Cặp vợ chồng già nhiều năm liền đạp xe xuyên Việt

Thứ Tư, 25/03/2015, 18:00
Gần chục năm qua, ông Đinh Xuân Toàn, 73 tuổi, trú tại phố Đào Tấn, Hà Nội tự nguyện làm "vệ sĩ" cho vợ mình là bà Lê Thị Xuân (68 tuổi) rong ruổi trên chiếc xe đạp đi khắp mọi miền Tổ quốc. Không còn một địa danh nào trên bản đồ Việt Nam mà ông Toàn, bà Xuân chưa từng đặt chân tới.

Ông Toàn hóm hỉnh nói: "Đừng bảo chúng mình già nhé. Chúng mình chỉ già ở dáng vẻ bề ngoài thôi chứ tinh thần thì còn trẻ lắm. Thanh niên có khi còn không so nổi đâu".

"Hộ tống" vợ trên mọi nẻo đường

Chúng tôi tìm đến nhà ông Toàn, bà Xuân đúng lúc ông bà đang chăm chút cho vườn rau xanh mướt mát trên sân thượng và ở các ban công của ngôi nhà bốn tầng. Nhìn cái cách ông bà lao động đủ thấy tuổi già của họ có ý nghĩa đến thế nào.

Bà Xuân chia sẻ: "Hàng chục năm nay gia đình tôi và gia đình của ba người con tôi không phải mua bất kỳ một loại rau nào ngoài chợ. Muốn ăn đều đã có ở đây hết rồi". Quả là trên sân thượng và ở mỗi ban công của nhà ông bà không thiếu bất kể một loại rau nào. Từ những rau gia vị như húng, mùi, xà lách đến những rau ăn thường ngày như xu hào, bắp cải, thậm chí cả đậu quả, cà chua… Tất cả đều có trong khu vườn be bé, xinh xinh ấy.

Một lần đi xuyên Việt của ông Toàn, bà Xuân.

Khi được hỏi về những chuyến đi xuyên Việt suốt nhiều năm qua, bà Xuân hào hứng kể: "Không thể nhớ nổi là tôi đã tham gia bao nhiêu chuyến đi xuyên Việt đâu. Chuyến nào tôi tham gia cũng đều có thời gian rất dài, đến vài tháng, ngắn nhất thì cũng đến một tháng. Trong suốt thời gian ấy, đoàn có nguyên tắc là phải đạp xe nghiêm túc. Nghĩa là không được phép dùng bất kỳ phương tiện nào khác hỗ trợ. Ai đuối sức thì có thể trở về. Nhưng mà từ khi tôi tham gia thì chưa thấy một ai phải bỏ cuộc cả".

Năm 2004, bà Xuân tình cờ biết đến Câu lạc bộ người cao tuổi đạp xe xuyên Việt, bà đã đăng ký tham gia. Sinh hoạt và tập luyện đến năm 2005 thì bà được tham gia chuyến đạp xe xuyên Việt đầu tiên.

"Lần đi ấy, tôi không hiểu sao mình trẻ nhất đoàn mà cứ đạp lẽo đẽo đằng sau các cụ, thậm chí nhiều khi còn bị các cụ… cắt đuôi. Đoàn đi tất cả đều đạp bằng xe mini, mãi về sau tôi và mọi người mới phát hiện ra là bánh xe của tôi bé hơn bánh xe của các thành viên khác vì thế mà toàn bị tụt hậu".

Ông Toàn ngồi bên cạnh nhìn vợ tiếp lời: "Lúc đó bà ấy gọi điện về nhờ tôi tìm mua cho một chiếc xe mini Nhật vành rộng. Lúc bà ấy từ Lạng Sơn về đến Sơn Tây thì tôi gửi xe lên để bà ấy tiếp tục hành trình vào Nam". Từ lúc có xe mới, bà Xuân đạp phăng phăng, luôn ở top đầu của đoàn.

Hỏi ông Toàn đạp xe có phải là sở thích của ông hay không mà sau khi nghỉ hưu, ông cũng theo vợ đạp xe rong ruổi khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc thì được ông trả lời: "Thực sự thì tôi cũng không biết là mình có đam mê đó hay không. Nhưng lý do trước tiên phải kể đến là vì lo cho sức khỏe và những tình huống rủi ro bất ngờ có thể xảy đến với bà ấy trên đường đi.

Vườn rau xanh mướt trên sân thượng.

Trước đó, mỗi khi bà ấy lên đường là tôi lại lo mất ăn mất ngủ. Nhất là cái lần bà ấy bị lạc rồi gọi điện về khóc nức nở làm tôi hoảng lắm. Hơn nữa, ngày xưa khi còn trẻ thì phải xa nhau biền biệt. Đến lúc về già tôi muốn bù đắp, muốn được ở bên cạnh để chăm sóc và quan tâm bà ấy".

Vì lý do đó nên năm 2009 khi nghỉ công tác, ông Toàn cũng gia nhập Câu lạc bộ Người cao tuổi đạp xe xuyên Việt nhưng không phải với tư cách là thành viên mà chỉ là người "hộ tống" cho vợ.

Du lịch đó đây bằng xe đạp

Xác định là người hộ tống nên trong mọi chuyến đi, trên mọi nẻo đường, ông Toàn luôn là người đi sau xe vợ. Lúc thì giúp bà Xuân đẩy xe lên dốc, lúc lại bóp chân bóp tay cho vợ trong mỗi trạm dừng chân.

Ông Toàn tâm sự: "Ngày xưa lúc còn trẻ thì tôi đi suốt vì tôi là sĩ quan quân đội, còn bà nhà tôi thì làm kế toán cho Bộ Ngoại thương. Mỗi năm tôi chỉ được nghỉ phép có ba ngày, tính thời gian về lẫn đi đã mất hai ngày rồi. Thế nên thời gian được ở gần vợ, gần con chỉ trọn vẹn trong một ngày. Gặp nhau chưa kịp hàn huyên tâm sự, chưa ấm hơi thì đã phải đi rồi. Vì thế mà lúc nào tôi cũng thấy áy náy với vợ, lúc nào cũng muốn bù đắp cho bà ấy bớt thiệt thòi".

Năm 2010, tròn kỷ niệm 40 năm ngày cưới, cũng là lúc ông bà đạp xe cùng đoàn có mặt tại Đà Lạt. Bà Xuân bảo, bình thường chắc cũng chả có cơ hội mà vào đó chơi, thế nên khi vào đến đó nhìn thấy phong cảnh đẹp mê hồn, ông bà đã rủ nhau chụp ảnh ngay tại Thung lũng Tình yêu. Khi ấy ông Toàn đã đùa bà Xuân: "Đây là món quà anh tặng em nhân kỷ niệm 40 năm ngày cưới đấy nhé!".

Ông Toàn, bà Xuân hào hứng kể về những chuyến đi xuyên Việt.

Có một điều lạ là, mặc dù đã ở vào cái tuổi xưa nay hiếm nhưng ông Toàn và bà Xuân vẫn xưng hô với nhau như hồi còn trẻ. Họ gọi nhau anh em rất ngọt ngào. Khi bà Xuân kể lại những kỷ niệm trong mỗi chuyến đi, ông Toàn nhìn vợ nói với giọng trìu mến: "Sao em không kể cái lần em bị lạc ở Cai Lậy (Tiền Giang) rồi gọi điện về khóc nhè với anh. Làm anh lo phát hoảng đi".

Bà Xuân cười đáp: "Thì đó là lần đầu em tham gia mà. Chưa quen đường xá nên thấy cầu nào cũng giống cầu nào thành thử ra đi nhầm. Hồi đó đã làm gì có điện thoại di động mà liên lạc hỏi đoàn đang ở đâu được. Mỗi chuyến đi chỉ được chồng con cấp cho cái thẻ điện thoại gọi ở box, nhét thẻ vào rồi gọi về nhà báo tin thôi".

Gần chục năm qua, ông Toàn và bà Xuân đã có may mắn đặt chân lên khắp 63 tỉnh, thành của cả nước. Thậm chí còn sang cả các nước bạn như Lào, Thái Lan, Campuchia. Trong chuyến đi vòng quanh đất nước năm 2010, chặng đường từ A Lưới đến Đông Giang (Thừa Thiên - Huế) dài 90km không một nhà dân, lại trong cái nắng tháng 5 chói chang khiến nhiều thành viên đã phải dừng chân xin nghỉ tạm ở các lán xây dựng bên đường.

Tùy vào sức khỏe, người đi trước người đi sau nên họ buộc phải gặp nhau ở điểm hẹn chứ không thể đi theo đoàn được nữa. Khi ấy ông Toàn và bà Xuân cũng đành phải trải nilon ra nằm giữa trời nắng như thiêu như đốt của miền Trung.

Ông Toàn mở đĩa ghi lại hành trình 1 chuyến đi.

Câu lạc bộ Người cao tuổi đạp xe xuyên Việt mà ông bà tham gia không chỉ để thỏa mãn đam mê khám phá mà họ còn làm từ thiện. Đặt chân tới mỗi vùng quê nghèo, họ đều có quà quyên góp được như đường, sữa, áo ấm cho người già và trẻ nhỏ.

Bà Xuân tâm sự: "Có đi nhiều mới thấy nhiều người trên đất nước mình còn khổ quá. Ở trên những vùng núi cao, nhiều đứa trẻ chưa từng biết thế nào là hộp sữa, mùa đông lạnh giá có khi cũng chỉ có cái áo mỏng phía trên, phía dưới chân trần và cởi chuồng, nhìn mà thương lắm. Lúc đó chỉ ước mình có thật nhiều áo ấm, nhiều đường sữa để mà cho chúng".

Nếu không đạp xe xuyên Việt thì một ngày của ông Toàn và bà Xuân thường bắt đầu từ lúc 5 giờ sáng. Hai ông bà đạp xe vòng quanh hồ Tây, hít thở không khí trong lành. "Đạp xe hàng ngày như vậy sẽ khiến chúng tôi dai sức, nó vừa như một thói quen yêu thích và cũng là cách để tập luyện cho những chuyến đi xuyên Việt tiếp theo" - ông Toàn cho biết.

Với ông Toàn và bà Xuân, được đi du lịch bằng xe đạp là một trải nghiệm rất thú vị. Thế nên ông bà quan niệm, chừng nào còn sức còn đi. Bởi đó cũng là cách sống vui, khỏe và có ích cho xã hội.

Phong Anh
.
.
.