Cắt nghĩa bệnh Già

Thứ Năm, 06/08/2015, 08:39
Có lẽ vì mình hay viết về người già, nên ngay cả khi còn trẻ, nhiều người vẫn tưởng mình là nhà văn già. Bằng chứng là từ trước đến giờ, mình chưa từng được dự bất kỳ một hội nghị nhà văn trẻ nào. Tận đến hội nghị lần thứ 7 ở Hội An, mình mới được một đồng chí trong ban tổ chức mời, nhưng là mời đến để… chơi cho vui, để đánh đu với các em 7X, 8X. Lúc ấy già đáu rồi, bố bảo cũng chả dám vác mặt đến.

Thế quái nào mà ngay từ hồi còn khá trẻ (trên dưới ba mươi), mình đã khoái viết về những anh già. Nhân vật già, cũng giống như nhiều nhân vật khác trong truyện của mình, không có tên, chỉ được gọi là "lão". Một "lão" sống độc thân trong khu tập thể, cả đêm lo sốt vó vì trận bão có thể quật đổ cây bàng ngoài sân, đè bẹp căn phòng ọp ẹp của lão.

Một "lão" khác suốt ngày trò chuyện với con mèo cưng như trò chuyện với người, lo cả chuyện tìm vợ cho mèo (vì nó là con mèo đực). "Lão" khác bỏ cái làng chài dưới chân núi lên sống ở lưng chừng núi, có cái thú tiêu khiển lấy móng tay dài ngắt đôi con kiến để thấy cái đầu quay lại ngoạm cái bụng tha về tổ. Chơi chán, "lão" vạch quần đái vào tổ kiến.

Rồi cuối cùng, chết trong một đêm biển động, xác lão bị đàn kiến tha ra con đường mòn dẫn về làng… Truyện cuối cùng này kinh kinh. Giờ đọc lại mình vẫn thấy sởn cả người. Nhưng lúc in ra chỉ có duy nhất một bạn đọc… trân trọng ngả mũ! Mình nhớ đấy là một ông họa sĩ vẽ sơn mài độc thân vô danh, tình cờ gặp nhau ở nhà người quen.

Không ai tránh được tuổi già.

Mình không bôi bác người già. Không chống lại sự già. Viết về người già cũng không phải là cách tự trấn an nỗi sợ già, sợ chết. Ai mà chả đến lúc già? Trốn trời chẳng thoát già, trừ khi trời bắt tội chết yểu. Mình viết như thế cốt để "tập thể dục" cho cái sự nhìn, giữ cho đôi mắt luôn mạnh khỏe để gắng nhìn thấu đáo mọi nhẽ xem chính mình lúc già sẽ như thế nào.

Lường trước mọi điều may ra tránh được những bỡ ngỡ, những "bất cập" (mấy anh chị nhà báo bây giờ sính dùng từ này) khi mình già thật. Chẳng hạn, những cái bệnh như nói trước quên sau, nói với người này lại tưởng nói với người kia. Húp bát canh thì nước canh rớt xuống cằm. Chả cười chả khóc gì mà mắt cũng tự nhiên nhoèn ướt. Nói chuyện lúc hăng lên văng cả nước bọt.

Mà chả phải chỉ có văng nước bọt. Già còn hư đến mức một cái trung tiện cũng không kiểm soát được. Hồi trẻ ngồi giữa đám đông, buồn đánh rắm thì cố nhịn, nhịn không nổi mới chủ động âm thầm thả "quả bom nổ chậm". Chứ lúc già là nó tự động buột ra thành tiếng, thiên hạ chẳng cần "túng bủng tùng xòe" cũng biết đích danh thủ phạm để tha hồ lườm nguýt hay giả đò ngó lơ.

Anh H. hơn mình khoảng chục tuổi, tức là năm nay ngót nghét bảy mươi, chơi với mình khá thân. Tiếng là thân nhưng anh em ở xa nhau, chủ yếu chuyện trò với nhau qua điện thoại. Hôm vừa rồi mình có dịp ghé qua cái thị xã nơi anh ở, buổi sáng hẹn anh ra quán cà phê.Hai anh em ngồi với nhau suốt mấy tiếng đồng hồ. Anh H. nói nhiều và nói rất hăng. Từ chính trị đến văn chương, chuyện gì anh cũng có thể bàn, và đưa ra những ý kiến sắc sảo khiến mình bái phục. Chỉ đến lúc đứng dậy ra về, mình mới kịp giật mình…

Anh H. cứ loay hoay mãi với cái xe máy khi phải dắt nó từ trên hè phố xuống lòng đường. Khi đưa được nó xuống rồi, anh lại loay hoay thêm một lúc mới quay nổi đầu xe. Rồi lập cập vắt chân qua yên xe, lúng túng thế nào suýt đổ kềnh cả xe lẫn người. Mình vội vàng giơ tay ra đỡ.

Thấy mồ hôi anh toát ra ướt cả áo. Anh nổ máy chạy đi rồi, mình đứng nhìn theo, lặng đi hồi lâu. Không ngờ anh H. lại già yếu đi nhanh đến thế. Mươi năm nữa đến lượt mình, cũng lóng ngóng chân tay, đi đứng lẫm chẫm như anh H. bây giờ thì buồn nhỉ?

Khối anh già rất sợ về hưu. Đến tuổi hưu là tìm cách tránh né, trì hoãn, cù nhầy xin thêm một bậc lương, một cái quyết định lên chức. Có anh nhận quyết định hưu rồi còn lần lữa không chịu bàn giao. Mình biết một sếp kiên trì bám trụ như thế, tận đến lúc cậu văn thư cầm quyết định hưu lên phòng, thấy sếp ngồi trên ghế bành, đầu gục xuống bàn, bất động.

Cậu văn thư tá hỏa, vội vàng chạy đến, lay gọi thật lực sếp mới hồi lại. Hai mắt đờ đẫn, rãi chảy xuống mép, á khẩu, sếp không còn nhận ra mình đang ở chỗ nào. Vài ngày sau đám cán bộ ở cái cơ quan ấy truyền tai nhau: "ngài" cố tình tìm cách được "thăng" ở nhiệm sở, để cơ quan phải lập bàn thờ, hương khói cho "ngài" vĩnh viễn.

Anh T. là thi sĩ lừng danh từ thời chống Mỹ. Mình cũng dân viết lách nhưng thuộc lớp đàn em. Mấy lần hội họp đông người có mặt anh, mình chỉ dám đứng xa xa nhìn. Hôm vừa rồi dựa hơi người quen mới được vinh hạnh ngồi cùng mâm rượu. Trước khi vào bữa, anh rút tập thơ mới in ra ký tặng mọi người.

Lúc đưa sách cho mình, anh cười cười, giọng kẻ cả: "Mày chịu khó đọc thơ đi mày"?. Mình cũng cười cười, đưa cả hai tay ra nhận tập thơ: "Dạ, dạ, em xin đọc ngay, xin đọc ngay!". Miệng nói thế nhưng bụng nghĩ: Chắc gì bác đã đọc thơ nhiều bằng em? Rồi buổi chiều hôm ấy nằm một mình trong khách sạn, mình cẩn thận đọc hết tập thơ mới của anh T.

Biết nói thế nào bây giờ nhỉ? Bao nhiêu cái hồn nhiên, tài hoa thời còn trẻ của anh biến đâu mất cả? Giờ thấy toàn ý tứ vặn vẹo, chữ nghĩa vặn vẹo, đọc xong không thấy mỏi đầu mà thấy mỏi hàm. Đọc thơ anh, mình lại nghĩ đến những con sóng ở ngoài Bãi Sau lúc triều xuống - những con sóng vẫn cố nhoài vào bờ, giống như những thi sĩ hết hơi cố nhoài vào thơ, càng cố nhoài vào gần thì càng bị rút ra xa hơn nữa.

Nhiều nhà văn cặm cụi viết, cặm cụi đi mãi một con đường đã trở nên quá quen thuộc mà không hề biết giật mình. Thế là già từ khi nào mà không tự biết.

Lại có cả những anh đã tắc tị từ lâu, giờ chỉ ngồi hưởng lộc của quá khứ, lâu lâu lôi tác phẩm cũ ra sửa lại vài câu rồi cho tái bản, sợ thiên hạ quên mặt quên tên thì chịu khó xuất hiện ở hội thảo này diễn đàn kia… Thế là bệnh già đã đổ đốn ra đến mức lờn hết thuốc.

Nhà văn Trần Đức Tiến
.
.
.