Bụi siêu mịn, kẻ giết người thầm lặng trong không khí

Thứ Ba, 17/12/2019, 13:15
Trên thế giới, bụi nano được gọi bằng thuật ngữ Atmospheric. Bụi hạt nano có thể đi sâu vào và tàn phá bất cứ nội tạng nào trong cơ thể.


Bụi nano có nguy cơ gây ung thư não

Trên thế giới, bụi nano được gọi bằng thuật ngữ Atmospheric. Bụi hạt nano có thể đi sâu vào và tàn phá bất cứ nội tạng nào trong cơ thể.

Vào năm 2003, Surbjit Kaur là nhà nghiên cứu trẻ đang hoàn thành đề tài thạc sĩ tại trường Đại học Imperial College London, khi người hướng dẫn đề nghị cô nên tham dự thí nghiệm Dapple (nghĩa là thí nghiệm phát tán ô nhiễm không khí và tình trạng phơi nhiễm với môi trường ở địa phương).

Bụi mịn tạo ra bởi xe cộ có thể xâm nhập vào não, mang theo chất gây ung thư.

Kaur thiết kế một nghiên cứu phơi nhiễm cá nhân, với nhóm gồm 6 tình nguyện viên "ăn mặc như cây thông Noel" đeo nhiều cảm biến thu thập ô nhiễm không khí khác nhau, và đề nghị họ đi theo một nhóm các tuyến đường ở trung tâm London mỗi ngày trong thời gian bốn tuần.

Cô đi cùng họ trên đường, tập trung quanh đường Marylebone, một đường tấp nập với bảy làn xe cỡ lớn và là nơi có bảo tàng tượng sáp Madame Tussauds với nhiều nhóm khách xếp hàng chờ bên ngoài. "Chúng tôi đi ra đó và biết rằng mình sẽ bị bệnh vì liên tục phơi nhiễm. Chúng tôi bắt đầu cảm thấy khá khó thở sau một thời gian".

Thiết bị treo quanh người tình nguyện viên và đặt bên trong balo đo các loại chất gây ô nhiễm không khí tiêu chuẩn, như bụi PM2.5 và khí CO (khí carbon monoxide). Nhưng Kaur cũng đặt thêm một thiết bị hoàn toàn mới vừa xuất hiện trên thị trường vào chung bộ thiết bị, nó có tên là máy đo phân tử bụi nano "P-Trak". "Chúng tôi cần phải xin đủ thứ giấy phép để có thể sử dụng chúng (trong hoạt động điền dã thực tế) vì chúng khá giống máy Geiger đo phóng xạ và lo ngại sẽ làm công chúng hoảng loạn", cô kể lại.

Thiết bị có thể đo bụi hạt nano đến kích cỡ 2nm (nhỏ hơn rất nhiều so với phân tử trong máu người) bằng cách hút không khí, xịt cồn lên bề mặt các hạt, khiến chúng dễ thấy và đếm từng hạt bằng tia laser.

Nghiên cứu năm 2003 của Surbjit Kaur ở London phát hiện những tình nguyện viên có lúc hít phải 130.000 hạt bụi vào thời đó. Khi những tình nguyện viên đi hết vỉa hè, họ đã bị phơi nhiễm ít nhất 36.000 hạt bụi mỗi lần, và nhiều nhất là 130.000 hạt. Khi họ đi qua cùng tuyến đường đó bằng xe đạp (dù hơi khó đạp xe khi đeo tất cả thiết bị, nhưng không phải là không thể), số lượng bụi hạt tối đa và tối thiểu hít phải tăng thêm 20.000 hạt nữa.

Tuy nhiên, mức độ trung bình ghi nhận bên trong xe hơi và xe bus: khi ở càng gần nguồn phát thải ô nhiễm, là ống xả xe thải ra khói, thì tổng số bụi hạt nano con người hít phải cao hơn.

Mới đây, một nghiên cứu do Scott Weichenthal, tại Đại học McGill (Canada) đứng đầu, đã phân tích hồ sơ y tế và phơi nhiễm ô nhiễm của 1,9 triệu người Canada trưởng thành từ năm 1991 đến 2016. Mặc dù nghiên cứu này không mang ý nghĩa nhân quả nhưng cung cấp bằng chứng mạnh mẽ cho biết mối tương quan nhìn thấy được giữa hạt nano và ung thư não.

Nghiên cứu, được công bố trên tạp chí Epidemiology, chỉ ra mức tăng ô nhiễm 10.000 hạt nano/cm3/năm làm tăng nguy cơ ung thư não hơn 10%. Mức độ ô nhiễm tại các thành phố được nghiên cứu - Toronto và Montreal - dao động từ 6.000/cm3 đến 97.000/cm3. Những người sống với ô nhiễm 50.000/cm3 có nguy cơ mắc ung thư não cao hơn 50% so với những người sống với 15.000/cm3, ông Weichenthal giải thích trên Guardian.

Một đánh giá toàn cầu năm 2019 cũng kết luận, ô nhiễm không khí có thể gây hại cho mọi cơ quan và hầu như mọi tế bào trong cơ thể con người. Không khí độc hại có liên quan đến các tác động khác lên não, bao gồm sa sút trí tuệ, chứng mất trí và các vấn đề về sức khỏe tâm thần ở cả người lớn và trẻ em. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết ô nhiễm không khí là “trường hợp khẩn cấp thầm lặng về sức khỏe cộng đồng”, theo Guardian.

Giáo sư Jordi Sunyer, tại Viện Sức khỏe Toàn cầu Barcelona (Tây Ban Nha), người không tham gia nghiên cứu, nói: “Đây là một phát hiện quan trọng cho thấy UFP phát ra trực tiếp từ ôtô độc hơn các hạt lớn hơn”.

Giáo sư Barbara Maher, tại Đại học Lancaster (Anh), đồng ý rằng bụi mịn giàu sắt từ ô nhiễm giao thông có khả năng gây ung thư và do đó cũng là nguyên nhân có thể gây ung thư não.

Kết quả này là một bằng chứng khoa học phần nào chỉ ra sự ảnh hưởng của bụi mịn đến sức khỏe của não. Tuy nhiên, vẫn cần nhiều nghiên cứu chuyên sâu để khẳng định về mối tương quan giữa bụi mịn và ung thư não, cũng như “vén màn” cách thức các hạt nano này tác động lên trung ương thần kinh của chúng ta.

Chưa có quy định về kiểm soát bụi siêu mịn nano

Hầu hết các quốc gia như Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu có thiết lập mức độ giới hạn được phép cho các loại chất gây ô nhiễm không khí độc hại nhất, trong đó có bụi PM2.5, khí NOx, khí CO và khí sulphur dioxide. Nhưng không có quy định nào tương tự giới hạn sự tồn tại của bụi nano.

Một báo cáo năm 2018 về các hạt siêu mịn kích cỡ dưới 100nm được thực hiện cho Bộ Môi trường - Thực phẩm và Nông thôn (Defra) của Anh viết rằng bởi "hiện không có mức trần đối với khói thải hay mục tiêu giảm khói thải quy định (với hạt bụi nano)… cho nên không hề có chỉ dẫn hay nguồn thông tin chung đối với việc phát triển công nghệ đo lường khói thải (có chứa hạt bụi nano)".

Do vậy, việc ngăn chặn sự sản sinh và gia tăng hàm lượng bụi, đáng chú ý là loại bụi siêu mịn, là điều nên làm và phải làm tích cực đối với toàn thể nhân loại trên trái đất này. Đó là trách nhiệm của mọi quốc gia, mọi lĩnh vực hoạt động... và bổn phận của mỗi người.

Ngọc Trang
.
.
.