Cảnh sát bốn phương số 232

Thứ Ba, 05/03/2019, 11:27
Một người đàn ông đã được Cảnh sát Chicago, Mỹ giải cứu khỏi hồ Michigan sau khi nhảy xuống nước băng giá để cứu chú chó của mình.


Cảnh sát Chicago cứu người từ hồ đóng băng

Người đàn ông 33 tuổi và con chó của anh ta, một con chó lai Eskimo 9 tháng tuổi tên là Pika, đã hồi phục sau tai nạn xảy ra gần bờ biển Foster cuối tháng trước.

Anh này cho biết đã đến bãi biển Foster nhiều lần trước đó với chú chó Bowser yêu dấu của anh ta, đã chết năm ngoái, nhưng hôm 27-1 là lần đầu tiên anh đến đó với Pika mà vợ chồng anh mới nhận nuôi hồi tháng 11 năm ngoái. 

Pika đã rất phấn khích, chạy băng qua cánh đồng và đến bờ băng giá của hồ Michigan, sau đó mất thăng bằng và ngã xuống. Anh chạy theo Pika và nhận ra con chó sẽ chết vì đuối nước hoặc cảm lạnh, vì vậy đã nhảy xuống để cứu. 

Nước chỉ đến thắt lưng, nhưng băng xung quanh cao hơn đầu và anh không thể trèo lên. Khi tay có cảm giác tê cứng, anh đã quay số 911 từ điện thoại di động. Một người qua đường nhìn thấy cũng đã gọi cho cảnh sát.

Cảnh sát đến, họ cứu Pika và chủ của nó. Cả hai sau đó được đưa đến bệnh viện để được chăm sóc y tế. (Tiến Vũ)

Cảnh sát chơi bóng với trẻ em trong cơn bão tuyết

Cảnh sát chộp lấy một tấm khiên chiến thuật và tham gia vào một số trò vui khi một cơn bão mùa đông lớn che phủ nhiều phần của tiểu bang Washington, Mỹ.

Các thành viên của Sở Cảnh sát Duvall đã đăng một video trên Facebook vào ngày 4-2 về các cảnh sát trả lời báo cáo về các nhân vật khả nghi trong công viên. Cảnh sát đùa rằng một nhóm "kẻ thù địa phương" được trang bị "những viên đạn ngẫu hứng làm từ tuyết mịn". Họ nói rằng sẽ không có "lòng thương xót" khi họ tiến lên phía sau tấm khiên, nhưng họ không thể sánh được với một nhóm thiếu niên ném bóng tuyết vào họ.

Các sĩ quan và thiếu niên địa phương đã có một ngày tuyệt vời, giúp xóa bỏ khoảng cách giữa người dân và cảnh sát. (Thái Tài)

Nhớ mãi một lần làm khách của... Cảnh sát Philippines

Thích đi đó đây nên tôi đã  nhiều lần lang thang đến một số nước trong khối cộng đồng ASEAN. Trong dịp qua Philippines vừa rồi, tôi đã đi du thuyền St. Leo the great khá đồ sộ lênh đênh suốt 21 tiếng đồng hồ từ thủ đô Manila đến thành phố Bacolod nằm ở đảo Negros thuộc miền trung của đất nước có đến 7.000 hòn đảo nằm trên vành đai bão Thái Bình Dương.

Nhân viên bảo vệ thành cổ Intramuros ở Manila đứng giả làm tượng cho du khách chụp ảnh lưu niệm.

Đặt chân lên bến tàu Bacolod đã hơn 8 giờ tối, chúng tôi ngồi lên chiếc Tricycle đạp (giống như xe xích lô pha trộn xe lôi của Việt Nam) đi gần một tiếng đồng hồ đến các nhà trọ (homestay), khách sạn nào cũng nghe nói “ hết phòng”. Nhiều khúc đường còn phải vác balô lếch bộ do cấm đường để tổ chức vũ hội đường phố Mass Kara (lễ hội lớn nhất trong năm của người dân trên đảo Negros, nay là cả đất nước Philippines ).

Vợ tôi tiếng là đi du lịch mà mặt mày méo xẹo. Hơn 9 giờ, chúng tôi mới ra được đại lộ Lacson - nằm giữa trung tâm thành phố. Tại đây có một nhóm cảnh sát đang làm nhiệm vụ giữ an ninh trật tự. Thấy tôi bước đến, hai cảnh sát trẻ, một nam một nữ nở nụ cười tươi niềm nở hỏi bằng tiếng Tây Ban Nha và liền đó là tiếng Anh xem tôi cần gì. 

Tôi cho biết là chúng tôi từ Việt Nam sang Bacolod dự lễ hội Mass Kara, nhưng không kiếm được chỗ ở. Cả hai viên cảnh sát bật ra câu hỏi : “Ông bà có đăng ký khách sạn nào ở đây chưa?”. Tôi lắc đầu, cho biết là do nghĩ đây là lễ hội địa phương, du khách không nhiều lắm nên không sợ thiếu chỗ lưu trú, không ngờ…

Cảnh sát Philippines đang triển khai thực tập cứu hộ.

Nghe tôi trình bày, viên cảnh sát nói: “Sao mà ông liều quá vậy! Năm nào vào dịp lễ hội Mass Kara toàn bộ khách sạn ở Bacolod đều kín chỗ trước đó cả tuần”.

Nói rồi viên cảnh sát móc quyển sổ tay ra gọi “cầu may” các khách sạn, nhà trọ trong thành phố Bacalod. Sau gần 20 phút cật lực gọi đến hàng chục nơi đều vô vọng, anh cảnh sát nhìn thấy vẽ mặt quá ư sầu não của vợ tôi, bèn gợi ý là tôi nên chịu khó ra vùng ngoại ô thì may ra còn chỗ trọ. Tôi “OK” ngay vì không còn cách nào khác. Anh cảnh sát  động viên tôi: “Ông bà cứ yên tâm, tôi sẽ gọi cho một tài xế taxi đàng hoàng đưa ông bà đi tìm nơi trọ mà không sợ bị đưa ra nơi vắng vẻ để trấn lột hoặc bị chặt chém, làm tiền”.

Anh lái taxi trẻ, vui tính đưa chúng tôi tạt qua một số khách sạn, homestay trong thành phố… còn để đèn. Quản lý những nơi này đồng ý với cái giá phòng cao gấp 2 lần bình thường, nhưng khi nghe anh lái xe nói: “Ông bà đây là khách do cảnh sát nhờ gởi” liền lập tức từ chối.

Mãi hơn 10 giờ tối, chạy hơn 20 cây số ra tận vùng Villamonte - ngoại ô thành phố Bacolod, chúng tôi mới được nhận vào một căn phòng gỗ ọp ẹp trong khách sạn Casa Marabella có mặt tiền sang trọng với giá 500 pêsô/ đêm, mà theo anh lái xe taxi là “cái giá chém khách lỡ đường “; còn vợ tôi thì mừng rơn. Và đúng 12 giờ đêm đó, chúng tôi đã cùng với toàn thể khách lưu trú có mặt trên sân thượng Casa Marabella để nhìn về thành phố Bacolod bắt đàu sáng rực pháo bông chào mừng lễ hội Mass Kaca.

Trong những ngày lễ hội, hòa trong dòng người đủ các màu da để nhìn ngắm “vô số khuôn mặt cười” (Mass Kara là lễ hội liên hoan các nhóm vũ công đeo mặt nạ đủ mọi sắc màu theo kiểu Tây Ban Nha thi nhảy trên đường phố. 

Trong từ Mass Kara, chữ M và K được viết hoa để nhấn mạnh sự kết hợp của Mass là “vô số” trong ngôn ngữ Negritos bản địa với Kara trong tiếng Tây Ban Nha là “khuôn mặt”; đồng thời còn mang ý nghĩa to lớn hơn là phải đối mặt, sẵn sàng đối mặt với bất cứ khó khăn nào ) đang nhảy múa trên đường, hoặc những nhân vật ngộ nghĩnh đi cà kheo…vợ tôi luôn dặn là mình ráng tìm gặp cô cậu cảnh sát Philippines đã tận tình giúp mình tìm được chỗ trọ ở Bacolod để nói lời  cảm ơn. Nhưng cho đến khi rời Bacolod, chúng tôi vẫn không gặp lại được những viên cảnh sát nhiệt tình ấy. (Bùi Thuận)

PV
.
.
.