Can trường Hòn Đất

Chủ Nhật, 02/09/2018, 15:53
Hòn Đất là tên một huyện, tên một quả núi và cũng là tên cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Anh Đức, thuộc tỉnh Kiên Giang. Trong khó khăn gian khổ, nhất là trong kháng chiến chống Mỹ, nơi đây đã có những con người can trường bảo vệ quê hương. Ngày nay, con người nơi đây cũng đang tích cực phát triển kinh tế, xây dựng quê hương giàu đẹp.


Chúng tôi theo Quốc lộ 80 về hướng Rạch Giá đi Hà Tiên, qua thị trấn Hòn Đất, rẽ trái 13km rồi đến Khu di tích lịch sử Hòn Đất, địa danh gắn với tên tuổi nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Phan Thị Ràng, nguyên mẫu nhân vật chị Sứ trong tiểu thuyết của nhà văn Anh Đức. Qua tìm hiểu, được biết khách đến đây tham quan du lịch rất đông. 

Đến đây bà con đi thăm mộ chị Sứ nằm trong khuôn viên giữa hai ấp Hòn Đất, giáp với hòn Me. Sau đó, thăm hang Quân y, đặc biệt du khách đi lên thăm đài truyền hình. Lên trên đó nhìn xuống thấy tất cả các Hòn, nhìn bao quát hết cả cánh đồng phía dưới rất là đẹp. 

Khu di tích lịch sử Hòn Đất - điểm du lịch về nguồn.

Trên đó có các nhà trưng bày chiến tích của người dân đã chiến đấu ở Hang Hòn và du khách còn tìm mua cho mình ít đồ lưu niệm của địa phương về làm quà. Điểm nhấn tại núi Hòn Đất là khu tượng đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, hệ thống hang. 

Huyện Hòn Đất còn có khu trưng bày hiện vật chứng tích chiến tranh, trung tâm cứu hộ động vật hoang dã, các hang động ở núi Hòn Me. Ở núi Hòn Quéo, có ngôi chùa Tam bảo kỳ viên tự, bên dưới là khu bãi đá bán sơn thủy…

Ông Nguyễn Quang, một cựu chiến binh ở thị trấn Hòn Đất cho biết: “Là huyện trước đây bị chiến tranh tàn phá nặng nề, chỉ có sản xuất thuần nông. Du lịch ở đây có khu bà Hòn, có tiềm năng du lịch rất lớn. huyện đang kêu gọi đầu tư các doanh nghiệp đầu tư, sẽ làm cáp treo, làm cụm du lịch gắn liền với khu Ba hòn, Kiên Lương - Rạch Giá. Đó là những thế mạnh của Hòn Đất. Khu di tích chị Sứ một ngày có khoảng 1.200 lượt người vào thăm viếng”.

Anh Trần Văn Hời, nhân viên tàu cao tốc Ngọc Thành chạy tuyến Rạch Giá - Phú Quốc tâm sự: “Những năm gần đây, vào dịp kỷ niệm 30-4, tôi và gia đình đều đến khu dích tích Hòn Đất để tham quan và đốt nén nhang cho chị Sứ. 

Mỗi lần đến đây, trong lòng đều có những cảm nhận khác nhau, nhưng cảm xúc chung vẫn là sự tự hào, lòng biết ơn của những người trẻ dành cho những người đi trước đã không tiếc máu xương ngã xuống vì nền độc lập tự do của dân tộc”.

Bây giờ, đường về Hòn Đất đã thuận lợi hơn trước rất nhiều. Người dân và chính quyền huyện cũng hy vọng các tour du lịch về nguồn sẽ kích thích các làng nghề phát triển như nghề nặn nồi và nghề dệt chiếu.

Theo hướng dẫn viên, chúng tôi về ấp Hòn Quéo, thị trấn Hòn Đất. Trong không gian xưa cũ, chúng tôi đã gặp những người sống bằng nghề nặn nồi đất đang chăm chỉ làm công việc của mình. Đây là làng nghề truyền thống đã góp phần bảo tồn những giá trị truyền thống mang dấu ấn văn hóa vùng, chuyên tạo ra những sản phẩm bằng đất nổi tiếng khắp vùng. 

Sắc màu nông thôn mới ở Hòn Đất.

Người dân cho biết, tổ của làng nghề là người Khmer, về sau người Việt đã học và phát triển thành nghề truyền thống của người Việt. Từ xưa, nghề nặn nồi đối với người dân ở đây chỉ là một nghề phụ, phát triển nhất vào mùa nông nhàn, được người dân làm sau khi sạ lúa xong. 

Trước năm 1980, vùng này chỉ làm ruộng một vụ nên sau khi sạ lúa có khoảng thời gian dài rảnh rỗi, người dân lại làm nghề… 

Anh Nghiêm Trung Hậu đưa chúng tôi đến gia đình bà Thị Kim Hường ở Tổ nhân dân tự quản số 4, ấp Hòn Quéo đã ba đời làm nghề nặn nồi. Bà Hường đã mất cách đây hai năm, nhưng những người con, người cháu của bà vẫn nối tiếp nghề, mặc dù cuộc sống cơ cực, thiếu thốn.

Anh Nghiêm Trung Hậu cho biết, sau hòa bình, toàn khu vực này có đến 80% là người dân tộc Khmer. Cuộc sống nghề nghiệp của bà con là trồng xoài, và làm một số nghề thủ công như: nặn nồi, dệt chiếu. Xưa bà con vẫn còn sống được với nghề nên cố giữ nghề. 

Rất nhiều lao động ở Thổ Sơn phải đi làm ở tận Bình Dương, Đồng Nai, Sài Gòn. Nghề nặn nồi, dệt chiếu còn rất ít nên rất cần sự hỗ trợ của các cấp chính quyền để phát triển kinh tế làng nghề, ổn định đời sống cho bà con.

Cũng ở gần thị trấn Hòn Đất là làng gốm truyền thống Đầu Doi, với những nghệ nhân giỏi nghề đang tích cực gìn giữ nghề, góp phần bảo tồn những giá trị truyền thống mang dấu ấn văn hóa vùng, nơi tạo ra những sản phẩm bằng đất nung. 

Theo anh Trần Văn Tuế, những năm 1980 của thế kỉ trước là giai đoạn sung túc nhất của làng gốm Đầu Doi. Vào thời điểm đó, các mặt hàng gốm gia dụng được khách hàng ưa thích nên hầu như cả làng sống bằng nghề gốm. Nhà nào cũng có từ hai đến ba lò gốm. 

Từ năm 2006, nhà anh Trần Văn Tuế đầu tư máy xay đất hơn 20 triệu để đỡ chi phí đi mướn thuê làm đất. Anh Tuế cho biết: “Từ trước đến nay, từ đời cha rồi đến đời cháu. Như nhà tôi là đã 3 đời làm nghề này rồi. 6 tỉnh miền Tây đều dùng lò gốm này cho nên thu nhập cũng khá. Nếu xây dựng được làng du lịch, kéo thêm khách về có lẽ thu nhập sẽ cao hơn”.

Đặc biệt ở làng gốm Đầu Doi, người phụ nữ tham gia nhiều vào công đoạn làm gốm, đàn ông chịu trách nhiệm làm những việc nặng nhọc như đi lấy đất hoặc nhồi đất, hay phơi gốm và sắp xếp, thu dọn các đồ gốm đã làm xong vào một nơi. 

Với tính cách cần cù, chịu khó, công việc làm gốm của phụ nữ ở đây được thực hiện quanh năm. Người dân ở đây vẫn thích dùng kĩ thuật thủ công để tạo ra các sản phẩm gốm.

Hòn Đất là huyện nằm trong vùng Tứ giác Long Xuyên thuộc tỉnh Kiên Giang, có diện tích tự nhiên gần 104.000ha với 80% đất lúa, tương đương với diện tích của một số tỉnh trong khu vực. Từ vùng đất nhiễm phèn, nhiễm mặn và độc canh cây lúa chỉ sản xuất được một vụ với năng suất thấp, thì nay với hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp như hệ thống kênh, mương, cống ngăn mặn được chính quyền Hòn Đất quy hoạch và đầu tư đồng bộ bằng nhiều nguồn vốn nhà nước và của xã hội, đã tạo đà bứt phá về mọi mặt kinh tế xã hội ở địa phương. 

Những năm gần đây, UBND tỉnh Kiên Giang đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để đón các nhà đầu tư trên các lĩnh vực kinh tế, nông nghiệp, du lịch, nhằm xây dựng tỉnh nói chung, huyện Hòn Đất nói riêng phát triển mau chóng.

Bà Đỗ Kim Thâu - Phó Chủ tịch UBND huyện Hòn Đất chia sẻ: Ngoài việc ưu tiên đầu tư thích đáng cho hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp, thời gian qua, chính quyền địa phương đã chỉ đạo tổ chức các hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp để triển khai xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn và vùng lúa chuyên canh. Điển hình là ở xã Sơn Kiên có cánh đồng mẫu lớn 157ha; mô hình bao tiêu sản phẩm với 5.018,3ha; riêng quy hoạch đến năm 2015 toàn huyện có 20.000ha sản xuất lúa chất lượng cao, nhiều năm liền dẫn đầu tỉnh về lúa gạo hàng hóa xuất khẩu.

Tuy nhiên, đến nay mô hình cánh đồng mẫu lớn vẫn chưa nhiều. Vì vậy, Huyện ủy, UBND Hòn Đất đã chỉ đạo chính quyền địa phương tích cực hỗ trợ và kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi sản xuất liên kết tiêu thụ, nhằm góp phần hình thành các cánh đồng mẫu lớn cũng như tác động đến ngành kinh tế nông nghiệp ở địa phương phát triển bền vững.

Người dân gìn giữ nghề nặn nồi ở Hòn Đất.

Nhìn lại những năm qua, đây là vùng đất chua phèn, sản xuất nông nghiệp là chính, thế nhưng với những chủ trương chính sách đúng đắn cộng với tính cần cù, sáng tạo của người dân Hòn Đất đã khiến cho vùng đất này “thay da đổi thịt”. 

Những người nông dân “một nắng hai sương” đã đưa những mặt hàng nông sản bình dị của địa phương như hạt lúa, củ khoai thành những đặc sản vươn xa ra thế giới. Nhiều tấm gương cựu chiến binh tích cực sản xuất, khắc phục khó khăn, vươn lên làm giàu, xứng đáng là những người lính Bộ đội Cụ Hồ. 

Thương binh hạng ¾ Nguyễn Văn Châu ở thị trấn Hòn Đất chia sẻ: “Quê hương chúng tôi có những người con anh dũng, noi theo tấm gương Bác Hồ, chung tay bảo vệ quê hương. Mảnh đất này hồn hậu lắm, cũng vì thế tạo nên những con người có tính cách chịu thương chịu khó”.

Hải Miên
.
.
.