Campuchia phá đường dây mang thai bất hợp pháp

Thứ Năm, 28/06/2018, 15:56
“33 phụ nữ vừa bị bắt sẽ được đưa tới một trung tâm chăm sóc xã hội trong thời gian cơ quan chức năng điều tra vụ việc, và 5 nghi phạm sẽ phải hầu tòa trong ngày 24-6”, Đội trưởng Đội Phòng chống buôn lậu cảnh sát Phnom Penh Keo Thea cho biết.

Theo ông Keo Thea, trong 5 người bị bắt có 1 người Trung Quốc. Và trong 33 phụ nữ kể trên có một số người đã sinh con, những người khác đang mang thai. Đội trưởng Đội Phòng chống buôn lậu cảnh sát Phnom Penh cũng thông báo, mỗi phụ nữ mang thai hộ đã nhận số tiền tối đa lên tới 10.000 USD. 

Ngày 23-6, giới chức Campuchia cho biết, đã phát hiện 33 phụ nữ bị tình nghi nhận tiền để mang thai hộ cho các cặp đôi Trung Quốc. Và đó là kết quả của cuộc bố ráp nhằm vào 1 cơ sở kinh doanh bất hợp pháp tại thủ đô Phnom Penh của các lực lượng thực thi pháp luật Campuchia. Ngày 23-6, hãng Reuters dẫn nguồn tin từ cảnh sát Campuchia cho biết, cơ quan chức năng nước này vừa bắt 5 người, trong đó có 1 “giám đốc” người Trung Quốc. 

Và vụ bắt giữ diễn ra hôm 21-6: “Chúng tôi đã buộc tội buôn người và làm trung gian đẻ thuê đối với họ”, hãng Reuters dẫn lời ông Keo Thea. Theo ông Keo Thea nói, họ mang thai cho các công dân Trung Quốc, và mỗi người được trả công 10.000 USD cho dịch vụ này. Họ được ứng trước 500 USD khi có thai và khi đứa trẻ chào đời sẽ được trả 300 USD/tháng cho đến khi nhận đủ số tiền 10.000 USD.

Y tá người Australia Tammy Davis-Charles bị dẫn tới tòa ở Phnom Penh.

Theo giới truyền thông, mặc dù Trung Quốc đã nới lỏng chính sách 1 con trong 2 năm qua, nhưng do mang thai hộ bị coi là bất hợp pháp tại quốc gia đông dân nhất thế giới nên nhiều gia đình có khả năng tài chính đã ra nước ngoài để sinh con theo phương pháp này. 

Và nhiều quốc gia Đông Nam Á đã trở thành địa chỉ quen thuộc của các cặp vợ chồng Trung Quốc tới để thuê người mang thai hộ do chi phí y tế tại các nước này khá rẻ, nhiều phụ nữ trẻ nghèo khó cần có thêm nguồn thu nhập, trong khi các quy định luật pháp không quá khó. Và Campuchia là một trong những “địa chỉ vàng”, bên cạnh Thái Lan trong lĩnh vực này. 

Mặc dù không có số liệu chính thức trẻ em Trung Quốc chào đời nhờ dịch vụ đẻ thuê, nhưng theo giới truyền thông, có khoảng 10.000 trẻ chào đời mỗi năm. Được biết, nhu cầu dịch vụ chăm sóc sinh sản tại Trung Quốc đã tăng cao khi ước tính có khoảng 90 triệu phụ nữ được phép sinh thêm một con.

Y tá người Australia bị kết án tù vì làm dịch vụ đẻ thuê.
Vụ bắt giữ kể trên khiến dư luận quan tâm hơn tới việc Tòa phúc thẩm Campuchia mới bác đơn kháng án của nữ y tá người Australia Tammy Davis-Charles, 49 tuổi, vì vi phạm luật cấm đẻ thuê. 10 tháng trước (tháng 8-2017), Tòa sơ thẩm Phnom Penh tuyên 18 tháng tù đối với bà Tammy Davis-Charles và 2 phụ nữ Campuchia, vì cả 3 bị cáo này đều bị buộc tội môi giới giữa người muốn có con với người đẻ thuê và làm giả giấy tờ. 

Thẩm phán thành phố Phnom Penh Sor Lina cho biết, đường dây này hoạt động bất chấp Campuchia đã có lệnh cấm về đẻ thuê. Sau khi bị tòa phúc thẩm bác đơn kháng án, nữ y tá Tammy Davis-Charles vẫn muốn kháng án, với lý do “có vấn đề về da và mắt”. 

Theo hồ sơ của cảnh sát, bà Tammy Davis-Charles đã tới Campuchia mở phòng mạch và làm dịch vụ đẻ thuê bất hợp pháp từ năm 2015, sau khi dịch vụ này bị cấm ở Thái Lan. Và sau hơn 1 năm hành nghề, đến tháng 11-2016, cảnh sát chống buôn người và bảo vệ trẻ em Phnom Penh đã bắt được bà Tammy Davis-Charles cùng 2 người Campuchia là y tá Samrith Chan Chakriya và công chức Bộ Thương mại Pich Rithy. 

Theo lời khai của bà Tammy Davis-Charles, một số phụ nữ Campuchia đã được thuê đẻ từ tinh trùng và trứng của đàn ông và phụ nữ Australia. Trong khi được trả từ 50.000 USD đến 70.000 USD/ca, nhưng bà Tammy Davis-Charles chỉ cho cho mỗi người đẻ thuê 10.000 USD/ca. Còn nữ công chức Bộ Thương mại Pich Rithy được nhận thêm từ 400 đến 1.500 USD để làm giấy khai sinh và các loại giấy tờ liên quan tới mỗi ca đẻ thuê. 

Được biết, đã có 23 cặp vợ chồng người Australia và người Mỹ sử dụng dịch vụ của bà Tammy Davis-Charles. Giới truyền thông đưa tin, giá đẻ thuê ở Australia khoảng 150.000 USD/ca, nên số tiền đã chi cho bà Tammy Davis-Charles rẻ vào khoảng 1/3, còn những người trực tiếp “mang nặng đẻ đau”, chỉ nhận chưa tới 1/10 số tiền kể trên. 

Tờ Khmer Times từng đưa tin, Campuchia đang soạn thảo luật nhằm hợp pháp hóa việc mang thai hộ, sau khi sắc lệnh cấm dịch vụ này được ban hành hồi tháng 11-2016. Thông tin này được đưa ra sau cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Prak Sokhonn và bà Lene Kroll Christiansen, người vừa được bổ nhiệm làm đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc tại nước này hôm 9-2-2017. Khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Campuchia Chum Sounry cho biết, ông Prak Sokhonn đã nói với bà Lene Kroll Christiansen rằng, dự luật mới sẽ có những điều khoản để bảo vệ mẹ và trẻ sơ sinh.


Phạm Huy Anh
.
.
.