Không có gì mà ầm ĩ cả

Cần có “thẻ đỏ” cho phát ngôn

Thứ Năm, 24/05/2018, 14:01
Công cuộc đổi mới không chỉ cho thấy ở việc làm mà cả lời nói cũng cần chuẩn mực văn minh. Gần đây, các ngành luôn có những phương châm được cô đúc thành những cụm từ dễ nhớ.

Thí dụ như ngành Giao thông vận tải phát động phong trào thực hiện văn hóa ứng xử, giao tiếp “4 xin”: “Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép” và “4 luôn”: “Luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu, luôn giúp đỡ”. 

Bộ Y tế cũng yêu cầu y, bác sĩ  thực hiện “3 xin” (xin chào, xin lỗi, xin phép). Lời ăn tiếng nói của các cán bộ luôn được chuẩn mực hóa trong các cuộc họp.

Thế mà, một đoạn băng ghi âm từ cuộc họp giữa tháng 5 của các nhà làm bóng đá lại rò rỉ khiến mạng xã hội sững sờ. Người ta khó mà tin được ngôn ngữ trong cuộc họp này lại là của những VIP điều khiển giải bóng đá được coi là trên đà chuyên nghiệp. 

Trong cuộc họp này, cuộc khẩu chiến của hai quan chức đã sử dụng những ngôn từ “việt vị” hơi sâu. Đến nỗi băng ghi âm rò rỉ chốc chốc lại phải chèn tiếng “bíp” vào để che cho một từ phản cảm mà người có văn hóa ai cũng kiêng mồm.

Minh họa của Tả Từ.

VIP A cho rằng mình bị VIP B bôi gio trát trấu vào mặt. VIP B yêu cầu phải ghi rõ “… VIP A chỉ vào mặt tôi nói mày thích không đàn em tao lên đến nhà mày luôn”.

Đoạn đầu thì ông VIP A gọi đối thủ là “anh”. Sau nóng mắt gọi là “ông”. Nhưng cũng cài thêm câu “ông” này tuổi cũng chỉ là em thôi. 

Khi mất bình tĩnh, VIP A bộc lộ những ngôn từ nhạy cảm nhất. Ông gọi đối thủ là “mày”. Sau là “thằng chó này”. Tiếp nữa là “thằng chó chết”.  Ngạc nhiên chưa. Đây là ngôn từ của những người có chức phận.

Cuộc họp này còn cung cấp cho biết cách hành xử kiểu mâm trên mâm dưới, giang hồ, xã hội đã nhiễm vào bộ máy bóng đá Việt từ bao giờ.

VFF từng muốn đưa tiêu chuẩn phải có bằng đại học với người tranh cử chức danh Chủ tịch và Phó Chủ tịch tại đại hội sắp tới. Điều đó có nghĩa là phải có đủ kiến thức và đương nhiên là văn hóa. Điều này khiến bầu Đức tuyên bố bỏ tham gia vì thiếu bằng đại học.

Bây giờ xem cuộc khẩu chiến này mới thấy có chức phận và bằng cấp thì có thể dùng ngôn ngữ hạng gì.

Bức xúc, nhiều cư dân mạng nói: “Nghe đồn là bầu Đức bị loại do không có bằng đại học, ở đây toàn là dân có bằng đại học không thì phải, hay hàng tôm hàng cá vậy?”.

“Mấy bác làm quan mà hành xử như côn đồ. Không biết cơ quan quản lí chọn người vì bóng đá hay chọn người để đánh nhau”. “Trọng tài họp hành với nhau bằng côn đồ bạo lực thì trách sao côn đồ bạo lực trên sân cỏ ngày một nhiều…” “Văng tục đúng quy trình thưa các bạn”. “Đề nghị có thẻ vàng và thẻ đỏ cho các đồng chí này”; “Các em U23 trẻ nhưng làm việc nghiêm túc, chiến đấu hết mình như những người đàn ông thực thụ. Còn các ông mang tiếng cha chú mà làm việc lố nhố như đám trẻ con...”;  “Đây là một ví dụ điển hình về nguyên nhân khiến bóng đá chậm lại”.

Đó là ngôn từ, còn việc những người tổ chức lại đe dọa dùng vũ lực xử nhau thì thật quá quắt. Nói dại chứ các VIP mà dùng đàn em xử nhau thì ai ngờ được mà can thiệp.

Ngành thể thao cũng nên học tập các ngành bạn quy hoạch lại chuẩn giao tiếp ứng xử. Nên ra văn bản “4 không” chẳng hạn. 1 - Không chửi tục/2 - Không mày tao/ 3- Không thằng chó/4 -  không vũ lực…

Miệng kẻ sang có gang có thép. Đừng để khi họp phải đóng bỉm… Lời lỡ nói ra, bốn ngựa không đuổi kịp nữa là người. Người ta có 2 năm để học nói nhưng cần cả đời để gìn giữ lời. Cha chú ăn nói thế này sẽ ảnh hưởng thế nào tới thế hệ cầu thủ tương lai.

Còn bạn. Bạn có tin lời xấu lại có từ tâm thiện không?

Lê Tâm
.
.
.