Đón năm mới vòng quanh thế giới

Thứ Hai, 04/02/2019, 12:00
Đón năm mới là một phần không thể thiếu trong nhiều nền văn hóa. Mỗi một quốc gia, dân tộc, nền văn hóa có những nét riêng rất khác biệt trong dịp đặc biệt này.


Năm mới đến trước cửa nhà

Anh: Với hy vọng năm mới được sung túc, người Anh tin rằng vị khách đầu tiên bước qua cửa trước căn nhà phải là người nam trẻ tuổi, có mái tóc đen, mang đến những món quà như là bánh mì (để được đầy đủ), muối (để được mạnh khỏe) và than đá (để được ấm cúng). 

Nếu người khách đầu tiên là cô gái tóc vàng nhạt hoặc là người u buồn, nghèo khó, bất hạnh; chủ nhà sẽ gặp nhiều tai họa và khó khăn trong năm mới. Người đến làm khách trong đêm giao thừa trước khi nói chuyện phải cời lửa bếp lò, chúc chủ nhà "mở cửa gặp may".

Đức: Khoảng 15 phút trước giao thừa mọi người đều ngồi yên trên ghế. Khi chuông đồng hồ điểm, họ nhảy xuống khỏi ghế và ném một vật nặng ra phía sau, coi như vứt bỏ mọi khó khăn, hoạn nạn để bước vào năm mới. 

Mọi người nhỏ 1 giọt kim loại nóng chảy vào nước lạnh và căn cứ vào hình dạng của nó mà đoán những điều sẽ xảy ra trong năm mới. Nếu là hình trái tim hoặc chiếc nhẫn thì sẽ có tin mừng về cưới xin; hình một con tàu thì sẽ phải đi xa; hình con lợn nghĩa là sẽ được thưởng thức những món ăn ngon.

Nhật Bản: Tết cổ truyền Nhật Bản gọi là "Oshogatsu" bắt nguồn từ phong tục chào đón vị thần năm mới Toshigamisama, vị thần tượng trưng cho sức khỏe, may mắn và phát đạt. 

Để chuẩn bị cho Oshogatsu - diễn ra từ ngày 1 đến 3-1 - mọi gia đình đều dọn dẹp sạch sẽ và trang trí nhà cửa đón năm mới. Những đồ vật đóng vai trò quan trọng để trang hoàng gồm nhánh cây thông, hoa cây mận và cây tre.

Đan Mạch: Để tỏ tình thân thiện, mọi người đập vỡ nát những chiếc đĩa cũ ngay trước cửa căn nhà láng giềng. Điều đáng chú ý là láng giềng thân thiết nhất sẽ nhận được chồng đĩa cũ đã đập vỡ chất cao nhất trước cửa nhà.

Puerto Rico: Giống như Nhật Bản, người Puerto Rico dọn dẹp thật sạch sẽ mọi thứ trong gia đình: ôtô, khu vườn. Thậm chí đường phố công cộng cũng được rửa sạch sẽ. Họ cũng có tục ném những xô nước ra ngoài cửa sổ để tống khứ mọi điều xui xẻo của năm cũ.

Cuba: Vào đêm giao thừa, người dân đổ nước ào ào từ mọi cửa sổ nhà cho đến tận 12 giờ khuya để lấy hên. Khi chuông nhà thờ điểm tiếng đầu tiên, mọi người bắt đầu… nuốt hạt nho, đến khi dứt 12 tiếng chuông phảt nuốt hết 12 hạt nho để cầu cho năm mới được thịnh vượng, may mắn.

Nam Phi: Một bộ phận người dân nước này - nhất là ở vùng Hillbrow ngoại ô Johannesburg - rửa sạch căn nhà để đón năm mới. Tục vứt đồ đạc cũ ra khỏi cửa sổ từ những căn nhà cao tầng cũng giúp đón điều may mắn mới mẻ trong năm mới.

Hungary: Người dân sẽ đốt một hình nộm hay một vật tế thần được gọi là "Jack Straw", đại diện cho những điều không may trong năm cũ. Việc làm này tượng trưng cho sự xua đuổi điều xui xẻo và đón chào năm mới may mắn, hạnh phúc.

Ẩm thực đón năm mới đầy may mắn

Mỹ: Rất nhiều người Mỹ đón mừng năm mới với những bữa tiệc tổ chức trong gia đình hay tập trung ăn uống ở những điểm công cộng. Song có một điều mà ít người biết đến là họ ăn bắp cải với hy vọng nó sẽ mang đến may mắn và tiền bạc. Ở miền Nam, bữa ăn truyền thống trong năm mới gồm đậu, hành, gạo, thịt lợn muối xông khói… 

Vào dịp ngày đầu năm mới, người Mỹ - đặc biệt là người các bang miền Nam - thường ăn các món làm từ đậu trắng và đặc biệt là món Hopping John. Trong món Hopping John, đậu trắng tượng trưng cho các đồng tiền xu, còn cải bẹ xanh tượng trưng cho tiền giấy.

Mexico: Người Mexico còn có một tập tục là ăn một loại bánh đặc biệt vào ngày 6-1. Loại bánh này có một cái lỗ ở giữa và chứa một món đồ nhỏ trong đó. Người nào nhận được chiếc bánh có món đồ ở trong sẽ phải làm một món đặc biệt vào ngày 5-2. 

Đức: Người dân có một truyền thống lâu đời đó là thưởng thức một bát dưa cải bắp vào năm mới. Món dưa bắp cải được cho là sẽ mang đến sức khỏe và sự giàu có trong năm mới. 

Ở Đức, cá chép là món chính trong bữa ăn giao thừa và thường được chế biến theo cách hầm. Người Đức còn giữ vài chiếc vảy cá trong ví như một biểu tượng của sự may mắn để cầu mong thịnh vượng trong năm mới.

Hy Lạp: Tại Hy Lạp và các quốc gia Địa Trung Hải láng giềng, lựu được xem là món ăn truyền thống chào mừng năm mới. Lựu là biểu tượng cho sự giàu có và của cải dồi dào, vì vậy nó thường được ăn vào ngày đầu năm. 

Vào ngày đầu năm mới hoặc bữa tiệc ngay sau thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới, mỗi gia đình người Hy Lạp sẽ cắt bánh ngọt nướng truyền thống Vasilopita để cầu mong sự may mắn trong năm mới. 

Điều đặc biệt ở chiếc bánh này là trong quá trình làm bánh sẽ đặt một đồng xu nhỏ vào trong lòng bánh. Khi ăn bánh, nếu thành viên nào thấy được đồng xu trong phần bánh của mình thì người ta cho rằng người đó sẽ gặp may mắn trong suốt năm mới.

Nhật Bản: Món mì đặc biệt gọi là Toshikoshi soba (nghĩa là "món mì cuối năm") được coi là món ăn tượng trưng cho một cuộc sống khỏe mạnh, dài lâu. Món này được ăn vào trước lúc giao thừa.

Israel:  Trong bữa tiệc đón mừng năm mới, người Israel ăn bánh mì, bánh ngọt, mật ong và hoa quả tươi đặc biệt là nho và món cá tượng trưng cho thành công và sự phồn thịnh. Tiệc đón mừng năm mới chấm dứt bằng lễ Yom Kippur và đợt ăn kiêng kéo dài 24 giờ.

Trang phục đón năm mới

Brazil: Người dân nước này thường mặc trang phục màu trắng vào năm mới để xua đi bóng tối, các hồn ma và bắt đầu một năm mới thành công. Đối với người Brazil, màu đen cấm kị vào đầu năm mới.

Colombia, Bolivia và Mexico: Người dân tại các nước này có tục lệ mặc đồ lót sặc sỡ trong năm mới để đem lại may mắn - thường là đỏ và vàng. Màu đỏ tượng trưng cho tình yêu còn màu vàng là tiền bạc. Những chiếc quần mới này sẽ được bày bán vào ngày trước khi người dân đón năm mới.

Mỹ: Người Mỹ có phong tục đón năm mới khá độc đáo - người độc thân nếu muốn gặp được một nửa của mình trong dịp năm mới thì hãy mặc trang phục màu vàng, còn người có hy vọng phát tài trong năm mới thì sẽ chọn trang phục màu bạc.

Diên San
.
.
.