Cảm động chuyện tình cổ tích của chàng trai khuyết tật

Thứ Hai, 10/10/2016, 10:42
23 tuổi, chàng võ sư Trần Hữu Thiểm, quê Bình Xuyên, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, không may bị tai nạn lao động. Tai nạn ấy đã khiến anh bị liệt nửa người, mất cả khả năng đàn ông. Nhiều lần anh đã tự muốn kết thúc đời mình vì thấy tương lai chỉ là một màu u ám.


Vậy mà trong lúc bế tắc nhất, anh lên mạng và vô tình kết nối với một người con gái khỏe mạnh, xinh xắn, sống cách xa mình hàng ngàn cây số. Vì tình yêu, cô gái ấy đã bất chấp thị phi, sự phản đối của gia đình để đến với anh chỉ để được làm bạn, làm đôi chân cho anh đi hết cuộc đời.

Mở mắt ra thấy mình đã là người tàn phế

Nhìn vóc dáng lực lưỡng, khuôn mặt tươi tắn, tôi lại càng thấy tiếc hơn cho cái sự bất hạnh của anh Thiểm. Anh bảo, trước đó anh là huấn luyện viên môn võ Teakwondo.

Anh đã từng lên tận Hữu Lũng, Lạng Sơn để mở lớp huấn luyện. Sau thấy con đi xa nhà, bố mẹ anh đã bắt anh phải về quê làm cùng anh trai. Về quê, anh học thêm nghề lái máy xúc.

Có chiếc xe lăn điện, anh Thiểm có thể đưa vợ đi chơi xa.

Cũng chính từ nghề mới này anh gặp tai nạn. “Hồi ấy tôi lái máy xúc cho một công trường ở trên Sơn La. Hôm đó như điềm báo trước, ăn sáng xong tôi đánh máy xúc đến cửa hàng xăng dầu để đổ xăng.

Tại đó máy tự nhiên hỏng, phải gọi thợ đến sửa mãi 10 giờ mới xong. Lúc ấy nhiều người khuyên tôi thôi đánh máy về đi, muộn rồi, sáng mai đi làm sớm vì đường từ chỗ cây xăng vào tới công trường rất xa nhưng tôi nhất quyết không nghe.

Tôi bảo thôi cứ vào tranh thủ làm được ít nào hay ít đó. Nhưng mới lái được khoảng 4km thì xe mất phanh lao xuống vực. Lúc đó tôi biết chắc mình đã bị gãy cột sống, nhiều lần định cố nhổm dậy nhưng không được.

Cuối cùng tôi nằm bất động mãi tới khi có người dân đi kiếm củi nhìn thấy mới cõng đi cấp cứu. Trong một tích tắc, tôi đang từ một thanh niên mạnh khỏe thành liệt nửa người” – anh Thiểm không giấu được nghẹn ngào khi nhớ lại chuyện cũ.

Hơn 2 tháng nằm điều trị tại Bệnh viện Việt Đức, anh Thiểm rơi vào trạng thái khủng hoảng tâm lý. Chuyện chấp nhận thực tại là quá khó đối với một người có tính bay nhảy như anh. Hằng ngày, khi có những người thân xung quanh, anh Thiểm vẫn cố tỏ ra mình là người đàn ông bản lĩnh. Thế nhưng, khi đêm về, anh lại lặng lẽ khóc một mình.

“Cứ nghĩ đến chuyện mình cả đời phải gắn với chiếc xe lăn tôi lại tự cào cấu bản thân mình. Phận làm con chưa một ngày báo hiếu được cho bố mẹ, giờ lại thành gánh nặng cả đời. Mà rồi bố mẹ già cũng sẽ mất đi, thân mình biết còn ai lo cho nữa. Nhiều lần tôi muốn tự tử lắm nhưng lại nhớ tới lời của mẹ, “con còn sống là mẹ hạnh phúc lắm rồi”, tôi lại không đành lòng”.

Bà Nguyễn Thị Mận, mẹ anh Thiểm cũng nghẹn ngào nhớ lại: “Mình đẻ con lành lặn, khỏe mạnh, cao to thế mà đùng một phát nó thành người tàn phế hỏi có người mẹ nào mà không đau chứ.

Nhiều khi nhìn con ngồi trên chiếc xe lăn, hai ống quần lõng thõng buông xuống, tôi lại không thể nào cầm được nước mắt. Khóc cũng phải đi chỗ khác mà khóc, chứ khóc trước mặt nó thì kiểu gì nó cũng khóc theo, khổ lắm”.

Cô dâu chú rể rạng ngời trong ngày cưới.

Thấy con ngày này qua ngày khác ngồi bần thần xa xăm trên chiếc xe lăn, bố mẹ anh Thiểm đã quyết định mua cho anh một chiếc máy tính và kết nối Internet để anh có cơ hội giao lưu với thế giới bên ngoài.

Chẳng ai ngờ rằng công nghệ hiện đại đã đem đến cho anh một người vợ hiền dịu, biết hy sinh như trong chuyện cổ tích.

Hạnh phúc thật bước ra từ thế giới ảo

Có chiếc máy tính kết nối Internet, anh Thiểm thấy một ngày bớt dài và cuộc sống của mình cũng bớt nhàm chán hơn hẳn. Anh kể lại: “Hồi đó chưa có Facebook như bây giờ mà chỉ có Yahoo thôi. Tôi lang thang vào một phòng chát tập thể rồi ngẫu nhiên chọn lấy một nick để chát.

Ban đầu cũng chẳng ấn tượng gì nhiều, hai bên kể sơ sơ về bản thân cho nhau nghe. Sẵn có nick của nhau rồi thỉnh thoảng chúng tôi lại nói chuyện. Câu chuyện ban đầu chỉ là xã giao, sau dần dần chia sẻ với nhau nhiều hơn.

Đến khi tôi kể thật về hoàn cảnh hiện tại của mình thì thái độ của cô ấy khác hẳn. Cô ấy trở nên quan tâm tới tôi nhiều hơn. Sau này chính cô ấy là người nói thương và muốn gắn bó cuộc đời mình với tôi”.

Trước khi bị tai nạn lao động, anh Thiểm từng là võ sư dạy môn Teakwondo.

Ngồi bên chồng, chị Nguyễn Thị Chắt chia sẻ: “Thực sự khi nghe anh kể về hoàn cảnh anh đang phải chịu, mình đã khóc. Mình cứ nghĩ một người đàn ông trước đó khỏe mạnh, bình thường như anh giờ phải cam chịu ngồi một chỗ chắc khổ sở lắm. Càng nghĩ mình càng thương anh hơn nên quyết định sẽ gắn bó với anh để có cơ hội chăm sóc anh”.

Khi được một người con gái xinh xắn, khỏe mạnh, sinh sống ở tận TP Hồ Chí Minh tỏ tình, anh Thiểm đã rất bất ngờ. Nhưng sau phút giây choáng ngợp ấy anh đã lấy lại tỉnh táo và can đảm nói lời từ chối chị. Anh bảo chị là người bình thường lấy đâu chả được một tấm chồng lành lặn, hà cớ gì phải hy sinh, cực khổ vì anh.

Thế nhưng chị không nói chơi. Một ngày, chị quyết định xin nghỉ phép bắt xe từ TP Hồ Chí Minh ra Thái Bình thăm anh. Nhìn anh bất động trên chiếc xe lăn, chị đã lao vào ôm anh như thể họ đã yêu nhau từ tiền kiếp.

Và rồi trong căn nhà xa lạ ấy, chị đã gọi bố mẹ anh là bố mẹ, xưng con. Chị bảo, chị sẽ quay về quê Nghệ An (quê chị ở Nghệ An nhưng vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp) xin phép gia đình cho hai người được tiến hành hôn lễ. Khỏi phải nói, ba mẹ chị đã sốc đến thế nào.

Nhưng với bản chất hiền từ, chân chất, họ cũng không ngăn cấm chị đến với anh, mà chỉ nói chị đã trưởng thành nên phải chịu trách nhiệm với hành động của mình. Ngày cưới, anh không tự vào đón chị được mà phải nhờ đến cha mẹ và người thân. Lễ vu quy không có những nụ cười mà thay vào đó là những giọt nước mắt.

Giọt nước mắt hạnh phúc, cảm động của nhà trai. Giọt nước mắt đắng chát, xót xa của nhà gái. Chỉ có anh và chị là rạng ngời hạnh phúc vì kể từ giờ phút đó họ đã mãi mãi thuộc về nhau.

Nhìn con dâu bằng ánh mắt trìu mến, đầy vẻ biết ơn, bà Mận tâm sự: “Đúng là việc thằng Thiểm lấy được vợ làm cả làng trên xóm dưới ngỡ ngàng. Đến bác đây cũng chả dám tin là sự thật. Nó chẳng may bị thế thành ra nhiều lúc đâm chán nản. Bây giờ có vợ có chồng rồi, nó lạc quan hơn.

Mà cái Chắt nó chiều thằng Thiểm ghê lắm. Biết chồng thích ăn gì nó sẽ đi lùng cho bằng được, lại còn lên mạng tìm mua xe lăn bằng điện để chồng có thể đi xa được. Không có nó chả biết giờ thằng Thiểm ra sao nữa”.

Khi họ cưới nhau, người mừng cho anh Thiểm cũng nhiều nhưng người ác khẩu cũng không ít. Họ bảo, rồi xem con bé đó chịu được chồng tàn phế đến bao lâu, đã không làm được việc gì đến khả năng đàn ông cũng mất nốt.

Vậy mà, ai nói gì chị Chắt mặc kệ, 7 năm qua chị vẫn luôn bên cạnh anh và chưa có phút giây nào chị thấy ân hận về quyết định của mình.

Chị nhìn chồng rồi nhìn sang chúng tôi hài hước nói: “Vợ chồng nó là duyên số rồi, chạy đâu cũng không thoát”. Biết vợ chồng anh Thiểm không thể sinh con theo lẽ tự nhiên nên nhiều lần bà Mận giục con dâu xin một đứa con về nuôi, nhưng lần nào chị Chắt cũng tìm kế “hoãn binh”.

Dù cuộc sống còn nhiều vất vả nhưng chưa bao giờ chị Chắt thấy ân hận về quyết định của mình.

Chị bảo, nói gì thì nói con nuôi vẫn là con người khác, dòng máu khác. Vì yêu anh nên chị muốn đứa con ấy sẽ phải mang dòng máu của anh. Thế nên, cứ rảnh lúc nào là chị Chắt lại lên mạng tìm hiểu về cách điều trị vô sinh.

Thời gian gần đây, vợ chồng chị thường xuyên có mặt tại Trung tâm nuôi cấy phôi của Học viện Quân y 103 làm các thủ tục xét nghiệm để có hướng điều trị tốt nhất. Chị Chắt khoe: “Cũng chưa nói trước được điều gì vì bây giờ vẫn đang trong quá trình theo dõi nhưng bác sĩ nói có triển vọng nên vợ chồng tôi hy vọng lắm”.

Mỗi lần lên Thủ đô khám, điều trị là chi phí tốn kém rất nhiều nhưng vợ chồng anh Thiểm vẫn cố gắng xoay xỏa. Bởi anh hiểu hơn ai hết, tình yêu dù mãnh liệt đến mấy cũng vẫn cần có một đứa con để kết nối giữa hai người.

Mong rằng, lần sau nếu có dịp ghé thăm anh chị, chúng tôi sẽ bắt gặp một tổ ấm tròn đầy hạnh phúc. Nơi ấy không chỉ có tình yêu, sự hy sinh chị Chắt dành cho chồng, mà còn có cả tiếng bi bô, vui đùa của trẻ nhỏ.

Ngọc Anh
.
.
.