Hai học sinh lớp 3 đoạt giải vàng khoa học quốc tế:

Bộ sách thông minh từ trò chơi ghép chữ

Thứ Bảy, 01/06/2013, 11:09

Được vui chơi và học tập một cách khoa học nhất nhờ sự dạy dỗ của nhà trường và bố mẹ, ở một huyện ngoại ô thành phố, hai cậu bé lớp 3 đã giành được giải vàng khoa học quốc tế với một phát minh tưởng chừng rất đơn giản nhưng ngay cả những nhà sáng chế sách giáo dục cũng chưa bao giờ nghĩ ra.

Trịnh Ngọc Cường và Bùi Quang Nhật học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Phù Lỗ A, huyện Sóc Sơn, Hà Nội chưa bao giờ bỏ lỡ buổi chơi thể thao nào ở trường vì đó là môn học yêu thích nhất của các em.

Được vui chơi và học tập một cách khoa học nhất nhờ sự dạy dỗ của nhà trường và bố mẹ, ở một huyện ngoại ô thành phố, hai cậu bé lớp 3 đã giành được giải vàng khoa học quốc tế với một phát minh tưởng chừng rất đơn giản nhưng ngay cả những nhà sáng chế sách giáo dục cũng chưa bao giờ nghĩ ra.

Công trình "Bộ sách thông minh"

Cường và Nhật sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm, bố mẹ đều là bạn bè của nhau, nhà lại sát vách nên từ bé hai cậu đã trở thành đôi bạn không thể tách rời. Cường trông mập mạp hơn, Nhật bé hơn Cường một chút nhưng cả hai cậu bé đều toát ra vẻ thông minh và hiếu động. Tham gia cuộc thi Sáng tạo khoa học công nghệ trẻ do Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố phát động, đến năm thứ 2 thì ý tưởng độc đáo về đồ dùng học tập ra đời.

"Bộ sách thông minh" nảy sinh một cách tự nhiên từ những lần Nhật và Cường chơi cùng em trai trò chơi ghép chữ.

Em trai của Cường năm nay vào lớp 1, đồ chơi yêu thích của bé là những chiếc thẻ chữ cái, con số để các bé tập làm quen trước khi đi học. Những chiếc thẻ rời rạc mỗi lần chơi lại mất đi một vài chiếc vì sự lơ đãng của trẻ nhỏ. Để ghép chữ, các em phải xếp và gắn lên một chiếc bảng bằng giấy bìa rất dễ hỏng.

Trong quá trình chơi Nhật và Cường nghĩ ra cách gắn các thẻ sao cho cố định và dễ dàng tìm kiếm. Quyển lịch lò xo cũ là lựa chọn thông minh khiến cho ban giám khảo khi chấm sản phẩm sáng tạo của em cũng bị bất ngờ. Cuốn sách có thể giúp em Sơn của Cường không làm mất thẻ, và hơn nữa là dễ dàng học và ghép chữ.

Đưa vào thử nghiệm với một số em học sinh lớp 1, với "Bộ sách thông minh" của hai học sinh lớp 3 này, các em học ghép chữ một cách rất dễ dàng và nhớ được rất lâu. Việc học Toán và Tiếng Việt cũng trở nên sống động và đỡ nhàm chán hơn. Cường thổ lộ: "Con thấy khó nhất là lúc gắn thẻ vào cái lò xo của cuốn lịch. Trước đó con chỉ nghĩ phải gắn chúng lại khỏi mất thôi, sau 2 ngày mới nghĩ ra cách ghép chữ".

Trong cuộc thi Sáng tạo khoa học được tổ chức ở cấp trường, được cô giáo chủ nhiệm định hướng cho học sinh sáng tạo những đồ chơi, đồ dùng học tập, Cường và Nhật đã thổ lộ ý tưởng của mình đầu tiên với cô Hiền chủ nhiệm lớp. Những câu chuyện chơi và học của các em ở trường và ở nhà, cô giáo chủ nhiệm là người nắm rõ nhất sau các bậc phụ huynh. Lúc đó Cường và Nhật cũng đang làm một sản phẩm khác về sách học tập có tên là "Thiên nhiên qua từng trang sách" với các loại cây, quả được tạo ra từ những hạt đậu, lạc, ngũ cốc.

Nhật nói rằng, ý tưởng nghĩ ra thì quá đơn giản, việc khó nhất chỉ là làm sao phải in những chữ cái, hình ảnh có màu sắc đẹp, trên giấy bìa cứng thật là bóng như các dụng cụ học tập khác cậu bé thường được mẹ mua cho ở hiệu sách. Tất cả những công đoạn tỉ mỉ để hoàn thiện sản phẩm thông minh của Nhật và Cường đều cần phải nhờ đến sự hướng dẫn và giúp đỡ của bố mẹ, và cô giáo chủ nhiệm để hoàn thiện sản phẩm thông minh của các em.

Khi ý tưởng được đưa ra hai bạn nhỏ cũng đã có những cuộc tranh luận gay gắt về cách sắp xếp tranh ảnh sao cho phù hợp và đẹp mắt nhất. Bạn Nhật bảo hình bông hoa ly là thực vật, bạn Cường lại kiên quyết bảo vệ ý kiến của mình rằng hoa ly là thuộc chủ đề thiên nhiên. Trong sáng tạo của trẻ thơ luôn có những giây phút cực kì ngộ nghĩnh, cô giáo Hiền lại là người đứng ra phân giải cho băn khoăn của hai cậu học trò nhỏ.

Những cậu bé không chịu ngồi yên

Chị Hằng, mẹ của Nhật chia sẻ: Cả hai gia đình đều chọn cách giáo dục con trong một môi trường hết sức thoải mái. Môn học yêu thích nhất của hai cậu bé đều là môn thể dục và môn học tự chọn như: Tiếng Anh và Tin học. Cho nên tuần nào Cường và Nhật cũng có ít nhất 2 buổi học các môn thể thao như bơi lội, cầu lông...

Vừa mới đi Malaysia nhận giải quốc tế khoa học, Cường vui lắm vì vốn tiếng Anh của con đã phát huy tác dụng, làm quen được với rất nhiều bạn bè quốc tế. Quang Nhật nhút nhát hơn một chút nhưng cũng đã mua được rất nhiều kem để ăn ở nước ngoài bằng khả năng ngoại ngữ của mình.

Nhận thấy được khả năng của con, chị Hằng định hướng phát triển các môn học về ngôn ngữ, Ngoại ngữ và Toán. Nhật ngoài đam mê thể thao thì niềm đam mê học Toán của em cũng thể hiện qua kết quả thi giải toán qua mạng. Cô giáo chủ nhiệm cũng cùng quan điểm với phụ huynh của hai bé khi cho rằng không thể ép buộc con cái mình học môn học mà các cháu không hứng thú. Khi trưởng thành dù chuyên môn giỏi đến đâu nhưng không có khả năng giao tiếp và kĩ năng sống thì khó có thể thành công được. 

Trò chơi yêu thích của Nhật là xếp hình, em có thể ngồi hàng giờ cần mẫn "phá tung" tất cả các loại máy móc, đồ chơi để lắp ráp lại. Hầu hết những đồ chơi yêu thích ở nhà đều được em "sáng tạo" khác với phiên bản gốc. Chị Hằng quan sát con chơi hàng ngày và hướng cho Nhật học tập theo con đường mà em hứng thú, mặc dù công việc của mẹ Hằng cũng rất bận rộn.

Vừa trò chuyện với chúng tôi, nếu mẹ em không nhắc nhở thì Nhật đã xếp được những chiếc chén uống nước thành một ngôi nhà đẹp. Ngọc Cường lại thích làm nghề kế toán giống bố vì một lý do cực kì ngộ nghĩnh, đúng như tâm lý của một đứa trẻ luôn lấy người lớn làm hình tượng.

"Sau này con sẽ trở thành kế toán giỏi, bởi vì con thấy bố con làm ở nhà tuy rất vất vả nhưng con thích cái việc đi gửi tiền cho ngân hàng nên sinh ra con thích nghề kế toán ạ. Con thích nhiều tiền nhưng không thích nổi tiếng lắm vì nhiều người đến xin chữ kí rất là nóng ạ". Cậu bé hồn nhiên đưa tay lên trán lau mồ hôi, thổi phù nhớ lại giây phút trả lời phỏáng vấn tại buổi vinh danh mình.

Tiến sĩ lê Đông Phương- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học và Nghề nghiệp, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

Đừng để những ý tưởng chết yểu

Việc nhiều bạn trẻ Việt Nam, được vinh danh tại các giải thưởng khoa học quốc tế, chứng tỏ giới trẻ Việt Nam sáng tạo, năng động và có rất nhiều tiềm năng. Tuy nhiên hiện nay, chúng ta thiếu những cơ chế để khuyến khích các em đi lâu dài trên con đường nghiên cứu khoa học, khiến cho các ý tưởng bị chết yểu không thành hiện thực.

Bởi từ ý tưởng tốt đến hiện thực là cả một vấn đề, phải có sự đầu tư của nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng xã hội. Nhưng hiện nay, bản thân các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội chúng ta không quan tâm, không có một động thái nào để khuyến khích các em, họ thờ ơ, chẳng làm gì.

Nói rộng ra thì xã hội chúng ta chưa có sự đồng lòng. Đây không chỉ là câu chuyện của các bạn trẻ làm nghiên cứu khoa học nữa mà là câu chuyện của cả xã hội, có sự bắt tay của cộng đồng, của doanh nghiệp và cơ chế đối đãi của nhà nước. Cả xã hội cần phải thay đổi tư duy. Cái này chúng ta nói nhiều rồi.

Xã hội Việt Nam có một thực trạng buồn cười là cái gì cũng chê, rằng ý tưởng đó cũ rồi, người ta làm rồi, làm nhụt ý chí của những người làm khoa học. Cho nên, chúng ta không chỉ động viên tinh thần những người trẻ say mê nghiên cứu mà phải có sự đầu tư tiền bạc, ưu đãi đối với họ.

Điều này, từ trước đến nay chúng ta chưa làm được, khiến rất nhiều bạn trẻ, từng được giải thưởng quốc tế, cuối cùng bỏ dở công việc nghiên cứu, chọn kinh doanh để kiếm được nhiều tiền, vì làm khoa học nghèo quá. Chúng ta đang bị chảy máu chất xám.

Tuy nhiên, cũng đừng nghĩ rằng, các em được giải thưởng khoa học quốc tế đã là thần đồng, là siêu nhân, rồi tung hô các em khiến các em ảo tưởng về chính mình. Thay vì tung hô, chúng ta hãy làm những việc thiết thực hơn, như giúp các em biến những ý tưởng đó thành hiện thực, có sự bắt tay cả các tổ chức xã hội và doanh nghiệp, tìm kiếm tài năng và khuyến khích các em.

Trong cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2012 do Quỹ VIFOTEC tổ chức, Đoàn Việt Nam có 9 công trình tham gia thì tất cả đều giành được giải thưởng. Đây là lần đầu đoàn Việt Nam đoạt nhiều huy chương vàng và bạc.

Huy chương vàng thuộc về các giải thưởng: Máy quét nhà tự động (tác giả Đinh Thanh Bình); bộ sách thông minh (tác giả Bùi Quang Nhật, Trịnh Ngọc Cường); người máy cứu hộ LVT2 (tác giả Hoàng Duy Khánh); bảng điều khiển thông minh (tác giả Nguyễn Kim Dương); sa bàn an toàn giao thông (tác giả Trần Huy Thành, Hoàng Thanh Trà); hệ thống trồng rau sạch trên mái nhà trong đô thị (tác giả Nguyễn Châu Anh, Nguyễn Đăng An); FAN LED - Bảng quảng cáo cho nhiều mục đích (tác giả Nguyễn Trọng Thủy). Hai sáng chế đoạt Huy chương bạc: Phần mềm KFMouse - Giải pháp công nghệ dành cho người khuyết tật (tác giả Đậu Bá Kiên); máy xử lý rác thông minh (tác giả Đỗ Thanh Tùng, Nguyễn Văn Long, Nguyễn Trọng Hiếu).

Huyền Linh
.
.
.