Cái ác còn lẩn khuất đâu đây

Thứ Hai, 27/07/2015, 08:30
Mấy ngày qua, cư dân mạng truyền nhau bức ảnh chế cận mặt 4 tên sát nhân có tội ác tày trời kèm dòng chữ: "4 sát thủ hàng đầu Việt Nam hiện nay đều không có hình xăm trên cơ thể. Tất cả đều được mọi người xung quanh nhận xét là ngoan hiền và chưa từng có tiền án".
 Đầu tiên là Nguyễn Đức Nghĩa khuôn mặt lạnh lùng sau chiếc kinh cận dày cộp; Lê Văn Luyện thư sinh, trắng trẻo, mặt búng ra sữa; Nguyễn Hải Dương bảnh bao, đôi mắt đượm buồn như nghệ sĩ và Vũ Văn Tiến mảnh khảnh, ngơ ngác như vừa bị người lớn trách mắng.

Là ảnh chế nên ít nhiều có tính hài hước, nhưng có một thực tế đau xót mà chúng ta không thể phủ nhận: Cả 4 tên sát nhân đều quá trẻ, lần đầu phạm tội một cách tàn độc, hành vi gây án vô cùng dã man và chỉ đến khi vụ án xảy ra, những người từng biết các tên này đều không giấu được vẻ sửng sốt, bàng hoàng, bởi trước đó chúng đều được gia đình, bạn bè, hàng xóm coi là ngoan hiền, tử tế.

Bức ảnh còn gióng lên hồi chuông về sự độc ác của con người trong cuộc sống hiện đại. Cái ác vẫn lẩn khuất đâu đây, lấn lướt cái thiện. Kẻ sát nhân hôm qua vẫn được mọi người nhìn nhận là một người lương thiện, sống có trách nhiệm, quan tâm tới người khác thì hôm nay đã lộ nguyên hình là một ác quỷ với những hành vi man rợ nhất, kinh khủng nhất, dã man nhất. Điều đau xót không thể lý giải được là giữa sát thủ và nạn nhân từng có những ngày tháng gắn bó, khăng khít. Vâng, khi yêu nhau là thế, còn lúc hận nhau thì sẵn sàng trở thành kẻ sát nhân máu lạnh, tàn độc đến tận cùng.

Minh họa của Tả Từ.

Vậy đâu là nguyên nhân của những tội ác ghê rợn đó? Nhiều lắm. Rất nhiều nguyên nhân từ phía gia đình, nhà trường và xã hội. Tóm lại, bất cứ một vấn đề gì khi được mổ xẻ trong các buổi tọa đàm, hội thảo, người ta sẽ luôn đưa ra một công thức chung về nguyên nhân và trách nhiệm là của toàn xã hội để rồi chẳng đưa ra được những giải pháp mạnh có tính khả thi nhằm ngăn chặn cái ác, cải thiện môi trường sống và tạo sự thân thiện giữa các cá nhân.

Cá nhân tôi thì cho rằng, cái ác còn được bắt đầu từ sự lạnh lùng và cô độc của một số người trong xã hội hiện nay. Cha mẹ bươn bả mưu sinh, phó mặc con cái cho nhà trường; nhiều người trẻ tiêm nhiễm đến mức bệnh hoạn những trò chơi bạo lực; sự tách rời các hoạt động cộng đồng cùng lối sống ích kỷ, hưởng thụ... đã đẩy một số thanh thiếu niên vào ngõ cụt. Những bế tắc triền miên là ngòi nổ cho một phút bột phát, nông nổi để rồi hậu quả xảy ra thật khó lường.

Lê Văn Luyện từng giết hại 3 người ở Bắc Giang. Một gia đình ở Nghệ An có 4 người phải chịu cái chết tức tưởi mà kẻ thủ ác vẫn còn giấu mặt. Rồi 6 mạng người ở Bình Phước bị Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến ra tay chỉ trong một đêm. Cái chết nào cũng đau xót, day dứt, nhưng những cái chết không bình thường từ bàn tay của những kẻ sát nhân có trái tim ác quỷ bao giờ cũng gây bàng hoàng cho cả xã hội. Người ra sẽ đặt câu hỏi, phải chăng cái ác gần ta quá và kẻ thủ ác đâu nhất thiết phải là những kẻ côn đồ máu lạnh, giang hồ cộm cán, ăn cơm tù nhiều hơn cơm nhà?

3, 4 rồi 6 nạn nhân trong một vụ án. Kẻ sát nhân đã thực hiện hành vi phạm tội một cách quyết liệt, mong hậu quả xảy ra trong thời gian ngắn nhất. Vậy đâu là giới hạn của tội ác? Và với những hành vi man rợ cũng hậu quả thảm khốc từ hành vi đó, những đối tượng này có thể coi là kẻ giết người độc ác nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam.

Nhân cách của con người bắt đầu hình thành ngay từ lúc nhỏ, với những bước đi chập chững đầu tiên. Quan tâm con trẻ và dạy chúng biết yêu thương cuộc sống quanh mình, dành cho chúng những gì tốt đẹp nhất, biết hướng thiện, có trách nhiệm với bản thân và xã hội…

Đó là những thông điệp luôn tươi mới mà chúng ta phải thực hiện đối với con em mình. Chỉ có vậy, xã hội mới trở nên tốt đẹp và cái thiện như mầm cây vươn lên, xòe tán, tỏa bóng mát xuống cuộc sống của chúng ta.

Tuấn Nguyễn
.
.
.