Không có gì mà ầm ĩ cả

Cái bút nặng hơn cái cuốc

Thứ Năm, 05/05/2016, 08:12
Xin kể lại một câu chuyện sưu tầm. Giáp đi chơi xa, nhờ Ất tới trông nom nhà cho mấy hôm. Nhà Giáp có 2 con vật cưng cần cho ăn là một con chó ngao to bằng con bê, nước dãi nhểu ra dưới hai hàng nanh nhọn hoắt tên là Dao Phay. Con kia là con vẹt sặc sỡ tên là Gia Sư.

Giáp dặn: Con Dao Phay rất hiền lành dễ thương, đừng sợ. Duy nhất một con đừng có dại mà trêu vào là con vẹt Gia Sư vì nó rất nguy hiểm. Đừng có trêu nó mà mất mạng.

Giáp đi rồi, Ất cho 2 con vật ăn rồi mở nhạc, xem TV, lướt mạng. Chán rồi trêu đùa với con Ngao khủng khiếp. Ngao Dao Phay rất hiền lành sẵn sàng làm bất kỳ điều gì Ất muốn.

Ngắm con Gia Sư, Ất thấy nó chẳng có giá trị gì ngoài cái mẽ đạo mạo. Tốt nhất là trêu nó xem nó làm gì.

Ất hất hàm: Này con vẹt Gia Sư đần độn kia. Tao sẽ nướng mày chén bữa trưa nhá ha ha ha...

Con vẹt lòe loẹt: Khẹc khẹc khẹc.

Ất cười: Mày thích nguy hiểm thì tỏ ra nguy hiểm đi con Gia Sư lòe loẹt kia!

Gia Sư vỗ cánh quát to: Ngao Dao Phay đâu! Cắn nó!... Ngay và luôn!

Hết chuyện.

Minh họa: Lê Tâm

Các bạn cho rằng chữ nghĩa văn chương không liên quan đến tính mạng thì là quyền của bạn. Nhưng mọi cuộc lộn xộn thì chẳng ai sợ anh Dao Phay. Kẻ dùng lưỡi mới giật dây mọi sự. Kẻ dùng lưỡi lại thường tự biện bác rằng mình đâu có làm gì ngoài nói, viết mấy lời vô hại. Những cái lưỡi có thể ra mặt hoặc âm thầm phát tán thông tin tiêu cực trên mạng xã hội.

Hãy xem những gì người ta hay chia sẻ ngàn lần trên mạng. Đó là bài viết về cách kiếm tiền tỷ trong một ngày; Đó là bài viết về vị thuốc được gọi là tiên dược cải tử hoàn sinh; Đó là nỗi bất bình môi trường đôi khi minh họa bằng ảnh của nước ngoài… Không có bất cứ ai, chuyên gia nào chứng kiến, thẩm định việc đó. Nhưng sự tin tưởng cẩu thả đã xui khiến chúng ta gửi cho nhau trên internet. Không ít người sạt nghiệp, không ít người mất mạng, không ít người rầu rĩ với những thứ phóng đại. Chúng ta không lạ gì các đường dây đa cấp, các món thuốc nam không nguồn gốc làm người uống nhiễm độc không cứu nổi. Xin đừng tin rằng chữ nghĩa là vô hại.

Trong mọi làn sóng thông tin thì 99,9 % chúng ta gián tiếp thu nhận. Xuất phát từ mình là người không trực tiếp nên luôn có tâm lý ai đó đã nói ra phải có đủ thông tin hơn mình.  Làn sóng lan tỏa gây những hiệu ứng tâm lý tiêu cực không nhỏ. Hiện thực không bao giờ khổng lồ bằng trí tưởng tượng. Cần biết giới hạn những ảo tưởng tiêu cực bằng những hành động cụ thể. Thực ra chữ nghĩa tiêu cực hay tích cực là do tầm của người nói, người viết đến đâu.

Tại các nước có kinh nghiệm truyền thông, mỗi một sự kiện khủng hoảng xảy ra, thường những người được mời ra làm an lòng dân chúng phải là người nổi tiếng, có nhiều người hâm mộ và tất nhiên có ảnh hướng tới cộng đồng lớn. Họ thường là các nghệ sĩ Diva, Divo, danh thủ bóng đá, hoa hậu, chính khách… Khi họ ăn gà trong dịch cúm gà thì ai cũng cảm thấy yên tâm.

Ở ta, trong những xôn xao gần đây về môi trường, thấy ít nghệ sĩ và những người nổi tiếng được mời tham gia công việc xử lý khủng hoảng này.

Tuy vậy rất đáng mừng đã có những nhà lãnh đạo tỉnh hiểu rõ tầm quan trọng của truyền thông nên đã biết thực hiện các hành động để người dân thấy rõ câu chuyện và mọi sự tưởng tượng sẽ được giới hạn khoanh tròn lại.

Trăm thông báo chung chung không ấn tượng bằng hình ảnh lãnh đạo các tỉnh miền Trung xuống tắm biển vui vẻ. Ngàn lời giải thích không ấn tượng bằng lãnh đạo ngồi ăn cá ngon lành.

Tôi không quên được lời một cụ bà nông dân mù chữ bảo tôi: "Tôi biết chú cầm cái bút nặng hơn tôi cầm cái cuốc" .

Còn bạn. Bạn có tin cái bút nặng hơn cái cuốc không?

Lê Tâm
.
.
.