Cuộc sống mới hồi sinh

Thứ Tư, 06/02/2019, 11:16
Có lẽ chẳng bao giờ người dân xóm Khanh (xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình) quên được ngày xảy ra vụ sạt lở kinh hoàng cướp đi sinh mạng của 18 người. Dù nỗi đau vẫn còn in hằn trên gương mặt những người ở lại nhưng tình người, sự đùm bọc đang giúp họ vượt qua khó khăn. Những ngôi nhà mới, những ngôi nhà nghĩa tình mang đến sự ấm áp để họ được đón một cái Tết đủ đầy.


1. Sau hơn một năm, chúng tôi trở lại xóm Khanh, nơi bà con đã phải trải qua những tháng ngày kinh hoàng, đau đớn nhất. Thấp thoáng vẫn còn những ngôi nhà sàn xiêu vẹo, mạng nhện giăng mắc khắp nơi.

Hàng nghìn khối đất đá vẫn nằm ngổn ngang trên khu đất từng là nơi sinh hoạt, trồng cấy của hàng chục hộ dân. Thác Khanh trước đây hùng vĩ bao nhiêu thì nay chỉ còn là những dòng nước nhỏ len lỏi trên thân núi.

Gia đình chị Chi đón Tết trong ngôi nhà mới xây khang trang.

Bà Đinh Thị Chung (70 tuổi) ngồi trên mỏm đá xù xì nói với chúng tôi: "Mọi người chuyển đi hết rồi, chỉ còn vài ba người già đem trâu bò vào đây thả thôi. Trâu bò cũng như quen lối ấy, dắt ra là chúng lại đi thẳng về phía suối Khanh. Đau đớn lắm nhưng rồi cũng nguôi ngoai, giờ thì mọi người đã có nhà mới để ở, dần ổn định cuộc sống rồi".

Thảm hoạ đã trôi qua hơn một năm nhưng những ký ức kinh hoàng có lẽ sẽ còn mãi ám ảnh người dân. Đêm định mệnh ấy (12-10 -2017), hàng nghìn mét khối đất, đá ập xuống, vùi lấp 6 căn nhà, cướp đi sinh mạng của 18 người.

Ngoài ra còn có 4 căn nhà cận kề cũng bị vùi lấp, may mắn mọi người đã chạy thoát. Hàng chục căn nhà khác bị nước ngập sâu, hư hỏng toàn bộ tài sản. Hàng trăm con gia súc, nhiều diện tích hoa màu bị cuối trôi. Chị Bùi Thị Chi nhớ lại đêm kinh hoàng mà vẫn còn run lập cập: "Nhà em may mắn không thiệt hại gì về người, thế nhưng mất sạch cả.

Nhà cửa, đất đai, một con trâu, 1 con lợn bị vùi lấp. Hôm xảy ra thảm hoạ, chồng em đi làm ở Tuyên Quang, có mỗi 3 mẹ con ở nhà. Đang ngủ say thì nghe tiếng động rất lớn, mấy mẹ con hô nhau bỏ chạy. Vừa ra được đến sân thì bùn đất cứ thế ùn ùn đổ xuống. Cả ba mẹ con bị kẹt ở một cái khe.

Em hoảng quá kêu gào, hai tay cố ghì hai đứa nhỏ, chỉ sợ đất trôi cuốn theo cả con đi. Ba mẹ con khóc không thành tiếng nữa, lúc gần như kiệt sức thì được chú tên là Đinh Công Nhân, lội bùn ngập ngang bụng đến cứu. Lúc được an toàn nhìn lại thì thấy cả bản chìm trong bùn đất, tiếng khóc than, kêu cứu khắp nơi.

Thực sự đó là một khoảnh khắc kinh hoàng mà cả đời không bao giờ quên được". Đó chỉ là một trong những ký ức kinh khủng của người dân xóm Khanh, nó ám ảnh đến nỗi nhiều người cả tháng không có được một giấc ngủ ngon, chẳng dám trở về bản nhìn lại nơi mình từng sinh sống. Thậm chí nhiều người còn bỏ làng, bỏ bản không dám trở về.

Chỉ hơn 1 năm về trước, nơi đây còn là một bản người Mường đầm ấm.

Những ngày đầu xảy ra thảm hoạ, người dân dường như không gượng dậy được. Bởi nỗi đau, mất mát là quá lớn họ buộc phải dựa vào nhau mà sống, cùng động viên chia ngọt sẻ bùi những gì còn sót lại. Chị Bùi Thị Thảo kể lại: "Nhà em bây giờ còn có 3 mẹ con; chồng và mẹ em bị vùi lấp rồi. Tất cả ruộng nương, nhà cửa hai vợ chồng tích cóp hơn chục năm lấy nhau chẳng còn gì nữa.

Cũng may là có bà con quanh đây hỗ trợ, rồi chính quyền địa phương, những nhà hảo tâm, mẹ con em mới vượt qua được". Chị Thảo vừa dứt lời, Đinh Công Thịnh (con trai đầu của chị Thảo) rưng rưng: "Vì hoàn cảnh quá khó khăn, em được đơn vị tạo điều kiện cho ra quân trước thời hạn. Bố mất, mẹ lại yếu, em trai còn nhỏ, em phải thay bố làm chỗ dựa cho mẹ và em trai.

Em lên Hà Nội xin việc kiếm tiền trang trải cuộc sống cho gia đình. Em còn nhớ như in Tết năm ngoái, nhà cửa thì chưa có, mấy mẹ con phải ăn Tết nhờ nhà người thân ở xã bên. Cũng may năm nay được các cấp các ngành quan tâm, các nhà tảo tâm giúp đỡ mẹ con em mới có nhà để đón Tết".

2. Đưa chúng tôi thăm các gia đình gặp nạn, ông Bùi Văn Khải, Chủ tịch UBND xã Phúc Cường luôn miệng nói: "Năm nay bà con ổn định rồi, các hộ đều có chỗ ở mới, nhà cửa khang trang rồi". Theo ông Khải, để có được ngày hôm nay là sự nỗ lực của bà con, của nhiều ban, ngành chung tay giúp đỡ.

Lực lượng dân quân tự vệ, công an, Ban chỉ huy quân sự liên tục hỗ trợ bà con khắc phục hậu quả trong nhiều tháng. Hàng trăm mét đường nội thôn bị vùi lấp, hư hỏng đã được xử lý, sửa chữa, hệ thống nước sạch được khôi phục. Các gia đình đã được di dời đến nơi ở an toàn, được hỗ trợ hàng trăm triệu đồng để xây nhà mới ổn định cuộc sống.

Chị Chi xúc động nói: "Đây là ngôi nhà mới của vợ chồng em, có mơ chúng em cũng không nghĩ mình lại có ngôi nhà khang trang đến thế.  Tổng số tiền làm nhà hết gần 200 triệu đồng, được ủng hộ 40 triệu từ ngân sách huyện; các đoàn từ thiện hỗ trợ 100 triệu. Thôi thì tai hoạ ập vào ai thì người đó phải chịu, chấp nhận vậy thôi. Có nhà mới ngay mặt đường Quốc lộ 6, vợ chồng em tính mở cửa hàng bán nước hoặc buôn bán gì đó để kiếm thêm thu nhập".

Ngay kế bên nhà chị Chi là gia đình bà Bùi Thị Vặn, trước kia ở xóm Khanh. Hộ của bà Vặn có tiếng là có của ăn của để. Thế nhưng chỉ sau trận sạt lở, gia đình mất đi người con trai cả, của nả cũng chôn vùi cùng đất đá. Bà bảo, hôm đó mưa to, gió mạnh lắm, lúc hơn 1 giờ sáng thấy tiếng động inh tai, chạy ra thì chuồng trâu bị vùi lấp, thằng con trai cả sang bên nhà hàng xóm ngủ nhờ thì bị vùi lấp.

"Nhà tôi đông người, ruộng nương mất cả giờ cả nhà đi làm thuê để kiếm đồng ra đồng vào. Vì nhà đông người nên cố gắng vay mượn để xây dựng ngôi nhà, cũng may mà được nhà nước và những nhà hảo tâm hỗ trợ 200 triệu đồng. Tết năm ngoái, mới xảy ra sạt lở, cả làng cả bản chả ai có nhà, người thì đón Tết nhờ ở nhà người thân, người thì đón Tết ở nhà văn hoá thôn, có gia đình còn đón Tết ở nhà tạm. Nghĩ lại vẫn thấy gai hết cả người cô chú ạ" - Bà Vặn kể.

Được hỗ trợ để xây dựng, ngôi nhà mới của chị Tuyền đang đi vào giai đoạn hoàn thiện. Dường như nỗi đau vẫn chưa thể nguôi ngoai trên gương mặt người phụ nữ trẻ. Vụ sạt lở đất đã cướp đi 5 người thân trong gia đình chị.

Chị Tuyền rưng rưng: "Mất hết người thân, em cũng không còn tâm trạng đâu để xây dựng nhà cửa nữa. Sau một thời gian ổn định tinh thần, đi làm thuê làm mướn để kiếm ngày hai bữa, bây giờ em mới trở về và làm nhà. Có được ngôi nhà kiên cố thế này cũng là do sự giúp đỡ của các Mạnh Thường Quân, sau biến cố này mới thấy được cuộc đời còn rất nhiều người tốt".

Nhiều người dân xúc động trước sự quan tâm của các cấp chính quyền, đặc biệt là các nhà hảo tâm từ khắp nơi trên cả nước. Các gia đình liên tục được hỗ trợ tiền, đất dựng nhà, các nhu yếu phẩm cần thiết,  mức hỗ trợ lên đến 200 triệu đồng/hộ.

Dù còn đó những bộn bề lo toan, còn đó bao nỗi ám ảnh, nhưng tình người, sự đùm bọc chia sẻ đã phần nào giúp người dân nơi đây nguôi ngoai sự mất mát. Mặc dù nhiều gia đình không còn người thân, nhưng đón Tết trong những ngôi nhà nghĩa tình đã khiến người dân xóm Khanh vơi bớt nỗi quạnh hiu, ấm áp đón mùa xuân đang đến.

Ông Bùi Văn Nhỏ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc cho biết: "Từ khi xảy ra sự việc, chúng tôi đã nỗ lực hết sức mình, huy động mọi lực lượng để hỗ trợ, tìm kiếm các nạn nhân. Việc khắc phục hậu quả giúp bà con ổn định lại cuộc sống cũng là việc vô cùng cấp bách.

Tuỳ theo mức độ thiệt hại của các hộ mà chúng tôi có sự phân bổ số tiền từ các quỹ hỗ trợ. Sau khi di dời các gia đình đến nơi an toàn, các hộ đều được hỗ trợ tiền để xây dựng nhà mới kiên cố. Số tiền hỗ trợ xây dựng nhà thấp nhất là 120 triệu, cao nhất là 370 triệu đồng. Chúng tôi cũng rất phấn khởi vì sau một năm xảy ra sự cố, bà con nhân dân xóm Khanh cũng đã có nhà mới khang trang để đón Tết.

Quang Ngọc
.
.
.