Không có gì mà ầm ĩ cả

Bún mắng cháo chửi

Thứ Năm, 13/10/2016, 16:24
Có những điều xưa như trái đất bỗng được chú ý chỉ do truyền thông nhắc đến. Đó là văn hóa bún mắng cháo chửi Hà Nội được hãng truyền thông to nhất quả đất nêu lên. Thế có đáng tự hào không nhỉ khi âm thanh quê hương tỏa khắp địa cầu? Ở đất Tràng An xưa, ai mà không biết món bún mắng cháo chửi?. 

Trước đây, có nhiều luồng tranh cãi rằng bún mắng cháo chửi có hay là không có, trên mỗi con đường phố cổ xa xưa. Rồi người ta cũng phải thừa nhận rằng điều đó có thật. Những người sống ở đây thường cãi rằng Hà Nội gốc không có thói chửi càn.

Thực ra làm gì có khái niệm Hà Nội gốc. Mọi cư dân thành thị đều được hình thành từ sự di dân từ nông thôn tụ ở chợ cả. Lý Thái Tổ dời đô về đây cũng là người Kinh Bắc. Ngài không hề có gốc ở đây. Những gì được lưu truyền dù tiêu cực thì có nguy cơ bất cứ lúc nào cũng sẽ trở thành... “di sản”. Dù muốn hay không thì “di sản” này vẫn được xếp hạng.

Dân Tràng An thường cho rằng “món” văng tục nơi đây không có mà du nhập từ nơi khác đến theo luồng nhập cư. Thế mà kỳ lạ thay, nếu rời xa nơi này, thấy tần suất các câu tục giảm đáng kể.

Minh họa: Lê Tâm.

Ở một quán nước, cô chủ quán hỏi đồng hương từ quê lên Hà Nội lái taxi: “Sao ở quê anh có nói tục đâu mà lên đây anh văng đệm nhiều thế”?.

Anh đồng hương taxi rằng: “Thì đến đâu quen đấy. Anh đến đây rồi thì cũng phải trưởng thành chứ ĐM”. À. Mà để cho câu chuyện dễ nói hơn thì các từ ĐM nên chuyển sang một từ tích cực cho nó dễ nghe. Thí dụ ĐM = Kính anh (chị). Quy ước thế. Khi người ta sắp phang một vật nặng vào mặt người đối diện thì sẽ có mẫu câu là: Kính anh! Tôi đập chết cụ anh bây giờ. Kính cả họ nhà anh.

Thực ra mẫu câu này chỉ dùng với côn đồ chứ chủ quán ít dùng. Vì đơn giản là chủ quán không muốn đối đầu với khách biến mình thành du côn. Nghe nói có 2 chủ quán vì nhỡ mồm "kính anh" với khách thì bị khách đả thương. Có chủ quán bị tổn thất một bên mắt vì bị khách đả thương bằng thìa cà phê. Vâng. Khách cũng chả vừa đâu. Những người ở xa thường than sao khách bị chửi mà vẫn ăn. Không biết nhục là gì sao?

Xin thưa bún mắng cháo chửi ở đây không phải là câu chửi dành cho ai cụ thể mà là chửi đổng. Rủa ai đó, rủa thằng chết băm chết vằm nào đó ăn không ăn hỏng của bà. Rủa nhân viên nào đó lá mặt lá trái… Chủ quán biết thừa chửi khách thì sẽ bị khách vận chuyển bàn ghế vào đầu nên cũng biết hãi khách. Nhưng tại sao phải chửi trong khi ở nơi khác, người ta không mất thì giờ, tốn calo cho việc này.

Bản chất đây là một thói quen lây nhiễm trong một cộng đồng. Ngày xưa có những cụ già bị mất gà có thể chửi từ sáng tới chiều, hôm sau bắc ghế chửi tiếp. Rủa năm đời mười đời thằng nào đó khiến cả họ nó ăn không ngon ngủ không yên mà phải mang gà đến trả.

Câu rủa thường lấy cái chết dành cho cả đội hình. Thí dụ thằng ăn trộm chắc chắn "chết đường chết chợ chết chị chết em". Sau đó còn thêm "Còn thằng đứng xem về nhà chết nốt". Chả khác gì Gia Cát xưa mắng Chu Du hộc máu, Vương Lãng lìa đời. Ngôn ngữ là ảo hay thực. Lời nói gió bay sao có sức nặng như búa rìu, xót xa như xát muối?

Bây giờ, những “chửi gia” đã hết mà chỉ còn vài chủ quán chửi đổng. Điều này chẳng ăn thua gì mà cộng đồng than vãn. Điều đáng than vãn đáng sợ hơn nhiều đang ở ngay trong nhà các bạn và ngôi trường con em ta học. Hãy dành thời gian lắng nghe ở cổng trường hay quán nước đầu ngõ để xem con em văng tục, nói đệm dày đặc như thế nào. Đây mới là nguy cơ trên diện rộng.

Còn bạn. Bạn đã sốc khi nghe con em mình văng tục chưa?

Lê Tâm
.
.
.