Bình thường như cân đường hộp sữa

Thứ Ba, 07/07/2015, 08:00
Ngày xưa có chuyện biếm. Một thương gia Mỹ và một thương gia Pháp ngồi đàm phán ở văn phòng.
Thương gia Mỹ đề nghị: Nếu ngài không cảm thấy phiền lòng, tôi có thể gác 2 chân lên bàn được chứ?

Thương gia Pháp cười: Tại sao không? Ngài có thể gác cả 4 chân nếu muốn.

Cách chơi chữ của người Pháp cho thấy việc gác chân lên bàn là một hành vi không thể thông cảm. Tuy là một việc kiêng kỵ, nhưng vì sao trong những môi trường không chính thức thì các quý ông, quý bà vẫn gác chân lên bàn? Tại sao một thứ khó coi mà người ta vẫn hay thực hiện? Hãy khoan nói đến văn hóa mà hãy nhìn với góc độ sinh học. Việc gác chân lên cao cho thấy rõ sự dễ chịu và tránh được bệnh giãn tĩnh mạch mà dân văn phòng hay mắc.

Với một số trường hợp thì bác sĩ khuyên đi ngủ cũng nên gác chân lên cao so với mặt giường những 18 cm. Việc này giúp máu lên não tốt hơn, tránh được bệnh giãn tĩnh mạch. Đương nhiên hiệu suất công việc tốt hơn nhiều. Thực tế là những người làm văn phòng hay bị phù chân cũng do không được gác lên cao. Hiện nay, trên một số phương tiện như xe bus và ghế máy bay của một số nước cũng có giá gác chân cho hành khách. Tuy chỉ là nâng cao hơn mặt sàn khoảng dưới 20cm nhưng đem lại cảm giác rất dễ chịu.

Minh họa của Tả Từ.

Còn ghế VIP trên máy bay thì kết hợp cả nâng chân lên cao và hạ đầu xuống thấp, gần như tư thế nằm. Các tiện nghi không phải biến con người thành tầm thường mà thực ra đây là thành quả khoa học đáng giá. Trộm nghĩ, giá như có thể áp dụng việc này tách bạch cho dân văn phòng. Khi họp hành thì nghiêm nhưng khi làm việc thì được tùy theo tư thế thì chắc hiệu suất lao động sẽ không tồi.

Tổng thống Mỹ và một số nhà lãnh đạo nổi tiếng cũng hay gác chân lên bàn, chắc không phải do sở thích.

Trở lại xứ ta. Vừa qua có một tấm ảnh chụp một thầy thuốc đang thăm bệnh với tư thế đặt một chân lên mặt giường mà cộng đồng phẫn nộ như một việc trái y đức. Điều khó hiểu là vị bác sĩ vì đặt chân lên giường mà phải từ chức. Thực tế trong các công việc đặc thù, đôi khi có động tác rất khó coi nhưng lại hiệu quả với điều trị.

Xin các nhà đạo đức kiềm chế một giây và hãy quên thói quen "nâng quan điểm" đi nhé. Hãy tưởng tượng, vật lý trị liệu dẫm chân lên lưng chắc sẽ bị kết tội chà đạp, dày xéo lên thân thể người khác. Viện đông y, châm cứu chắc sẽ buộc phải giải thể. Thời đại mà mỗi điện thoại là một cái máy ảnh, quay phim và ghi âm thật có hại. Nhiều nhà báo nghiệp dư với những tấm hình chụp ngẫu hứng có thể khiến một cá nhân cho tới một ngành điêu đứng.

Các cụ xưa thường đánh giá thông qua công việc cụ thể, đánh giá cái cốt lõi bên trong chứ không nệ hình thức bên ngoài. Thậm chí sẵn sàng chấp nhận những lời nói khó nghe để hiểu ý tứ bên trong vỏ ngôn ngữ tầm thường. Thế gọi là "Đặng ý bỏ lời". Sao con cháu không kế thùa được tinh thần đó? Cái cảm xúc của cư dân mất điều khiển sẽ chẳng đem đến điều gì tích cực.

Chuyện khác, tuần qua, thấy rất nhiều người dùng hình đại diện trên Facebook với dải màu cầu vồng thể hiện sự ủng hộ với người đồng giới. Té ra vì thời điểm này, Tòa án tối cao Mỹ quyết định cho phép hôn nhân đồng giới. Thế thì có thực sự là vấn đề gì không nhỉ? Có đấy. Có gì buồn cười chăng? Có đấy. 

Điều buồn cười là thiên hạ trầm trồ việc toà án tối cao Mỹ quyết định cho phép hôn nhân đồng giới - và coi đó là một cột mốc lớn trong cuộc đấu tranh cam go về mặt quyền con người trong lịch sử lập pháp Mỹ. Trong khi đó, Quốc hội Việt Nam thông qua việc hôn nhân đồng giới năm 2013 nhân tiện việc sửa luật hôn nhân gia đình, bỏ việc cấm hôn nhân đồng giới trên thực tế. Nhiều người xứ ta nghe tin cũng thấy bình thường như cân đường hộp sữa. Ô hay!

Thưa quý vị, việc gì bình thường ta hãy nhìn nó bình thường được không? Còn bạn. Việc bình thường hóa một câu chuyện có làm bạn chán đọc không?  

Lê Tâm
.
.
.