Lên Nghĩa Đàn ngắm hoa hướng dương

Thứ Hai, 09/02/2015, 16:00
Hình như khi đời sống được nâng cao thì nhu cầu về cái đẹp, cái lạ của thiên nhiên, hoa lá, cỏ cây được con người tìm đến – Nhất là giới trẻ. Có một nhà thơ khá nổi tiếng, ông nguyên là bác sĩ khoa nhi trong lần đi Cát Hải (Hải Phòng) trên chuyến phà biển, ông đã nói với tôi một đúc kết rất hay bắt đầu từ quan sát khá tinh tế của mình: “Cậu ạ, người Việt mình năm xưa ăn đói mặc rách, nâng dần lên ăn no mặc ấm đã tiến tới ăn ngon mặc đẹp và bây giờ là ăn kiêng mặc mốt”.

Đúng là bây giờ nhiều người không dám ăn ngon vì mang trong người bao thứ bệnh “nhà giàu” như bệnh Gút, mỡ máu, tim mạch. Nhưng mặc thì thay đổi mốt là tiêu chuẩn cao nhất và chơi cũng thế - chơi cũng theo mốt!

Gần đây rộ lên phong trào “dân phượt” của giới trẻ và các tua du lịch hấp dẫn tìm đến những mùa hoa lạ, vùng hoa lạ. Lạ ở đây không phải là hoa mới mà lạ ở không gian bạt ngàn hoa, kích hoạt vào trí tượng tưởng phong phú và tâm hồn phóng khoáng, mở ra những bát ngát, tung tẩy tự do, xóa đi những giới hạn kiến trúc các hộp nhà ở, công sở chật chội bức bách dồn nén của phố phường.

Họ tìm đến mùa hoa “Tam giác mạch” ở Hà Giang, mùa hoa cải trắng bảng lảng sương khói của cao nguyên Mộc Châu và gần đây nhất là cánh đồng hoa rộng 30ha, rực rỡ sắc vàng ở xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Đàn – Nghệ An) mặc dầu đã gần cuối đông.

Cánh đồng hoa Hướng Dương nằm bên cạnh đường Hồ Chí Minh của công ty  chuyên sản xuất sữa tươi sạch mang tên TH True MILK sở hữu gần 40.000 con bò sữa giống nước ngoài. Nhà máy sản xuất sữa đáp ứng nhu cầu hiện nay đang thiếu hụt sữa, giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp sữa với nguồn ngoại tệ lớn hàng năm bỏ ra để nhập khẩu từ nước ngoài, góp phần cải thiện nâng cao trí lực thể chất cho người Việt Nam.

Để đảm bảo nguồn thức ăn cho bò sữa có rất nhiều nguyên liệu được trồng trên diện tích 2.000 ha. Ngoài các loại cây trồng thường thấy như: Cỏ Voi, Ngô, Cao lương, mía … thì có một loại thực phẩm đặc biệt là hoa Hướng Dương. Cây Hướng Dương với đặc điểm xốp lỏi, thân thẳng đứng nhưng mềm, rất thích hợp với vùng đất ba zan ở Phủ Quỳ này. Cây Hướng Dương thời gian sinh trưởng ngắn, từ khi gieo đến khi thu hoạch chỉ 90 ngày, sau 55 ngày đã ra hoa. Toàn bộ thân, cành, hoa, lá của Hướng dương được cắt nhỏ rồi phơi trộn với tỷ lệ thích hợp cùng nhiều nguyên liệu khác, sau đó ủ chua tạo vi sinh trở thành thực phẩm cho bò sữa.

Từ nguyên liệu hoa vàng cung cấp ra nguồn sữa trắng cho người tiêu dùng lại biến thành vàng kim loại quý – Cái vòng quay ấy tạo cho tôi bao liên tưởng để một ngày trung tuần tháng 12 chúng tôi lên Nghĩa Đàn ngắm hoa Hướng Dương. Đây là thời kỳ hoa nở rộ nhất khoảng 2 đến 3 tuần.

Trước lúc lên Nghĩa Đàn tôi tìm hiểu về vị trí địa lý để xác định đường đi thuận tiện nhất cho phương tiện xe ô tô con. Huyện Nghĩa Đàn nằm ở phía tây bắc  Nghệ An cách thành phố Vinh  chừng 95km, cách Hà  Nội 250km, giáp các huyện Quỳnh Lưu, Quỳ Hợp, Tân Kỳ. Phía bắc giáp huyện Như Xuân (Thanh Hòa), có đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 48 đi qua. Ở đây chủ yếu là đồng bào 3 dân tộc: Kinh, Thái và Thổ.

Một điều đặc biệt Nghĩa Đàn là một “cái nôi” của người việt cổ, với di chỉ khảo cổ làng Vạc, khai quật những chiếc trống đồng biểu tượng rực rỡ của nền văn hóa Đông Sơn từ thưở các vua Hùng dựng nước. Những đóa hoa Hưóng Dương xòe to, có hoa đường kính đạt tới 30 – 40cm có những cánh vàng bao quanh một đĩa tròn màu vàng sẫm, nâu hay tím rực rỡ như những mặt trống đồng thu nhỏ trên bạt ngàn cánh đồng đất ba zan nắng gió.

Loài hoa này do hai chữ Hy Lạp ghép lại “Heli os” nghĩa là mặt trời và “Anthos” nghĩa là hoa, luôn hướng về mặt trời không chỉ biểu tượng cho lòng trung thành, thủy chung sâu sắc mà còn biểu thị sức mạnh uy quyền, sự ấm áp nuôi dưỡng (thuộc tính mặt trời) có cả sự kiêu kỳ vẻ đẹp hào nhoáng hay cả tình yêu bất hạnh nữa. Có bao truyền thuyết được kể về loại hoa này. Theo thần thoại Hy lạp một cô gái tên là Clytie đã yêu thần mặt trời Heliso và cô đã không làm gì cả mà chỉ ngắm nhìn cổ xe ngựa của thần đi qua bầu trời. Sau 9 ngày cô đã hóa thân thành bông hoa Hướng Dương biểu tượng cho niềm tin và hy vọng về điều tươi sáng nhất.

Thật ra qua tìm hiểu một nhà thực vật học tôi mới nhận ra rằng quy luật của hoa: Buổi sáng quay về phía đông giữa trưa đứng thẳng và chiều quay về phía tây (theo dịch chuyển quỹ đạo mặt trời) là vì phía sau đài hoa có nhiều phân tử nhạy cảm không thích ánh nắng mặt trời nên mặt trời ở đâu thì phân tử “điều khiển” đaì hoa quay về hướng đó còn phân tử thì ung dung tránh nắng.

Tôi lại nhớ đến loài hoa “Tam giác mạch” của Hà Giang khởi nguồn từ những hạt giống bị lãng quên đã tái sinh ấp ủ hy vọng về mầm sống  bé nhỏ bỗng nở rộ lên ở vùng cao nguyên đá đánh thức sức sống trỗi dậy mang lại niềm tin và niềm vui cho con người tìm đến thưởng thức vẻ đẹp phồn thực và bí ẩn của thiên nhiên như một quyền năng cân bằng của tạo hóa.

Trên thế giới có những đồi hoa Hướng Dương bạt ngàn Ukraine, Thái Lan hay ở Hokaido (Nhật Bản). Nhưng ở đó chủ yếu dùng hạt ép lấy dầu hay dùng cho món hạt Hướng Dương rang ngon tuyệt. Hoa Hướng Dương còn được sử dụng trong đông y như một vị thuốc quý: Tăng cường khả năng tiêu hóa, an thần, ổn định huyết áp. Và nay ở Nghĩa Đàn Hướng Dương được làm thứ thực phẩm đặc biệt cho bò sữa để cung cấp nguồn sữa trắng tinh khiết dinh dưỡng cao TH như một thương phẩm sữa được người tiêu dùng yêu thích.

Cánh đồng hoa Hướng Dương năm 2010 mới trồng thử nghiệm 2ha. Sau thấy loài hoa phát triển phù hợp với đất ba zan màu mỡ ở đây cho những bông hoa to, chắc hạt, công ty CP thực phẩm sữa TH tiếp tục nâng rộng lên 30 ha vào năm 2014. Cả rừng bạt ngàn hoa nằm cạnh đường Hồ chí Minh nên mỗi ngày có khoảng 1.000 lượt người đến tham quan chụp ảnh.

Ngày nghỉ  thứ bảy, chủ nhật có đến 2.000 lượt người. Điều đặc biệt mọi người đều được tự do chụp ảnh, ghi hình không mất bất cứ lệ phí nào. Xe cộ được trông giữ miễn phí có cán bộ công ty TH  hướng dẫn tham quan, nhắc nhở bảo vệ hoa vì thân cây Hướng Dương mềm, có chiều cao từ 1,5 – 2m.

Chúng tôi gặp những đoàn xe ô tô từ Hà Nội vào mất khoảng 5 tiếng đồng hồ, từ Vinh đến khoảng 2 tiếng, có những đoàn giới trẻ đi bằng phương tiện xe máy. Dọc đường Hồ chí Minh gần nông trường 19/5 nơi địa bàn có cánh đồng hoa Hướng Dương, nhiều quán hàng bán loại cam Nghĩa Đàn, quả nhỏ nhưng ngọt lịm. Những bắp ngô nóng hổi, rẻ đến bất ngờ, chỉ 4.000đ, vừa thổi phù phù xua đi cái lạnh mùa đông, vừa nhấm nháp hương vị bùi bùi của những hạt ngô trắng căng sữa.

Tôi bắt gặp nhiều cô dâu, chú rể về đây chụp ảnh cưới, má cô dâu ửng hồng, đôi mắt ánh lên niềm vui hạnh phúc bên những đóa hoa Hướng Dương hướng về một tình yêu  ấm nắng tình người. Những đài hoa vì thế đẹp hơn, mộng mơ hơn và hớn hở, tươi tắn hơn khi có hơi ấm con người truyền lại niềm giao cảm thân thiết. Các nhiếp ảnh gia chuyên và không chuyên công phu đưa cả những bộ thang ghép bằng I – nốc nhẹ nhưng vững chắc. Có người mượn những bộ ghế để có thể đứng lên phóng tầm mắt thỏa thích thu vào ống kính của mình không gian thoáng rộng bát ngát cánh đồng hoa. Tôi có cảm giác không phải đến đây ngắm hoa mà được “tắm” trong sắc vàng của những làn sóng lượn dập dờn biển hoa.

Tôi bất ngờ gặp một đoàn người vào chụp ảnh người mẫu. Cô người mẫu dáng đẹp như người Nhật đang chuẩn bị tạo dáng. Thấy tôi cầm trên tay chiếc máy ảnh nhỏ nhưng không tác nghiệp được vì quy định khá khắt khe của nhiếp ảnh gia và những người tham gia lỉnh kỉnh với bao phụ tùng đi kèm như máy nổ tạo sương, những chùm đèn tạo sáng.

Cô người mẫu mỉm cười nhìn tôi và nói với người phụ trách trong đoàn: “Cho chú ấy chụp em một kiểu” tôi giơ máy lên và tích tắc cô khẽ xoay mình hướng về phía tôi với làn áo mỏng tung bay tự nhiên. Đây là giây phút hạnh phúc nhất của mình khi được bấm máy, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của con người trước cánh đồng hoa đang rập rờn rung lên trong gió đông. Cánh đồng hoa Hướng Dương dường như trẻ lại bởi phần lớn những người đến đây là lớp trẻ. Họ tạo dáng và chụp cho nhau đủ các phương tiện mang theo như máy ảnh cá nhân, Ipas, điện thoại thật thoải mái và vô tư. Ai cũng nâng niu từng cành hoa, đóa hoa quên đi mình đang đứng giữa một vùng đất ngày trước khô cằn chỉ bạt ngàn lau trắng và cỏ dại.

Trên con đường rẽ vào cánh đồng hoa có một cô công nhân xinh xắn đang hướng dẫn cho đoàn khách nước ngoài bằng tiếng Anh. Tôi hỏi cô:

- Thế công ty phân công người ra đây bảo vệ và hướng dẫn khách tham quan mà sao không thu lệ phí.

Cô tươi tắn cười:

- Công ty chúng em muốn được mọi người đến đây chiêm ngưỡng hoa cũng là một cách tiếp thị trực tiếp. Để khi nâng cốc sữa TH trên tay uống cả cái vị ngọt tươi thắm sắc hoa. Một dòng sữa tinh khiết, dòng sữa đẹp, dòng sữa sạch tắm nắng mặt trời có cả tình người anh ạ!

Đúng là sắc hoa ấm nắng tình người! Mùa hoa Hướng Dương chỉ nở rộ vài ba tuần là đến mùa thu hoạch. Chỉ ít ngày nữa thôi cả cánh đồng hoa sẽ trở thành nguồn thực phẩm dồi dào để nuôi đàn bò sữa. Nhưng những hình ảnh được thu vào ống kính, vào ánh mắt và trái tim của du khách sẽ còn sáng mãi một màu vàng tươi “Như hoa Hướng Dương – hướng về mặt trời” Hình như mùa đông không có ở nơi này…

Nguyễn Ngọc Phú
.
.
.