Bình Định: Nghề săn cá mập sẽ trở thành dĩ vãng

Thứ Hai, 06/05/2013, 15:41

Với nhiều ngư dân ở thôn Lý Hưng, xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn, Bình Định) thì săn cá mập từng là một nghề đảm bảo đời sống cho họ. Thời kỳ hoàng kim, dân trong thôn đi săn cá mập trúng đậm. Nhà nhà, người người trong thôn theo nghề săn cá mập, nơi đây vì vậy còn được mệnh danh là “làng săn mập”.

Vật lộn với biển cả, săn cá dữ đại dương

Về thôn Lý Hưng những ngày cuối tháng ba, cái nắng cái gió làm màu biển Nhơn Lý xanh hơn, ôn hòa hơn. Dịp này, ngư dân trong làng phần lớn đi đánh cá xa bờ, người vào tận vùng biển Khánh Hòa, người ra tới vùng biển Quảng Bình. Tuy nhiên, ý định về thăm “làng cá mập” của chúng tôi gặp hên khi các lão ngư săn cá dữ vẫn ở nhà.

Theo nhiều ngư dân có kinh nghiệm trong làng, săn cá mập từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm khi mùa gió Nam thổi. Lúc này, người câu cá chuẩn bị đầy đủ đồ nghề ra khơi săn cá dữ. Các lão ngư ở Lý Hưng tất bật chuẩn bị dụng cụ cho mùa săn cá mập sắp tới.

Ông Nguyễn Minh Công (45 tuổi) với thâm niên săn cá mập gần 20 năm, nói: “Mùa săn cá mập chỉ vài tháng trong năm nhưng trước đây là nghề kiếm sống của người dân thôn Lý Hưng. Thời gian trôi đi, cá mập hiếm dần, lăn lộn với biển mà thu không bù chi nên người ta bỏ nghề hết. Đến nay chỉ chừng mươi hộ theo nghề săn cá mập. Nói là câu cá mập chứ thả trúng cá gì mình thu cá đó, biển giã ngày càng khó, có con cá đã là may nói chi giống cá mập đang bị tuyệt chủng dần.

Câu cá mập không cần nói cũng biết là nguy hiểm, nhiều lúc phải đánh đổi sinh mệnh của mình. Đưa được con cá nặng với bộ vi (vây cá mập) lên bờ, chúng tôi phải đánh đổi cả máu, nước mắt. Thế nên, câu cá mập phải là những anh khỏe mạnh, dẻo dai, trai trẻ có sức mà không có kinh nghiệm thì không bằng người già được. Bởi thế, những chuyến ra khơi của tôi có cha đi cùng lúc nào cũng thắng lớn”.

Thuyền câu cá mập không khác gì thuyền khác, duy chỉ cái bộ đồ nghề là riêng biệt. Ông Trần Hồng (57 tuổi) thôn Lý Hưng nói: “Mỗi chuyến ra khơi chừng 4 người với bộ đồ nghề gồm lưỡi câu, móc, chĩa, cước, đèn… Chiếc thuyền lớn với trang bị đầy đủ đồ nghề đưa họ ra biển tìm cá mập, Thường thì, ngư dân sẽ trang bị hai cái chĩa, hai lưỡi câu lớn, hai lưỡi câu đeo phục vụ cho việc khiêng cá lên thuyền, trên lưỡi câu có một thước mí inox và một dàn câu có đến 9 - 10 cái đèn chớp, mỗi đèn cách nhau khoảng một lý.

Mỗi thuyền đi có ít nhất 4 người, độ 2 giờ chiều là thuyền rời bến ra khơi. Dựa theo kinh nghiệm, nhìn hướng gió và con nước là chúng tôi buông lưỡi câu. Lưỡi câu thả xuống độ sâu 15m và trải dài đến vài trăm lưỡi trong vùng thuyền neo bắt đầu chuyến hành trình câu cá mập”.

Sau đêm dài buông câu, ngư dân trở về với chiến lợi phẩm của mình. Lúc thắng đậm, lúc đành về tay không. Cứ hai lần tay trắng, ngư dân phải tạm nghỉ một ngày mới tiếp tục ra khơi. Một phần nghỉ để tìm nơi săn cá, phần nữa là chi phí mỗi câu không đáp ứng đủ.

Ông Trần Sen cầm lưỡi câu miêu tả cách móc mồi săn cá mập.

Trước đây, người dân thôn Lý Hưng thường săn cá mập xa bờ, ông cha họ gửi mình theo những chuyến khơi xa. Lúc gặp sóng to, gió lớn họ đành phó mặc theo nguồn nước và bỏ mạng giữa mênh mông biển nước là chuyện thường. Dần dà, người dân trong thôn rút ngắn khoảng cách đánh bắt, bây giờ dân Lý Hưng đánh cá gần bờ là chủ yếu. Tuy nhiên, gửi mình cho biển thì xa gần gì cũng lắm bất trắc, đặc biệt là săn giống cá dữ này mối nguy hiểm càng cao.

Ông Trần Hồng nói thêm: “Những chuyến biển gần thì ít nguy hiểm hơn, nhưng đã săn cá mập là phải trả bằng máu cho biển. Có người suýt rơi vào hàm cá mập, về sau phải bỏ nghề. Con cái họ cũng ít theo cái nghiệp này. Ngày ấy, nếu không có kinh nghiệm và sức dẻo dai của tuổi trẻ, e rằng tôi đã làm mồi cho cá mập lâu rồi. Số là vừa buông câu thì có cá mập dính lưới. Cá lớn, lại hung vì mắc câu nên nó vùng vẫy kéo mạnh dàn câu xuống nước. Chân tôi không may vướng vào lưỡi câu, bị lôi xuống nước. May sao sợi cước giãn ra, mọi người trên thuyền mới giữ tôi lại được”.

Kinh nghiệm đi săn cá dữ

Ráng chiều buông xuống trên bến đò thôn Lý Hưng, trong ngôi nhà nhỏ của mình, lão ngư Trần Sen (72 tuổi) dõi ánh mắt xa xăm nhìn khơi xa. Ông hồi tưởng về một thời trai trẻ lăn lộn với sóng biển, trong ánh mắt ông là niềm hân hoan, tự hào và cả nuối tiếc những tháng ngày đã qua. Đến cái tuổi thất thập này, ông thành lão ngư lớn tuổi nhất vẫn theo nghiệp săn cá mập. Dù rằng, mắt không còn tinh, chân tay không còn mạnh nhưng với kinh nghiệm của mình thì mỗi chuyến ra khơi của các con ông luôn thuận buồm xuôi gió.

Động tác phóng lao khi phát hiện cá mập.

Một nhà ba đời theo nghiệp săn cá mập, ông theo cha ra biển từ thuở mười tám, đôi mươi, bao nhiêu cá trên biển ông đều thuộc cả. Riêng các giống cá mập gắn với gia đình ông từ lúc ông còn nằm nôi, trong mỗi câu chuyện về chuyến ra khơi của cha, câu hát ru của mẹ đi vào máu thịt ông. Lớn lên, ông dong thuyền ra khơi săn cá dữ. Thế nhưng, nghề săn cá mập có từ bao giờ thì không ai rõ, bản thân ông cũng vậy. Đời ông cha truyền lại cho ông, con trai ông nay cũng theo nghề săn cá mập. Ông Sen kể: “Trước đây đời cha, đời ông đi săn biển lớn. Thời tôi cũng không ít lần ra giữa khơi xa sâu cá mập. Đi xa trúng lớn, mất cũng lớn, dân trong thôn dần dần rút về gần bờ”.

Ngoài bộ đồ nghề đầy đủ, quan trọng nhất là mồi câu. Mồi câu ngon thì cá mới ăn. Trước đây, người dân thôn Lý Hưng dùng cá thu, cá hồng, cá sáng,... Tuy nhiên, khẩu vị cá mập cũng thay đổi, giờ nó lại thích ăn cá hố, mà khoái khẩu là cá nược. Muốn săn cá mập nhiều thì dĩ nhiên là phải bắt được cá nược, mà cũng nghiệt lắm, có khi săn cá nược còn khổ hơn câu cá mập. Cá nược cũng là giống cá dữ, thêm vào đó nặng ký nên khi phát hiện chúng tôi chỉ dám săn những con 50kg đổ lại, săn con to vài ba tạ không có ghe mà chứa. Mồi cá nược hấp dẫn cá mập vì thịt đỏ như thịt bò. Cá nược thì khó bắt, gần hai ba năm nay chẳng mấy khi dân trong nghề đánh được cá nược, cá mập vì thế mà giảm hẳn. Dùng cá hố một mùa chỉ đánh được chứng 7, 8 con cá mập, trong khi mồi cá nược thì gấp đôi, gấp 3 số này”.

Chuẩn bị mồi đã khó, móc mồi câu còn khó hơn. Nếu không có kinh nghiệm, móc không đúng thì chỉ làm mồi cho cá biển rỉa mà cá mập chẳng thấy đâu. “Trên mỗi lưỡi câu bằng inox cỡ 5cm móc một con cá hố, mồi câu móc lên được cố định bằng những dây lá mía héo quấn quanh. Quấn như vậy tránh cho cá bỏ xuống làm mồi cho cá khác, khi quấn chặt mồi câu như thế cá mập ăn phải sẽ khó dứt ra. Mỗi lần buông câu từ vài chục đến vài trăm lưỡi câu, mỗi lưỡi cách nhau một lý và trên đó gắn những chiếc đèn báo hiệu. Cá cắn câu những chiếc đèn phát sáng và xích lại gần nhau. Mỗi lần đánh trúng cá mập, để cá cắn câu khoảng 2 tiếng, chúng tôi mới phóng lao, phóng chĩa kéo cá lên ghe. Sỡ dĩ chúng tôi làm vậy là để đảm bảo an toàn cho mọi người, lúc cá mập mới cắn câu rất hung, nếu kéo liền dễ gặp tai nạn. Đợi lúc cá vùng vẫy đuối sức mình mới kéo cá lên” – ông Sen tiếp tục kể.

Con cá mập nặng 3 tạ với bộ vây có giá 15 triệu đồng từng là con cá mập lớn nhất trong đời đi biển của ông Sen. Theo ông, đó cũng là con cá mập bự nhất mà người dân thôn Lý Hưng đánh được từ đời của ông. Bắt được con cá mập này, ông Sen phải nhờ thêm 3 chiếc thuyền bạn cùng dùng cần cẩu mới đưa được cá lên ghe. Một đặc trưng của thuyền câu cá mập là trên thuyền đều trang bị sẵn cần cẩu. Người săn cá mập kinh nghiệm trong thôn cho biết, cá mập chỉ xuất hiện vào những đêm trăng non (mùng 6 đến 13 âm lịch) và trăng già (14 đến 24 âm lịch). Trăng sáng chiếu lấp lánh làm cá mập dễ hoa mắt nên thường mắc câu.

Với người chuyên săn cá mập, thực phẩm từ con cá mập ngon, bổ nhất là những chú cá con còn nằm trong bụng mẹ. Ông Sen nói: “Thường thì đánh được cá mập mang bầu, người dân trong thôn xẻ thịt chia nhau chứ ít khi bán. Cá mập con còn nằm trong bụng mẹ được mổ ra cho trực tiếp vào nồi nước, hoặc cháo đang sôi. Làm như vậy, cá con vừa không dính cát, lại giữ được vị ngon ngọt của cá, ăn rất bổ. Thường thì giống cá mập mang bầu chẵn từ 2, 4 hoặc 6 con trở lên”.

Săn cá mập sẽ là quá khứ

Săn cá mập trước đây là nghề kiếm sống của cả thôn Hưng Lương (nay là hai thôn Lý Hưng, Lý Lương), xã Nhơn Lý. Đến nay, làng cá mập ngày xưa chỉ còn lại 5, 7 hộ gia đình theo nghề. Nói là theo nghề, nhưng một mùa có khi họ chỉ câu được 1 đến 2 con cá mập, còn lại thì đánh được cá nào nhờ có đó. Một chuyến ra khơi câu cá mập phải tốn hơn 5 triệu tiền mồi câu, chưa kể những chi phí khác. Hai chuyến biển mà trở về tay trắng thì họ đành nghỉ ở nhà. Một chiếc thuyền câu cá mập và trang bị phải mất 70 triệu đồng đến 80 triệu đồng, nhiều gia đình không đủ chi phí trang trải phải bỏ nghề.

Trước đây, khi phương tiện đánh bắt còn thô sơ, người dân trong thôn lại đánh được nhiều cá mập, cuộc sống nhờ vậy mà khá lên. Thế nhưng, khi tàu thuyền được trang bị máy móc dò tìm, cá mập lại chẳng thấy bóng dáng đâu. Cá mập ngày càng hiếm dần trên các vùng biển Bình Định. Với người dân Lý Hưng, không sớm thì muộn “săn cá mập” sẽ là một nghề lùi vào dĩ vãng. Lúc đó, họ chỉ kể cho con cháu đời sau nghe về một cái nghề vùng vẫy ngang dọc biển khơi một thuở

Nguyên Thu
.
.
.