COVID-19 khiến phụ nữ chịu tổn thương hơn nam giới

Thứ Bảy, 29/08/2020, 13:50
Cú sốc kinh tế do dịch bệnh COVID-19 gây ra trong thời gian qua có lẽ không chừa một ai. Thế nhưng, nữ giới, nhất là những người phụ nữ có con, dễ bị tổn thương nhất. Biện pháp phong tỏa, những bất bình đẳng nam - nữ trong việc chia sẻ việc nhà, việc tập trung thời gian chăm lo cho con cái ít nhiều đều gây tác hại tới sự nghiệp của người phụ nữ.


Tỉ lệ thất nghiệp của phụ nữ cũng tăng cao hơn so với nam giới. Chiếm số đông trong lĩnh vực chăm sóc y tế và dịch vụ, nữ giới là những người đã và đang xông pha trên tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 và đảm bảo đời sống xã hội. Thế nhưng, những công việc họ đảm nhận lại thường bấp bênh hơn so với nam giới.

Làm việc nhiều trong lĩnh vực chăm sóc y tế, dịch vụ, phụ nữ là những người trên tuyến đầu trong cuộc chiến chống COVID-19.

Gia tăng bất bình đẳng kinh tế

Lao động nữ trong lĩnh vực kinh tế nào, và ở khu vực nào trên thế giới bị thiệt hại nhiều nhất? Bà Laurence Gillois, Phó giám đốc cơ quan Liên Hợp Quốc bên cạnh Liên hiệp châu Âu (EU) về phụ nữ, cho rằng: “Đương nhiên đó là những lĩnh vực bị cuộc khủng hoảng tác động trực tiếp, với những hệ quả trực tiếp. Phụ nữ đang và sẽ là những người đầu tiên bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng lần này. Theo những số liệu mới nhất, COVID-19 đã làm mất 300 triệu việc làm trên thế giới hiện nay. Tại nhiều nước, người ta bắt đầu thấy là việc sa thải lao động liên quan đến phụ nữ nhiều hơn là nam giới.

Đơn giản là vì những lĩnh vực bị tác động nhiều nhất, như bán hàng, khách sạn, du lịch, là những lĩnh vực phụ nữ tham gia là chủ yếu. Ở Mỹ, hồi tháng 3, tháng  4, ghi nhận số lao động là nữ giới lâm cảnh thất nghiệp rất cao và đã vượt xa nam giới. Trước khi xảy ra khủng hoảng thì mọi chuyện diễn ra theo chiều hướng ngược lại. Xu hướng nhiều lao động nữ mất việc hơn nam giới cũng xảy ra ở nhiều khu vực khác trên thế giới, trong đó có cả châu Á - Thái Bình Dương”.

Tỷ lệ phụ nữ thất nghiệp vì dịch COVID-19 tăng mạnh.

Riêng tại khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone, số liệu của Eurostat, cơ quan thống kê của EU, cho thấy ngay từ hồi tháng 5-2020, dịch COVID-19 đã có những tác động về kinh tế đối với phụ nữ. Tỉ lệ thất nghiệp của phụ nữ từ 7,7% hồi tháng 4 đã tăng lên thành 7,9%, trong khi tỉ lệ thất nghiệp ở nam giới vẫn giữ ổn định ở mức 7%. Chuyên gia kinh tế Céline Piques, Chủ tịch tổ chức nữ quyền của Pháp Osez le féminisme!, lo ngại những tháng tới đây sẽ ngày càng khó khăn đối với phụ nữ.

Trong khi đó, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc ế, Kristalina Georgieva cũng cảnh báo đại dịch COVID-19 có thể sẽ cuốn đi những thành quả trong việc giảm bất bình đẳng kinh tế giữa nam giới và nữ giới mà thế giới đã đạt được trong suốt 3 thập kỷ qua.

Còn bà Laurence Gillois, Phó giám đốc Cơ quan Liên Hợp Quốc bên cạnh EU về phụ nữ, nhấn mạnh: “Cuộc khủng hoảng quả thực đã bám rễ vào một thế giới vốn đã được ghi dấu với những sự bất bình đẳng nam - nữ trong cấu trúc. Và cũng giống như những cuộc khủng hoảng khác, cuộc khủng hoảng COVID-19 lần này thể hiện sự bất bình đẳng nam - nữ, nhưng đồng thời cũng là yếu tố làm cho tình trạng bất bình đẳng đó trở nên nghiêm trọng hơn.

Ngay từ trước khi xảy ra khủng hoảng, ở khắp nơi trên thế giới đã có tình trạng phụ nữ kiếm được ít tiền hơn nam giới, số tiền tiết kiệm họ dành dụm được cũng ít hơn nam giới. Công việc của phụ nữ ít ổn định hơn so với nam giới. Nữ giới cũng thường làm việc nhiều hơn trong các lĩnh vực kinh tế phi chính thức”.

Ngay cả những người phụ nữ làm lãnh đạo doanh nghiệp cũng không tránh được khó khăn. Theo bà Laurence Gillois, trên thế giới, nếu là chủ doanh nghiệp thì thường là nữ giới làm chủ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp này bị COVID-19 tác động ở những mức độ khác nhau.

Số công trình khoa học của các nhà nghiên cứu nữ đã giảm mạnh trong giai đoạn phong tỏa.

“Chúng tôi có ít số liệu so sánh ở mức toàn cầu, nhưng theo kết quả một cuộc khảo sát mới đây với 600 chủ doanh nghiệp là nữ ở nhiều nơi trên thế giới, 90% trong số họ cho biết đã gặp những thất bại, sa sút nghiêm trọng trong giai đoạn này do khủng hoảng. Gần 40% sợ là không còn đủ khả năng trả lương cho nhân viên. Có một yếu tố khác góp phần khiến các chủ doanh nghiệp nữ gặp nhiều khó khăn hơn nam giới, đó là họ phải chăm lo cho gia đình nhà cửa nhiều hơn các đồng nghiệp là nam giới”.

Thiệt thòi trong sự nghiệp

Một cuộc khảo sát của Nghiệp đoàn CGT tại Pháp cho thấy việc trường học đóng cửa, trẻ em không đi học, đã khiến gánh nặng việc nhà, chăm sóc dạy dỗ con cái đè nặng lên vai phụ nữ. Khoảng 43% số phụ nữ trả lời câu hỏi cho biết trong giai đoạn phong tỏa, mỗi ngày họ phải dành thêm 4 giờ đồng hồ so với thường lệ để chăm con, nhưng con số này ở nam giới chỉ là 26%.

Phụ nữ là đối tượng dễ bị tổn thương vì dịch COVID-19.

Còn theo kết quả một khảo sát chung mà Đại học Science Po và Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học Pháp - CNRS công bố hồi tháng 4-2020 thì sự bất bình đẳng giới tính đã bị đẩy mạnh hơn trong giai đoạn phong tỏa, phụ nữ phải dành thêm nhiều thời gian để lau dọn nhà cửa và chăm sóc người khác. 70% số phụ nữ được hỏi nói hàng ngày họ chăm lo cả việc học hành của con cái, trong khi tỉ lệ này ở nam giới là 32%.

Để hỗ trợ người lao động dung hòa công việc và gia đình trong giai đoạn phong tỏa, Chính phủ Pháp cho những người có nhu cầu ở nhà chăm sóc con được hưởng chế độ đãi ngộ. Và 70% số người đăng ký hưởng chế độ nghỉ làm để chăm con trong giai đoạn phong tỏa là nữ giới. Nhưng nghịch lý là ở chỗ, suy đến cùng thì nam giới lại là người hưởng lợi nhiều nhất từ biện pháp hỗ trợ nói trên, bởi theo giải thích của chuyên gia Céline Piques, những tác động của dịch bệnh sau này sẽ thể hiện rõ vào lúc người lao động phải thương lượng với chủ lao động về việc tăng lương. Những người đàn ông làm việc từ xa trong nhiều tháng và tham gia nhiều vào hoạt động của doanh nghiệp sẽ được ưu tiên hơn so với những đồng nghiệp nữ đã được hưởng chế độ nghỉ làm để chăm sóc con cái trong giai đoạn phong tỏa.

Còn trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, những tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với nữ giới cũng đã bắt đầu được trông thấy rõ. Số công trình khoa học của các nhà nghiên cứu nữ đã giảm mạnh trong giai đoạn phong tỏa, trong khi số bài báo, công trình nghiên cứu của các nhà khoa học nam giới lại tăng hơn nhiều so với bình thường.

Chuyên gia kinh tế Céline Piques giải thích rằng các nhà nghiên cứu là nam giới có thể làm việc trong thời gian phong tỏa đó là do con cái họ được mẹ chăm sóc là chính. Đó là chưa kể đến tình trạng nhiều người phụ nữ bị mất việc hay không thể có điều kiện tìm việc, vì buộc phải dành nhiều thời gian chăm sóc con cái trong giai đoạn dịch bệnh. Chính sự bất bình đẳng nam - nữ trong việc phân công các công việc gia đình đã góp phần làm cho phụ nữ thêm thiệt thòi trong giai đoạn khủng hoảng.

Theo Phó giám đốc cơ quan Liên Hợp Quốc về phụ nữ bên cạnh EU Laurence Gillois, chịu nhiều tác động nhất có lẽ là những người phụ nữ làm mẹ đơn thân, những người phụ nữ góa chồng phải nuôi con nhỏ: “Lần đầu tiên trong vòng 3 thập niên người ta thấy có đến hơn 500 triệu người có thể rơi vào cảnh đói nghèo vì khủng hoảng. Tỉ lệ phụ nữ có thể bị đẩy vào cảnh đói nghèo cùng cực cao hơn 25% so với nam giới. Chính điều này cũng tạo ra sự mất an ninh lương thực và khiến nó nghiêm trọng hơn.

Một kịch bản tương tự đã xảy ra do cuộc khủng hoảng Ebola. Và các gia đình chỉ có bố hoặc mẹ đơn thân nuôi con đặc biệt dễ bị tổn thương. Đa số các gia đình này là phụ nữ đơn thân nuôi con. Tỉ lệ này có thể khác nhau ở các nước nhưng thường dao động ở mức khoảng 85%. Các gia đình này đặc biệt dễ tổn thương, dễ bị tác động, vì chỉ có một nguồn thu nhập và những gánh nặng gia đình lại tăng nhiều hơn”.

Riêng tại Pháp, trong thời gian bình thường, 1/3 số gia đình chỉ có bố hoặc mẹ đơn thân nuôi con sống dưới ngưỡng nghèo khó, trong đó có tới 85% là phụ nữ đơn thân nuôi con. Theo chuyên gia kinh tế Céline Pique, những người phụ nữ trong hoàn cảnh sống bấp bênh nhất, chẳng hạn những người làm nghề thu ngân ở siêu thị, lại dễ mất việc trong giai đoạn phong tỏa vì không thể để con bơ vơ ở nhà để đi làm trong mùa dịch. Nếu vào mùa thu, làn sóng dịch thứ hai xảy ra, đất nước có thể bị phong tỏa trở lại, với những kịch bản có thể còn tồi tệ hơn đợt 1 rất nhiều, thì tình hình của các bà mẹ đơn thân chắc chắn sẽ còn bi đát hơn nữa.

Ngọc Trang (Theo RFI)
.
.
.