Cả làng môi xinh, môi hồng

Thứ Ba, 25/08/2015, 20:00
Tục ăn trầu ở nước ta đã có hàng ngàn năm trước. Khắp mọi miền quê trên đất nước ta, nơi nào cũng coi “Miếng trầu là đầu câu chuyện” để bày tỏ sự mến khách. Mời trầu được coi là một cái lễ giao lưu: “Tiện đây ăn một miếng trầu. Hỏi rằng quê quán nơi đâu chăng là...”. Cứ thế câu chuyện cởi mở và thân tình.

Và tôi đã đến làng Phú Lễ, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, trong một ngày nắng thắm như môi hồng của người con gái lúng liếng con mắt, với miếng trầu nức mùi gió thơm.

Cả làng đều say trầu

Đúng là cả làng Phú Lễ có tục ăn trầu quanh năm. Không cứ ngày hội, ngày lễ, mà hàng ngày người người đều ăn trầu, và coi là “quốc hồn, quốc túy” của một vùng đất môi hồng. Trẻ con ở làng đã tập ăn trầu và biết kể câu chuyện cổ tích “Trầu cau”. Chúng đều hiểu một triết lý giản đơn từ “Sự tích trầu cau” là mối gắn kết sâu sắc giữa tình thương yêu con người. Giữa người thân trong gia đình. Giữa nghĩa vợ tình chồng của nhân duyên hạnh phúc. Không thể rời xa. Vẻ đẹp của mầu son biểu hiện cho nét nồng thắm của tình thương yêu không thể chia xa. 

Người làm tôi ngạc nhiên đầu tiên là bà Triệu Thị Liên, người đã ăn trầu liên tục hơn 60 năm qua nói, nhịn cơm thì được, nhưng nhịn trầu thì không. Bà còn kể, xưa cha mẹ đều dặn con gái chọn chồng, phải chọn chàng trai nào ăn được nhiều trầu mà không bị say, hãy lấy. Vì đó là một bản lĩnh và sức mạnh của một đức lang quân có thể gây dựng một cơ đồ. 

Chính bà và các bạn gái cùng thời đều phải học têm trầu cho khéo và ăn trầu cho duyên. Têm trầu đẹp mắt cũng là một tiêu chuẩn thể hiện tài tháo vát, khéo tay và thái độ đối đãi có tình và trân trọng với bà con trong làng. Chình vì thế trong làng hàng năm còn tổ chức thi têm trầu, thi ăn trầu, kể cả đối đáp về những hiểu biết văn hóa trầu cau, hoặc còn thi làm thơ khi ăn trầu...

Thêm một sự bất ngờ, có mấy người cùng ngồi chơi trong nhà bà Liên cũng nhớ lại những câu ca dao cổ về trầu cau thường diễn ra trong những cuộc thi đối đáp. Cụ Đỗ Thị Thắm vừa nhai trầu, vừa quệt nét môi hồng “cắn chỉ”, vừa đọc mấy câu: “Có trầu mà chẳng có cau. Làm sao cho đỏ môi nhau thì làm”. Đó là những bày tỏ kiến thức về trầu cau. Ai cũng biết trầu, cau và vôi được hòa quyện mới làm đỏ nước miếng và thắm môi. Nhưng vẫn phải đố và kiểm tra để nhắc lại câu chuyện cổ xưa như một lời khuyên về tình thương yêu con người không bao giờ phai nhạt.

Nhưng thú vị nhất là khi cụ kể tiếp một nỗi lòng của người con gái khi vướng phải miếng trầu tình như một lá bùa làm trắc trở một cuộc tình dở dang. Giọng cụ nghẹn lại, chậm rãi, nhưng ấm áp khi vừa xe một mồi thuốc lào trên hàng răng đen: “Từ ngày ăn phải miếng trầu. Miệng ăn môi đỏ, dạ sầu đăm chiêu. Biết rằng thuốc dấu bùa yêu. Làm cho ăn phải nhiều điều xót xa...”. 

Đó là trầu tính trầu tình, căn duyên lận đận với những quan niệm phong kiến, ngăn không cho người con trai đến với người con gái. Miếng trầu nhớ nhung da diết là vậy. Thế rồi cụ nhớ hồi còn bé, cụ đã được mẹ ru trên cánh võng rằng: “Bồng em mà bỏ vô nôi. Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu. Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu. Mua cau Bát nhị, mua trầu Hội An”.

Chính vì thế mà cả làng Phú Lễ có tục ăn trầu. Không nhà nào ở Phú Lễ không trồng một giàn trầu và hàng cau. Đó là một vẻ đẹp mà ít làng có. Nếu không nói đây là làng duy nhất trong cả nước có tục ăn trầu quanh năm và ai cũng biết ăn trầu từ khi còn bé. Thật tình cờ tôi gặp anh Giang, một thanh niên còn trẻ khoảng ngoài 20 tuổi, nhưng cũng có một “làn môi thắm” đã hơn 10 qua.

Anh cười nói, người ở làng Phú Lễ sinh ra đã ăn trầu như bú mẹ vậy. Nói ngỡ như ngoa ngôn, nhưng anh nhấn mạnh, đi đâu xa cũng phải mang theo trầu, nếu không thì thèm chết đi được. Anh cũng nhớ câu cửa miệng của dân Phú Lễ là: “Răng đen lay láy hạt na. Môi thắm sợi chỉ hát ca say lòng”. Đó là vẻ đẹp và cũng là chuẩn của những cô gái xửa, xừa, xưa trong làng. 

Răng đen môi cắn chỉ nét duyên.

Anh cũng từng có lần đi thi têm trầu nên khá thuộc các kiểu dáng têm như, trong lễ cưới thì phải têm cánh phượng, có cau vỏ trổ hoa. Khi tế lễ trời đất thì phải có ba lá trầu phết một tí vôi trên ngọn lá và ba quả cau để nguyên... Anh còn nhớ các cụ dạy những loại têm trầu hình khác như têm trầu cánh kiến, trầu mũi mác, hay trầu cánh quế... phải coi “Miếng trầu như trúc như thông. Như hoa mới nở như rồng mới thêu” ấy chứ. Nói say sưa và môi duyên anh như nhả ngọc phun châu về chuyện trầu cau của Phú Lễ. Nghe mà mê.

Học ăn trầu

Tôi không nghĩ là về đây để học ăn trầu. Nhưng khi nghe mấy người trong làng say sưa với miếng trầu là đầu câu chuyện thế nên tôi không khỏi tò mò. Sao họ lại nghiện ăn trầu đến thế. Chắc phải là ngon lắm và ăn thế nào? Tôi tìm đến cụ ông Nguyễn Văn Phóng. Cụ khoe hàm răng chắc khỏe vì đã ăn trầu 80 năm qua. 

Cụ kể có năm cau mất mùa, giá đắt ngang thịt, nhưng hầu hết mọi người đã nhịn ăn thịt mà dành tiền mua cau để ăn trầu. Tôi phì cười không tin lắm nhưng đó là chuyện có thật ở Phú Lễ. Bởi không ít chàng trai trong làng thề thà ế vợ, chứ không chịu bỏ... trầu, khi bị nhà vợ chê ăn trầu hôi miệng. Nhưng họ đã nhầm, cụ Phóng kể, thơm lắm ngọt lắm. Rồi cụ dậy tôi cách ăn trầu. Cau mà người dân Phú Lễ hay ăn là loại cau lấy giống ở Tích Giang, quả nhỏ thịt nhiều, hạt non, ăn mềm và thơm.

Nếu ăn bình thường hàng ngày, dùng một lá trầu, phết một ít vôi vào một miếng cau (bổ làm tư), rồi nhai cho nát. Sau dăm phút, hương vị nhuyễn của trầu-cau-vôi sẽ cay, thơm miệng và làm say như có một vị men nồng ngấm vào thần kinh thật nhẹ nhưng tê tê đầu lưỡi và nồng lên mũi. Một sắc nước đỏ hồng ứa ra vừa ngọt vừa cay làm mềm môi nức miệng. Cứ thế người ăn sẽ nhai liên tục để hưởng cái thơm, cái ngọt, cái cay là lạ đưa hương. Lần nào ăn cũng thấy thế. Vị của miếng trầu như quyến rũ, gây men nhớ cho người ăn không biết chán là vậy. Người làng Phú Lễ đã bỏ thuốc lá trong các lễ hiếu hỉ, để thay bằng trầu cau vì rất thèm đến ứa nước miếng.

 Nét Phú Lễ.

Cụ Phóng còn dậy, nếu ăn trầu thuốc thì chỉ việc bổ sung thêm một nhúm nhỏ thuốc lào để chà răng cho thêm độ nồng cay và làm sạch miệng vì bã trầu có thể vướng vào kẽ răng. Nhiều người ăn cho đủ vị khi nhai thêm miếng vỏ cho vị trầu thêm đậm, thêm nức hương. Khi nhai nước miếng tiết ra đượm vị sực lên mũi, người ăn phải nhổ ra, rồi nhai tiếp để hưởng tiếp cái men của trời đất giao hòa âm dương. Khi ấy môi đỏ, má hồng nghe râm ran từ cơ thể ấm lên với cảm giác tê say trong nhịp đập của con tim. Tôi nghe cụ nói cũng đã thấy ngon, ứa nước miếng ngỡ mình say.

Khi trao đổi về truyền thống của làng, cụ Phóng còn cho biết, một số dòng tộc thuộc các họ như Phùng, Kiều, Đặng, Nguyễn... đều nổi tiếng một vùng vì chuyện ăn trầu có tính ràng buộc như một lệ không thể bỏ, cha truyền con nối. Tiêu chuẩn “Răng đen môi chỉ” nay không còn được giữ như các bà các cụ xưa, nhưng con gái hay phụ nữ thời nay trong làng vẫn phát huy nét đẹp môi chỉ má hồng, và không bỏ tục ăn trầu. Các cô gái biết là ăn trầu chỉ tốt cho sắc đẹp, giữ cho hàm răng chắc khỏe, trắng đều dưới làn môi hồng, đượm nét duyên riêng. 

Tôi chợt nhớ sinh thời cố giáo sư Trần Quốc Vượng đã từng để cập tới vẻ đẹp của văn hóa trầu cau của dân ta. Nét đẹp mà ông nói đến là việc đi chợ mở hàng vào ngày tết, trước hết phải mua trầu cau rồi mới mua các thứ khác. Ở làng Phú Lễ vẫn giữ nét truyền thống đó. Thường vào sáng mồng một Tết, có những người đi rao bán trầu cau coi như ban lộc đầu năm. Khi ấy mọi người ra mua và không trả giá mà tùy lòng mỗi người nhận trầu cau, đó là lời chúc phát tài, phát lộc đầu năm cho mọi người.

Có phải duyên nhau thì thắm lại!?

Nói đến chuyện con trai Phú Lễ thà ế vợ chứ không chịu bỏ trầu để nhấn mạnh sự kiên trì và bảo vệ truyền thống ông cha. Chứ thực ra con trai Phú Lễ duyên lắm. Nhiều người trẻ có học hành và tài năng vẫn còn thích ăn trầu. Mỗi khi trở về làng là lại vớ lấy đĩa trầu cau của bà hay của mẹ. Lớp trai môi hồng cắn chỉ này rất có duyên kén vợ. Họ còn biết dỗ người yêu nhập cuộc ăn trầu và chỉ dùng lời của người làng kể chuyện “Trầu cau” mà tìm đến tình yêu. 

Họ chỉ cần hát lên mấy câu: “Trầu này trầu quế, trầu hồi. Trầu loan, trầu phượng, trầu tôi, trầu mình. Trầu này trầu tính, trầu tình. Trầu nhân, trầu ngãi, trầu mình với ta...”. Và nếu đúng phải duyên nhau thì thắm lại, hai con tim cùng nhịp đập bởi miếng trầu làng, anh mời. Em cầm miếng trầu đưa lên miệng. Ấy là lúc đã nên phận. Trai làng Phú Lễ là thế. “Ai về cũng sẽ ăn trầu. Bởi trai Phú Lễ khéo cầu duyên thơm”.

Xuân Nghĩa
.
.
.