Cái đáng tham thì lại không "vô độ"

Thứ Tư, 04/03/2015, 07:30
Trước mỗi hành trình, người ta thường rất hay tính hướng xuất hành, chân phải hay chân trái bước ra khỏi nhà cho may mắn. Nhiều người tính sẽ làm gì hôm nay để có thể mở rộng cơ hội kiếm tiền không và cụ thể là bao nhiêu. Rất ít người có kế hoạch hôm nay, ta sẽ bắt đầu đọc cuốn sách gì.
Người ta cũng hay giễu người có thói quen đọc là mọt sách hay "sách vở quá". Họ coi đó là viển vông, không thực tế.

Người Nhật không nghĩ thế. Họ rất đề cao dịch thuật và chăm chỉ đọc sách.

Một cậu bé học cấp 1 hỏi bố: Vì sao người Việt thông minh không kém nước nào mà đất nước lại phát triển sau các nước khác?

Anh bạn trả lời rằng: Về trí tuệ thì các nước như nhau, nhưng chúng ta chậm phát triển hơn chỉ vì thói quen của chúng ta là không tham kiến thức. Lúc nào cũng thấy mình đủ rồi. Đủ rồi thì không cần mở mang gì nữa.

Tôi tin vào điều này. Người có trí tuệ là phải tham kiến thức như một chiếc thùng không đáy. Lịch sử chinh phạt của người Âu đem lại cho họ rất nhiều sách vở. Họ không đốt, mà mang chiến lợi phẩm này về nghiên cứu. Nhờ những kho sách đó mà họ lớn mạnh.

Cho đến nay, dịch vụ mua bán sách trên mạng rất phát triển.

Người Bắc Âu như Phần Lan, Thụy Điển đọc khoảng 12 cuốn sách mỗi năm. Người Nga thì đi đâu cũng có một cuốn sách trên tay.

Gần chúng ta có người Nhật là tấm gương về đọc sách. Họ đọc sách mọi lúc, trên mọi phương tiện công cộng trong ngày. Người Nhật đề cao dịch giả. Họ tin rằng, dịch thuật là phương cách phát triển một cách khôn ngoan. Tên người dịch bao giờ cũng in trang trọng không kém tên tác giả. Người Do Thái đoạt tới 40% giải Nobel. Tài sản quý nhất trong mỗi gia đình họ là… tủ sách.

Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, người Việt Nam trung bình không đọc đủ một cuốn sách mỗi năm.

Hãy nhìn xem chúng ta đọc gì. Lướt trên phố và quán cà phê, thấy bất kỳ ai cũng đọc, nhưng là đọc trên điện thoại. Họ lướt vài thông tin lặt vặt mạng xã hội, nhắn tin cho nhau tay bấm như mưa rào, mắt mũi cũng cười theo nhịp bấm. Những thông tin cụt lủn và mấy biểu tượng mặt cười trên điện thoại chỉ đem tới cho chủ nhân sự giải trí giết thời gian.

Minh họa: Tả Từ.

Tôi có hỏi một họa sĩ thiết kế trẻ rằng, bạn thường đọc sách gì? Có đọc gì mở rộng  ngoài chuyên môn không?

Họa sĩ bảo: Em chỉ đọc sách kỹ thuật nghề nghiệp, không đọc bất kỳ sách gì không liên quan đến nghề nghiệp. Không xem cả TV. Thời gian rảnh thì chơi game cho lên đẳng cấp.

Chàng họa sĩ này là tay thiết kế khá chắc tay, tuy vậy, những bản thiết kế thường lạnh lùng thiếu cảm xúc. Một phần điều đó chắc chắn do ít đọc. Kết quả của thẩm mỹ cũng chỉ là của đời sống ảo, không hòa nhập với yêu cầu của đời sống thật.

Vậy chúng ta tham gì? Nhiều lắm. Nhưng có một thứ mà nhan nhản nơi nào cũng có, đấy là rượu. Nhiều người thành đạt khoe tủ rượu hay hầm rượu Tây để khẳng định đẳng cấp. Trong nhà tích trữ đủ thứ rượu ngâm cổ quái với niềm tin rằng nó sẽ cho họ sức khỏe như Lao Ái. Tất nhiên nhóm này chẳng bao giờ thể dục thể thao. Họ cho rằng "Què chân bóng đá/ tóp má điền kinh/ chết bất thình lình/ thể dục buổi sáng". Rèn luyện của họ chủ yếu qua đường một hai ba Dzô. Hổ, gấu, tê giác mới là nguồn sức mạnh chạy trong huyết quản của họ.

Đất nước có thể đã khác nếu mỗi gia đình thay vì tủ rượu hầm rượu, chum rượu, lại là tủ sách, thư phòng, nhà sách…

Đọc một cuốn sách đã không dễ. Đọc như thế nào lại là một câu chuyện đau đầu. Không ít người đã đọc sách một cách máy móc và trở thành như robot biết ăn cơm.

Có ít nhất 3 cách đọc sách:

1 - Đọc và chẳng hiểu sách nói gì.

2 - Đọc và hiểu không thiếu những gì sách nói.

3 - Đọc và hiểu những điều sách không nói.

Cho dù chúng ta không tham kiến thức lắm, nhưng khi đã cho mượn một cuốn sách thì bạn chớ có viển vông chờ người ta trả lại.

Còn bạn. Tủ sách của bạn để buồng riêng hay bày phòng khách?

Lê Tâm
.
.
.