Bố láo bố lếu

Thứ Ba, 28/05/2019, 22:52
Vụ gian lận thi cử ở một số tỉnh miền núi phía Bắc đã có những thông tin mới. Đây đó nghe nói mức giá nâng điểm cho mỗi suất thí sinh là 1 tỷ đồng. Trời ơi tin được không?


Chúng ta đã có những cuộc "phím chiến" và khẩu chiến rất quyết liệt việc công bố tên tuổi thí sinh hay tế nhị che đi với tinh thần nhân văn vô đối. Việc xấu thì tây ta đều có cả. Vấn đề là cách xử lý thế nào.

Vụ các phụ huynh Mỹ mua suất cho con vào trường lừng danh gây chấn động khiến ta muốn xem họ "nhân văn" kiểu gì. Vụ chạy trường ở Mỹ bại lộ thì người mua kẻ bán bị FBI tới nhà còng tay dẫn đi. Các sinh viên chạy trường  ở Mỹ liên quan đến vụ chạy trường lọt vào tầm ngắm. Có người đã bỏ học, chắc tại chương trình khó quá, họ theo không nổi. Có người tự nguyện bỏ học. Có người bị điều tra và đã bị đuổi thẳng cổ.

Nước Việt xưa cũng có gian lận thi cử và đều bị triều đình trị tội, thậm chí có thể xếp vào... án tử. Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát được phân công lo việc thi cử của triều đình cũng dính tội nâng điểm cho thí sinh. Việc bại lộ, Cao Bá Quát suýt nữa bị xử tử. Nguyễn Văn Siêu bị cách chức.

Trước đó, năm 1775, trong kỳ đệ tứ khoa thi Hội dưới thời vua Lê Hiển Tông, con trai nhà bác học nổi tiếng Lê Quý Đôn là Lê Quý Kiệt đã đổi quyển thi cho một thí sinh khác tên Đinh Thì Trung. Khi sự việc bị phát giác, Thì Trung bị đày ra Yên Quảng, Quý Kiệt bị tước bỏ học vị, cho về làm thứ dân, rồi bắt giam vào ngục cửa Đông.

Chuyện gian lận thi bây giờ ly kỳ khó hiểu hơn nhiều. Theo lời khai của Phó Giám đốc Sở GD - ĐT Sơn La thì chính ông Giám đốc sở này đã đưa thông tin của 8 thí sinh để nhờ rút bài sửa nâng điểm. 

Tham gia việc đáng xấu hổ này còn có những chức sắc khác của Sở GD - ĐT. Phải nói là gian lận rất có tổ chức. Phóng viên gọi điện thoại cho ông Giám đốc sở để hỏi về lời khai của ông Phó Giám đốc thì ông Giám đốc phản ứng: "Bố láo, bố lếu, làm gì có chuyện đấy". Muốn biết bố láo bố lếu đến đâu, xem hồi sau sẽ rõ.

Minh họa Tả Từ

Không chỉ Sơn La đâu, còn mấy tỉnh nữa cũng đã xảy chuyện. Có một hiện tượng lạ lắm. Khi biết con mình rơi vào trạng thái bỗng dưng "bị" nâng điểm thì phụ huynh rất ngạc nhiên. 

Đồng chí đứng đầu một tỉnh miền núi nói: "Tôi rất buồn vì con gái bị sửa điểm thi". Các lãnh đạo khác có con "bị" nâng điểm cũng bày tỏ bức xúc vì không hiểu tại sao ai đó đã tác động vào điểm con tôi. Bố lếu bố láo thật. Tại sao dám can thiệp vào bài thi của con những lãnh đạo chủ chốt? Bây giờ lộ ra 1 tỷ/ suất nâng điểm thì mới thấy càng lạ. 

Kẻ "bố lếu bố láo" nào bí mật đút tiền tỷ để sửa điểm cho con các vị lãnh đạo? Kẻ bố láo bố lếu nào cứu con lãnh đạo để cho lãnh đạo rất buồn? Phụ huynh bao giờ cũng không biết gì chuyện của các cháu. Lỗi đều do các nhà "từ thiện điểm thi" cả. Chợt thấy phụ huynh cũng rất... bố láo bố lếu.

Triều đình xưa coi việc "trồng người" là "bách niên chi kế". Gian lận thi cử, bản chất là một dạng tham nhũng có thể làm cho xã tắc suy vong, nên các cuộc thi để tìm ra lãnh đạo mới luôn đề cao sự trung thực. Đã từng có những cán bộ bị kỷ luật vì sở hữu toàn văn bằng "chạy". Vì thế chúng ta không thể duy trì yếu tố "chạy" đó với thế hệ tương lai. Hãy chấm dứt bệnh thành tích để sống thật.

Những bảng điểm chói lọi, những danh hiệu giỏi 100% chẳng có nghĩa gì. Sống giả dối, làm giả dối trước sau cũng dẫn tới tham quan ô lại. Nhiều "củi' quá thì ai đủ sức bê vào "lò"?

Kẻ bán đã thành "củi" rồi. Bạn có muốn kẻ mua cũng thành củi không?

Lê Tâm
.
.
.