Cần lên án những hành xử côn đồ trong giáo dục

Thứ Tư, 07/10/2015, 12:00
Tôi vẫn tin rằng câu chuyện cô giáo mầm non chửi tục, dọa chém đồng nghiệp trước mặt học sinh chỉ là câu chuyện cá biệt. Nhưng cá biệt đến mức ấy thì quả thật là hoang mang và buồn.

Hà Nội đang nỗ lực nói không với hiện tượng nói tục chửi bậy. Chúng ta lo ngại hiện tượng nói tục chửi bậy trong học sinh, sinh viên và thế hệ trẻ nói chung. Và câu chuyện cô giáo mầm non thể hiện bản chất côn đồ trong môi trường toàn trẻ em đang tuổi bắt chước người lớn, học những kỹ năng đầu đời để trưởng thành đã dấy lên một lo ngại. Rằng, chúng ta sẽ phải bảo vệ con em mình như thế nào, khi vẫn còn tồn tại những cô giáo "cá biệt" như vậy.

Kiên nhẫn xem hết đoạn clip cô giáo mầm non văng tục chửi bậy, giở thói côn đồ dọa "băm nát mặt" đồng nghiệp, dọa "giết" cả Ban giám hiệu nhà trường, nhiều người trong chúng ta sẽ phải tự hỏi mình nhiều hơn một lần, rằng đây có thể là ngôn ngữ của một cô giáo trường mầm non chăng? Vì sao một giáo viên có phẩm chất đạo đức, tư cách tồi như vậy lại có thể tồn tại nhiều năm trong nhà trường, ngang nhiên thách thức cả đồng nghiệp, cấp trên, có tiền lệ đánh các em học sinh bị phụ huynh làm đơn kiện nhiều lần.

Cô giáo mầm non phải vừa là một nhà sư phạm, vừa là một người mẹ của trẻ nhỏ (ảnh chỉ có tính chất minh họa).

Việc xử lý hành vi thiếu văn hóa, hung hãn, côn đồ của cô giáo mầm non ra sao cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Nhưng từ câu chuyện này, nhìn lại quá trình đào tạo tuyển dụng giáo viên mầm non, ta thấy còn nhiều bất cập.

Có thể nói, ở Việt Nam chúng ta, giáo dục mầm non những năm gần đây đã được cải thiện, nhưng thực sự chưa được coi trọng trong toàn hệ thống. Bên cạnh trường công là rất nhiều trường tư mọc lên, theo xu hướng xã hội hóa giáo dục. Nếu cho con đi học mẫu giáo ở trường tư, phụ huynh có thể phải đầu tư số tiền nhiều hơn cả khi con đã đi học cấp 1, cấp 2 trường công. Về mặt vật chất, các con có thể được đáp ứng đầy đủ hơn, từ phòng ốc đến trang thiết bị, đồ chơi..., nhưng về mặt chất lượng giáo viên thì vẫn đang thả nổi, không biết đâu mà lần. Các trường nhà nước thì theo cách tuyển dụng công chức nhà nước.

Việc tuyển dụng công chức trong ngành giáo dục có không ít tiêu cực, báo chí truyền thông đã phanh phui nhiều vụ khuất tất. Rất nhiều con ông cháu cha học hành kém cỏi, tráng men cái bằng trung cấp hay cao đẳng mầm non rồi được "đỡ" để chui vào làm công chức ngành giáo dục bậc học mầm non. Càng ở cấp phường cấp xã, nếu không có quan hệ tốt, không có ô dù che chắn, các sinh viên mầm non ra trường càng khó để kiếm một chân công chức. Các trường tư thì liên tục tuyển sinh cả học sinh lẫn giáo viên, có ý thức giữ gìn và nâng cao chất lượng giáo dục vì đó là tiêu chí sống còn để họ tồn tại. Nhưng giáo viên trường tư thường không ổn định, cả thời gian công tác lẫn chất lượng.

Nhiều phụ huynh phản ánh, một năm con em họ học trường tư, trường có khi đổi cô giáo một lớp vài ba lần. Nghĩa là khi các cô vừa kịp quen tâm tính, sở thích thói quen của từng trẻ trong lớp thì lại đã có sự xáo trộn. Các giáo viên mầm non trường tư thường có tâm lý chỗ nào lương cao thì dạy. Vì chẳng có gì ràng buộc họ ngoài hợp đồng lao động sơ sài, nên nếu nhà tuyển dụng nào hứa hẹn trả mức lương cao hơn họ lại chuyển việc. Không có sự ổn định ở khâu giáo viên, các trường mầm non cũng sẽ bị động về công tác đào tạo hay chuyên môn nuôi dạy trẻ nhỏ.

Ở các nước phát triển, người ta đặc biệt chú trọng khâu nuôi dạy trẻ em mầm non. Thậm chí việc đến trường, học những kỹ năng đầu tiên ở trường mầm non được xem là khâu quan trọng nhất, then chốt nhất cho việc hình thành nhân cách của trẻ sau này. Giáo viên mầm non thường được đào tạo kỹ càng, phải vượt qua những kỳ sát hạch nghiêm ngặt. Họ phải thực sự vừa là một nhà sư phạm hiểu biết, vừa là một người mẹ giàu lòng yêu thương nhân ái để chăm chút những em bé được gửi gắm đến trường. Nói tục chửi bậy, to tiếng hay có những hành vi vũ lực là tối kỵ trong ứng xử của những giáo viên mầm non.

Trong rất nhiều bất cập của giáo dục Việt Nam những năm qua, thì sự qua loa, lạc hậu trong đào tạo giáo viên mầm non cũng là một trăn trở. Chúng ta đã có nhiều thay đổi, nhưng dù như vậy, vẫn chưa theo kịp quy trình đào tạo tiên tiến của các nước. Trẻ em cần được học nhiều hơn ở trường mầm non, không phải chỉ chuyện ăn, vệ sinh, ngủ hay múa hát. Các cô giáo cũng cần được chú trọng  đào tạo nhiều hơn, để có thể thực sự trở thành những người có ảnh hưởng quan trọng đến sự lớn lên mỗi ngày của từng đứa trẻ.

Một môi trường giáo dục tốt bao giờ cũng cần thiết với cả người đi học lẫn người dạy học. Để những ví dụ như chuyện cô giáo văng tục chửi bậy, hành xử côn đồ trước mặt các em nhỏ, trước mặt các đồng nghiệp chỉ còn là chuyện đã qua, chuyện kể lại. Chúng ta không bao giờ chấp nhận, dung thứ hay bỏ qua những giáo viên "đáng sợ" như vậy, dù ở cấp học nào đi nữa...

Hội Quân
.
.
.