nhau thấy cái răng khểnh là thích, thấy cái nhìn ấm áp là ưa,... có duyên đấy; rồi trở thành người tình của nhau cũng là cái duyên. Hết duyên rồi thì khó mà gắn kết, mỗi người đi một ngả, có khi hết đời chẳng một lần chạm mặt nhau. Nếu thế thì chẳng còn gì để thành bi kịch, để nói và viết các câu chuyện đau lòng. 

Hết duyên rồi còn nợ. Giải quyết cái nợ không sòng phẳng, không rõ ràng, minh bạch, không dứt điểm, không êm thấm mới sinh ra nhùng nhằng, bức xúc, tức tối, dẫn đến oán giận, thù hận. 

Các cuộc yêu thương trục trặc có thể đến từ một phía, mà cũng có thể đến từ hai phía. Cả hai đều chán nhau, hết yêu và cảm thấy đã đến lúc phải dừng lại tình yêu chuyển sang tình bạn, hoặc như người dưng nước lã là buông bỏ, thì không khó khăn lắm. Nhưng, một người còn đang yêu nồng nàn, người kia lòng lạnh lẽo thì lằng nhằng khó bỏ lắm. Tình cảm nó như hai người kéo căng sợi dây thun, một người buông tay là người kia bị dây đập lại... đau lắm. Lòng vấn vương, tiếc nuối, nước mắt đẫm gối đêm trường là dễ sinh ra oán thù. 

Nếu là người thông thái hết yêu rồi, muốn chia tay thì phải biết cách... "rút củi đáy nồi", buông bỏ từ từ làm cho người kia thấy tình cảm nhạt dần, chứ đánh đùng một cái nói lời chia tay thì có khác gì đem quả bộc phá đánh hàng rào tình yêu. 

Shock! Bất ngờ! Rồi cảm thấy bị phụ bạc, bị bỏ rơi, bị phản bội. Danh dự bị tổn thương. Lòng tự trọng bị coi thường. Cái cảm giác đau đớn bị phụ bạc này đeo bám mãi thành oán giận. Từ oán giận đến trả thù chỉ còn trong gang tấc. Không ăn được thì... đạp đổ. Bi kịch tất yếu sẽ xảy ra. Các bạn đang yêu hãy học và làm người yêu thông thái để tránh cho mình những chuyện rắc rối, lằng nhằng hậu chia tay với người cũ.

Bi kịch người cũ không từ một ai. Không phân biệt vùng miền. Không tính tuổi tác. Một cô vợ mới ở Móng Cái đánh cô vợ cũ của chồng te tua, phải nhập viện khâu 11 mũi. Chỉ bởi lý do: anh chồng nhắn tin cho cô vợ cũ đã li dị 2 năm nhờ mua thuốc giảm cân và cầm lên cho anh ta, nhưng cô vợ mới không đồng ý. Tin nhắn đi nhắn lại, anh chồng còn khen cô vợ cũ dạo này xinh ra. Vợ mới ghen, nhắn tin lại cho vợ cũ. Vợ cũ bận không nhắn lại và còn chặn Facebook. Vợ mới điên tiết bắt chồng chở đến chỗ vợ cũ làm cho ra chuyện. Chuyện lành không đến lại ra cái chuyện... máu đổ và hình ảnh, danh tính cả ba bị bung lên mạng. Xấu chàng hổ ai!

Ảnh mang tính minh họa.

Chia tay rồi mà vẫn không trọn cuộc chia li, không đứt đuôi con nòng nọc. Có gia đình mới phải yên phận và chăm lo quán xuyến xây dựng tổ ấm mới chứ sao lại cứ lằng nhằng với người cũ. Đàn ông đôi khi vô duyên, mất hết cả sự tinh tế, vô tình ngợi khen vợ cũ trước mặt vợ mới thì không cháy nhà cũng động đất núi lửa. Phụ nữ mong manh dễ tổn thương. Là người chín chắn, nhìn xa trông rộng thì khéo léo, tế nhị không kéo người vợ cũ vào đời sống hằng ngày của gia đình mình. 

Người vợ hay chồng cũ một ngày cũng nên nghĩa, giúp nhau lúc tắt lửa tối đèn, khó khăn hoạn nạn là đáng nể, đáng khen. Nhưng, không đủ tầm vóc để làm chuyện nhân đạo, nhân ái lớn lao ấy thì phải biết tránh xa được bao nhiêu nào càng tốt bấy nhiêu. Giữ cho mình, giữ cho vợ mới của mình và cả người cũ chính là chân lý: Tiền bạc phân minh, ái tình rành mạch. 

Cuộc sống sau hôn nhân chỉ có tốt lên chứ không xảy ra bi kịch người cũ. Nếu hết yêu, thì hãy buông bỏ để người ta có điều kiện, hoàn cảnh, cơ hội để yêu người mới. Còn nếu mình bị bỏ rơi thì hãy giải thoát cho chính mình, còn bao nhiêu tình huống cơ hội gặp người khác trên đời để yêu. Việc gì phải tranh giành, oán giận, rồi quá mù ra mưa, đến mức không ăn thì đạp đổ? 

Bi kịch người cũ còn xảy ra do thiết tha người mới mà vẫn lưu luyến người cũ, "con rô cũng tiếc, con diếc cũng muốn". Ở thành phố Long Xuyên, An Giang: Một nữ bác sĩ sau khi tỉnh lại thấy người yêu cũ nằm trên người mình và có vết cắt ngang cổ. Tình đầu là: Nghe tin cô người yêu cũ sắp lấy chồng, anh ta gọi điện thoại hẹn đến khách sạn gặp nhau. Gặp để làm gì thì chỉ có hai người và trời đất biết. Nhưng, theo nữ bác sĩ khai là anh người yêu cũ trách móc "sao em nỡ vội lấy chồng" mà bỏ anh ta. Rồi đọc được tin nhắn từ chồng sắp cưới của người yêu cũ thì anh ta ghen. Ghen đến mức ôm gối bịt mặt làm người yêu cũ ngất xỉu. Chỉ đến khi cô tỉnh lại thì mới thấy người yêu cũ nằm trên người mình với vết cắt ngang cổ dài 3cm đang chảy máu. Tri hô. Nhân viên khách sạn cùng cô đưa anh người yêu cũ đi bệnh viện cấp cứu.

Sắp cưới chồng, chỉ vì một cú điện thoại, mà còn dám vào khách sạn với người cũ. Gặp người cũ cũng chẳng sao. Nhưng, với người ứng xử thông minh thì hoặc hẹn ở quán cà phê đông người, hoặc kéo theo một người bạn cùng đi. Cuộc chuyện trò sẽ chừng mực, không bị đẩy đi xa quá về hướng tiêu cực. Hoặc giả có xảy ra tình huống bất trắc, bất an thì mình cũng không đơn độc. Gặp nhau cần thiết phải giữ một khoảng cách cả không gian lẫn tình cảm. 

Người ta nói: Tình cũ không rủ cũng đến, mà rủ thì càng đến nhanh. Gặp nhau kí ức tràn về, kỉ niệm xôn xao, tình cảm trỗi dậy. Khoảng cách quá gần, thậm chí va chạm thân thể, mà chỉ có hai người ở trong một phòng thì không điều gì không xảy ra. Có thể sống lại cảm giác ái ân nồng nàn trước đó, xong rồi thì uể oải chán chường, vài câu hòn đất ném đi hòn chì ném lại liên quan đến người mới là cũng có thể... bùng nổ. Có thể gặp nhau hỏi han, khi dỗi, trách móc, rồi to tiếng, mâu thuẫn cũ âm ỉ, mâu thuẫn mới xuất hiện, xung đột không kìm giữ được. Bi kịch xảy ra ngay trong cái phòng nhỏ hẹp ấy.

Gặp nhau là cái duyên, mỗi người đi một nẻo là cạn duyên, hết duyên. Vợ chồng là cái duyên lớn nhất. Người ta nói "tu trăm năm được ngồi chung thuyền, tu nghìn năm mới cùng chăn gối".Thế mới có câu: "Duyên do trời định, hạnh phúc do nhân định".

Trong thực tế cuộc sống, đôi khi chỉ cần một khoảnh khắc có thể yêu một người. Tình yêu sét đánh mà. Nhưng để quên một người có khi phải đi hết cũng đời. Gặp nhau, yêu chỉ biết yêu. Yêu rồi cưới. Hôn nhân mới hạnh phúc mới. Không ai biết được phía trước của tình yêu ra sao, tương lai của hôn nhân thế nào. Nhưng, duyên là trời định, hạnh phúc là người định. 

Nguyễn Du viết "Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều". Con người có thể thay đổi cuộc sống của mình, có thể định đoạt hạnh phúc của mình. Không ai muốn chia ly, nhưng nếu bị dồn đến chân tường của cuộc chia tay không hẹn trước thì bản thân mình phải chấp nhận buông bỏ. Chấp nhận buông bỏ là nhận lỗi về mình, không ném tổn thương vào người cũ. Giữ cho người cũ yên ổn cũng đồng nghĩa hóa giải bi kịch với người cũ, giữ hạnh phúc cho người mới và cho mình.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh
.
.
.