Cái vỏ của ngôn từ

Thứ Hai, 27/07/2015, 10:11
Vừa qua, các bậc phụ huynh bật tưng lên khi nghe thấy một từ sốc. Lớp trưởng sẽ được thay bằng từ chủ tịch. Phụ huynh than rằng thế này học sinh oai quá sớm. Vậy tuổi thơ đi về đâu?
Việc mới từ dự thảo mà đã rung động nhân tâm. Bộ Giáo dục lại phải kể lể sự tình rằng thì là mà ngày nảy ngày nay, xứ ta quyết định học tập mô hình tự quản từ một nước nghèo miền núi ở Nam Mỹ là Colombia. Tức là học sinh là trung tâm, tự quản, tự quyết, không bị áp đặt từ người lớn.

Ơ hay! Đã học tập thì sao không học luôn các cường quốc có nền giáo dục phát triển, mà lại đi học đất nước nghèo khó đó?

Hầu hết các ý kiến đều giống nhau ở luận điểm "Hãy cải thiện dạy và học cho chất lượng đi, đừng lạm dụng từ "đổi mới" để vẽ vời hình thức làm khổ các cháu nữa".

Minh họa của Tả Từ.

Ý kiến khác trấn an đây chỉ là chuyện từ ngữ chứ thực ra mô hình này đã được sử dụng tại xứ ta từ nửa sau thế kỷ XX tới nay. Trước đây thì vẫn có lớp trưởng và các lớp phó phụ trách các mảng từ học tập đến vệ sinh. Bây giờ thì thay chữ bằng chủ tịch và các ban tự quản. Vậy khác gì nhau hay chỉ là cái vỏ ngôn ngữ.

Cũng là do thói quen mà ta sợ các chữ chủ tịch. Thực ra đây là chức danh khiêm nhường mà chính quyền vì dân sử dụng để gần gũi với dân nhất. Giản dị lắm, tịch là cái chiếu. Tổ tiên ta khi giải quyết việc làng thì bao giờ cũng trải chiếu. Chủ tịch là người ngồi vị trí quan trọng để lắng nghe ý kiến và cắt đặt mọi việc. Vậy thôi. Quả thực chỉ là ngôn từ thay đổi thôi mà cãi nhau không biết đến bao giờ.

Tương tự như thế là chuyện tôn vinh nghệ sĩ. Ban đầu, lời khen là tiếng nói, tiếng vỗ tay, sau thành ban thưởng bằng tiền, văn bản hóa bằng giấy rồi hình thành danh hiệu. Khi khen ngợi nói chung thì chả sao, khi văn bản hóa thành nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) hay nghệ sĩ nhân dân (NSND) thì bắt đầu là phân loại. Sự khen ngợi không đo đếm được là sự tôn vinh từ dưới lên, từ nhân dân. Sự khen ngợi có phân loại là sự xoa đầu từ các cấp quản lý.

Các nghệ sĩ vẫn nhẫn nại gom góp huy chương để mong xét chả khác gì học trò ứng thí. Có khi trò được mà thầy không. Mừng cho đệ tử, lại buồn cho sư phụ. Chuyện khó tin nhưng có thật, nhiều nghệ sĩ được khán giả yêu mến thì trượt, không hiếm nghệ sĩ chẳng thấy đàn ca diễn xướng bao giờ, đột nhiên có danh hiệu. Nhân dân đặt dấu hỏi rất to.

Có nhà cựu lãnh đạo văn hóa nói đã từng muốn đưa ra đề nghị bỏ việc phong mà thực ra là cấp danh hiệu này từ lâu. Ông bảo rằng việc này là ta học Liên Xô cũ. Khi Trung Quốc và khối Đông Âu bỏ thì ta cũng nên bỏ. Ô hay! Sao cứ cái máy photocopy, thấy người ta dùng thì ta dùng, thấy người ta bỏ thì mình bỏ? Không có suy nghĩ gì độc lập sao?

Vị lãnh đạo này nói bỏ danh hiệu NSND và NSƯT nhưng lại thay bằng danh hiệu nghệ sĩ cấp 1 và nghệ sĩ cấp 2. Thế thì có gì thay đổi ngoài cái tên gọi.

Xứ ta cứ quẩn quanh cái vỏ ngôn ngữ mà không thấy cái ruột chất lượng mới là cái cốt lõi. Chúng ta nhiều NSND vậy, sao hiếm khi sân khấu, rạp hát đỏ đèn, vé phải bán theo kiểu năn nỉ cơ quan đoàn thể mua ủng hộ?

Đã là NSND thì phải là của nhân dân, phải được nhân dân ngưỡng mộ mà săn đón. Không nói dông dài, NSND phải được nhân dân sẵn sàng mua vé. Đã là NSND phải do nhân dân bình chọn.

Còn bạn, bạn có tin rằng chỉ cần đổi vài chữ là phép màu sẽ đến không?

Lê Tâm
.
.
.