Cà phê mùa trái chín

Thứ Hai, 19/01/2015, 07:00
Hàng năm vào tháng 10 đến 12 dương lịch là mùa cà phê chín, những chùm hạt trĩu nặng trên cành chuyển từ xanh sang đỏ, rực cả khu vườn. Vào thời điểm này, ngoài vườn tiếng người í ới gọi nhau hòa với tiếng cà phê rơi lộp độp, còn các hiệu buôn bày bán từ bạt nhựa, bao nylon đến đèn dầu, đèn pin… phục vụ cho mùa thu hoạch. Trên các nẻo đường, xe kéo chạy ùng ục chở cà phê về nhà. Đây cũng là mùa lao động các nơi kéo về hái cà phê mướn. Những hình ảnh ấy tạo nên một bức tranh quê rộn ràng sống động.

Người Tây Nguyên bây giờ giàu có từ các loại cây công nghiệp như: cà phê, chè, tiêu... Nếu chỉ nhìn bằng mắt thì vùng sơn nguyên này có thu nhập cao hơn ở miền Tây Nam Bộ. Theo thời giá hiện nay 1 tấn gạo là 7 triệu rưỡi còn cà phê nhân 40 triệu đã thấy sự khác biệt rõ ràng. Hiện nay, bà con gốc Tây Nguyên không chỉ đủ ăn mà còn chuyển sang tích lũy, không ít gia đình xây biệt thự, nhà nhiều tầng, mua sắm xe con từ khi nhà nước vận động chuyển sang trồng cà phê trên nương rẫy của mình.

"Một đời người, một rừng cây"

Anh Võ Minh, dân gốc Phan Rang, người bạn thân của tôi cùng đi bộ đội, rồi cùng nhau vào đại học muộn màng. Thời sinh viên Minh có biệt danh là “Minh Giật”, vì khi muốn nói điều gì, anh cũng giật mép vài lần mới phát âm thành tiếng. Ra trường, mỗi người đi mỗi nơi rồi bặt tin nhau. Mới đây tôi về Ninh Thuận gặp lại những người bạn cùng thời được biết Minh Giật có vợ là một cô gái dân tộc KHo trồng cà phê ở tận Nam Tây Nguyên, nay đã trở thành đại gia cấp huyện. Có được số điện thoại và địa chỉ trong tay, tôi phóng xe máy đến tận bờ hồ thủy điện Đồng Nai 3 thuộc tỉnh Lâm Đồng để tìm anh trong mùa cà phê chín rộ.

 Trong vai người đi hái cà phê mướn với dáng vẻ bụi đường và gương mặt nhầu nhĩ, nhưng được gia đình anh tiếp đón chân tình. Võ Minh là người sống có hậu, sau khi nghe hoàn cảnh do tôi phịa ra, Minh giật giật mép vài lần rồi phán “Mầy là thằng chịu học, chịu cày, tao không tin mầy tìm đến tao xin việc. Làm mướn đếch gì mà mang kính trắng, máy ảnh đeo bên hông kè kè như khẩu K59. Mầy tưởng, cứ mặc bộ quần áo rách cũ mèm là thành dân làm mướn à! Nhưng thôi, nếu đúng như vậy, tao giao mầy quản lý người làm công hái cà phê, lương tháng 5 triệu. Coi như là mầy thay tao quản lý ngoài vườn, tối ngủ luôn trong rẫy với họ, cơm ngày ba bữa tao lo, khoản chân dài chân ngắn mày chịu”. Để khỏi làm bạn khó xử, tôi khai luôn là nghề lang thang “gặp gì viết đó” xin ở lại 2 ngày. Võ Minh giật giật mép rồi cười ha hả.

Buổi tối, tôi và Minh làm hai xị rượu đế, thịt heo đen luộc chấm muối ớt kèm theo đĩa rau tàu bay rừng do tôi đề nghị. Dân cà phê ở Tây Nguyên bây giờ mồi nhậu là chuyện nhỏ, các đại gia chỉ cần một cú điện thoại là quán ăn mang đến phục vụ thượng đế một cách nhiệt tình. Sáng hôm sau, Minh Giật phát cho tôi đôi ủng, một cái khăn KHo quấn đầu và chiếc rựa vác vai cùng nhau lội vườn để xem thành quả của một người hai mươi năm bỏ biển về rừng.

Võ Minh bây giờ đã trở thành ông chủ, với nước da ngăm, đôi chân mày rậm, bộ ria đen, đầu quấn khăn KHo trông như diễn viên Lý Huỳnh trong vai Hai Lúa ngày trước. Trên đường đi, anh được nhiều người chào hỏi một cách trân trọng. “Kể ra ông cũng thuộc loại có “số má” ở đây. Vì sao thời lính và sinh viên ông nhát như thỏ đế, mà bây giờ trông như hội đồng Dư  Nam Bộ, thời Pháp thuộc thế!”, tôi hỏi. Võ Minh giật giật mép “Ngày ra trường, xin được việc làm nhưng gặp tình cảnh “kiến ngãi, bất vi” (thấy điều đúng mà không bảo vệ) nên buồn đời rồi quyết định bỏ phố về rừng. Suy cho cùng đời người tồn tại được bao năm, tội gì cứ phải bám thành phố mới sống được. Thực ra nghề cà phê chọn tao, chứ không phải tao chọn nó”. “Nghĩa là  sao!”, tôi vừa buộc lại chiếc khăn trên đầu bị cành cà phê kéo ngược, vừa hỏi Võ Minh. Anh chậm rãi giải thích “Đêm qua, có mặt vợ tao nên tao không nói. Số là sau khi mầy về quê, tao vẫn ở Sài Gòn rồi gặp một cô gái KHo mang tên Ka li Hoàng Hôn, cái tên đậm vẻ sơn dã là bà xã tao bây giờ. Lúc ấy Hoàng Hôn học trung cấp thú y, cô ấy thấy tao đi chiếc xe đạp cũ suốt ngày nên tặng chiếc xe mới, thực ra đó là món quà kỷ niệm ngày hai đứa quen nhau. Khi Hoàng Hôn ra trường, bà ấy rủ tao về Lâm Đồng thăm chơi cho biết. Lên đây, nhìn cảnh thiên nhiên yên bình, đất đai màu mỡ, cà phê xanh tốt cộng với sự gợi ý của bố người yêu, nên tình nguyện ở lại theo gia đình trồng cà phê với tư cách là thằng rể hờ mạnh khỏe và có chút chữ nghĩa. Ông già của Hoàng Hôn dạy cho tao nghề trồng, ghép cà phê và gợi ý: Nếu tao đồng ý để Hoàng Hôn bắt làm chồng, ổng sẽ cho hai đứa 1 mẫu đất để trồng cà phê tự làm tự sống. Tao đồng ý, vì thực tình tao yêu Hoàng Hôn, nếu mất em dường như cuộc sống của tao trở thành vô nghĩa, lúc ấy Hoàng Hôn đẹp như một đóa hoa rừng”.

Mùa quả chín.

Võ Minh dẫn tôi đến một khu vườn triền đồi, cà phê đang chín rộ, từng chuỗi hạt no tròn bóng đỏ. Anh cho biết “Nghề trồng cà phê cũng giống như trồng người. Để có một vườn cà phê nở hoa trắng muốt là những ngày dài mồ hôi, công sức cộng với những đêm thao thức trông chờ. Nghề nào cũng vậy, không yêu thì đừng theo nghề. Đối với cà phê từ khâu chọn giống, làm đất, làm bồn, tưới tiêu, chăm sóc… bận bịu suốt ngày. Chu kỳ khai thác lấy quả cũng như vòng đời của một người mẫu hay cầu thủ bóng đá, có nghĩa là chỉ trong một giai đoạn nhất định. Cây cà phê có tuổi thọ 18 năm nhưng phải mất 4 năm đầu chờ trái chín, thu hoạch vài năm cây đã trở thành lão. Suy rộng ra, đời người và đời cà phê giống nhau. Có nghĩa là muốn con cái nên người, cha mẹ ngoài việc hình thành nhân cách mà còn huấn luyện chúng hội nhập đời thường bằng đôi tay và trí óc để có  trách nhiệm với chính bản thân mình. Cây cà phê cũng vậy, mình chăm sóc đúng quy trình rồi sống chết với nó mới có thể mang lại lợi tức cho mình. Sau khi vợ chồng cưới nhau, tụi tao lao vào công việc từ hai bàn tay trắng. Hoàng Hôn ngoài việc làm thú y còn nuôi heo, gà dưới tán, tao làm thêm nghề ghép cà phê, tưới nước mướn rồi đi lên đến tận bây giờ. Hiện nay tao có 5 hec, nhà cửa như mầy thấy, các con tao mang họ của mẹ theo phong tục mẫu hệ. Chúng nó có điều kiện học hành hơn bố mẹ ngày trước, tuy nhiên về lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng nó giỏi hơn mình xa lắc”.

Niềm vui ngày mùa

Võ Minh dẫn tôi giới thiệu với hai vợ chồng người Quảng Ngãi tên là Lê Toàn vào tận bờ hồ, xa đến cả chục cây số. Thực ra tôi nhờ nó xin vì muốn chở dùm họ hai bao bạt nhựa to đùng vào rẫy để trải gốc tuốt hạt cà. Con đường vào lởm chởm, ngoằn ngoèo lên xuống dốc, rẽ trái, rẽ phải, hai bên là cà phê trĩu hạt nửa xanh nửa đỏ oằn cành báo hiệu một viễn ảnh no ấm. Dọc theo đường đi có khoảng 10 người chở cà phê tươi bằng xe máy chạy như bay về nhà, vài chiếc máy kéo chở cả trăm bao chạy ặc ặc đảo qua đảo lại theo đường bờ thửa. Ở những đoạn vườn rừng, tôi chưa lần nào thấy chủ xe nhấn còi, chỉ nghe tiếng hét “dô dô, muốn chết hả!” của ông tài xế khi gặp người đi bộ hiên ngang không chịu nép vào lề cỏ. Tôi nói với vợ chồng Lê Toàn “Hôm nay, tôi hái cà phê không công cho ông, bù lại ông cho tôi ăn cơm và ngủ lại nhé!”. “Yên tâm đi, ông Minh nói với tôi rồi, buổi sáng đi hái cà, tối mang đèn pin đi dạo vườn để ông thấy thế nào là vất vả vào mùa cà phê chín!”. Những chiếc xe máy tiếp tục chồm lên òng ọc rồi lao xuống triền đồi.

Trong các khu vườn rậm rịch có cả trăm người thấp thoáng, có người quấn khăn, có người đội mũ lưỡi trai, hoặc đầu trần đang thi nhau tuốt hạt. Mùa thu hoạch cà phê ở Tây Nguyên không phải hái từng quả mà trải bạt trên mặt đất rồi tuốt hạt xuống như tiếng mưa đá rơi trên túp lều mái nhựa. Nếu đứng cách 30 mét vẫn nghe rào rào của những hạt cà phê lìa cành. Phần đông những người đi hái, không phân biệt chủ hay người làm thường kể chuyện vui từ đời mình hay cóp nhặt người khác rồi cùng nhau cười rũ rượi. Có người chơi  xộp mang cả USB gắn vào máy MP3 hát inh ỏi cả góc vườn.

Nhà nhà phơi cà phê.

Đêm về nằm giữa vườn cà phê với bóng tối xanh đen hòa lẫn tiếng côn trùng rả rích và tiếng chó sủa vu vơ ngoài xa, cảm thấy cuộc sống yên bình. Bên ngọn đèn dầu tù mù, Lê Toàn nói với tôi bằng giọng Quảng đặc sệt “Nghề làm vườn chỉ khổ vào lúc thu hoạch thôi, chứ còn các mùa khác chỉ đến tỉa cành, chăm sóc tưới tiêu, tối về nhà chứ không ở lại đêm. Nghề trồng cà phê sợ nhất là nước, thiếu nước tưới coi như mất trắng. Chủ vườn nào giàu thì khoan giếng, nghèo thì thuê tưới tính tiền bằng giờ, mỗi giờ tùy theo xa gần trung bình là 180 ngàn. Từ ngày các đập thủy điện Đồng Nai 3,4 đi vào hoạt động, nước ngầm ổn định hơn, những vườn nào ở gần hồ coi như trúng số. Tuy nhiên từ ngày có thủy điện, các vườn ven hồ chứa lại phải đối mặt với nạn trộm cà phê từ mấy ông câu cá thả lưới. Khi mình phát hiện, họ bơi thuyền ra xa mình không làm gì được. Mấy năm trước nạn trộm cà phê xảy ra liên tục, vài năm gần đây không thấy nữa. Thường trộm cắp xảy ra khi người ta túng thiếu, đến khi đủ ăn không ai làm vậy nữa. Dân ở đây bây giờ khá rồi, họ không làm chuyện thất đức ấy”. Trước khi đi ngủ Lê Toàn mang đèn pin cùng tôi đi một vòng rẫy. Đêm ấy yên bình chỉ nghe tiếng chó sủa xa xa và tiếng gió thổi từ lòng hồ phất phơ những cành cà phê trĩu hạt. Mùa này đang vào đông nên lạnh buốt. Khi trở về chòi, Lê Toàn ngồi một mình hút thuốc lá lập lòe nhìn ra bóng tối như nghe ngóng tiếng động hay nhớ về một thời ký ức của đời mình.

Mùa lao động di trú

Ở Nam Bộ khi tiết trời vào xuân nắng ấm, từng đàn sếu từ các xứ lạnh trở về, chúng bay từng đàn theo hình chữ V rồi đảo một vài vòng đáp xuống đất kiếm củ năng, củ ấu, khi no nê chúng đùa giỡn với nhau một cách yên bình. Còn ở Tây Nguyên dân hái cà phê mướn từ các nơi đổ về từ tháng 10 đến tháng 12 cũng không ít. Dân ở đây gọi họ bằng tiếng lóng là “nhảy dù hay chim trời”, vì họ chỉ đến 2 tháng rồi trở về nguyên quán. Tuy nhiên, những người biết được khá chính xác “đội ngũ nhảy dù” trôi nổi này từ đâu tới, nói giọng nào, tuổi đời, nam hay nữ không phải là Công an cũng không phải chủ vườn mà là dân xe ôm. Vào mùa này cánh xe ôm chạy ngược xuôi chở “những cánh chim trời” lượn quanh như bướm. Cứ đến ngã ba, ngã tư gợi chuyện khoảng 20 người là biết đủ thứ chuyện đời. Ở Nam Tây Nguyên, theo đường 20 như: Ngã ba Phẹc, ngã ba Hòa Ninh, Đinh Trang Thượng, Liên Khương… Theo đường 14 lên Tây Nguyên như: Ngã ba Gia Nghĩa, Bình Thuận, ĐakMin… đội ngũ xe ôm đứng ngồi chờ khách khá nhiều. Sở dĩ các ông xe ôm tích cực chở người hái cà phê mướn vì được “ăn” cả hai đầu, tiền công chở người đi tìm việc và tiền xăng do ông chủ đặt hàng trả. Tại các bến xe ôm, chỉ cần bỏ ra khoảng 150 ngàn làm một chầu nhậu cá khô rượu đế, bánh tráng nướng cộng thêm vài đĩa đậu khuôn chiên vàng, rồi mời các anh em xe ôm chung vui là có thể nghe được chuyện trên trời dưới đất: Từ chuyện người hái cà phê mướn bị chủ vườn đối xử tàn tệ nên trả thù bằng cách vác cả bao cà phê sang vườn bên bán, chuyện vợ chồng cãi nhau, vợ bỏ đi, chồng chạy theo năn nỉ đến chuyện tình yêu chớp nhoáng trai gái trong výờn cà phê vắng, rồi hẹn nhau sang nãm tái ngộ…

Công an xã và dân phòng tuần tra quanh những trang trại cà phê.

Tôi ghé ngă ba Phẹc ở Lâm Đồng. Phẹc gốc tiếng Pháp “Ferme” mang nghĩa là nông trại. Năm 1925 người Pháp xây dựng một trung tâm nghiên cứu cây ăn quả tại đây nên thu hút khá nhiều lao động đến chăm sóc rồi xây dựng làng xóm nên gọi là Phẹc. Tại ngã ba hôm nay có đến 8 anh em xe ôm đang ngồi gác chân dưới bóng cây si già chờ khách. Tôi chủ động mời 8 anh em cà phê sáng tại chỗ hỏi thăm và muốn nghe chuyện vui buồn của nghề xe ôm chở “cánh chim trời”. Anh Long dân Thanh Hóa, khoảng 50 tuổi, người có gương mặt phúc hậu cho biết “Phẹc là ngã ba nhỏ, tuy là đường vào trung tâm cà phê Bảo Lâm lớn nhất Lâm Đồng nhưng không đông bằng Đắk Nông hay Đắk Lắk, nên lực lượng “nhảy dù” không nhiều lắm. Tuy nhiên vẫn “ác chiến” không kém. Anh quay mặt nói với bạn “Tụi mày còn nhớ vợ chồng Ba Vĩnh dân Bến Tre không! xuống xe lúc 4 giờ sáng ngồi đây, khi tao đi nhà thờ về gặp, chở luôn hai người đi Lộc Phú trước khi trời sáng. Lúc ấy, thấy họ nghèo khổ quá nên lấy nửa tiền, rồi bảo khi nào có việc làm trả sau cũng được. Mình nghĩ là làm ơn thôi, nhưng một tháng sau Ba Vĩnh mang ra tìm tao trả thêm 50 ngàn nữa ông ơi! Dân Nam Bộ ân oán sòng phẳng lắm. Đa số là dân nghèo nên chỉ  “nhảy dù” 2 tháng kiếm ăn, hết mùa lại về quê mần ruộng, cũng có người ở lại mua được 2 sào cà phê như thằng Tấn từ Hà Tĩnh vào”.

Theo chân một “cánh chim trời” chưa có “chứng chỉ” hái cà phê mướn, dớn dác tìm việc, chúng tôi tìm đến nhà anh Phạm Ngọc Nam chủ vườn cà phê ở Bảo Lâm. Anh Nam là người Quảng cho biết “ Hiện nay giá hái cà phê 1 ngày không bao cơm từ 160 đến 180 ngàn đồng. Nếu bao cơm luôn là 3 triệu rưỡi ăn ngủ ngoài vườn nhưng phải nộp chứng minh nhân dân để trình báo với Công an xã”. Tuy nhiên anh Nam cho biết ở xã này đa số là dân Quảng Ngãi nên gần như kêu gọi dòng họ từ quê vào phụ hái ít khi thuê người lạ.

Hôm sau đến huyện Lâm Hà tức vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng sau năm 1975. Tại đây số lượng “nhảy dù” đông đảo hơn vì họ có thể “bay” qua Đắk Nông, Đắk Lắk theo đường 27. Lâm Hà bây giờ giàu có, đây là một trong những vùng đất trù phú của Nam Tây Nguyên. Với địa bàn có trên 40.000 héc ta cà phê, hàng năm Lâm Hà thu hút gần 20.000 lao động tự do từ khắp các nơi đến làm thuê theo mùa vụ. Theo dân xe ôm cho biết, đến thời điểm này đã có trên 3.000 lao động đến đây hái cà phê mướn. 6h30 sáng, tôi đến ngã ba Sơn Hà thuộc thị trấn Đình Văn đã có gần chục anh em xe ôm đứng chờ khách. Huyện Lâm Hà có quốc lộ 27 đi qua nối tiếp với Đắk Nông - Đắk Lắk theo quốc lộ 14 nên ngồi tại quán cà phê có thể nghe được chuyện đời hết cả Tây Nguyên. Cũng trong vai người đi tìm việc, tôi hỏi thăm các ông chủ thuê nhân công hái cà phê mướn. Anh Đỗ Thành Long, 37 tuổi, một người chạy xe ôm có vẻ sương gió nhiều năm cho biết “Về giá cả toàn Tây Nguyên cũng gần ngang nhau, nhưng chủ cà phê ở Bắc Tây Nguyên chơi xộp hơn, ai hái giỏi có trách nhiệm khi hết mùa được chủ tặng vài thùng bia Vina, cho tiền xe về quê. Tuy nhiên mọi người làm mướn phải có chứng minh để quản lý an ninh. Ở đây “cà phê tặc” không đáng kể chứ ở Krông Năng, Đăk Min, Đăk Hà… nghe mấy người ở đó nói vẫn còn xảy ra. Thỉnh thoảng cà phê vẫn bị chặt cành, tuốt quả. Chúng còn vác cả bao chạy mấy ông ơi! Bây giờ Công an xã ở các vùng có cà phê khôn rồi! Họ bắt những người ở tỉnh khác đến làm thuê phải khai báo tạm trú, kèm theo ảnh 4x6, trong khi trước đây thủ tục rất đơn giản, chỉ photo chứng minh rồi nộp cho Công an xã là xong”. Đang câu chuyện rôm rả, anh Long thấy các anh em Công an xã và dân phòng đi tuần đêm phòng chống trộm cà phê về ghé quán. Anh chép miệng “Nhiều lúc ngẫm nghĩ chính quyền mình cũng cực khổ, lo bảo vệ quyền lợi của người dân từ việc cấm hái và thu mua trái xanh để giữ thương hiệu trên thị trường thế giới đến chỉ đạo lực lượng Công an xã, dân phòng vào cuộc góp phần bảo vệ mùa cà phê chín cho dân. Mà có thế người trồng cà phê mới yên tâm và tin tưởng nhà nước, ông ạ!”.

* * *

Rời ngã ba Sơn Hà, chia tay các anh em xe ôm, chạy xe máy dọc theo các nhà vườn. Ở Nam Tây Nguyên bây giờ cà phê phủ xanh đất trời, những nơi tôi có dịp đi qua vào mùa cà phê trái chín, hầu hết người trồng cà phê đều có cuộc sống khá cao, nhà to cửa rộng, các vùng ven gần như trước sân nhà nào cũng phơi cà phê, có nơi hạt còn đỏ có nơi chuyển sang màu đen láng bóng. Dân Tây Nguyên, dù là Kinh hay người vùng cao đều giàu có, họ sống đoàn kết vui buồn sớm tối có nhau. Tôi nhớ Tết năm ngoái ghé thăm ngôi nhà 3 tầng của đại gia cà phê KPrẻo dân tộc KHo. Ông ấy mở tủ lạnh kéo ra vài bịch khô mực to bằng bàn tay nói với tôi một cách vui vẻ: “Bây giờ chỉ chơi bia Sài Gòn cho gọn nhẹ, mua vài chục thùng để trong nhà mình uống hoặc đãi bạn bè, chớ làm rượu cần chờ lâu thấy mẹ!”.

Trần Đại
.
.
.