COVID-19 làm cho khu vực Amazon của Brazil khó khăn gấp đôi

Thứ Tư, 10/06/2020, 18:04
Theo dữ liệu của Viện nghiên cứu không gian quốc gia Brazil (INPE), vào tháng 4, tổng diện tích rừng Amazon bị chặt phá đã tăng 63,75% so với cùng kỳ năm ngoái.


Đồng thời, ở khu vực phía Bắc Brazil, tình hình dịch bệnh COVID-19 là nghiêm trọng nhất trong nước: có 625 ca nhiễm bệnh trên 100.000 dân. Ở vị trí thứ hai là khu vực phía Đông Bắc, nơi có 340,5 trường hợp nhiễm bệnh trên 100.000 dân. Tính trung bình, Brazil có 264,3 trường hợp nhiễm COVID-19 trên 100.000 dân.

Rừng mất, dịch bệnh gia tăng

Theo INPE, năm 2019, tỷ lệ phá rừng nhiệt đới Amazon đã tăng lên mức cao nhất khi tăng 44% so với năm 2018. Ông André Guimarães, Giám đốc Viện nghiên cứu môi trường Amazon (IPAM), lưu ý rằng, những kẻ khai thác gỗ bất hợp pháp đã lợi dụng các biện pháp hạn chế được áp dụng trong thời gian dịch bệnh để tăng cường các hoạt động của chúng trong khu vực. Nạn chặt phá rừng đang gia tăng có thể dẫ đến thảm họa cháy rừng.

"Nói chung, quá trình này là như sau: những đối tượng khai thác gỗ đến một khu rừng, chặt cây, lấy các loại gỗ có giá trị, để lại cả núi vật liệu khô còn sót lại, kết quả là vào năm tới ở nơi này sẽ xảy ra vụ cháy rừng. Vì vậy, cần phải theo dõi tình hình sau vụ phá rừng năm trước để dự đoán nơi nào sẽ xảy ra vụ cháy vào năm tới", ông André Guimarães nói.

Vào tháng 5, các chuyên gia Brazil đã công bố bản báo cáo cảnh báo về nguy cơ xảy ra dịch bệnh kép ở vùng Amazon, vì thời kỳ đốt rừng vì mục đích nông nghiệp trùng hợp với đỉnh điểm của đại dịch COVID-19 dự kiến sẽ xảy ra vào tháng 7. Như thường lệ, số vụ cháy rừng lớn nhất ở vùng Amazon được ghi nhận từ tháng 5 đến tháng 8.

Theo phó giáo sư Thiago Morello của Trung tâm Kỹ thuật, Mô hình hóa và Khoa học xã hội ứng dụng của Đại học Liên bang ABC (UFABC), một trong những tác giả của bản báo cáo, cho biết rằng, trong thời gian từ năm 2017 đến năm 2019, mỗi năm có khoảng 120.000 người dân Brazil phải nhập viện do các bệnh lý về hô hấp gây ra bởi sự gia tăng số vụ cháy rừng.

"Những hạt bụi nhỏ là sản phẩm đốt cháy sinh khối lọt vào phổi, gây ra những triệu chứng khác nhau và làm trầm trọng thêm các bệnh mãn tính. Tính trung bình, từ năm 2017 đến năm 2019, vào đỉnh điểm cháy rừng khi khu vực Amazon bước vào mùa khô kéo dài từ tháng 8 đến tháng 10, cứ mỗi năm có 120 nghìn người phải nhập viện do các bệnh hen suyễn, viêm phổi hoặc viêm phế quản. 

Các bệnh viện thường dành 9% giường bệnh cho những người mắc bệnh hô hấp, tuy nhiên, do đại dịch COVID-19, số giường bệnh cho hoạt động dịch vụ này có thể lên tới 46%", PGS Thiago Morello cho biết.

Những người da đỏ Huitoto tạo dáng trong khẩu trang bảo vệ.

Người bản địa và các hộ gia đình có thu nhập thấp dễ bị tổn thương nhất

Theo Viện Các vấn đề môi trường và xã hội vùng Amazon (ISA), đến nay trong dân số bản địa của Brazil đã ghi nhận 1.600 ca mắc COVID-19 và 59 ca tử vong.

Theo ông Morello, dịch bệnh sẽ gây ra khó khăn gấp đôi cho các hộ gia đình có thu nhập thấp và người dân bản địa. Các đại diện của tầng lớp xã hội này, những hộ gia đình nghèo có thu nhập thấp đang sống ở cả khu vực thành thị và nông thôn của khu vực Amazon. 

Những người này phụ thuộc vào công việc không chính thức, thường phải kiếm ăn hàng ngày. Nhiều người sống trong nhà thuê hoặc có điều kiện sống tồi tàn. Các yếu tố như vậy gây trở ngại cho công tác phòng chống và kiểm soát bệnh COVID-19. 

Cũng cần lưu ý rằng, đa số hộ gia đình nông nghiệp, cư dân ven biển, các nhóm người da đỏ và người Maroon thuộc tầng lớp thu nhập thấp, sống ở các vùng xa xôi hẻo lánh. Và ngay cả nếu họ có nguy cơ khá thấp mắc bệnh COVID-19, thì nguy cơ tử vong là rất cao vì khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bị hạn chế".

Ngoài ra, ông Antonio Oviedo, điều phối viên chương trình theo dõi môi trường của Viện ISA, lưu ý rằng, các dân tộc bản địa tại Brazil dễ bị nhiễm COVID-19 vì trong các nhóm này có nhiều người sức khoẻ yếu, mắc những thứ bệnh đã phát triển trong lịch sử, như bệnh tiểu đường, các bệnh đường hô hấp và suy dinh dưỡng.

Ngoài tác hại lâu dài tới sức khỏe, COVID-19 còn gây ra thiệt hại to lớn cho vốn xã hội của người bản địa Brazil, nghĩa là, đại dịch cướp đi sinh mạng của những người da đỏ cao tuổi sở hữu kiến thức và trí tuệ đặc biệt quý giá.

"Vấn đề với những người da đỏ cao tuổi rất đáng lo ngại, bởi vì những trưởng lão bộ tộc là báu vật sống, giống như một thư viện kiến thức cho họ. 

Sau khi trưởng lão ra đi, bộ tộc bị mất vốn xã hội, điều này là rất đáng lo ngại, vì những người da đó sẽ bị mất kiến thức về lịch sử và thông tin truyền miệng. Do đó, đại dịch không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà cả đến quá trình hình thành các nhóm xã hội của các bộ tộc này", ông Antonio Oviedo lo ngại.

Theo ông Guimarães, việc Chính phủ Brazil gửi Lực lượng vũ trang tới vùng Amazon để theo dõi tình hình phá rừng bất hợp pháp phải được thực hiện cùng với các cơ quan chức năng để có hiệu quả cao. 

Công tố viên có trách nhiệm điều tra, truy tố và buộc tội kẻ phạm pháp. Bởi hiện nay chưa có đủ hành động cụ thể để quá trình này mang lại kết quả, thiếu sự tương tác giữa các chủ thể liên bang và xã hội, cộng đồng.n

Ngọc Trang (tổng hợp)
.
.
.