Carabinieri niềm tự hào của người dân Italia

Thứ Sáu, 21/07/2017, 08:34
Các tín đồ của Thiên chúa giáo xưa có một câu ngạn ngữ ví von vô cùng nổi tiếng đó là "Mọi con đường đều dẫn tới thành Rome". Nếu chỉ xét về mặt nghĩa đen của câu ngạn ngữ này, thì có một "bật mí" có thể bạn chưa biết - mọi ngóc ngách của Thủ đô Rome nói riêng hay mọi nẻo đường tại Italia nói chung, đều có bóng dáng của một lực lượng cảnh sát vô cùng đặc biệt.


Họ nhận nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự xã hội từ Bộ Nội vụ và các nhiệm vụ quân sự khác từ Bộ Quốc phòng. Họ thân thiện với du khách, nguyên tắc khi làm việc, tình cảm và hết mình phục vụ người dân, đất nước - họ là lực lượng Cảnh sát Carabinieri.

Bắt sống tên trùm mafia có "số má"

Không phải ngẫu nhiên mà phần lớn lực lượng Carabinieri hiện nay đều có xuất thân từ các vùng thuộc miền Nam Italia như Sicilia, Campania, Calabria và Puglia - những địa phương bị ảnh hưởng và chi phối bởi các tổ chức mafia sừng sỏ.

Sinh ra và lớn lên tại những "điểm nóng" như vậy chắc hẳn đã thôi thúc họ được làm việc vì công lý, công bằng xã hội và bảo vệ người dân. Một trong những chiến tích mang tính lịch sử của lực lượng này là bắt sống tên trùm mafia khét tiếng - Ernesto Fazzalari, kẻ cầm đầu của tổ chức mafia 'Ndrangheta giàu và mạnh nhất của Italia.

Lực lượng Carabinieri trong các bộ quân phục khác nhau.

Sau 20 năm bị truy nã kể từ tháng 6-1996, Ernesto đã bị lực lượng Carabinieri tóm gọn tại một ngôi nhà ở vùng miền núi hẻo lánh thuộc Calabria. Ernesto và băng đảng của hắn chủ yếu kiếm lợi bằng cách nhập khẩu, phân phối ma túy, vũ khí và rửa tiền tại Italia cũng như khắp châu Âu.

Để có được thị trường rộng lớn và là băng đảng nhập khẩu cocain Nam Mỹ lớn nhất lục địa già, Ernesto đã không từ bất cứ một thủ đoạn nào, từ đút lót đến giết người diệt khẩu.

Lực lượng Carabinieri đã phải trải qua một quá trình gian khổ, nhọc công và đòi hỏi phải cực kỳ tỉnh táo để triệt phá được băng đảng 'Ndrangheta và ông trùm Ernesto.

Một chiến sĩ của lực lượng Carabinieri tham gia vụ đột kích, Mario Picco chia sẻ: "Đó là một buổi sáng sớm Chủ nhật, chúng tôi ai nấy đều quyết chiến một phen sau nhiều lần nhiễu tin tình báo, vì hắn thường xuyên di chuyển đột ngột. Ernesto là kẻ đầu xỏ với rất nhiều mánh khóe, mưu mô khôn lường. Mất nhiều năm để những chiến sĩ ưu tú thâm nhập vào đường dây tội phạm này và không ít người đã hy sinh thầm lặng".

Mario Picco cũng cho hay: "Địa hình hiểm trở cùng hệ thống bẫy, hầm chỉ đạo liên kết khiến tổ chiến lược bắt buộc phải thăm dò và bày ra nhiều phương án tối ưu khác nhau. Tổ tác chiến phải áp dụng một cách khôn khéo nghiệp vụ, phối hợp với nhau nhịp nhàng, làm chủ từng bước chân và đôi khi là nín thở".

Ngoài ra, theo lời kể của Mario Picco, Ernesto Fazzalari đã không hề chống cự khi bị bắt. Khuôn mặt "máu lạnh" không biểu lộ chút cảm xúc nào càng khiến cho các lực lượng chức năng cảm thấy căm phẫn vì những tổn hại hắn gây ra cho đất nước. Tháng 6-2016, ở độ tuổi 46, Ernesto chính thức bị bắt sống và phải đối mặt với án tù chung thân.

Thủ tướng Italia lúc bấy giờ là Matteo Renzi đã gửi lời cảm ơn sâu sắc và đánh giá rất cao lực lượng Cảnh sát Carabinieri và các công tố viên liên quan. Ông chia sẻ trên trang mạng xã hội cá nhân: "Hoan hô Italia! Hôm nay đúng là một ngày Chủ nhật vui vẻ."

Trong một tuyên bố khác, Bộ trưởng Nội vụ Angelino Alfano phát biểu: "Đây là chiến thắng để an ủi, động viên chúng tôi trên con đường gian nan chống lại các băng đảng tội phạm có tổ chức. Mọi công sức, hy sinh đã được đền đáp. Chẳng có con đường nào chạy trốn được sự minh bạch của công lý.

" Vụ đột kích tại Calabria được coi là một đòn giáng mạnh vào 'Ndrangheta và những băng đảng cộm cán khác tại Italia. Và sau một loạt các vụ truy quét kế tiếp, lực lượng Carabinieri đã phong tỏa ít nhất 1.500 ổ cá độ, 82 trang mạng đánh bạc, hàng chục công ty ma trong và ngoài nước điều phối bởi băng đảng này. Họ cũng đã tịch thu được khối tài sản trị giá hơn 2,2 tỉ USD, trong đó có rất nhiều bất động sản, hơn 80 tài khoản ngân hàng và các phương tiện khác.

Lái siêu xe vận chuyển nội tạng cấp cứu

Quay trở lại với lịch sử của lực lượng Carabinieri, tính đến nay, lực lượng này đã tồn tại được 203 năm. Họ ra đời theo thể chế hoàng gia ngày 13-7-1814 dưới thời hoàng đế Vittorio Emanuele I, gần nửa thế kỷ trước khi thành lập Nhà nước Cộng hòa Italia hiện đại (1861).

Tên gọi Carabinieri xuất phát từ "carabina" - một loại súng họ được trang bị và thường mang bên mình. Ban đầu, Carabinieri chỉ làm việc đơn thuần như một lực lượng quân đội. Tuy nhiên, do xáo trộn lịch sử, lực lượng này đã được tách ra và từ năm 2000, Carabinieri được coi là một lực lượng Cảnh sát quốc gia tự chủ đặc biệt.

Khác với lực lượng cảnh sát thường trực Nhà nước Italia (Polizia), Carabinieri nhận nhiệm vụ quân sự từ Bộ Quốc phòng và các nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ an ninh trật tự xã hội từ Bộ Nội vụ. Lực lương Carabinieri cũng sở hữu một đơn vị đặc chủng là GIS - nổi tiếng với tài thiện xạ trên toàn thế giới. 

Với lịch sử hơn 200 năm tồn tại, không có gì ngạc nhiên khi các Carabinieri đã quá thuần thục với việc tuần tra trên lưng ngựa. Việc này vừa hỗ trợ các Carabinieri có cái nhìn bao quát về tình hình xung quanh để kịp thời xử lý, vừa tạo một dấu ấn rất "La Mã" trong lòng các du khách khi đến với Italia.

Hơn nữa, lực lượng cảnh sát quốc gia Carabinieri ở các thành phố lớn như Rome, Milan, Turin, Pisa còn sử dụng các dàn môtô phân khối lớn như Ducati Multistrada 1200 hay siêu xe Lotus Evora để tuần tra và sử dụng trong các nhiệm vụ can thiệp nhanh.

Đặc biệt, siêu xe Lotus Evora được lắp đặt hệ thống làm lạnh hiện đại, để vận chuyển nhanh các bộ phận nội tạng từ nhiều nơi khác nhau tới các bệnh viện lớn, hỗ trợ các ca cấp cứu và cấy ghép chuyên biệt cho bệnh nhân.

Các Carabinieri thường đùa với nhau rằng, trong sự nghiệp của mình, họ thường "lẻ bóng" vì hai lý do. Thứ nhất, Carabinieri là một lực lượng tập trung, ở cũng theo dạng tập trung và làm việc xa nhà. Hai là, họ phải phục vụ liên tục trong lực lượng ít nhất 8 năm, phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc rất hạn chế về hôn nhân.

Siêu xe Lotus Evora được sử dụng trong các trường hợp can thiệp nhanh.

Và đó cũng chính là lý do tại sao trên các tuyến xe lửa đường dài, bạn có thể sẽ bắt gặp một vài Carabinieri đang trở về thăm quê, mà vẫn vận nguyên bộ đồng phục danh dự. Được khoác lên mình bộ đồng phục ấy, họ đã phải trải qua vô số thử thách và các bài kiểm tra ngặt nghèo.

Anh Michele Lungo thuộc lực lượng Carabinieri tại Rome cho biết: "Tôi đã phục vụ trong lực lượng 17 năm và tôi thực sự hạnh phúc và tự hào với những gì mình đã và đang cống hiến. "Thật vậy, Carabinieri là niềm tự hào của người dân Italia bởi ở đâu có khó khăn, ở đó họ có mặt. Với dáng vóc cao lớn và sự trung thành tuyệt đối với Nhà nước, các Carabinieri luôn giúp đỡ người dân vô điều kiện. Lũ lụt, động đất ở những nơi vùng sâu vùng xa; bắt giữ tội phạm hay thực hiện nhiệm vụ quốc gia, lực lượng Carabinieri đều hết mình chiến đấu.

Linh Bùi
.
.
.