Bùng nổ trào lưu ‘đám cưới giả’ ở Argentina

Thứ Năm, 15/10/2015, 16:00
Ngày càng nhiều bạn trẻ ở Argentina "ngại" tính chuyện kết hôn và điều này chính là nguyên nhân dẫn đến trào lưu mong muốn trải nghiệm hôn nhân thông qua dịch vụ "kết hôn giả". Chỉ với 50 USD, khách hàng có thể mua vé để dự tiệc cưới được dàn dựng y như thật.
Mọi công đoạn đều thật, chỉ có hôn nhân là giả

Trong một đám cưới ở thủ đô Buenos Aires, chú rể mặc bộ vest sang trọng hồi hộp đứng chờ đợi cô dâu xinh đẹp xuất hiện trong bộ váy trắng tinh khôi. Hai người tay trong tay bước trên thảm hoa, khách dự lễ cưới vỗ tay không ngớt, một số người xúc động rơi nước mắt. Khi hai người chuẩn bị trao nhẫn cưới thì tình huống bất ngờ xảy ra: một người đàn ông lạ mặt bước lên sân khấu và tuyên bố, mình mới là "người yêu" của chú rể. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra trong lễ cưới chỉ là một kịch bản được xây dựng "hoàn hảo đến từng chi tiết". Xu hướng "cưới giả" đang bùng nổ ở Argentina và là trào lưu thời thượng rất được các bạn trẻ yêu thích.

Một đám cưới giả ở Argentina.

"Tất cả bắt đầu vào hai năm trước, tôi và những người bạn của mình nhận ra rằng, trong thời gian dài, chúng tôi không được dự đám cưới vì hầu như không ai trong đám bạn bè của chúng tôi kết hôn", nhà báo Martín Acerbi, 26 tuổi chia sẻ. 

Martín Acerbi cùng với bốn người bạn ở La Plata, một địa danh cách thủ đô Buenos Aires 50km về phía Nam quyết định tổ chức đám cưới giả với mục đích ban đầu là để bạn bè có dịp gặp gỡ, giao lưu với nhau. Đám cưới giả đầu tiên này thành công ngoài sự mong đợi và gây sự chú ý trong cộng đồng mạng ở Argentina. Acerbi và bạn bè quyết định thành lập công ty chuyên tổ chức đám cưới giả có tên là Falsa Boda vào tháng 11/2013. Sau hơn hai năm hoạt động, Falsa Boda đã tổ chức được rất nhiều đám cưới giả.

Falsa Boda thuê địa điểm tổ chức đám cưới thật với các dịch vụ tổ chức lễ cưới chuyên nghiệp. "Các chuyên gia tổ chức đám cưới đã trở thành "đồng minh chiến lược" của chúng tôi. Mọi công đoạn tổ chức đám cưới đều thật, ngoại trừ hôn nhân là giả. Diễn viên được thuê để đóng cô dâu, chú rể và trong lễ cưới luôn có tình huống bất ngờ, có thể là sự xuất hiện của người thứ ba hay sự phản đối của gia đình... Chính điều này làm cho đám cưới giả vui vẻ và ấn tượng. Khách hàng luôn cảm thấy thoải mái khi dự đám cưới vì không có bất cứ sự ràng buộc nào. Bên cạnh đó, dự những đám cưới này, bạn trẻ cũng có cơ hội để tìm "đối tác" cho chính mình", Acerbi nói.

Tỷ lệ kết hôn giảm mạnh

Acerbi cho biết, một "đám cưới giả" điển hình thường có khoảng 600 đến 700 khách dự với bữa tiệc kéo dài đến 6 giờ sáng hôm sau, giống như thời gian tổ chức đám cưới thật phổ biến ở Argentina. Mỗi đám cưới giả có kịch bản khác nhau nhưng cuối cùng, cô dâu sẽ ném bó hoa về phía khách hàng nữ. Những cô gái trẻ luôn phấn khích như thể người thân trong gia đình kết hôn. Pablo Boniface, Giám đốc marketing, 32 tuổi - người vừa tham dự một đám cưới giả ở Buenos Aires chia sẻ, "khi cô dâu đến, tất cả mọi người như phát điên, thi nhau lấy điện thoại di động để chụp hình, cô ấy giống như một ngôi sao Hollywood".

Khán giả dự đám cưới giả chủ yếu là những bạn trẻ 20, 30 tuổi. Chỉ với 50 USD, họ có thể mua vé vào cửa để trải nghiệm cảm xúc cưới mà vào thời điểm hiện tại, các bạn trẻ chưa nghĩ đến việc này. Acerbi nói rằng, phụ nữ là "động lực chính" của sự kiện, "họ là những người đầu tiên mua vé. Sự lãng mạn của khung cảnh đám cưới vẫn thu hút họ".

Boniface nói rằng, anh đã dự ít nhất một đám cưới thực nhưng dường như hôn nhân không phải là vấn đề "đáng quan tâm" trong những câu chuyện của các bạn trẻ cùng lứa với anh ở Buenos Aires. "Tôi độc thân và có nhiều bạn bè ở cả hai giới nhưng hôn nhân là khái niệm khá xa vời mà chúng tôi thậm chí không nghĩ đến. Đám cưới giả là cơ hội tuyệt vời để chúng tôi có dịp gặp gỡ, tìm kiếm bạn bè", Boniface nói.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng Argentina, tỷ lệ kết hôn ở nước này đang có xu hướng giảm mạnh. Năm 2013, chỉ có 11.642 cặp vợ chồng kết hôn tại Buenos Aires, trong khi con số này năm 1990 là 22.000 cặp. Tuổi trung bình kết hôn cũng tăng đáng kể. Hiện nay, tuổi kết hôn trung bình của nữ đã tăng từ 28 lên 33 tuổi, của nam giới cũng tăng từ 29 lên 34 tuổi.

Số liệu thống kê cho thấy, ở thành phố Buenos Aires hiện nay, khoảng 1/2 cuộc hôn nhân kết thúc "đường ai nấy đi", trung bình mỗi năm có khoảng 6.500 vụ ly hôn. Mặc dù Argentina là quốc gia có đông người Công giáo nhưng đám cưới được tổ chức tại nhà thờ cũng giảm 61% so với năm 1990. Nếu năm 1990 có 155.000 đám cưới được tổ chức tại nhà thờ thì vào năm 2011, con số này chưa đến 60.000 đám cưới.

Giáo sư Victoria Mazzeo, Đại học Buenos Aires nhận định, kinh tế - xã hội phát triển đã làm thay đổi quan niệm của các bạn trẻ về vấn đề hôn nhân. Bên cạnh đó, sự mất cân bằng giới tính cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. "Ở Buenos Aires, tỷ lệ nam/nữ là 86/100. Sự mất cân bằng giới tính cũng khiến phụ nữ khó khăn hơn trong việc tìm kiếm đối tác", Giáo sư Mazzeo nói.

Tường Phạm (tổng hợp)
.
.
.