Bờ xưa không thể ngập chìm

Thứ Hai, 24/08/2020, 09:46
Địa danh hồ Hoà Bình hay còn gọi hồ Sông Đà… ngày nay ta thường gặp trên cả văn viết, văn nói khi không ít người gọi là "lòng hồ Hoà Bình"; "lòng hồ sông Đà". Thí dụ, họ rủ nhau thăm "Lòng hồ Hoà Bình" hay "Lòng hồ sông Đà"… Nói như thế, viết như thế vừa thiếu chính xác vừa giảm cái hay, cái đẹp của không chỉ của một địa danh mà còn cả một câu văn.


Là người có mặt tại vùng Chợ Bờ từ  những năm 70 của thế kỷ hai mươi và chứng kiến trọn vẹn công cuộc chuyển dân, chuyển huyện khỏi vùng ngập lòng hồ làm nơi tích nước của Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình trên sông Đà. Tôi biết, từ "lòng hồ" ra đời và được gọi trước khi có hồ. Đó là, để có một nhà máy thuỷ điện thì phải có hồ tích nước phục vụ cho việc phát điện. Nên đồng thời với quá trình thi công xây dựng Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình thì phải giải phóng những vùng dân cư, công sở, trường học… nằm trong cốt ngập của hồ nước tương lai.

Xin kể một chuyện liên quan thời kỳ "giải phóng lòng hồ" thuỷ điện Hòa Bình. Đó là chuyện hú vía của một người dân sở tại rình săn lợn lòi. Sau khi theo dõi, người thợ săn dậy sớm vào rình ở một nương sắn gần bản. Dưới ánh trăng suông lại mờ ảo trong làn sương sớm, người thợ săn nghe tiếng hì hụi trong nương sắn trước mặt. Ông bò lại gần và đã thấy mập mờ bóng lợn rừng nhổ sắn, còn tiếng nhổ gốc và đổ rạp của cây sắn thì đã rõ lắm rồi.

Chọn vị trí, ông giương súng ngắm bắn con lợn lòi trước mặt. Vừa lúc ông nín thở chuẩn bị siết cò súng thì "con lợn rừng" đứng lên đấm lưng. Người thợ săn rã rời chân tay, không nói, chẳng rằng, ông run rẩy xách súng lầm lũi quay về.

Khoan thăm dò tại thác Bờ khi chưa có đập thuỷ điện.

Chuyện thế này. Nhân dân các huyện miền xuôi Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Oai, Chương Mỹ… của tỉnh Hà Sơn Bình lúc bấy giờ được huy động lên phát dọn vùng sẽ ngập lòng hồ thuỷ điện, gọi tắt là đi phát lòng hồ. Thời bao cấp lương thực ở đâu cũng khó khăn. Với bản tính chịu khó, những người dân đi phát dọn lòng hồ sông Đà thường tăng gia trồng sắn, ngô… mang về xuôi đỡ gia đình. Hôm ấy, một người dân đi phát lòng hồ dậy sớm tranh thủ nhổ sắn thái, phơi cho được nắng. Lúc người nhổ sắn mỏi quá đứng lên đấm lưng thì cũng là lúc người thợ săn chuẩn bị siết cò nhả đạn nhằm hạ gục con "lợn lòi"! Người thợ săn giật mình nhận ra và rời tay khỏi cò súng. Đúng là hú vía!

Trong khuôn khổ bài viết này, tôi muốn nói về khu vực Chợ Bờ. Khu vực Chợ Bờ có thác Bờ, chợ Bờ và phố Bờ. Thời thuộc Pháp, đã hai lần tỉnh Bờ đặt tỉnh lỵ nơi đây (từ 1886 mới có tên tỉnh Hoà Bình). Trước khi nằm dưới hồ nước sâu, nơi đây là huyện lỵ huyện Đà Bắc. Tuy nhiên, phố Bờ nhỏ, gọn chưa đủ tiêu chuẩn của một thị trấn. Chính vì vậy, gọi là phố Bờ nhưng chỉ là một đơn vị hành chính tương đương một xóm thuộc xã Vầy Nưa, mà UBND xã Vầy Nưa đặt ở xóm Vầy, trung tâm xã Vầy Nưa cách đó hàng chục km bên sông phía hạ lưu.

Từ chân dốc Cun thuộc TP Hoà Bình, theo quốc lộ 6A qua Bình Thanh (thuộc huyện Kỳ Sơn thời đó) rồi đến Thung Nai khoảng gần 20km ta gặp sông Đà. Sau hàng chục kilômét qua rừng, núi, sông Đà mở ra không gian trời nước mênh mông. Nhìn ngược phía thượng nguồn, ngay trước mặt, ta gặp hàng chục núi đá, mỏm đá to nhỏ mọc đầy mặt sông. Đó chính là thác Bờ hùng vỹ. Từ Thung Nai qua phà, đi khoảng 2,5km nữa qua xóm Hang Thần của đồng bào Mường, tới cầu Búng, gặp chợ Bờ và đó cũng là đầu phố Bờ nơi có dân cư sinh sống và các cơ quan huyện Đà Bắc đứng chân.

Trước khi chuyển dân, chuyển huyện lỵ từ Chợ Bờ về Tu Lý, các cơ quan, trường học, nhà dân nơi đây đều là nhà gỗ hoặc tranh tre, nứa lá. Duy nhất có Bưu điện huyện bên cạnh quốc lộ 6, đoạn giữa phố Bờ là nhà xây còn lại từ thời thuộc Pháp. Tuy trong sử sách ghi lại tỉnh lỵ tỉnh Bờ hai lần đóng tại Chợ Bờ, nhưng dấu tích của những cơ quan, công sở thời tỉnh lỵ ấy hầu như không còn. Tôi nhớ, phía sau Ngân hàng huyện Đà Bắc là đồi, dưới những vạt dây khoai lang xanh tốt thỉnh thoảng lộ ra những đống gạch vụn, có chỗ còn hình thù của móng nhà, đường đi… đó là dấu tích của tỉnh lỵ tỉnh Bờ khi xưa?

Có lẽ hàng cây gỗ tếch cổ thụ chạy dọc phố là minh chứng tiêu biểu cho sự có mặt sớm của người Pháp tại nơi này. Hơn nữa, trong cuốn "Tỉnh Mường Hoà Bình" (Hoa Binh Muong Province) của học giả người Pháp PIERRE GROSSIN xuất bản lần đầu bằng tiếng Pháp năm 1926 có đoạn: "Sông Đà chảy từ Chợ bờ đến Hoà Bình giữa khe hẹp của những dãy núi đá vôi. Suốt bốn mùa thuyền lớn lui tới Chợ Bờ, nơi có một cái chợ rất to, cứ mười ngày họp một phiên. Phía trên đập Bờ (thác Bờ), chỉ có thuyền độc mộc đi lại được. Để có thể đi lại bằng đường thuỷ, năm 1890, ông Morel có ý muốn khơi một con sông đào để đi tránh cái đập mà trước đây công binh đã dùng mìn để khai thông nhưng vô hiệu". Như thế, nếu người Pháp thực hiện được việc khơi một con sông đào để tránh thác Bờ thì con sông đào ấy sẽ chạy qua phố Bờ.

Người dân chuyển khỏi vùng ngập hồ Thuỷ điện Hoà Bình.

Mấy năm gần đây, khi tham gia sưu tầm hình ảnh thác Bờ, khu vực Chợ Bờ trước đây, tôi gặp được một số hình ảnh quý giá của thác Bờ, vùng Chợ Bờ từ thời thuộc Pháp (năm 1925) mới hình dung ra khu vực tỉnh lỵ tỉnh Bờ khi ấy đã sầm uất lắm. Tàu thuỷ hiện đại (hai tầng) của Pháp đã cập bến Chợ Bờ. Người Pháp đã chụp ảnh toàn bộ khu vực Chợ Bờ, thác Bờ từ trên cao, việc mà sau này chúng ta đã không nghĩ tới mà làm. Trộm nghĩ, vùng Chợ Bờ khi xa xưa có thể đã là một thương cảng giao thương từ Thủ đô Hà Nội với vùng Tây Bắc. Vì khi đó đường bộ chưa mở, ngay từ Hà Nội lên thị xã Hoà Bình cũng chỉ tới cây số 3 rưỡi (ngày nay) là phải sang sông, rồi từ phố Đúng mới khảm thuyền, đò vào phố Đồng Nhân, An Hoà bên thị xã. Vì thế đường giao thông lên Tây Bắc chủ yếu nhờ vào sông Đà. Giao thông đường thuỷ có trước giao thông đường bộ và sông Đà chính là một trong những huyết mạch từ đồng bằng Bắc bộ lên Tây Bắc.

Từ Việt Trì - ngã ba sông, ngược sông Đà lên đến Chợ Bờ. Do thác Bờ hiểm trở và hung dữ nên tàu lớn không thể vượt qua. Đây có thể chính là một lý do bất khả kháng để người Pháp dừng chân, neo đậu và mở ra tỉnh lỵ nơi này. Hẳn nhiều người còn nhớ, ngay dưới chân thác Bờ là chợ Bờ và có bến Hạ. Điểm gần cuối của phố Bờ phía trên thác Bờ là bến Thượng. Những địa danh (bến Hạ, bến Thượng) này càng cho ta thêm liên tưởng đến vị trí quan trọng của vùng Chợ Bờ khi xưa, nhất là khi nơi đây đã hai lần là tỉnh lỵ của tỉnh Bờ.

Nhà thơ Lê Va, (tholeva@gmail.com).

Ngược tiếp dòng lịch sử, vào tháng Ba âm lịch năm Nhâm Tý (1432) trên đường dẹp giặc loạn Đèo Cát Hãn trở về, Vua Lê Lợi đã làm thơ khắc vào vách đá thuộc quần thể đá thác Bờ mà các thế hệ sau này gọi là núi thơ Lê Lợi hay Bia Lê Lợi. Khi chuyển huyện, chuyển dân khỏi vùng lòng hồ sông Đà, phần đá khắc thơ này được cắt rời chuyển về thị xã Hoà Bình và nay lại được chuyển lên đặt trên núi Hang Thần trên hồ Hoà Bình thuộc vùng Chợ Bờ xưa. Lạc khoản của bài thơ như sau:

Kỳ khu hiểm lộ bất từ nan
Lão ngã do tồn thiết thạch can
Hào khí tảo thanh thiên chướng vụ
Tráng tâm di tận vạn trùng san
Biên phòng hảo vị trù phương lược
Xã tắc ưng tu kế cửu an
Hư đạo nguy than tam bách khúc
Như kim chỉ tác thuận lưu khan.

Dịch thơ:

Ngập ghềnh hiểm hóc chẳng từ nan
Già vẫn nguyên còn sắt đá gan
Hào khí nghìn mù đều sạch quét
Tráng tâm muôn núi cũng bằng san
Biên phòng tất khéo mưu phòng lược
Xã tắc nên trù kế cửu an
Ghềnh thác ba trăm lời cổ ngữ
Nhưng nay dòng thuận chỉ xuôi nhàn.

Rất tiếc cho tới nay, những sử liệu về tỉnh lỵ tỉnh Bờ mà chúng ta có được còn quá ít. Theo tôi, đây cũng là một nhiệm vụ mà những nhà sử học, nhà nghiên cứu, sưu tầm cần quan tâm làm rõ và hệ thống lại. Chúng ta chịu hy sinh để một vùng rộng lớn ngập chìm dưới hồ nước mênh mông "Vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc". Nhưng, nhẽ nào, chúng ta lại vô tư để những trầm tích lịch sử, văn hoá quý giá lặn chìm và mất tăm trong chính chúng ta?

Lê Va
.
.
.