Cái ác ngày một lộng hành

Thứ Năm, 06/06/2013, 16:21

Ngày xưa có nhưng ít, bây giờ thì tràn ngập. Hằng ngày đi làm, tối về mở mạng hay xem tivi, tạt vào vỉa hè mua tờ báo, đâu cũng đầy ứ cái ác. Cái ác ở mọi nơi, mọi lúc, không chừa ai.

Ngày trước có xích mích, thường là cãi nhau, cùng lắm là đánh nhau, sứt đầu mẻ trán nhưng không chết. Thỉnh thoảng có đám đánh nhau thì thường là cánh đàn ông, bọn con trai, đàn bà con gái chỉ chửi là nhiều, thảng hoặc đánh là đánh ghen, túm tóc đập guốc vào nhau là cùng.

Bây giờ thì bất kể, những vụ đốt chết chồng, thả con trôi sông, giết người trước khi tự tử, thủ phạm thường là phụ nữ. Các vụ đánh nhau động trời ở trường học rồi tung clip lên mạng phần nhiều là các nữ học sinh. Và có cả  những ông già thất thập cổ lai hi cũng tẩm xăng giết con cháu.

Cái ác không trừ tuổi tác, giới tính, miền xuôi hay miền núi, học cao hay thấp. Từng có kẻ thủ ác đã học xong đại học, sau một đêm chung đụng, sáng hôm sau giết chết người tình rồi cắt đầu cho vào ba lô mang đi hàng trăm kilomet ném xuống sông phi tang mà không run sợ, hoảng loạn.

Cái ác không chỉ phổ biến mà cớ gây ác ngày càng bất nhẫn đến mức ngạc nhiên. Một cái nhìn hoặc một câu nói bị cho là "đểu" nơi quán xá, một vụ xích mích nhỏ nhặt, do thiếu vài nghìn ăn kem, do thích một chiếc điện thoại đời mới, một vụ ghen tuông không đâu, sự hận tình vớ vẩn… đều có thể dẫn đến giết người. Các thủ đoạn gây ác cũng ngày một khủng khiếp.

Đâm chém đã đành, còn đốt nhà trong đó có anh trai và cháu gọi mình bằng dì, tẩm xăng thiêu chết khi chồng đang ngủ, tạt axít vào tình địch, giấu thuốc nổ trong xe máy giết vợ con ân nhân, thả người xuống giếng, bắt uống rượu chứa thuốc sâu đến chết, giết cả 5 người đi tìm trầm trong rừng sâu để cướp tiền, chặt người ra từng khúc cho vào bao tải v.v…

Độ tuổi của kẻ thủ ác ngày càng trẻ, nhiều kẻ chưa đến tuổi thành niên, phần nhiều là học sinh, thanh niên trong làng. Sau khi gây ra tội ác, ngồi trong tù, họ mới hối hận về phút giây táng tận lương tâm cướp đi sinh mạng người thân vì sự thù hận ích kỷ, vì tự ái, vì muốn cướp tài sản, vì máu yêng hùng kiểu “xã hội đen”.

Đang từ phơi phới tương lai, đường đời rộng mở, họ trở nên lạc loài, mơ ước lớn nhất là được trở về sống như những người bình thường, trong một ngày bình thường như  khi chưa phạm tội.

Cái ác hình như ngày càng phổ biến, càng lộng hành tạo ra một không khí bất yên trong xã hội. Ở nhà hay ra đường đều nơm nớp. Sợ chết vì một lý do tai bay vạ gió nào đó. Sợ chết vì bị nhầm lẫn. Sợ chết vì lỡ buông ra lời nói hay có cử chỉ mà những kẻ luôn có dao găm, mã tấu, lưỡi lê trong người không vừa lòng.

Cái ác lơ lửng mọi nơi cũng góp phần tạo ra sự vô cảm, ích kỷ, co về thủ thế, yên phận. Nhìn cảnh đám đông xem cháy nhà, túm tụm quanh một vụ tai nạn giao thông, một vụ cướp đường nhưng không một ai xắn tay giải cứu, chia sẻ thì sẽ rõ. Người ta sợ dây vào sẽ phiền lụy, rắc rối, chẳng phải đầu cũng phải tai (có người vì cứu người mà bị hiểu lầm là thủ phạm, bị đánh đến ngất đấy thôi). Một lẽ khác, cái ác nhiều quá, thường nhật quá khiến lòng trắc ẩn chai sạn.

Vậy cái ác từ đâu mà ra? Vì thiếu đi sự giáo dục của gia đình, vì không được chuẩn bị kỹ năng sống, vì bị tiếp xúc nhiều với bạo lực qua phim ảnh nhập ngoại, qua các trò chơi (game) nhan nhản ngoài phố…  Có tất cả những thứ đó nhưng vẫn là chưa phải là chính. Những người coi gia đình là nguyên nhân có căn cứ, đó là hầu hết những kẻ phạm tội trẻ tuổi đều có hoàn cảnh gia đình tồi tệ, cha mẹ bỏ nhau, cha mẹ chạy theo đồng tiền không để ý gì đến con cái, cha mẹ chiều con quá đáng, không phải lối… và rất nhiều nguyên nhân khác.

Nhưng còn có rất nhiều tội phạm không chịu ảnh hưởng của gia đình hoặc đã có một quá khứ gia đình yên ấm? Có người cho rằng do nhà trường không dạy dỗ về kỹ năng sống, do ảnh hưởng bạo lực từ phim ảnh, trò chơi. Nhưng nhà trường từ hơn nửa thế kỷ nay chưa bao giờ dạy dỗ chu đáo về kỹ năng sống vậy mà thế hệ trước hình như không nhiều kẻ ác.

Nói ảnh hưởng của bạo lực thì suốt 30 năm chiến tranh, ảnh hưởng của bạo lực, của chém giết còn sâu sắc hơn phim ảnh, trò chơi nhiều, sao những năm tháng  trước, cái ác không thể lộng hành? Chỉ có thể giải thích bằng tình trạng văn hóa, đạo đức đang  xuống cấp, mọi giá trị cũ đang đảo lộn khi những chuẩn giá trị mới chưa hình thành bền vững.

Thế hệ thanh niên ngày nay thiếu những tấm gương của cái thiện để noi theo, thiếu sự che chở bao bọc của cái thiện, thiếu niềm tin, trong đó có niềm tin vào thiên lương của con người. Còn về chính những người thủ ác, họ là hình ảnh của sự trượt dài về nhân cách và nhà tù là cái đáy của sự tụt dốc đó.

Từ đáy giếng mà trở lại mặt đất, tất nhiên cực nhọc nhưng dù sao cũng vẫn có đường lên. Theo cái tốt khó hơn nhiễm cái xấu nhiều nhưng chẳng có ai tốt mà không qua chặng đường chối bỏ thói hư tật xấu và chật vật để quen dần với nghĩ tốt, sống tốt cả.

Thuở bé vào chùa, thích ông Thiện miệng tươi như hoa và ghét ông Ác dữ tợn, sau mới hiểu hai ông là hai cách ứng xử cùng chung một mục đích ở trong mỗi con người, khuyến thiện và trừ ác. Có lẽ chúng ta cũng cần kết hợp nhuần nhuyễn cả hai mặt ấy trong xã hội chăng?

Duy Vũ
.
.
.