“Thứ ba là ngày đầu tuần”

Canh sâu thì nấu thế nào?

Thứ Sáu, 07/06/2013, 16:42

ĐÀN: Đi tắm biển về, sao bác phải đội mũ bảo hiểm thế?

HỒI: Bị chặt chém ghê quá nên tôi cứ phải đội cái "nồi áp suất" này cho nó chắc.

ĐÀN: Chặt chém nghĩa bóng, chứ ai lại múa dao đập gậy với bác. Việc ép giá vô tội vạ thì ngôn ngữ chính thức gọi là "hành vi tiêu cực" đấy bác ạ...

HỒI: Vâng, "hành vi tiêu cực" rất dễ nghe. Nhiều du khách bị ép giá tăng gấp chục lần. Có du khách ngoại quốc đi taxi 2km tốn 500 000 đồng. Chịu không nổi, họ tố cáo. Lúc đó, cơ quan chức năng mới vào cuộc.

Mà lúc không thống nhất được với nhau về giá cả thì họ còn sử dụng cả cơ bắp, vừa đánh vừa đàm. Múa dao, đập gậy còn là nhẹ. May có cái mũ bảo hiểm này nên vẫn sống sót trở về.

ĐÀN: Bác đi nghỉ mát mà như đi đánh trận ấy nhỉ.

HỒI: Dịch vụ du lịch thì có câu, mài dao cả năm chờ 3 tháng hè. Tôi lại là lao động chính…

ĐÀN: Mà sao bác cứ trợn mắt há mồm  giật giật lên khi nói chuyện với tôi thế?

HỒI: À… thói quen trợn mắt há mồm này xuất hiện mỗi lần nghe tính tiền đấy. Báo giá y như dử trên đánh dưới lăn đùng ngã ngửa. Từ đồ ăn thức uống giá sốc, xe ôm bán khách, chụp ảnh rong đeo bám...

ĐÀN: Ha ha… Khẩu hiệu vẻ đẹp tiềm ẩn đã chuyển sang vẻ đẹp bất tận có lẽ phải đổi tiếp sang vẻ đẹp bất tỉnh…

HỒI: Cái bất tỉnh này do chẳng ai lo cho cái chung mà cho riêng lẻ cá nhân, chụp giật, thành ra du khách nước ngoài đều biến thành Kinh Kha cả.

ĐÀN: Kinh Kha! Có gì giống nhau chứ?

HỒI: Giống chỗ tráng sĩ một đi không trở lại.

ĐÀN: Bác hãy nêu một thí dụ trực quan sinh động!

HỒI: Đơn giản như 1 ly cà phê giá 150.000 đồng. Chủ quán báo giá 15.000 đồng một ly đàng hoàng, nhưng đến khi tính tiền là cà phê 15.000 đồng cộng tiền ghế, tiền thuế, tiền mặt bằng, tiền đá... tóm lại uống 1 ly cà phê hết 150.000 đồng.

ĐÀN: Sao bác không gọi đường dây nóng? Cơ quan chức năng đã có giải pháp gì thưa bác?

HỒI: Nước xa sao cứu được lửa gần. Cơ quan chức năng còn bận triển khai quyết liệt các hướng đi. Giải pháp là họp suốt ngày này qua tháng khác để tìm ra giải pháp đồng bộ.

Giải pháp đồng bộ là gì thì tôi chịu!

ĐÀN: Tưởng gì… Xưa nay, giải pháp đồng bộ sẽ bao gồm 10 giải pháp lớn. Mỗi giải pháp lớn lại bao gồm 10 biện pháp nhỏ. Mỗi biện pháp nhỏ bao gồm 10 triển khai then chốt. Vâng… Muốn thống nhất được cần 10 cuộc họp lớn. Chuẩn bị cho 1 cuộc họp lớn cần họp 10 cuộc họp nhỏ. Mỗi cuộc họp nhỏ cần 10 lần hội ý then chốt...

HỒI: Chịu bác. Ít nhất phải có ngần ấy thứ vừa trúng, vừa đúng nhằm khắc phục năng lực dịch vụ vừa yếu vừa thiếu.

ĐÀN: Chẳng lẽ không có chút ánh sáng cuối đường hầm?

HỒI: Này bác. Cũng có tý sáng. Có một số nơi làm rất tốt để lại thiện cảm với du khách. Việc con sâu làm rầu nồi canh anh cũng đừng quá đau lòng.

ĐÀN: Vâng, nhưng nếu là một nồi canh sâu rồi thì tôi chả liên quan cũng thấy xấu hổ chết đi được.

HỒI: Điểm sáng đáng phấn khởi năm nay là cơ quan chức năng họ đã biết thẹn. Họ thậm chí đã biết xin lỗi...

ĐÀN: Lời xin lỗi phải được thực hiện trong mọi tầng lớp dịch vụ toàn dân thì mới khá được. Thế mùa sau bác có dũng cảm đi du lịch nữa không?

HỒI: Dám chứ sao không. Tôi có mũ bảo hiểm rồi mà

Lê Tâm
.
.
.