Cần lắm thói quen đọc sách

Thứ Hai, 21/12/2015, 13:54
Có hai câu trắc nghiệm nhỏ dành cho các độc giả.

Câu thứ nhất, khi nhìn hình ảnh con bạn mê mải đọc sách hay nô đùa cùng các bạn với tiếng cười trong trẻo, hồn nhiên, bạn thích hình ảnh nào?

Câu thứ hai, sau những giờ học hành căng thẳng, bạn muốn con bạn thư giãn bằng cách nào: Đọc sách, chơi thể thao hay chơi game?

Ở câu hỏi thứ nhất, tôi tin là không ít người sẽ chọn phương án hai, nghĩa là họ muốn con sống vui vẻ, hồn nhiên đúng với tuổi của mình mà không bị áp lực gì đè nặng lên đôi vai còn quá mảnh. Tất nhiên, cũng có nhiều người cho rằng, đọc sách là cần thiết vì sách mang lại cho con người cả một kho kinh nghiệm và các giá trị văn hóa nhân loại. Đọc sách cùng với các hoạt động thực tiễn sẽ giúp người ta biết những gì nên làm, những gì phải tránh và tất nhiên, người chăm chỉ đọc sách sẽ biết cách nâng cao chất lượng sống cho chính mình, đồng thời góp phần mang lại những điều tốt đẹp cho cuộc sống.

Với câu hỏi thứ hai, phương án nhiều bậc phụ huynh lựa chọn sẽ là chơi thể thao sau những giờ học căng thẳng, bởi cả ngày cắm mặt vào sách vở, đến lúc cần cho mắt nghỉ thì lại đọc sách thì rõ ràng là không có lợi cho mắt, thậm chí tăng độ cận thị và cơ thể sẽ có những hạn chế về mặt thể chất. Còn chơi thể thao như bơi lội, đi bộ, đá bóng, đánh cầu lông… là cách tốt nhất để người ta xả những áp lực trong ngày, sống vô tư và rõ ràng khi vận động thể chất nhiều, con người sẽ có một sức khỏe tốt, một hình thể cân đối.

Minh họa của Lê Tiến Vượng.

Sở dĩ tôi đưa ra hai câu hỏi trắc nghiệm trên cho các bạn để nói về một vấn đề đang hiện hữu trong cuộc sống chúng ta, đó là văn hóa đọc trong giới trẻ những năm gần đây có thể nói là… quá buồn.

Những con số này khiến chúng ta không khỏi suy nghĩ: Theo số liệu khảo sát của Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công bố mới đây, tỷ lệ người hoàn toàn không đọc sách nước ta chiếm tới 26%, thỉnh thoảng mới cầm một cuốn sách lên đọc chiếm áp đảo tới 44%, còn đọc thường xuyên là 30%. Rõ ràng là ai cũng biết tác dụng của việc đọc sách đối với sự phát triển nhân cách cũng như mang lại những vẻ đẹp cho tâm hồn, nhưng không phải ai cũng có thói quen đọc sách mỗi ngày.

Họ sẽ viện ra đủ lý do để lý giải tình trạng này: Trong thời buổi tràn ngập thông tin, mở tivi hay vào mạng là có thể biết sự chuyển động của cả thế giới. Ngoài ra cũng có vô số các chương trình giải trí sẵn sàng đáp ứng nhu cầu mọi lứa tuổi. Hay cả ngày làm việc, lăn lộn kiếm sống, điều họ cần là tiếng cười, sự giải trí thuần túy. Đọc sách là lại phải suy nghĩ, trăn trở với thân phận này, bi kịch nọ quả là mệt đầu. Đấy là đối với người đi làm. Còn với học sinh, đến lớp từ sáng, chiều học thêm ở trường, tối gia sư kèm cặp. Rồi làm bài tập ở trường các thầy cô giao cho. Kết thúc một ngày và rời khỏi bàn học cũng là 22-23 giờ khuya.

Còn về khách quan, sách giờ đây quá nhiều. Ra hiệu sách sẽ thấy bạt ngàn các loại sách trên kệ. Muốn tìm sách gì cũng có nhưng để tìm một cuốn sách ưng ý, đọc được cũng không phải dễ. Một số nhà xuất bản vì chạy theo thị trường nên chỉ chú ý đến hình thức, những tên sách sao cho giật gân, câu khách mà không tập trung vào chất lượng khiến người đọc như bị lạc vào chốn mê cung.

Tôi thì cho rằng, đó là những lý lẽ thiếu thuyết phục. Khi một người tự ý thức được sự cần thiết của việc đọc, họ sẽ bố trí một khoảng thời gian hợp lý, cần thiết cho việc đọc sách. Bởi đó là một thói quen hữu ích. Thói quen này rất cần thiết được xây dựng từ nhỏ vì những trang sách dù trực tiếp hay gián tiếp sẽ là yếu tố thúc đẩy khả năng tự học, mang đến cho các em những chân trời khát vọng, những hoài bão lớn lao. Cha mẹ có thể cho các con thỏa mãn nhiều nhu cầu vật chất, nhưng sẽ là bi kịch nếu chính các em không tự nuôi dưỡng những ước mơ cho mình.

Hằng ngày trên đường phố, không chỉ tôi mà chắc chắn nhiều bạn sẽ bắt gặp hình ảnh những du khách nước ngoài vai khoác ba lô, tay cầm cuốn sách. Họ có thể đọc sách ở bất cứ chỗ nào dừng chân. Họ không chỉ là thanh niên mà cả những người lớn tuổi, khi đã đi qua nhiều thăng trầm của đời sống. Bởi với họ, lật giở từng trang sách chính là tự cho phép mình sống chậm, tạm quên những mệt mỏi thường ngày và thấy cuộc sống trở nên đẹp đẽ, ấm áp hơn.

Tuấn Nguyễn
.
.
.