Không có gì mà ầm ĩ cả

Cạnh tranh như là một xu thế

Thứ Năm, 12/10/2017, 10:12
Hà Nội độ này dễ nhìn thấy đuôi những chiếc taxi truyền thống trên phố dán khẩu hiệu "phản pháo" taxi công nghệ. Nhìn cái biết ngay sự bất bình đến cao độ thì mới phát tiết ra đuôi.


Thí dụ như khẩu hiệu: "Đi taxi truyền thống là bảo vệ nguồn tài chính quốc gia" hoặc hãng khác là: "50.000 xe thí điểm theo QĐ 24 của Bộ GTVT có doanh thu 18.000 tỷ đồng nhưng chỉ nộp thuế 15,8 tỷ. Vậy ngân sách thất thu ở đâu?". Một số hãng khác cũng đang có động thái tương tự trước sự lấn át ngày một mạnh mẽ từ Uber và Grab.

Các hãng này không hề nhắc đến một cái tên đối thủ nào. Họ không cần nói hết thì người đọc đã biết “nhìn cọng rơm, biết hướng gió thổi” để đoán ra tên kẻ nào phá đám. Cách này tạm gọi là gièm pha. 

Ở TP.   HCM thì tài xế hãng Vinasun không úp mở, dán khẩu hiệu tố thẳng Grab và Uber như sau:  "Yêu cầu Uber và Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam" và “Đề nghị dừng thí điểm Grab và Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh”. Ở mức độ này thì không gọi là gièm pha mà đã ở mức tố huỵch toẹt.

Chỉ cần vài năm, Uber và Grab đã chiếm thị trường nhẹ nhàng như dao nóng cắt bơ. Không thể đôi co với công nghệ về độ ưu việt cũng như tính minh bạch, cách taxi truyền thống phản ứng cho thấy một dấu hiệu của việc “bị loại khỏi vòng chiến đấu” đã rất gần.

Minh họa của Tả Từ.

Việc cạnh tranh lành mạnh không phải ở khẩu hiệu mà phải là những hành động sáng tạo liên tục. Ngay như Uber cũng phải buông thị trường tại đây khi Grab được lòng khách hàng hơn. Uber mới đầu tư vào Campuchia. Kẻ phá bĩnh mới của Indonesia là Go-Jek cũng đang vươn lên nhắc nhở Grab và Uber hãy bảo trọng.

Vậy mà các hãng trong nước vẫn tin rằng vài khẩu hiệu sẽ tác động đến tình hình. Với khách hàng thì họ tính ra ngay sự khác biệt trong từng xu trả cho từng dịch vụ. Vẫn khách hàng đó, khi nghiêng sang hãng này khi nghiêng sang hãng khác chẳng phải vì họ thương xót gì hãng mà chẳng qua vì họ có lợi qua chi tiêu.

Khi cạnh tranh, đừng nghĩ đến túi tiền của mình mà hãy nghĩ tới khách hàng của khách trước. Gần đây, một hãng tivi trong nước đã bán được hàng tới con số các đối thủ phải thèm muốn. Bí quyết là sản phẩm bán với giá thấp hơn hẳn nhưng chất lượng không giảm.

Ông chủ cho rằng phần lớn khách hàng không dùng hết số lượng các ứng dụng nên hãng đã cắt giảm đáng kể các công năng thừa. Tivi của các thương hiệu ngoại dùng tới 2 cổng HDMI và 4 cổng USB. Nhưng tivi hãng nói trên chỉ có 1 cổng HDMI và 1 cổng USB. Chi phí nhân công giảm 30%, thời gian tiết kiệm 15 % và giá tivi rẻ hơn gần 35% so giá thị trường. Các hãng lừng danh toàn cầu đứng há hốc nhìn hãng Việt nam vượt qua ở phân khúc rẻ.

Thay vì than khóc hay tố lẫn nhau, các hãng taxi hãy tìm lại điểm xuất phát từ khách hàng. Công nghệ như sóng sau đè sóng trước. Grab hiện đang chiếm thượng phong so với Uber. Nhưng họ cũng phải lo lắng khi các đối thủ trẻ hơn, táo bạo hơn có thể đến bất kỳ lúc nào như Go-jeck chẳng hạn.

Ở Malaysia , taxi truyền thống thực sự bị ra rìa rất tội nghiệp. Singapores cũng không ủng hộ taxi truyền thống. Họ chỉ cho phép taxi truyền thống đỗ ở một số nơi nhất định. Chỉ có taxi công nghệ mới thực sự tồn tại.

Khi khách hàng dùng công nghệ thì cạnh tranh phải từ công nghệ chứ không phải bằng kiện cáo. Chi bằng taxi truyền thống hãy nhanh chóng ra mắt một ứng dụng mới mạnh mẽ hơn, chiều khách hơn thì mới có cơ may tồn tại.

Cạnh tranh với đối thủ phải là cao hơn, nhanh hơn, xa hơn chứ không phải là đối thủ lùn hơn, chậm hơn, thảm hại hơn.

Còn bạn. Bạn chọn hãng taxi hay cái ví của bạn chọn nó?

Lê Tâm
.
.
.