Cần sự bình yên từ chính ngôi nhà của trẻ

Thứ Hai, 12/10/2015, 07:00
Cảm giác của bạn mỗi ngày vào mạng phải xem những clip ghi lại cảnh bạo hành với các em nhỏ là gì? Tôi tin nhiều người sẽ có câu trả lời chung: Căm giận đến run người.
Những clip đó không có dấu hiệu giảm đi mà ngày một nhiều. Nếu trước đây, chúng ta thấy nạn nhân là các em học sinh phổ thông trung học, trung học cơ sở thì nay là các em nhỏ 2, 3 tuổi khiến sự căm giận trong chúng ta như sôi lên.

Bạn tôi kể lại, sau một ngày với đủ thứ việc trên đời, tối trước khi đi ngủ, bạn mới lướt web và vào Facebook để xem tin tức của bạn bè. Cách đây mấy hôm, khi vô tình xem clip về một em bé 15 tháng tuổi bị các cô giáo bạo hành hết sức dã man khiến huyết áp bạn tăng vọt. Sau khi uống thuốc hạ huyết áp, bạn trằn trọc mãi đến gần sáng mới chợp được mắt.

Điều đáng buồn hơn cả trong hầu hết những vụ bạo hành đó, thủ phạm chính lại là những người thân trong gia đình. Những con số sau khiến chúng ta không khỏi giật mình: Một khảo sát của VTV cho thấy, trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 100 em bị tử vong vì nạn bạo hành. Còn theo con số của Tổng cục Thống kê được tiến hành năm ngoái thì có đến 75% trẻ em trong độ tuổi 2-14 từng bị cha mẹ, người thân bạo hành.

Minh họa: Tả Từ

Các hành vi bạo hành với các em không dừng lại ở những cú đấm, đá, đạp nữa mà còn có cả những hành vi vô cùng dã man như kiểu tra tấn thời trung cổ như: tẩm xăng đốt, bẻ răng, gí sắt nóng vào người, nhốt trong chuồng gà, đẩy vào đống lửa đang bùng cháy, ném xuống giếng sâu…

Những đứa trẻ quá non nớt về thể chất và tinh thần, chúng làm sao chịu đựng được những đòn tra tấn như thế. Tôi tin rằng vết thương trên da thịt chúng cùng với thời gian sẽ lên sẹo, nhưng những vết thương hằn trong tâm hồn sẽ mãi rỉ máu. Thậm chí, những đứa trẻ bị rơi vào hoàn cảnh đó sẽ bị ám ảnh suốt đời.

Về mặt pháp luật, hành vi của những người gây ra tội ác đó có thể bị xử lý về tội cố ý gây thương tích, cá biệt trong một số trường hợp là tội giết người.

Một chuyên gia tâm lý thẳng thắn chia sẻ trên một tờ báo: Đã đến lúc những vụ bạo hành trẻ em liên tiếp xảy ra trong thời gian qua không phải là vấn đề cá nhân hay chuyện của một gia đình. Thách thức này cần được nhìn nhận trên bình diện xã hội. Phải chăng có một thứ áp lực quá lớn đang đè nặng trong đời sống của mỗi người? Đó là sự mệt mỏi và căng thẳng quá mức dễ làm cho con người không còn đủ tỉnh táo để có thể có cung cách ứng xử phù hợp.

Chuyên gia tâm lý này phân tích sâu hơn: Muốn con làm đúng ý mình hay muốn sở hữu con, người cha, người mẹ có thể hành xử rất chủ quan và cảm tính. Họ tự cho phép mình vượt quá giới hạn, cho phép mình làm tất cả. Đó chính là kiểu quyết định sống thay con. Đó còn là kiểu đem mình ra để thay trời hành đạo, vừa là sự kiểm soát bản thân kém, vừa là sự thiếu bản lĩnh, ích kỷ và chủ quan quá mức của mỗi cá nhân. Người ta có thể nổi nóng, có thể ích kỷ, có thể thất vọng… nhưng không thể quên đi trọng trách hay sự bao dung của chính mình.

Có suy nghĩ cho rằng, nghèo đói cũng là một nguyên nhân của hành vi bạo lực, nhưng vấn đề ở đây chính là nhận thức của gia đình các em, nhận thức của người gây ra hành vi phạm pháp. Họ không hiểu biết pháp luật, không hiểu biết đầy đủ về quyền lợi của đứa trẻ và đã gây ra những tổn thương cho chúng. Nhiều trường hợp nêu ra là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, nhưng nếu bản thân cha mẹ hiểu biết về pháp luật, hiểu biết về quyền lợi trẻ em thì khi sự việc xảy ra, họ phải biết cách kịp thời bảo vệ con mình.

Xử lý nghiêm những hành vi bạo hành - đó là điều không chỉ mang tính khẩu hiệu mà là hành động thiết thực để kịp thời ngăn chặn cái ác. Mặt khác, hãy để những đứa trẻ được hưởng những điều kiện tốt nhất mà cha mẹ chúng có và mang lại sự bình yên cho chúng để chúng được phát triển bình thường. Mà sự bình yên này cần có ngay trong ngôi nhà chúng sinh ra và lớn lên.

Tuấn Nguyễn
.
.
.