Khổ như trẻ con

Thứ Hai, 25/01/2016, 10:08
So với ngày trước, trẻ con giờ sướng hay khổ? Tôi tin là câu trả lời phần nhiều sẽ nghiêng về đáp án “sướng”. Không sai. Xã hội phát triển, cuộc sống văn minh, mỗi nhà chỉ có một đến hai con nên tất nhiên chúng phải được chăm sóc, quan tâm đặc biệt với sự đáp ứng tối đa các nhu cầu vật chất.

Nếu ngày trước, miếng ăn, cái mặc ám ảnh những đứa trẻ triền miên thì giờ đây trở thành điều rất nhỏ. Cha mẹ chúng quan tâm đến những việc khác lớn hơn như học trường nào, lớp nào, thầy cô nào. Ngoài học văn hóa là học đàn, học võ, học vẽ, học ngoại ngữ, học kỹ năng sống… Nghỉ hè hay tết thì lên kế hoạch đi khám phá những vùng đất mới gọi là đổi gió, nạp năng lượng.

Tất nhiên vấn đề tôi đang nói tới là số đông những gia đình sống ở thành phố, thị xã. Còn những nơi thuộc về vùng sâu, vùng xa thì cuộc sống còn nhiều khó khăn lắm. Cái ăn còn kiếm từng bữa, trời lạnh căm căm mà vẫn phong phanh tấm áo mỏng thì họ đâu dám mơ ước nhiều.

Minh họa của Tả Từ.

Trở lại với những đứa trẻ thành phố. Với chúng, nhiệm vụ chính là ăn và học. Học ở trường, học ở nơi học thêm, học gia sư tại nhà. Bố hay mẹ cũng vì thế mà bớt xén thời gian làm việc ở công sở để đưa đón con đi học. Họ luôn kỳ vọng vào những đứa con mình sẽ giỏi giang, đỗ đạt và chính họ chứ không ai khác vô tình tạo áp lực lên đôi vai mảnh mai của những đứa trẻ.

Cũng bởi cái sự học theo kiểu nhồi nhét như thế nên gần đây xuất hiện cụm từ “rối loạn tâm lý” ở trẻ em và đây thật sự là một thực trạng đáng báo động đối với học đường.

Theo khảo sát của Bộ Y tế, trung bình mỗi năm, y tế trường học phát hiện 700.000 học sinh mắc tật khúc xạ, 2,6 triệu em mắc các bệnh răng miệng, trên 40.000 học sinh bị cong vẹo cột sống, trên 100.000 em bị béo phì…

Chưa hết. Con số tiếp theo mà Bộ Y tế đưa ra khiến chúng ta không khỏi giật mình: Số học sinh bị rối loạn tâm lý cũng đang gia tăng từ 7 đến 25%.

Nguyên nhân chính của tình trạng trên phần lớn bắt nguồn từ việc quá tải trong học tập. Do khối lượng bài vở quá nhiều, học ngày không hết nên phải thức khuya, ăn uống qua quýt và lười vận động thể chất, các trò chơi giải trí nên các em thường có những biểu hiện mệt mỏi, lo âu... Nếu qua kỳ thi, tình trạng này ổn định trở lại thì đó chỉ là lo âu sinh lý (bình thường). Nhưng có nhiều em do căng thẳng quá mức, dẫn đến tình trạng rối loạn tâm lý, tâm thần. Biểu hiện thường xuyên của bệnh là tình trạng kém ăn, mất ngủ, dễ cáu gắt, lo âu, trầm cảm... Với một thể trạng và tinh thần như thế thì có cày ngày cày đêm cũng không thể mang lại kết quả tốt được. Ở một số em khác, sự rối loạn ở thể nặng hơn, có biểu hiện loạn thần như: nói năng lung tung, khóc cười vô cớ, hoảng sợ, trầm ngâm, ít tiếp xúc với mọi người... Cá biệt có em đã tìm đến cái chết để lại bao tiếc thương cho gia đình, thầy cô và bạn bè.

Ngày chúng tôi đi học, một lớp 50 học sinh, mỗi lần tổng kết cùng lắm có 10 học sinh tiên tiến (học lực khá), 1-2 học sinh giỏi. Vào cấp 3, tỷ lệ học sinh khá và giỏi lại càng thấp. Nhưng giờ đây, các thầy cô rất thoáng trong việc cho điểm nên số học sinh khá giỏi luôn đạt 90-95% trong khi chất lượng thật sự thì không hoàn toàn như vậy. Còn cha mẹ học sinh, nhiều người luôn muốn con mình phải đạt điểm cao nhất ở tất cả các môn học. Nếu kết quả học tập của con không như mong muốn thì cảm thấy xấu hổ với bạn bè, hàng xóm. Chẳng thế mà mới có chuyện cách đây không lâu, một bà mẹ phàn nàn trên Facebook rằng còn mình học toàn điểm 10, bỗng một ngày xấu trời bị cô giáo cho mấy điểm 9. Người mẹ này tỏ ra buồn bã, xấu hổ, cảm thấy mình bị tổn thương ghê gớm và có ý định “kiện” cô giáo vì đã chấm điểm sai cho con.

Mỗi học sinh có lực học khác nhau dẫn tới kết quả sẽ khác nhau. Đây là điều hết sức bình thường trong một lớp học. Với học sinh có học lực trung bình, đừng bắt các cháu phải đạt kết quả loại giỏi, vì đó là điều không tưởng. Hãy để các cháu sống một cách hồn nhiên đúng tuổi của mình và điều quan trọng nhất, đó là học cách thất bại. Đứng lên từ sự thất bại sẽ giúp các cháu trưởng thành và không ảo tưởng về những giá trị của bản thân mình.

Tuấn Nguyễn
.
.
.