CHDCND Triều Tiên kiếm tiền từ đâu để phát triển hạt nhân?

Thứ Hai, 02/10/2017, 11:19
Bình Nhưỡng lấy đâu ra nguồn tiền để “đốt” vào chương trình vũ khí tốn kém như vậy? Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hồng Kông đã đưa ra một số lý giải về nguồn tiền của Bình Nhưỡng.


Dù bị bao vây bởi các biện pháp cấm vận kinh tế của Liên Hiệp Quốc (LHQ) và nhiều nước phương Tây, nhưng CHDCND Triều Tiên vẫn liên tục tiến hành thử tên lửa và hạt nhân, mới đây nhất là vụ thử bom H ngày 3-9 và phóng tên lửa bay qua Nhật Bản ngày 15-9.

Câu hỏi đặt ra: Bình Nhưỡng lấy đâu ra nguồn tiền để “đốt” vào chương trình vũ khí tốn kém như vậy? Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hồng Kông đã đưa ra một số lý giải về nguồn tiền của Bình Nhưỡng:

Bán vũ khí

Theo một báo cáo công bố vào năm 2016 của LHQ, Triều Tiên đã kiếm được bộn tiền bằng việc bán các mặt hàng không được báo cáo như thiết bị mã hóa truyền thông quân sự, hệ thống phòng không và tên lửa dẫn đường vệ tinh.

Mùa hè năm ngoái, Ai Cập đã bắt giữ một con tàu của Triều Tiên chở 30.000 đạn lựu pháo tự hành PG-7 và các bộ phận vũ khí khác. Một báo cáo riêng của Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stockholm cho hay, từ năm 1996 đến năm 2016 Triều Tiên kiếm được 802 triệu USD từ việc bán vũ khí cho các nước như Iran, Syria và Libya.

Cưỡng bức lao động

Một báo cáo của LHQ công bố vào năm 2015 nói rằng nhiều người trong số họ làm việc trong các ngành khai thác mỏ, khai thác gỗ, dệt may và xây dựng. Các nhóm nhân quyền cho biết bất kỳ khoản tiền nào họ kiếm được đều được gửi thẳng về Bình Nhưỡng.

Theo số liệu của Mỹ, Triều Tiên kiếm được 500 triệu USD mỗi năm bằng cách đưa khoảng 100.000 người đi làm việc ở nước ngoài.

Công nhân CHDCND Triều Tiên trong một xưởng may.

Open North Korea, một tổ chức phi chính phủ ở Seoul, ước tính tổng số tiền Bình Nhưỡng kiếm được từ việc buộc con dân đi lao động nước ngoài gửi tiền về là khoảng 975 triệu USD mỗi năm.

Go Myong-hyun, một nhà nghiên cứu tại Học viện Nghiên cứu Chính sách Asan, cho biết một số nước Trung Đông thích công nhân Triều Tiên vì "họ không chạy trốn". Theo ước tính, có khoảng 6.000 người Triều Tiên đang làm việc ở vùng Vịnh, trong đó có 2.500 người tại Kuwait, 1.500 người tại Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất và 2.000 người ở Qatar.

Hầu hết người Triều Tiên làm việc ở vùng Vịnh kiếm được khoảng 1.000 USD mỗi tháng. Chính phủ Triều Tiên giữ khoảng một nửa mức lương của họ và 300 USD dành cho các nhà quản lý công ty xây dựng. Điều này khiến cho công nhân chỉ còn 200 USD/ tháng.

Tiền giả

Mỹ từ lâu đã cáo buộc CHDCND Triều Tiên làm giả USD. Mỹ cho rằng “siêu tiền giả” - tiền giả chất lượng cao - được các nhà ngoại giao Triều Tiên sử dụng khi họ đi ra nước ngoài, và thông qua những giao dịch với các nước châu Âu, tất cả đều có sự giúp đỡ của các quan chức Nga.

Theo một báo cáo tháng 6-2016 của tờ Joongang Ilbo (Hàn Quốc), một nhân viên Triều Tiên đã bị phía Trung Quốc bắt giữ tại thành phố biên giới Dandong thuộc tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc), sau khi chuyển đổi 5 triệu USD hóa đơn giả thành khoảng 30 triệu Nhân dân tệ tại các chi nhánh Ngân hàng Công thương Trung Quốc và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc.

Các nguồn tin được trích dẫn nói rằng quan chức Triều Tiên này có kế hoạch sử dụng số tiền trên để mua thiết bị gia dụng, sau đó phân phối cho người dân Triều Tiên trong dịp kỷ niệm ngày sinh nhật của người sáng lập đất nước, Kim Il-sung và tại “Đại hội đảng”.

Tội phạm mạng

Tháng 3 vừa qua, tờ The Wall Street Journal cho biết tin tặc từ Triều Tiên - với sự giúp đỡ của các cộng sự ở Trung Quốc - đã đánh cắp 81 triệu USD từ tài khoản của Ngân hàng Trung ương Bangladesh (BOB) tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chi nhánh New York. 

Các tin tặc đã xâm nhập hệ thống của BOB và sử dụng mạng lưới thông báo chuyển tiền liên ngân hàng toàn cầu Swift để yêu cầu chuyển gần 1 tỷ USD từ tài khoản của BOB.

Thùy Dương (Theo SCMP)
.
.
.