Bình Liêu mùa hoa sở

Thứ Bảy, 22/12/2018, 14:22
Khi những cơn gió bấc tràn về đem theo cái lạnh tái tê thì cũng là lúc khắp những sườn đồi, khắp những nẻo đường vào bản lại rực trắng một màu hoa sở. Hoa sở dường như là thứ “đặc sản” của vùng biên viễn đông bắc này. Màu trắng tinh khôi của hoa sở không chỉ đem lại sự tươi sáng cho núi rừng Bình Liêu.


Lễ hội hoa sở Bình Liêu được mở vào dịp trung tuần tháng 12 hàng năm. Đây cũng chính là thời điểm hoa sở nở nhiều nhất và rực rỡ nhất. Còn nhớ bốn mươi hai năm về trước, cũng một ngày tháng 12 giá rét căm căm, chiếc xe chiếu phim lưu động của chúng tôi vừa qua đường tràn vượt sông Tiên Yên đoạn ngay dưới chân dốc cuối thị trấn Bình Liêu và hăm hở ngược lên cửa khẩu Hoàng Mô.

Sông Tiên Yên mùa này làn nước trong veo ngỡ nhìn được cả những viên đá cuội bé như hòn bi ve của thời trẻ nhỏ. Mê mải nhìn dòng sông êm trôi, bỗng tôi nghe anh Thế, lái xe, kêu to giọng phấn khích “Hoa sở đẹp quá”. đúng là không có gì có thể tuyệt mỹ hơn. 

Núi rừng Bình Liêu hôm nay.

Trước mắt tôi dường như không phải là cánh rừng bạt ngàn cây cối nữa mà là “một rừng bướm trắng”. Những cánh hoa trắng muốt nhụy vàng tươi tựa như hút hết nắng hè dập dờn chao nghiêng trong gió. Dường như cái lạnh biên cương vụt tan và để lại trong tôi những xúc cảm ngỡ ngàng.

Ấn tượng “buổi đầu gặp gỡ” cứ theo tôi suốt những năm “giữ chốt” ở Bình Liêu. Về quê, rồi chuyển ngành, nhiều năm nữa qua trôi nhưng tôi chẳng thể nào quên được. Nhớ da diết, nhớ khôn khuây đến bật thành thơ “Nhớ mùa hoa sở nắng đông đưa/ Trắng đến lòng ta cũng thẫn thờ/ Mắt biếc áo hoa vui trẩy hội/ Sáo đàn réo rắt tới Hoàng Mô”.

Mùa hoa sở năm nay tôi quyết định trở lại Bình Liêu để thêm một lần yêu bông hoa sở trắng. Chiếc xe du lịch 29 chỗ khởi hành từ Hà Nội lúc 6 giờ sang, sương mùa đông lênh loang hai bên quốc lộ 18. Cậu Oánh, lái xe, nói như đúng rồi “Cứ đà này các cô các chú chắc sẽ ăn trưa ở Bình Liêu”.

Tôi thầm “tay này chỉ được cái nổ”. Tôi nghĩ thế cũng bởi nhớ lại những năm đóng quân ở Bình Liệu, mỗi bận về phép và trả phép là mỗi lần tôi phải vượt qua “con đường đau khổ”. Thuở trước đường lên Bình Liêu quả là khó khăn. Đường xấu, xe thưa. Có khi còn phải nằm lại dọc đường bởi cơn mưa rừng đêm trước làm sạt cả một vạt đồi phủ lấp con đường.

Nay thì khác rồi. Nhoáng một cái đã tới thị trấn Bình Liêu, cậu Oánh nói đúng. Tôi liếc nhìn đồng hồ “Mười hai giờ ba mươi mốt phút”. Lặng yên để nhớ, tôi chẳng thể nào nhận ra được dẫy phố lèo tèo với những ngôi nhà lợp ngói âm dương xám xịt khói bếp khi xưa nữa. Sau hơn ba mươi năm tôi trở lại với nhiều cảm xúc đến khó tin trước diện mạo hôm nay. 

Giờ “phố” Bình Liêu đã khang trang rộng rãi lên rất nhiều. Đường hai chiều rộng thênh thang. Các tòa nhà trụ sở cơ quan bề thế ngự giữa trung tâm. Hàng cờ phướn cùng biểu ngữ như tô thêm vẻ huy hoàng. Thị trấn Bình Liêu được chia thành bảy khu và mỗi khu đều có tên gọi bắt đầu từ chữ “Bình”.

Một góc thị trấn biên giới Bình Liêu.

Đó là các khu phố Bình Đẳng, Bình Công 1 và 2, Bình Quyền, Bình Dân, Bình An, Bình Quân nghe rất ấn tượng. Phải chăng khi đặt lên những cái tên đó bà con các dân tộc nơi đây, đã gửi vào đó niềm mong muốn của mình?

Tôi ra giữa phố, đứng ngó nghiêng để tìm vị trí chụp ảnh núi Cao Xiêm, ngọn núi cao 1.429 mét này được ví như là “nóc nhà của tỉnh Quảng Ninh. Dưới ánh nắng bắt đầu từ trưa chuyển sang chiều từ phía tây rọi tới, đỉnh Cao Xiêm nhìn nổi bật trên nền trời xanh ngắt tựa như một bức tường thành. Vẻ hùng vĩ ấy mãi tới hôm nay tôi mới cảm nhận được.

Chu Xuân Cường, cậu trai 24 tuổi người dân tộc Tày xởi lởi bước tới chào chúng tôi. Thì ra cậu, theo như giới thiệu của cô chủ Homstay mà chúng tôi đã liên hệ trước qua hệ thống tra cứu thông tin trên mạng, sẽ là hướng dẫn viên cho đoàn. 

Một cậu thanh niên đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh nhưng cái “thú” đi đây đi đó đã “chuyển hướng” cho cậu thành một hướng dẫn viên du lịch. Hỏi chuyện sơ sơ thì Cường cho biết: “Cháu hay đi đây đi đó khắp huyện nên cháu biết nhiều chứ đâu có là hướng dẫn viên du lịch”.

Rồi Chu Xuân Cường nói luôn: “Ta đi Đồng Tâm luôn chứ ạ?”. Tôi hỏi lại: “Vì sao?”. Chu Xuân Cường hồn nhiên “Lên Bình Liêu dịp này mà không xem hoa sở thì phí lắm”. Hỏi thêm mới biết, từ năm 2015, năm huyện Bình Liêu lần đầu mở lại “lễ hội hoa sở”, thì khu rừng hoa sở thuộc thôn Đồng Long, xã Đồng Tâm được chọn làm địa điểm tổ chức lễ hội. 

Ở Đồng Tâm, cây sở được xem là giống cây chủ lực, giống cây làm giàu cho bà con nên cũng được xác định như là “thủ phủ” của loài hoa cánh trắng. Vào những ngày diễn ra lễ hội, bà con các dân tộc trong huyện, trong tỉnh và khách du lịch khắp nơi kéo về chung vui náo nức. Một lễ hội hoa độc đáo, tràn ngập tiếng cười, tiếng đàn, tiếng hát. “Chỉ có ở Bình Liêu mới có lễ hội hoa sở thôi chú ạ”. Nghe Chu Xuân Cường hào hứng mà tôi cảm thấy tim mình bồi hồi bao cảm xúc.

Nhớ quãng đầu những năm tám mươi mỗi lần từ hậu cứ lên “chốt”, tôi lại có được cho mình những cảm nhận xôn xao. Đi bộ đến chặng đường cuối xã Đồng Tâm là tôi rẽ trái, ngược dốc núi, men theo đường mòn, xuyên qua cánh rừng hoa sở. 

Đường vào lễ hội hoa sở.

Từ điểm chốt 600 nơi chúng tôi đặt đài quan sát pháo bình trên đó, vào bữa trời quang mây tạnh là có thể nhìn xuống và thấy ngàn vạn cánh bướm rung rinh. Màu trắng của hoa sở đã cho chúng tôi niềm tin tuyệt đối, niềm tin trắng ngần để chúng tôi đi qua những ngày gian khó.

Bình Liêu là huyện đa dân tộc (khoảng trên 96% là đồng bào dân tộc thiểu số), với 5 dân tộc chính (dân tộc Tày chiếm 58,4%, dân tộc Dao chiếm 25,6%, dân tộc Sán Chay chiếm 15,4%, dân tộc Kinh chiếm 3,7%, dân tộc Hoa chiếm 0,3%) tạo nên một bề dày văn hóa phong phú, đa dạng, mang một bản sắc riêng. 

Huyện không có nhiều đền chùa, di tích lịch sử, chỉ có duy nhất di tích lịch sử cấp tỉnh là đình Lục Nà thuộc xã Lục Hồn vừa được phục dựng lại Lễ hội vào năm 2005. Vào ngày 16/3 âm lịch chợ có lễ hội tháng 3 (người ta quen gọi là Chợ tình giao duyên) của người Sán Chỉ. Cùng với lễ hội hoa sở ở xã Đồng Tâm vào tháng 11 âm lịch đã đem lại những lễ hội văn hoá rất đặc sắc. 

Nhiều hoạt động văn hóa như: liên hoan dân ca, trò chơi dân gian, trưng diện trang phục truyền thống… sẽ tạo nên một không gian nhiều màu sắc cho du khách, hứa hẹn về một Bình Liêu, huyện biên giới xa xôi vượt qua khó khăn và phát triển.

Với sự đầu  tư theo một tư duy biện chứng là “Hạ tầng đi trước, phát triển theo sau” nên huyện Bình Liêu hiện nay đúng là có một hệ thống giao thông “như trong mơ”. Tỉnh lộ 341 dài 80km, chạy dọc đường biên giới nối cửa khẩu Hoàng Mô với thành phố Móng Cái, đã chính thức được mang tên là đường quốc lộ 18C, giúp huyện miền núi Bình Liêu “vươn tay” tới thành phố Móng Cái, trung tâm kinh tế cửa khẩu lớn vào loại nhất nhì nước ta, được thuận tiện hơn và cũng nhanh hơn. 

Còn trong toàn huyện thì đường trải nhựa đã tới từng xã. Đường bê tông xi măng rộng 1 mét nối từng thôn bản với nhau. Hệ thống giao thông đó còn kết nối với đường tuần tra biên giới đổ bê tông xi măng rộng 3 mét. Về Bình Liêu hôm nay không khó nhận thấy những cặp vợ chồng người Dao, người Sán Dìu đèo nhau bằng xe máy chạy vù vù.

Những cánh hoa sở trắng.

Trong tổng diện tích tự nhiên 47.510,5ha, diện tích đất nông nghiệp của huyện Bình Liêu chỉ có khoảng 7.000 ha, chiếm 15,6% tổng diện tích đất đai toàn huyện (trong đó, hơn 4.000 ha là đồi cỏ có thể chăn thả đại gia súc, đất trồng lúa và hoa màu hơn 164ha chủ yếu là ruộng bậc thang trải dài theo các thung lũng, sườn đồi, bãi bồi ven sông); diện tích đất lâm nghiệp của Bình Liêu khoảng 34.683,78 ha, chiếm 73% (trong đó, hơn 2.616,65 ha là rừng tự nhiên, nhưng lâm sản nghèo kiệt do khai thác quá mức) phù hợp với trồng một số loại cây đặc sản như: hồi, quế, trẩu, sở; các loài cây lấy gỗ như: sa mộc, thông, keo và một số cây ăn quả.

Tiếng gọi của Chu Xuân Cường đã kéo tôi về thực tại. Đang tầm chiều nên bầu trời chợt đến quang mây. Dưới ánh nắng hiếm hoi trong buổi đầu đông chợt bùng lên những cánh hoa sở trắng. Gió reo và nắng gọi. Ngàn vạn con bướm trắng vây vẫy đôi cánh tiên mời chào. Tôi mê đi bởi vẻ đẹp trong ngần đến ngỡ ngàng nhường ấy.

Nguyễn Trọng Văn
.
.
.