Bộ sưu tập khu vườn… cối xay bằng đá của một phụ nữ

Thứ Hai, 18/07/2016, 10:37
Không có nhiều sắc màu, kiểu dáng như vườn cây kiểng hay trĩu quả ngọt lành như vườn cây trái và mướt mát màu xanh như rau dưa, khu vườn mà tôi tìm đến giữa buổi sáng tháng bảy là một bộ sưu tập độc đáo. Gần 1.200 chiếc cối xay tạo tạc bằng đá hội tụ trong một khu vườn từ những ý tưởng giàu triết lý sống gắn với nghệ thuật sắp đặt của một phụ nữ tuổi tứ tuần.

Sau một hồi vòng vèo trên những hương lộ trong khu dân cư ven sông Cái ở thôn Ngọc Hội, xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, tôi tìm đến khu vườn cối xay bằng đá ẩn mình phía sau một xóm nhỏ. Bước ra đón khách bằng một câu chào nhỏ nhẹ và nụ cười tế nhị là chị Nguyễn Thị Minh Hiếu – chủ nhân bộ sưu tập gần 1.200 chiếc cối xay bằng đá. 

Bước qua cánh cổng vài mét, một “thế giới” vừa gần gũi, vừa khác biệt và lạ lẫm hiện hữu ngay trước mắt tôi. Gần gũi vì những chiếc cối xay bằng đá rất đỗi thân quen vẫn còn đậm nét trong ký ức một thời niên thiếu của tôi khi còn sinh sống ở quê nhà. 

Lạ lẫm và khác biệt vì giữa nhịp sống thời hiện đại vẫn có một người phụ nữ trẻ đam mê sưu tầm những vật dụng tưởng chừng không còn ai nhớ tới, rồi cẩn trọng sắp đặt thành một khu vườn nghệ thuật sống động, có sức hấp dẫn nhiều người.

Nghe tôi đặt câu hỏi tìm hiểu về cơ duyên đến với bộ sưu tập cối xay bằng đá, chị Minh Hiếu trầm tư trong chốc lát rồi nhớ lại: 

“Tôi sinh trưởng ở xã Diên Lạc, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Đã từ lâu lắm rồi, quê tôi nổi tiếng với làng nghề thủ công chế biến những món ăn dân dã được làm từ bột gạo như: bánh ướt, bánh cuốn, bánh bèo, bánh nậm, bánh xèo… Để có nước bột gạo ngon, người dân lựa chọn gạo mùa lúa mới dẻo thơm để ngâm, vắt thật kỹ, sau đó múc từng bát đổ vào lòng chảo trên bề mặt chiếc cối đá vận hành bằng tay quay, thỉnh thoảng người xay bột gạo với tay lấy chiếc gáo làm bằng sọ dừa để múa nước đổ vào cối”.

Chị Nguyễn Thị Minh Hiếu bên khu vườn hình thành từ ý tưởng độc đáo giàu triết lý cuộc sống mang tính nhân văn.

Đề cập đến những chiếc cối xay bằng đá, chị Hiếu cho biết, những nghệ nhân thời xưa cất công tìm kiếm, lựa chọn những tảng đá rắn, có độ tuổi cao rồi chạm, chẻ thành những khối đá nhỏ trước khi cẩn trọng đục đẽo thủ công suốt cả tháng trời như những nhà điêu khắc sỏi nghề mới tạo tạc hoàn thiện sản phẩm cối xay với hai phần tách biệt đặt chồng lên nhau. 

Ngoài hai quai bên mép dùng để lắp đặt một khúc gỗ tròn làm tay quay, bề mặt phía trên cối xay được chế tác hình lòng chảo, có một lỗ tròn đục thông xuống đáy để cho những hạt gạo rơi chậm, cọ xát bề mặt phần mặt đá bên dưới nối liền với máng đá lượn tròn dẫn nước bột gạo chảy ra cửa máng. Trông kết cấu chiếc cối xay bằng đá rất đơn giản nhưng từ thời xưa đã gắn bó trong đời sống thường nhật nhiều thế hệ nông dân và là một công cụ không thể thiếu khi cần chế biến nhiều sản phẩm từ gạo.

Khi công nghệ phát triển giữa cuộc sống hiện đại, những chiếc cối xay bằng đá ngày xưa đã bị lãng quên dần, nhường chỗ cho máy xay bột vận hành từ nguồn điện với công suất lớn được các cơ sở công nghiệp sản xuất hàng loạt bằng sắt thép. Dù tiếc nuối nhưng người nông dân phải xếp những chiếc cối xay bằng đá vào phía xó bếp, góc vườn. 

Chị Hiếu tâm sự: “Mỗi lần nhìn thấy những chiếc cối xay bằng đá bị vứt bỏ, ký ức tuổi thơ đánh thức tâm trí tôi nhớ về một thời mẹ cha vất vả lo toan cuộc sống thường nhật của con cái từ bữa ăn cho đến giấc ngủ, trong đó có những món ăn được chế biến từ nước bột gạo xay bằng cối đá do ông bà nội tôi mua sắm. Ký ức đó đã hình thành trong đầu tôi một ý tưởng tạo lập bộ sưu tập cối xay bằng đá. Khi tôi lấy chồng ở tuổi hai mươi, ngoài mấy món đồ nữ trang do mẹ và bà nội tặng, tôi chỉ xin thêm... 4 chiếc cối xay xếp trong góc bếp. Nghe xong, bà nội tôi tỏ vẻ ngạc nhiên cất tiếng dò hỏi, nhưng tôi chưa dám thổ lộ ý tưởng sưu tập mà chỉ nói rằng mình muốn lưu lại kỷ niệm một thời thơ ấu ở quê nhà”.

Cùng từ thời điểm đó chị Hiếu khởi đầu hành trình tạo lập khu vườn cối đá. Mỗi khi có dịp đến bất kỳ vùng miền nào trên đất nước chị đều tìm kiếm, dò hỏi cối xay bằng đá. Nghe ai chỉ dẫn nơi nào chị Hiếu cất công đến tận nơi, cho dù cách xa vài trăm hay cả ngàn cây số. 

Người trong làng nhìn thấy chị Hiếu tất bật chở về nhà những chiếc cối xay bằng đá cũ kỹ, họ xì xào, dòm ngó bằng ánh mắt tò mò, dò xét, thậm chí có người còn rỉ tai nghi ngờ người phụ nữ này không bình thường. Mãi đến khi nhìn thấy cả ngàn chiếc cối xay bằng đá hội tụ thành một khu vườn nghệ thuật thẩm mỹ bởi sự sắp đặt tài hoa, tinh tế của chị Hiếu, thì mọi người mới cảm phục trước ý tưởng độc đáo, một thú chơi không kém phần vất vả, công phu, đòi hỏi có nhiều thời gian để sưu tập và tích lũy dần. 

Không chỉ tạo ra một khu vườn lạ mắt, chị Hiếu còn sắp đặt, xếp chồng những chiếc cối xay bằng đá dọc theo lối đi vào sân nhà, ra vườn; sắp đặt thành thác nước từ chiếc cối nhỏ đổ chậm xuống những chiếc cối lớn hơn.

Đứng giữa khu vườn cối đá, chị Hiếu tâm sự: "Mỗi chiếc cối có nguồn gốc, địa chỉ, chủ nhân và chất liệu đá ở những vùng miền khác nhau, nên mỗi khi tiếp nhận tôi đều cẩn trọng mở sổ ghi chép lại những thông tin cần thiết trong nhật ký sưu tầm. Chiếc cối nào mịn láng là đá mài, có hạt đen trắng là đá grannit, đen sẫm trông như sắt là đá quặng…

Mỗi chiếc cối tôi mua được với mức giá cũng khác nhau, thỉnh thoảng có người không bán mà lại biếu tặng vì họ nghĩ rằng có giữ lại chẳng để làm gì chỉ thêm chật chội, vướng vấp. Không ít trường hợp chi phí đi lại, bốc xếp, vận chuyển đắt hơn rất nhiều so với giá mua, nhưng khi tìm thấy cối xay bằng đá ở đâu tôi đều tìm cách đưa về vườn nhà trong thời gian sớm nhất”. 

Cứ thế, sau hành trình hàng chục năm săn lùng, sưu tập, đến nay chị Hiếu đã sở hữu gần 1.200 chiếc cối xay bằng đá có nguồn gốc từ các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Định đến Tây Ninh. Long An, Đồng Nai... Trong khu vườn cối đá của chị Hiếu bây giờ, chiếc cối xay to nhất có đường kính 1m, nhỏ nhất 10 cm. 

Tất cả đều là những sản phẩm được nghệ nhân thời xưa đục đẽo thủ công phục vụ nhu cầu chế biến thực phẩm trong đời sống thường nhật nên không ai nghĩ đến chuyện chạm khắc niên đại làm gì, cá biệt có hai chiếc cối xay được chạm mốc thời gian: năm 1938 và ngày 20-10-1986.

Từ góc nhìn của một người đam mê sưu tầm cối xay bằng đá, chị Hiếu suy ngẫm, sắp đặt những vật dụng tưởng chừng vô tri vô giác đó bằng triết lý cuộc sống và tính nhân văn. Người phụ nữ này chia sẻ: “Hai thớt đá trong chiếc cối xay được chồng khớp lên nhau, thớt trên tượng trưng cho người chồng cần mẫn quay tròn, thớt dưới là người phụ nữ miệt mài chịu đựng để cùng tạo ra nước bột gạo thơm ngon. Đó là hình ảnh minh chứng về sự đồng thuận, thủy chung vợ chồng”.

Mặc dù nằm lẩn khuất trong xóm nhỏ ven đô Nha Trang, nhưng từ khi khu vườn cối đá hình thành, đã có rất nhiều lượt người tìm đến xin được ngắm nhìn, thưởng ngoạn, chụp ảnh lưu niệm bộ sưu tập. 

Trong số đó không ít du khách đến từ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và cả những vị khách nước ngoài tỏ ra thích thú nên cứ mải mê ngắm nhìn khu vườn rồi chạm tay vào từng chiếc cối đá cứ như họ chưa tin mình đang đứng giữa một bộ sưu tập độc đáo có thật. 

Và sau những cuộc tiếp cận thực tế, ít nhất đã có gần chục người chủ động liên hệ chị Hiếu đề nghị chuyển quyền sở hữu bộ sưu tập này để đổi lấy tiền tỷ, thế nhưng lần nào chị Hiếu cũng phải lựa lời nhẹ nhàng từ chối. 

Chị bảo: “Hàng chục năm trời cất công lặn lội đến nhiều vùng miền trên đất nước để sưu tầm, vận chuyển về nhà rồi tính toán, lựa chọn cách sắp đặt, tạo nên một khu vườn nghệ thuật theo ý tưởng của mình nên tôi muốn lưu lại để cùng mọi người thưởng ngoạn và để tri ân những người phụ nữ một thời miệt mài ngồi bên cối đá xay bột để nuôi dưỡng những đứa con trưởng thành, trong đó có bà và mẹ của tôi”. 

Cũng từ suy nghĩ đó nên những chiếc cối xay bằng đá không chỉ hiện hữu trong khu vườn, mà bên dưới chiếc giường ngủ của chị Hiếu có kê 6 chiếc cối xay bằng đá. Bằng cách nói giàu hình tượng văn học, chị Hiếu chia sẻ: “Biết đâu trong những giấc ngủ ngọt lành, những kỷ niệm một thời tuổi thơ của tôi sẽ ùa về trong chiêm bao, trong đó có cả hình ảnh bà nội và người mẹ kính yêu đang ngồi bên chiếc cối đá, cần mẫn xay bột trong đêm trăng bàng bạc…”.

Ở góc nhìn du lịch, khu vườn cối đá xay bằng đá của chị Nguyễn Thị Minh Hiếu cũng là một điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước thưởng ngoạn nghệ thuật sắp đặt giàu triết lý cuộc sống và tính nhân văn từ một loại công cụ chế biến thực phẩm dân dã tưởng chừng đã bị lãng quên.

Phan văn lương
.
.
.